Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HÓA – THÔNG TIN
---------

Số: 02/2007/QĐ-BVHTT

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
-----------

Hà Nội, ngày 06 tháng 02 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC THI SÁNG TÁC TRANH CỔ ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG TRANH CỔ ĐỘNG ĐỂ TUYÊN TRUYỀN

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA – THÔNG TIN

Căn cứ Nghị định số 63/2003/NĐ-CP ngày 11 tháng 6 năm 2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa - Thông tin;
Theo đề nghị của Cục trưởng Cục Văn hóa - thông tin cơ sở,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức thi sáng tác tranh cổ động và sử dụng tranh cổ động tuyên truyền.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực  thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

Điều 3. Chánh Văn phòng, Cục trưởng Cục Văn hóa – Thông tin cơ sở, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Bộ, Giám đốc Sở Văn hóa – Thông tin các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. BỘ TRƯỞNG
Thứ Trưởng




Đinh Quang Ngữ

 

QUY CHẾ

TỔ CHỨC THI SÁNG TÁC TRANH CỔ ĐỘNG VÀ SỬ DỤNG TRANH CỔ ĐỘNG ĐỂ TUYÊN TRUYỀN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 02/2007/QĐ-BVHTT ngày 06 tháng 02 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này điều chỉnh hoạt động tổ chức thi sáng tác tranh cổ động trên phạm vi toàn quốc, khu vực (sau đây gọi là toàn quốc), trên phạm vi cấp tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là cấp tỉnh) và sử dụng tranh cổ động để tuyên truyền.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Cơ quan, tổ chức, đơn vị (sau đây gọi là đơn vị) tổ chức thi sáng tác tranh cổ động; đơn vị, cá nhân sử dụng tranh cổ động để tuyên truyền trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

2. Tập thể, cá nhân (sau đây gọi là tác giả) tham gia thi sáng tác tranh cổ động.

3. Cơ quan quản lý nhà nước ngành văn hóa – thông tin.

Điều 3. Nguyên tắc tổ chức

Các đơn vị khi tổ chức thi sáng tác tranh cổ động và sử dụng tranh cổ động để tuyên truyền phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; các quy định pháp luật trong lĩnh vực văn hóa – thông tin; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Điều 4. Giải thích từ ngữ

1. Tranh cổ động là tranh đồ họa, sử dụng màu sắc, đường nét và chữ nhằm định hướng nhận thức, suy nghĩ và hành động của mọi người đối với sự kiện, hoạt động xã hội xảy ra trong một thời điểm nhất định.

2. Tranh cổ động quy định tại Quy chế này là tranh cổ động được sử dụng không nhằm mục đích kinh doanh.

3. Sử dụng tranh cổ động để tuyên truyền là tổ chức triển lãm, sao phóng, trưng bày tranh cổ động tại các địa điểm công cộng; phổ biến bằng trang điện tử trên Internet; in, phát hành tranh cổ động trên xuất bản phẩm.

4. Phổ biến tranh cổ động bằng trang tin điện tử trên Internet là hình thức đưa tranh cổ động để tuyên truyền trên hệ thống mạng thông tin điện tử.

5. Sao, phóng tranh cổ động là việc phóng to hoặc thu nhỏ tranh cổ động gồm: kẻ vẽ bằng tay hoặc in trên mọi chất liệu.

Chương 2:

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Thi sáng tác tranh cổ động

Đơn vị tổ chức thi sáng tác tranh cổ động phải được cơ quan quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực chủ quản cấp trên của đơn vị đó đồng ý bằng văn bản, có quyết định thành lập Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Ban Tư vấn, Ban Thư ký và thể lệ cuộc thi.

Điều 6. Ban Tổ chức

1. Thành phần:

Ban Tổ chức cuộc thi do đơn vị tổ chức thi sáng tác tranh cổ động đề xuất thành lập và được cơ quan quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực chủ quản cấp trên phê duyệt.

2. Trách nhiệm:

a) Chịu trách nhiệm tổ chức thi sáng tác tranh cổ động trước cơ quan quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực chủ quản cấp trên đúng quy định;

b) Ban hành thể lệ cuộc thi; tạo điều kiện để các tác giả tham gia dự thi và Ban Giám khảo, Ban Tư vấn thẩm định tranh cổ động hoạt động theo đúng tiêu chí, quy trình, thể lệ cuộc thi;

c) Tiếp nhận những ý kiến đề xuất của Ban Giám khảo, Ban Tư vấn, tác giả… và đề xuất biện pháp giải quyết vướng mắc kịp thời trong phạm vi thẩm quyền;

d) Quyết định kết quả cuộc thi trên cơ sở thẩm định, xét duyệt của Ban Giám khảo và Ban Tư vấn.

Điều 7. Ban Giám khảo

1. Thành phần:

a) Ban Giám khảo cuộc thi toàn quốc gồm các thành viên là đại diện của: Vụ Mỹ thuật và Nhiếp ảnh, Hội Mỹ thuật Việt Nam và các họa sỹ chuyên ngành Đồ họa được Hội Mỹ thuật Việt Nam giới thiệu. Số thành viên Ban Giám khảo là số lẻ, ít nhất có từ 07 thành viên trở lên, trong đó 2/3 số thành viên là họa sỹ chuyên ngành Đồ họa.

b) Ban Giám khảo cuộc thi cấp tỉnh gồm các thành viên là đại diện của: Sở Văn hóa – Thông tin, Hội Văn học - Nghệ thuật, các họa sỹ chuyên ngành Đồ họa hoặc Hội họa trong tỉnh được Chi hội Mỹ thuật giới thiệu. Số thành viên Ban Giám khảo là số lẻ, ít nhất có từ 05 thành viên trở lên, trong đó 2/3 số thành viên là họa sỹ chuyên ngành Đồ họa (được mời các họa sỹ chuyên ngành Đồ họa Trung ương hoặc hội viên chuyên ngành Đồ họa Hội Mỹ thuật Việt Nam tỉnh lân cận tham gia Ban Giám khảo trong trường hợp thiếu thành viên chuyên ngành Đồ họa).

2. Trách nhiệm:

a) Thẩm định tranh cổ động theo nguyên tắc bình đẳng, dân chủ giữa các thành viên. Quyết định của Ban Giám khảo được biểu quyết bằng hình thức bỏ phiếu kín hoặc phiếu chấm điểm;

b) Chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định chất lượng mỹ thuật, nội dung thể hiện trên từng tác phẩm, xét chọn giải thưởng, kiến nghị khen thưởng;

c) Phát hiện, đề xuất giải pháp để Ban Tổ chức giải quyết các trường hợp vi phạm thể lệ cuộc thi, về bản quyền tác giả và quyền liên quan, các vấn đề khác liên quan đến tác phẩm dự thi.

Điều 8. Ban Tư vấn

1. Thành phần:

a) Ban Tư vấn cuộc thi toàn quốc gồm các thành viên là đại diện của: Vụ Tuyên truyền (Ban Tư tưởng – Văn hóa Trung ương), Cục Văn hóa – Thông tin cơ sở (Bộ Văn hóa - Thông tin) và của cơ quan quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực liên quan đến chủ đề, nội dung cuộc thi. Số thành viên Ban Tư vấn ít nhất có từ 04 thành viên  trở lên.

b) Ban Tư vấn cuộc thi cấp tỉnh gồm các thành viên là đại diện của: Ban Tuyên giáo và Sở Văn hóa – Thông tin và thành viên cơ quan quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực liên quan đến chủ đề, nội dung cuộc thi. Số thành viên Ban Tư vấn ít nhất có từ 03 thành viên trở lên.

2. Trách nhiệm:

a) Tư vấn cho Ban Giám khảo, Ban Tổ chức cuộc thi về việc các tác phẩm dự thi thể hiện nội dung, chủ đề tư tưởng, định hướng nghệ thuật theo đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng, pháp luật của Nhà nước, theo đúng yêu cầu nghiệp vụ chuyên môn.

b) Mỗi thành viên Ban Tư vấn có trách nhiệm tư vấn theo chuyên môn nghiệp vụ của mình và chịu trách nhiệm về các vấn đề đã tư vấn.

