Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 01/2010/QĐ-UBND | Hải Dương, ngày 13 tháng 01 năm 2010 |
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VIỆC SỬ DỤNG CHUNG CỘT ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Nghị định số 106/2005/NĐ-CP ngày 17 tháng 8 năm 2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Điện lực;
Căn cứ Quy định về kỹ thuật an toàn lưới điện hạ áp nông thôn ban hành kèm theo Quyết định số 34/2006/QĐ-BCN ngày 13 tháng 9 năm 2006 của Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (nay là Bộ Công Thương) và các Quy trình quy phạm điện hiện hành;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 48/TTR-SCT ngày 16 tháng 12 năm 2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH |
VIỆC SỬ DỤNG CHUNG CỘT ĐIỆN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẢI DƯƠNG
(Ban hành theo Quyết định số 01/2010/QĐ-UBND ngày 13 tháng 01 năm 2010 của UBND tỉnh)
Điều 1. Phạm vi và đối tượng áp dụng
1. Quy định này quy định trình tự thủ tục lắp đặt, quản lý sử dụng các tuyến dây Viễn thông, Thông tin liên lạc, Truyền hình cáp, mạng Internet, tuyến dây và thiết bị chiếu sáng … lắp đặt chung trên cột điện tại các khu vực có hạ tầng kỹ thuật hiện tại chưa có điều kiện ngầm hóa, nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng cột điện, đảm bảo tính kinh tế, kỹ thuật trong việc đầu tư xây dựng, đồng thời đảm bảo an toàn cho công tác quản lý vận hành và mỹ quan đô thị.
2. Đơn vị có cột điện; Đơn vị sử dụng chung cột điện và các tổ chức cá nhân có liên quan áp dụng quy định này.
Trong quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Cột điện bao gồm các cột điện bằng kim loại, cột bê tông vuông, bê tông li tâm có độ cao từ 6,5 m trở lên, phía trên cột đã được lắp dây dẫn điện và các phụ kiện để truyền tải điện năng có điện áp 35KV.
2. Các Đơn vị có cột điện là các đơn vị điện lực, các đơn vị chiếu sáng công cộng và các đơn vị khác đang quản lý khai thác cột điện trên địa bàn tỉnh.
3. Các Đơn vị sử dụng chung cột điện là các đơn vị có tuyến dây và thiết bị phụ kiện lắp đặt chung trên cột điện (trừ đơn vị có cột điện) bao gồm: Các đơn vị hoạt động Điện lực, Viễn thông, Thông tin liên lạc, Truyền thanh, Truyền hình, Chiếu sáng công cộng …
4. Hệ thống khác trên cột điện: Bao gồm các tuyến dây, phụ kiện không phải là tuyến dây, phụ kiện của các Đơn vị có cột điện.
QUY ĐỊNH TRÌNH TỰ THỦ TỤC, LẮP ĐẶT VÀ QUẢN LÝ VẬN HÀNH CÁC ĐƯỜNG DÂY ĐI CHUNG TRÊN CỘT ĐIỆN
Điều 3. Một số nguyên tắc quy định khi sử dụng chung cột điện
1. Các đơn vị thuộc chuyên ngành sau đây được tham gia sử dụng chung cột điện.
a. Điện lực
b. Viễn thông, Thông tin Quân đội, Công an.
c. Truyền hình cáp, Internet.
d. Chiếu sáng công cộng.
e. Các ngành khác khi được cấp có thẩm quyền cho phép.
2. Đối với khu vực thành phố Hải Dương, việc dựng mới hệ thống cột, đường dây trên không thuộc hệ thống khác phải được sự thỏa thuận của UBND thành phố, chỉ được thực hiện đối với các tuyến chưa có cột điện, chưa có hệ thống hào tuy nen ngầm hoặc do điều kiện kỹ thuật không thể hạ ngầm. Trong trường hợp một trong các bên cần cải tạo, UBND thành phố chủ trì, phối hợp với các bên thực hiện kế hoạch ngầm hóa hệ thống hạ tầng đi chung theo quy định.
Khuyến khích các đơn vị sử dụng chung cột điện đã có sẵn nếu đủ điều kiện cho phép.
Đối với hệ thống cột, đường dây đã tồn tại trước khi có quy định này, khi các đơn vị tiến hành sửa chữa cải tạo phải xem xét di chuyển lắp đặt vào cột điện gần nhất và tiến hành tháo dỡ cột không sử dụng để đảm bảo thông thoáng hè phố và an toàn giao thông.
2. Các Đơn vị sử dụng chung cột điện phải cam kết tuân thủ các quy định hiện hành về kỹ thuật an toàn ngành điện và các quy định khác thể hiện trong thỏa thuận với bên có cột điện.
3. Khi phải di dời cột điện để giải phóng mặt bằng theo quyết định thu hồi đất của Nhà nước, các đơn vị sử dụng chung cột điện phải chấp hành tiến độ tháo dỡ hệ thống của mình theo tiến độ mà chủ dự án đã thống nhất với đơn vị có cột điện.
4. Đơn vị sử dụng chung cột điện có đầy đủ quyền và nghĩa vụ đối với hệ thống của mình trên cột điện sử dụng chung trong việc quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng và thực hiện thu hồi thay thế theo quy định, đồng thời tự chịu trách nhiệm về an toàn hệ thống của đơn vị mình trên đường dây đi chung trước pháp luật.
Trong trường hợp có sự cố gây thiệt hại hoặc hư hỏng tới đường dây và thiết bị của đơn vị khác đi chung cột điện thì đơn vị gây sự cố phải bồi thường.
5. Đơn vị có cột điện chịu trách nhiệm trước UBND các cấp, trước pháp luật về công tác quản lý, vận hành an toàn các cột điện sử dụng chung.
Điều 4. Trình tự thủ tục lắp đặt
1. Các đơn vị có nhu cầu sử dụng chung cột điện phải có văn bản đề nghị xin sử dụng chung cột điện và hồ sơ thiết kế bao gồm thuyết minh, bản vẽ và được cơ quan chủ quản quyết định đầu tư phê duyệt gửi đơn vị có cột điện.
Trong phạm vi 7 ngày làm việc, đơn vị có cột điện xem xét và có ý kiến trả lời bằng văn bản: trường hợp đồng ý, hai bên sẽ ký kết hợp đồng kinh tế theo quy định của pháp luật và các quy định khác trong quy định này.
Trong trường hợp đặc biệt, theo yêu cầu của các đơn vị Công an, Quân đội hoặc của cấp có thẩm quyền đề nghị được lắp đặt dây và thiết bị lên cột điện khẩn cấp phục vụ cho an ninh quốc phòng hoặc lắp tạm thời phục vụ cho hội nghị, lễ hội chỉ cần có văn bản đề nghị gửi đơn vị có cột điện, hai bên kiểm tra thống nhất cho phép vừa thực hiện vừa hoàn thiện hồ sơ thủ tục theo quy định.
2. Việc thỏa thuận giữa đơn vị có cột điện và đơn vị có nhu cầu sử dụng chung cột điện trên tinh thần bình đẳng, hợp tác hai bên cùng có lợi và tuân thủ các quy định hiện hành. Đơn vị có cột điện phải tạo điều kiện tốt nhất cho đơn vị đi thuê sử dụng chung cột điện, trên cơ sở đơn giản hóa các thủ tục, không gây phiền hà, sách nhiễu.
Trong trường hợp có phát sinh vướng mắc mà hai bên không tự giải quyết được các bên báo cáo Sở Công thương chủ trì phối hợp với Thông tin & truyền thông và các sở ngành liên quan xem xét giải quyết, trường hợp một trong hai bên vẫn chưa thống nhất, Sở Công thương báo cáo UBND tỉnh xem xét quyết định.
3. Đơn vị có cột điện được quyền từ chối thỏa thuận việc xây dựng phát triển lắp đặt hệ thống khác trên cột điện trong trường hợp đơn vị có nhu cầu sử dụng chung cột điện có hồ sơ thiết kế không đảm bảo tiêu chuẩn kỹ thuật và các quy định hiện hành. Đồng thời có quyền yêu cầu lập biên bản dừng thi công khi đơn vị thi công không thực hiện đúng thiết kế và các quy định khác đã thống nhất với đơn vị có cột điện.
Điều 5. Quy định khoảng cách lắp đặt hệ thống khác trên cột điện
1. Hệ thống khác được lắp đặt theo thứ tự từ lưới điện có điện áp cao xuống hệ thống có điện áp thấp, đảm bảo khoảng cách theo quy định tại Nghị định 106/2005/NĐ-CP ngày 17/8/2005 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật điện lực và Quyết định 34/2006/QĐ-BCN ngày 13/9/2006 của Bộ Công nghiệp nay là Bộ Công Thương quy định kỹ thuật an toàn lưới điện hạ áp nông thôn. Đối với đường dây có cấp điện áp 0,4KV thì khoảng cách tối thiểu từ lưới điện xuống hệ thống khác là 1,25 mét; đường dây có cấp điện áp từ 6 đến 35KV có khoảng cách tối thiểu là 2,5 mét và theo quy định của đơn vị có cột điện.
Mỗi hệ thống được lắp đặt riêng biệt, gọn gàng với độ võng cho phép trên các giá móc đỡ chuyên dụng đảm bảo khoảng cách dây trong cùng của hệ thống khác đến cột điện tối thiểu là 0,2 mét, nghiêm cấm việc buộc dây và phụ kiện vào cột điện.
2. Số lượng, trọng lượng của hệ thống khác được đơn vị có cột điện kiểm tra cho phép, đảm bảo không vượt quá kết cấu chịu lực của cột điện làm ảnh hưởng rạn nứt, cong, vênh, nghiêng gãy cột, đồng thời không ảnh hưởng, cản trở công tác kiểm tra duy tu, sửa chữa thay thế thiết bị của đơn vị có cột điện.
Trong trường hợp có để cáp dự phòng cho sửa chữa cần để trong hộp cáp, nghiêm cấm việc để thừa đầu dây quấn cuộn tròn trên cột điện.
Trên cơ sở thực tế, cần thiết kế dự phòng có quy hoạch, dùng cáp nhiều sợi thay cho nhiều sợi cáp đi riêng lẻ.
3. Dây tiếp đất của hệ thống điện cũng như của các hệ thống khác trên cột điện xuống đất phải đặt trong ống nhựa cứng để tránh mọi tiếp xúc ngẫu nhiên giữa người với dây tiếp đất, ống nhựa cứng được ốp sát thân cột điện và có chiều cao kể từ mặt đất trở lên không dưới 2 mét.
4. Khoảng cách từ điểm thấp nhất của hệ thống khác cuối cùng trên cột điện ở trạng thái võng cực đại đến mặt đất tự nhiên, đến đường giao thông ở những đoạn qua đường và khu đông dân cư lớn hơn 6,5 mét và được gia cường về cơ khí, tuyệt đối không có mối nối, các đoạn có hệ thống qua đường cách nhau khoảng 200m, tương đương 4 khoảng cột; Các đoạn còn lại lớn hơn 4,5 mét.
Khoảng cách giao chéo giữa hệ thống khác với đường dây đường dây hạ áp không nhỏ hơn 1,25m và với đường dây cao áp đến 35KV là 2,5m và phải tuân thủ đảm bảo đúng các quy định hiện hành về kỹ thuật đường dây điện.
5. Các đơn vị sử dụng chung cột điện này có thể sử dụng đường dây hoặc thiết bị phụ kiện còn dư thừa của đơn vị sử dụng chung cột điện khác trong trường hợp được đơn vị sử dụng chung cột điện đó và đơn vị có cột điện đồng ý. Mọi điều khoản thỏa thuận mới được bổ sung vào phụ lục hợp đồng hay thực hiện hợp đồng mới. Trường hợp các tuyến dây dư thừa không sử dụng đến, hoặc các tuyến dây vô chủ, đơn vị có cột điện chủ trì kiểm tra rà soát thông báo và tiến hành loại bỏ để đảm bảo mỹ quan và an toàn chung.
6. Các hệ thống khác hiện đã treo mắc trên cột điện mà chưa phù hợp tiêu chuẩn kỹ thuật và các điểm quy định trong quy định này thì đơn vị có cột điện yêu cầu đơn vị đi chung cột điện có hệ thống không đảm bảo xây dựng kế hoạch và thống nhất về thời gian để khắc phục các tồn tại khiếm khuyết. Nếu đã có yêu cầu của đơn vị có cột điện mà đơn vị sử dụng chung cột điện không thực hiện và không có lý do chính đáng thì đơn vị có cột điện báo cáo Sở Công thương chủ trì phối hợp với Sở Thông tin & Truyền thông giải quyết, sau 30 ngày báo cáo các đơn vị sử dụng chung cột điện vẫn không khắc phục, đơn vị có cột điện đơn phương chấm dứt hợp đồng và có quyền tháo dỡ mà không phải chịu trách nhiệm.
7. Đơn vị có cột điện có trách nhiệm tham gia Hội đồng nghiệm thu công trình của đơn vị sử dụng chung cột điện và chịu trách nhiệm về khoảng cách an toàn của các công trình khác đến công trình điện, tới mặt đất và tới các công trình khác theo quy phạm hiện hành.
Điều 6. Quy định phân biệt các hệ thống trên cột điện khi lắp đặt
1. Các đơn vị đi chung cột điện phải có dấu hiệu nhận biết rõ ràng đối với từng hệ thống của đơn vị mình và thông báo cho Sở Công thương, Sở Thông tin & Truyền thông, và các đơn vị có cột điện dùng chung biết.
2. Dấu hiệu và nội dung để nhận biết do Sở Thông tin & Truyền thông quy định được thống nhất với đơn vị có đường dây đi chung, đảm bảo cả yếu tố bí mật trong ngành (mã số, mã vạch ….) và các yếu tố công khai (độ cao so với mặt đất tự nhiên, cảnh báo nguy hiểm …).
3. Đơn vị có cột điện phải dùng sơn ghi số cột điện, biển báo thứ tự các hệ thống trên cột và cảnh báo bảo vệ tài sản chung.
4. Các hộp đầu nối, các thiết bị phụ kiện của hệ thống khác lắp đặt trên cột phải đảm bảo mỹ quan, thông thoáng trong tầm nhìn của các hộ dân và các phương tiện tham gia giao thông.
Điều 7. Thiết lập và quản lý hồ sơ
1. Đơn vị có cột điện phải lập danh sách các đơn vị sử dụng chung cột điện, thống kê cập nhật thường xuyên các bản vẽ thể hiện các vị trí trên từng tuyến dây, đồng thời có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, dữ liệu cho các đơn vị khác sử dụng chung cột điện khi cần.
Các đơn vị sử dụng chung cột điện phải cập nhật danh sách thống kê và các bản vẽ cụ thể thể hiện từng vị trí hướng tuyến và các thiết bị chính của hệ thống đi chung của đơn vị mình, các loại hồ sơ này đều được cập nhật theo thực trạng.
2. Hồ sơ thiết kế các hệ thống khác trên cột điện được lưu trữ tại cơ quan có cột điện, cơ quan có tuyến dây khác đi chung cột. Sau 30 ngày kể từ ngày nghiệm thu, đơn vị sử dụng chung cột điện phải cung cấp bản vẽ hoàn công cho đơn vị có cột điện. Chế độ lưu giữ hồ sơ theo quy định hiện hành.
Điều 8. Công tác quản lý các đường dây đi chung
1. Đơn vị có cột điện xây dựng kế hoạch thường xuyên duy tu, bảo dưỡng phát quang hành lang và quản lý cột điện, phát hiện sửa chữa kịp thời các cột điện đi chung bị nghiêng, cong, rạn nứt, sụt lún vỡ móng, vỡ cột, có trách nhiệm dựng cột điện mới thay thế các cột hư hỏng, không đảm bảo các tiêu chuẩn kỹ thuật đồng thời dỡ bỏ cột cũ để đảm bảo mỹ quan chung.
Trong trường hợp này đơn vị có cột điện xây dựng kế hoạch sửa chữa và thông báo trước 15 ngày cho các đơn vị sử dụng chung cột điện biết, các đơn vị này có trách nhiệm cùng tham gia tháo dỡ và lắp lại phần đường dây và thiết bị của mình. Trường hợp các đơn vị sử dụng chung khi đã thông báo nhưng không tham gia, đơn vị có cột điện thực hiện theo mục 5 điều 8 của quy định này.
2. Các đơn vị sử dụng chung cột điện khi tiến hành sửa chữa, duy tu, cải tạo hệ thống của mình trên cột điện, cần thông báo trước ít nhất 15 ngày cho đơn vị có cột điện và các đơn vị sử dụng chung cột điện khác biết (trừ trường hợp đặc biệt có thỏa thuận riêng). Trường hợp không cần cắt điện có thể thỏa thuận thực hiện ngay công việc, ngược lại cần phải cắt điện, đơn vị có cột điện phải thông báo thời gian cắt điện cho các phụ tải bị mất điện theo quy định trước khi thống nhất với đơn vị sửa chữa thi công. Trường hợp khi đơn vị có tuyến dây không còn sử dụng, phải tiến hành tháo dỡ, thu hồi theo yêu cầu của đơn vị có cột điện.
3. Để đảm bảo an toàn điện, các đơn vị thi công hệ thống khác trên cột điện phải đăng ký lịch công tác và nhận phiếu công tác với bên có cột điện, hai bên bàn giao hiện trường, khi thực hiện xong phải kiểm tra, trả phiếu công tác. Các đơn vị khi thi công trên cột điện sử dụng chung phải được tập huấn kiến thức an toàn điện, trang bị đầy đủ bảo hộ lao động cho nhân viên của mình và tự chịu trách nhiệm trong quá trình thi công sửa chữa.
4. Trong trường hợp cột điện đi chung phải tháo dỡ, di chuyển vị trí khác theo yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền, đơn vị có cột điện chủ trì và là đầu mối thông báo cho các đơn vị sử dụng chung cột điện bằng văn bản để thống nhất giải quyết các vấn đề liên quan tới công tác di chuyển.
5. Trường hợp cột điện phải tháo dỡ di dời khi đã thông báo vẫn còn hệ thống khác trên cột đến ngày thi công nhưng không có chủ tài sản nhận, đơn vị có cột điện cần thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và thống kê hiện trạng báo cáo Sở Công thương và Sở Thông tin & Truyền thông để phối hợp giải quyết. Sau 30 ngày thông báo mà không nhận được ý kiến phản hồi, đơn vị có cột điện được quyền thực hiện nhiệm vụ tháo dỡ mà không phải chịu trách nhiệm.
6. Đơn vị có cột điện và các đơn vị sử dụng chung cột điện phải thiết lập đường dây nóng 24/24 giờ trong ngày, cung cấp đầy đủ số điện thoại liên lạc cần thiết cũng như danh sách các cán bộ phụ trách từng tuyến dây hay từng khu vực. Khi có sự cố hoặc gặp các tình huống khẩn cấp, trong vòng thời gian tối đa là 2 giờ các bên phải có mặt phối hợp khắc phục dưới sự chủ trì của bên có cột điện.
Điều 9. Trách nhiệm của các Sở
1. Sở Công Thương
Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin & Truyền thông và các đơn vị có cột điện thực hiện công tác tuyên truyền và triển khai thực hiện quy định này, tuyên truyền, phổ biến các quy trình thủ tục quản lý Nhà nước về việc đầu tư xây dựng, duy tu bảo dưỡng, thu hồi các hệ thống chuyên ngành trên cột điện đi chung theo quy định của Nhà nước.
Giải quyết các vướng mắc giữa các bên sử dụng chung cột điện, tổ chức kiểm tra, thanh tra định kỳ theo kế hoạch hoặc đột xuất các đơn vị có cột điện và các đơn vị sử dụng chung cột điện theo nhiệm vụ được giao và xử lý theo luật định.
2. Sở Thông tin & Truyền thông
Phối hợp với Sở Công thương trong việc kiểm tra, thanh tra và xử lý các đơn vị sử dụng chung cột điện theo quy định, hướng dẫn các đơn vị sử dụng chung cột điện các dấu hiệu để nhận biết và phân biệt các hệ thống trên đường dây đi chung theo khoản 2 điều 6 của quy định này.
3. Sở Kế hoạch & đầu tư, Sở Xây dựng, Sở Tài chính, Sở Giao thông, UBND thành phố và các đơn vị sử dụng chung cột điện, khi lập các dự án đầu tư, dự án khu đô thị mới hoặc cải tạo hạ tầng đô thị cũ, phải phối hợp để ngầm hóa các công trình hạ tầng như điện, thông tin viễn thông, truyền hình cáp, Internet … trên địa bàn thành phố để từng bước đảm bảo an toàn kỹ thuật và mỹ quan văn minh đô thị.
4. Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Công ty TNHH MTV điện lực Hải Dương xây dựng khung giá dịch vụ cho thuê cột điện, xây dựng cơ chế miễn, giảm phí, lệ phí dịch vụ thuê nếu có và các chế tài xử lý khi thực hiện quy định này trình UBND tỉnh quyết định để cho các đơn vị sử dụng chung cột điện thực hiện.
Điều 10. Trách nhiệm của UBND huyện, Thành phố
Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong việc đầu tư cải tạo, xây dựng mới hệ thống hạ tầng: điện, nước, giao thông, thông tin, truyền hình … tại địa bàn quản lý. Chủ trì phối hợp với các bên liên quan thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, cưỡng chế các đơn vị khi tham gia sử dụng chung cột điện không thực hiện quy định này.
Chỉ đạo UBND các phường, xã phối hợp với các đơn vị có tài sản đi chung trên cột điện trong việc bảo vệ tài sản (dây điện và các thiết bị, phụ kiện khác …) thuộc địa bàn quản lý.
Điều 11. Trách nhiệm của đơn vị có cột điện
Chủ động phối hợp với các đơn vị sử dụng chung cột điện thực hiện quy định này.
Phối hợp với các đơn vị sử dụng chung cột điện lập quy trình xử lý sự cố, bảo dưỡng, duy tu và quản lý vận hành hệ thống dùng chung trên cột điện.
Chủ động tổ chức họp bàn với các đơn vị sử dụng chung cột điện khi thấy cần thiết để giải quyết công việc có liên quan tới hệ thống đi chung.
Thực hiện chế độ báo cáo thống kê khi có văn bản đề nghị của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.
Điều 12. Trách nhiệm của các đơn vị sử dụng chung cột điện
Phối hợp với đơn vị có cột điện và các đơn vị liên quan thực hiện quy định này.
Trong quá trình thực hiện có vấn đề vướng mắc đơn vị có cột điện, đơn vị sử dụng chung cột điện và các tổ chức cá nhân có liên quan báo cáo Sở Công thương, Sở Thông tin & Truyền thông tổng hợp trình UBND tỉnh xem xét quyết định.
Trường hợp khi các bộ ngành Trung ương ban hành các văn bản có các quy định liên quan tới nội dung của quy định này, các sở, ngành, các đơn vị có cột điện và các đơn vị sử dụng chung cột điện sẽ thực hiện theo quy định của các bộ, ngành Trung ương./.
Quyết định 01/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định việc sử dụng chung cột điện trên địa bàn tỉnh Hải Dương do Ủy ban nhân dân tỉnh Hải Dương ban hành
- Số hiệu: 01/2010/QĐ-UBND
- Loại văn bản: Quyết định
- Ngày ban hành: 13/01/2010
- Nơi ban hành: Tỉnh Hải Dương
- Người ký: Nguyễn Thị Minh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 23/01/2010
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra