Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 02/2015/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 22 tháng 01 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG CÔNG TÁC THU HỒI ĐẤT, BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ KHI TRIỂN KHAI DỰ ÁN ĐẦU TƯ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 14/12/2004;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013;

Căn cứ Pháp lệnh số 34/2007/PL/UBTVQH ngày 20/4/2007 của Ủy ban thường vụ Quốc hội khóa XI về thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn;

Căn cứ Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;

Căn cứ Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ Quy định về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất;

Căn cứ Thông tư số 37/2014/TT-BTNMT ngày 30/6/2014 của Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất;

Xét đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 528/TTr-TNMT ngày 27/12/2014 và Báo cáo thẩm định số 318/BC-STP ngày 22/12/2014 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc thực hiện dân chủ trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi triển khai dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Điều 2. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thành phố và các Sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn, tổ chức thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng, UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 25/2013/QĐ-UBND ngày 03/6/2013 của UBND tỉnh Kon Tum về việc ban hành quy định thực hiện dân chủ trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi triển khai dự án đầu tư./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Tài nguyên và Môi trường;
- Cục kiểm tra văn bản QPPL (Bộ Tư pháp);
- TT Tỉnh ủy;
- TTHĐND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Đoàn ĐBQH tỉnh;
- Ban Dân vận Tỉnh ủy;
- BCĐ XD và thực hiện QCDC ở cơ sở;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Các Huyện ủy, Thành ủy;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Chi cục Văn thư - Lưu trữ tỉnh;
- Báo Kon Tum;
- Công báo tỉnh, Cổng thông tin điện tử;
- Lưu VT - KTN 4.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Hùng

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC THỰC HIỆN DÂN CHỦ TRONG CÔNG TÁC THU HỒI ĐẤT, BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ KHI TRIỂN KHAI DỰ ÁN ĐẦU TƯ
(kèm theo Quyết định số 02/2015/QĐ-UBND ngày 22/01/2015 của UBND tỉnh)

I. NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

1. Quy định này áp dụng đối với trường hợp thu hồi đất giao đất, cho thuê đất để thực hiện các dự án vì mục đích quốc phòng, an ninh; để phát triển kinh tế xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng theo quy định tại Điều 61, 62 Luật đất đai năm 2013 có một hoặc tất cả các nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và tạo việc làm cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có đất bị thu hồi trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

2. Quy định này không áp dụng cho các trường hợp thu hồi đất quy định Điều 64, 65 Luật Đất đai năm 2013.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Ủy ban nhân dân các cấp.

2. Chủ đầu tư thực hiện dự án mà phải thu hồi đất.

3. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng gồm: Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, Tổ chức phát triển quỹ đất.

4. Người sử dụng đất theo quy định tại Điều 5 Luật Đất đai năm 2013 có đất bị thu hồi.

II. NỘI DUNG CÁC BƯỚC THỰC HIỆN DÂN CHỦ

Điều 3. Kế hoạch thu hồi đất và thông báo thu hồi đất

1. Căn cứ dự án thuộc trường hợp thu hồi đất quy định tại Điều 61 và Điều 62 Luật Đất đai 2013, Kế hoạch sử dụng đất hàng năm của cấp huyện đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt, tiến độ sử dụng đất thực hiện dự án, Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm và thông báo thu hồi đất.

2. Nội dung kế hoạch thu hồi đất và thông báo thu hồi đất: Theo quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

3. Thông báo thu hồi đất phải gửi đến từng người có đất bị thu hồi, họp phổ biến đến người dân trong khu vực có đất thu hồi và thông báo trên phương tiện thông tin đại chúng, niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất bị thu hồi. Đồng thời gửi thông báo thu hồi đất đến chủ đầu tư dự án, tổ chức thực hiện công tác bồi thường giải phóng mặt bằng; Ban Dân vận, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ủy ban nhân dân các cấp nơi có đất bị thu hồi và các đơn vị khác có liên quan để có cơ sở thực hiện.

4. Thời gian thông báo thu hồi đất: Thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 67 Luật Đất đai năm 2013.

Điều 4. Thực hiện điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm tài sản gắn liền với đất.

1. Chủ đầu tư dự án, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm tài sản gắn liền với đất đã được Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc Ủy ban nhân dân huyện phê duyệt.

2. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng làm việc trực tiếp với người bị thu hồi đất để xác định ranh giới sử dụng đất làm cơ sở đo đạc và kiểm đếm tài sản gắn liền với đất bị thiệt hại và lập thành biên bản.

3. Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng triển khai thực hiện kế hoạch thu hồi đất, điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm;

4. Người sử dụng đất có trách nhiệm phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc xác định diện tích đất, thống kê tài sản khác gắn liền với đất để lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư;

5. Trường hợp người sử dụng đất trong khu vực có đất thu hồi không phối hợp với tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng để điều tra, khảo sát, đo đạc, kiểm đếm tài sản gắn liền với đất thì tiến hành thực hiện các thủ tục có liên quan theo quy định tại điểm d Khoản 1 Điều 69 Luật Đất đai năm 2013.

Điều 5. Công khai phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

1. Nội dung phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phải được công khai gồm:

a. Họ và tên, địa chỉ của người có đất thu hồi;

b. Diện tích, loại đất, vị trí, nguồn gốc của đất thu hồi; số lượng, khối lượng, giá trị hiện có của tài sản gắn liền với đất bị thiệt hại;

c. Các căn cứ tính toán số tiền bồi thường, hỗ trợ như: Giá đất, giá nhà, công trình tính bồi thường, số nhân khẩu, số lao động trong độ tuổi, số lượng người được hưởng trợ cấp xã hội...;

d. Số tiền bồi thường, hỗ trợ;

đ. Chi phí lập và tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng;

e. Việc bố trí tái định cư;

f. Việc di dời các công trình của nhà nước, của tổ chức, của cơ sở tôn giáo, của cộng đồng dân cư;

g. Việc di dời mồ mả.

h. Giá đất cụ thể để thực hiện bồi thường khi thu hồi đất thực hiện dự án đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

2. Hình thức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư:

a. Tổng hợp các nội dung quy định tại Khoản 1 Điều 5 của quy định này, số tiền bồi thường và thông tin về tái định cư theo từng người có đất bị thu hồi gửi đến người có đất bị thu hồi.

b. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lập phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất bị thu hồi tổ chức lấy ý kiến về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư theo hình thức tổ chức họp trực tiếp với người dân có đất trong khu vực bị thu hồi, đồng thời niêm yết công khai phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi.

c. Việc tổ chức lấy ý kiến phải được lập thành biên bản có xác nhận của đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã, đại diện thôn, tổ dân phố, đại diện những người có đất thu hồi.

d. Thời gian niêm yết công khai và tiếp nhận ý kiến đóng góp ít nhất là hai mươi (20) ngày, kể từ ngày đưa ra niêm yết.

3. Hoàn chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư:

a. Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản, ghi rõ số lượng ý kiến đồng ý, số lượng ý kiến không đồng ý, số lượng ý kiến khác đối với phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi tổ chức đối thoại đối với trường hợp còn có ý kiến không đồng ý về phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư; hoàn chỉnh phương án trình cơ quan cơ quan tài nguyên và môi trường để thẩm định;

b. Trường hợp sau khi tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng đã giải thích, thuyết phục nhưng người bị thu hồi đất vẫn không chấp thuận đối với kết quả bồi thường, hỗ trợ và không thể điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thì tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm lấy ý kiến của cơ quan có thẩm quyền thẩm định để xử lý trước khi trình phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đến cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt phương án.

4. Cơ quan tài nguyên và môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư và chuẩn bị hồ sơ thu hồi đất theo quy định sau:

a. Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với dự án phải thực hiện thu hồi thuộc thẩm quyền thu hồi đất tại Khoản 1 Điều 66 Luật Đất đai năm 2013 và chuẩn bị hồ sơ thu hồi đất trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh ra quyết định thu hồi đất;

b. Phòng Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với dự án phải thực hiện thu hồi đất thuộc thẩm quyền thu hồi đất tại Khoản 2 và Khoản 3 Điều 66 Luật Đất đai năm 2013 và chuẩn bị hồ sơ thu hồi đất trình Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thu hồi đất.

5. Thu hồi đất và phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

a. Trong thời hạn không quá năm (05) ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đề nghị thu hồi đất và hồ sơ đề nghị phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư được thẩm định, cơ quan Tài nguyên và Môi trường quy định tại Khoản 4 Điều 5 Quy định này trình Ủy ban nhân dân cùng cấp ban hành quyết định thu hồi đất và quyết định phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư trong cùng một ngày.

b. Quyết định thu hồi đất phải được gửi đến người có đất bị thu hồi.

6. Thông báo kết quả phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

a. Trong thời hạn không quá ba (03) ngày làm việc, kể từ ngày nhận được phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được phê duyệt, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và địa điểm sinh hoạt khu dân cư nơi có đất bị thu hồi; gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người có đất bị thu hồi, trong đó nêu rõ về mức bồi thường, hỗ trợ, về bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có), thời gian, địa điểm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và thời gian bàn giao đất đã bị thu hồi cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

b. Trường hợp điều chỉnh phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt thì các bước thực hiện dân chủ phải thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 2, 3, 4, 5 và điểm a Khoản 6 của điều này.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 6. Xử lý các trường hợp chuyển tiếp.

Đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư trước ngày Quyết định này có hiệu lực thì thực hiện dân chủ trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định tại Quyết định số 25/2013/QĐ-UBND ngày 03/6/2013 của UBND tỉnh.

Điều 7. Trách nhiệm của chủ dự án và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Chủ dự án và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng trực tiếp tổ chức thực hiện các bước dân chủ trong công tác thu hồi, bồi thường hỗ trợ và tái định cư.

Quá trình thực hiện dân chủ cơ sở chủ đầu tư dự án và tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phải phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương; Ban dân vận Huyện ủy, Thành ủy; Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể cấp xã nơi có đất bị thu hồi.

Các bước thực hiện dân chủ phải báo cáo đến Ban Dân vận Tỉnh ủy đối với trường hợp quyết định thu hồi đất do Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện; Báo cáo đến Ban Dân vận Huyện ủy, Thành ủy đối với trường hợp quyết định thu hồi đất do Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thực hiện để theo dõi và giám sát.

Điều 8. Trách nhiệm của các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân huyện, thành phố; Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

1. Đề nghị Ban Dân vận Tỉnh ủy, Ban Dân vận Huyện ủy, Thành ủy: Theo dõi, giám sát việc thực hiện dân chủ, phối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện và xác nhận kết quả thực hiện dân chủ theo quy định này làm cơ sở để thực hiện các bước tiếp theo.

2. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp: Theo dõi, giám sát việc thực hiện dân chủ, phối hợp với chính quyền địa phương để giải quyết những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện và vận động nhân dân thực dân chủ theo quy định này.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường, Phòng Tài nguyên và Môi trường các huyện, thành phố thực hiện thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư khi chủ đầu tư dự án đã thực hiện đầy đủ các bước dân chủ trong công tác thu hồi, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi triển khai dự án đầu tư và có xác nhận của Ban Dân vận cấp ủy cùng cấp.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Chỉ đạo tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng; Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn thực hiện dân chủ và tổ chức thực hiện theo thẩm quyền.

5. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn: Phối hợp với chủ đầu tư dự án, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức thực hiện các bước dân chủ theo quy định này.

6. Sở Tài nguyên và Môi trường phối hợp với Ban Dân vận Tỉnh ủy và các Sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chỉ đạo triển khai thực hiện Quy định này.

7. Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có khó khăn vướng mắc, các tổ chức, cá nhân phản ánh về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) để xem xét.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 02/2015/QĐ-UBND Quy định về thực hiện dân chủ trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi triển khai dự án đầu tư trên địa bàn tỉnh Kon Tum

  • Số hiệu: 02/2015/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 22/01/2015
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kon Tum
  • Người ký: Nguyễn Văn Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/02/2015
  • Tình trạng hiệu lực: Đã biết
Tải văn bản