Điều 9. Ban Thư ký

1. Thành phần: Ban Thư ký cuộc thi do Ban Tổ chức thi sáng tác tranh cổ động đề xuất thành lập. Số thành viên Ban Thư ký ít nhất có từ 02 thành viên trở lên.

2. Trách nhiệm: Chịu trách nhiệm tổng hợp, ghi chép đầy đủ, chính xác toàn bộ quá trình tổ chức thực hiện của Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Ban Tư vấn và các tác giả đối với cuộc thi sáng tác tranh cổ động trước cơ quan quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực chủ quản cấp trên đúng quy định.

Điều 10. Thể lệ cuộc thi: Bao gồm các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục đích, ý nghĩa của cuộc thi.

2. Đối tượng tham gia: quy định thành phần, độ tuổi được tham gia dự thi.

Thành viên của đơn vị tổ chức cuộc thi gồm; Ban Tổ chức, Ban Giám khảo, Ban Tư vấn và Ban Thư ký không được tham gia dự thi.

3. Yêu cầu tác phẩm dự thi: thể hiện chủ đề, nội dung; hình thức, quy cách trình bày, chất liệu sáng tác.

4. Các giải thưởng, mức thưởng và các hình thức khen thưởng khác do Ban Tổ chức quy định, được cơ quan quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực chủ quản cấp trên phê duyệt.

5. Điều kiện dự thi: Tác phẩm tham gia dự thi chưa được phổ biến dưới bất cứ hình thức nào; nêu rõ các hình thức thu hồi giải thưởng khi có phát hiện vi phạm quyền tác giả và quyền liên quan theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ, vi phạm thể lệ cuộc thi;

6. Nêu tên chủ sở hữu quyền tác giả và quyền liên quan và việc sử dụng tác phẩm tuyên truyền theo pháp luật và thể lệ cuộc thi gồm:

a) Quyền tác giả của những người có tác phẩm tham gia cuộc thi;

b) Quyền hạn, hình thức, phạm vi, chủ sở hữu quyền tác giả, thời gian sử dụng của đơn vị tổ chức cuộc thi đối với các tác phẩm đạt giải;

c) Quyền lợi tinh thần và vật chất đối với tác giả có tác phẩm được tuyển chọn sử dụng để phục vụ công tác tuyên truyền;

d) Nêu rõ việc tác giả đồng ý cho phép chỉnh sửa tác phẩm để phục vụ công tác tuyên truyền gồm: Quyền hạn, hình thức, phạm vi, thời gian sử dụng.

e) Nêu rõ quyền của đơn vị, cá nhân đầu tư tài chính và các điều kiện vật chất khác (nếu có) cho việc tổ chức cuộc thi, giải thưởng và sử dụng tác phẩm của cuộc thi.

7. Trách nhiệm của tác giả tham gia dự thi:

a) Thực hiện đúng thể lệ cuộc thi;

b) Chịu trách nhiệm về quyền tác giả và quyền liên quan theo quy định của pháp luật.

8. Các thông tin cần thiết kèm theo tác phẩm dự thi bao gồm các nội dung: Họ và tên tác giả, giới tính, năm sinh, địa chỉ, số chứng minh nhân dân, số điện thoại (nếu có), chữ ký của tác giả.

Việc sử dụng một phần hay toàn bộ tư liệu của một hoặc nhiều người khác đưa vào tác phẩm dự thi phải được chủ sở hữu quyền tác giả của tư liệu đó đồng ý và ký vào văn bản hợp lệ, gửi kèm theo tác phẩm dự thi;

9. Thời hạn cuộc thi, địa chỉ nhận tác phẩm và số điện thoại của Ban tổ chức để trao đổi khi cần thiết.

Điều 11. Hợp đồng sáng tác tranh cổ động

Khi cần tranh cổ động để kịp thời tuyên truyền mà không tổ chức thi sáng tác tranh cổ động, đơn vị tổ chức phải ký với tác giả hợp đồng giao kết sáng tác tranh cổ động phù hợp với quy định của pháp luật.

Điều 12. Sử dụng tranh cổ động để tuyên truyền

1. Đơn vị, cá nhân tổ chức triển lãm, sao phóng, trưng bày tranh cổ động để tuyên truyền tại các địa điểm công cộng phải tuân thủ các quy định pháp luật trong lĩnh vực văn hóa – thông tin; được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực chủ quản cấp trên của đơn vị, cá nhân đó và cơ quan quản lý nhà nước ngành văn hóa – thông tin quản lý địa bàn.

2. Đơn vị, cá nhân phổ biến tranh cổ động bằng trang tin điện tử trên Internet phải được sự đồng ý bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước ngành, lĩnh vực chủ quản cấp trên của đơn vị, cá nhân đó.

3. Đơn vị, cá nhân in, phát hành tranh cổ động trên xuất bản phẩm:

a) Phải có giấy phép xuất bản của cơ quan quản lý nhà nước ngành văn hóa – thông tin;

b) Tranh cổ động được in tờ rời để treo, dán ở các địa điểm công cộng phải chấp hành các quy định của Luật Xuất bản; những quy định về trình bày xuất bản phẩm: họ tên tác giả (đồng tác giả; tác giả có tư liệu được sử dụng để phóng tác tranh cổ động), tên đơn vị phát hành, số lượng bản in, số giấy phép, nơi in, thời hạn nộp lưu chiểu.

c) Đơn vị, cá nhân in, phát hành tranh cổ động trên xuất bản phẩm trả nhuận bút cho tác giả theo quy định hiện hành.

Chương 3:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Cơ quan quản lý nhà nước

1. Bộ Văn hóa - Thông tin thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các đơn vị tổ chức thi sáng tác, hợp đồng sáng tác và sử dụng tranh cổ động để tuyên truyền quy mô toàn quốc.

2. Sở Văn hóa – Thông tin thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với các đơn vị tổ chức thi sáng tác, hợp đồng sáng tác và sử dụng tranh cổ động để tuyên truyền quy mô cấp tỉnh.

Điều 14. Trách nhiệm thi hành

1. Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp với Bộ Văn hóa - Thông tin thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thi sáng tác, hợp đồng sáng tác và sử dụng tranh cổ động để tuyên truyền.

2. Người đứng đầu đơn vị tổ chức thi sáng tác, hợp đồng sáng tác và sử dụng tranh cổ động để tuyên truyền có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định tại Điều 13 Quy chế này, ít nhất 15 ngày trước khi tổ chức thi sáng tác, hợp đồng sáng tác và sử dụng tranh cổ động để tuyên truyền.

Điều 15. Thanh tra, kiểm tra và xử lý vi phạm

1. Đơn vị, cá nhân liên quan đến việc tổ chức thi sáng tác, hợp đồng sáng tác và sử dụng tranh cổ động để tuyên truyền, có trách nhiệm thực hiện nghiêm các quy định tại Quy chế này và chấp hành các yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền trong việc thanh tra, kiểm tra theo quy định của pháp luật.

2. Cục Văn hóa -  Thông tin cơ sở phối hợp với Thanh tra Bộ Văn hóa - Thông tin, Cục Bản quyền tác giả Văn học - Nghệ thuật, Cục Xuất bản và các ngành, cơ quan liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong tổ chức thi sáng tác, hợp đồng sáng tác và sử dụng tranh cổ động để tuyên truyền trên phạm vi toàn quốc.

Sở Văn hóa – Thông tin chủ trì phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm trong tổ chức  thi sáng tác, hợp đồng sáng tác và sử dụng tranh cổ động để tuyên truyền trên phạm vi cấp tỉnh.

3. Mọi hành vi vi phạm đều bị xử phạt theo đúng các quy định của pháp luật.

Trong quá trình triển khai nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị, cá nhân phản ánh về Cục Văn hóa – Thông tin cơ sở để báo cáo Bộ Văn hóa - Thông tin sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 02/2007/QĐ-BVHTT về Quy chế tổ chức thi sáng tác tranh cổ động và sử dụng tranh cổ động để tuyên truyền do Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thông tin ban hành

  • Số hiệu: 02/2007/QĐ-BVHTT
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 06/02/2007
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá-Thông tin
  • Người ký: Đinh Quang Ngữ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 101 đến số 102
  • Ngày hiệu lực: 08/03/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản