Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 01/2006/QĐ-UBND

Điện Biên Phủ, ngày 24 tháng 3 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH HẠN MỨC GIAO ĐẤT Ở TẠI ĐÔ THỊ VÀ NÔNG THÔN; HẠN MỨC CÔNG NHẬN ĐẤT Ở TRONG TRƯỜNG HỢP THỬA ĐẤT CÓ VƯỜN, AO; HẠN MỨC GIAO ĐẤT TRỐNG, ĐỒI NÚI TRỌC, ĐẤT CÓ MẶT NƯỚC CHƯA SỬ DỤNG ÁP DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Đất đai ngày 26/11/2003; Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về hướng dẫn thi hành Luật Đất đai;
Căn cứ Thông báo số 174/TB-HĐND ngày 17/2/2006 của Thường trực HĐND tỉnh.
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về hạn mức giao đất ở tại đô thị và nông thôn; hạn mức công nhận đất ở trong trường hợp thửa đất có vườn, ao; hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước chưa sử dụng áp dụng trên địa bàn tỉnh Điện Biên

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký và thay thế Quyết định số 254/QĐ - UB - ĐC ngày 17/3/1996 của UBND tỉnh Lai Châu (cũ).

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường; Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Bùi Viết Bính

 

QUY ĐỊNH

VỀ HẠN MỨC GIAO ĐẤT Ở TẠI ĐÔ THỊ VÀ NÔNG THÔN; HẠN MỨC CÔNG NHẬN ĐẤT Ở TRONG TRƯỜNG HỢP THỬA ĐẤT CÓ VƯỜN, AO; HẠN MỨC GIAO ĐẤT TRỐNG, ĐỒI NÚI TRỌC, ĐẤT CÓ MẶT NƯỚC CHƯA SỬ DỤNG ÁP DỤNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN.
(Ban hành kèm theo Quyết định số 01/2006/QĐ-UBND ngày 24 tháng 3 năm 2006 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Điện Biên)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

a) Hạn mức giao đất ở tại đô thị và nông thôn được quy định làm căn cứ để các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện trao quyền sử dụng đất cho hộ gia đình, cá nhân thông qua hình thức giao đất ở mới có thu tiền sử dụng đất để tự xây dựng nhà ở tại đô thị và nông thôn phù hợp qui hoạch sử dụng đất chi tiết, kế hoạch sử dụng đất chi tiết hoặc quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.

b) Áp dụng cho việc cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện việc giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước chưa sử dụng cho hộ gia đình, cá nhân đưa vào sử dụng theo quy hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.

c) Công nhận diện tích là đất ở trong trường hợp thửa đất có vườn, ao trong cùng một thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư của hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng ổn định để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; đính chính hoặc cấp đổi giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã được cấp khi xác định lại diện tích đất ở.

d) Áp dụng cho việc tính toán bồi thường thiệt hại về đất khi Nhà nước thu hồi đất; bố trí đất tái định cư; thu tiền sử dụng đất; các chính sách tài chính có liên quan đến đất đai đối với người sử dụng đất; thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của pháp luật đất đai.

2. Quy định này không điều chỉnh các trường hợp sau đây:

a) Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất ở cho hộ gia đình, cá nhân thuộc dự án di dân tái định cư Thuỷ điện Sơn La;

b) Các trường hợp được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất có thu tiền sử dụng đất được thực hiện bằng đấu giá quyền sử dụng đất.

c) Người Việt Nam định cư ở nước ngoài (theo quy định tại khoản 6 Điều 9 Luật Đất đai) có nhu cầu xin giao đất ở trên địa bàn tỉnh.

d) Tổ chức kinh tế được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất sử dụng vào mục đích xây dựng nhà ở để bán hoặc cho thuê hoặc xây dựng nhà ở phục vụ tái định cư theo các dự án của Nhà nước;

3. Đối tượng áp dụng:

a) Cơ quan Nhà nước thực hiện quyền hạn và trách nhiệm đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai; thực hiện thẩm quyền quyết định giao đất quy định tại Điều 37 Luật Đất đai.

b) Các cơ quan Nhà nước có liên quan tới quản lý, sử dụng đất.

c) Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất.

Điều 2. Những đảm bảo cho người sử dụng đất được giao theo hạn mức giao đất, hạn mức công nhận đất ở:

1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao theo hạn mức giao đất trước ngày quy định này có hiệu lực thi hành được tiếp tục sử dụng theo mục đích sử dụng đất, diện tích đất và thời hạn sử dụng đất đã được giao theo quy định của pháp luật đất đai hiện hành.

2. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất theo hạn mức giao đất ở tại đô thị và nông thôn; hạn mức công nhận đất ở trong trường hợp thửa đất có vườn, ao; hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước chưa sử dụng của quy định này được thực hiện quyền và nghĩa vụ của người sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai.

3. Nhà nước không xem xét giải quyết khiếu nại việc đòi thêm đất mà Nhà nước đã giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng theo hạn mức giao đất trước đây quy định tại Quyết định số 78/QĐ-UB-TM ngày 26/4/1993 của UBND tỉnh Lai Châu (cũ) về việc cấp đất và thu lệ phí đất xây dựng tại thị xã Điện Biên Phủ; Quyết định số 254/QĐ-UB-ĐC ngày 17/3/1996 của UBND tỉnh Lai Châu (cũ) về việc ban hành bản quy định về chế độ sử dụng các loại đất và thẩm quyền giao đất, cho thu đất, thu hồi đất, chuyển quyền sử dụng đất.

4. Việc giải quyết các trường hợp khiếu nại, tranh chấp về đất đai liên quan đến hạn mức sử dụng đất, hạn mức giao đất trước ngày quy định này có hiệu lực thi hành phải căn cứ vào hạn mức giao đất và pháp luật về đất đai tại thời điểm xảy ra các quan hệ đất đai dẫn đến khiếu nại, tranh chấp.

Chương II

HẠN MỨC GIAO ĐẤT Ở CHO HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN

Điều 3. Hạn mức giao đất ở tại đô thị

1. Không quá 100m2/hộ đối với khu vực sau:

a) Thuộc các phường trong thành phố, thị xã;

b) Khu vực nội thị trấn của các huyện;

c) Các vị trí bám mặt đường giao thông là đường quốc lộ, tỉnh lộ; đường giao thông theo quy hoạch rộng từ 15 m trở lên trong các xã thuộc thành phố, thị xã;

2. Không quá 120m2/hộ cho các vị trí bám mặt đường giao thông theo quy hoạch rộng từ 10m đến dưới 15m trong các xã thuộc thành phố, thị xã;

3. Không quá 160m2/hộ cho các vị trí còn lại.

4. Không quá 400m2/hộ cho hộ xây dựng biệt thự, nhà vườn theo dự án quy hoạch xây dựng khu đô thị mới.

5. Trường hợp các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có tập quán nhiều thế hệ cùng chung sống, căn cứ vào quỹ đất hiện có, được giao đất ở theo hạn mức cao hơn nhưng không quá hai (02) lần hạn mức giao đất quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Các trường hợp giao đất theo hạn mức nói tại khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này phải phù hợp với qui hoạch sử dụng đất chi tiết hoặc kế hoạch sử dụng đất chi tiết hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.

Điều 4. Hạn mức giao đất ở nông thôn

1. Không quá 140m2/hộ đối với khu vực sau:

a) Nội thị tứ hoặc khu dân cư trung tâm xã thuộc các xã khu vực I;

b) Khu vực trung tâm huyện lỵ các huyện đã được quy hoạch phát triển đô thị được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt;

c) Các khu vực bám mặt đường giao thông theo quy hoạch rộng từ 15 m trở lên thuộc các xã ven đô thị thành phố Điện Biên Phủ;

2. Không quá 200m2/hộ cho các khu vực bám mặt đường giao thông là quốc lộ, tỉnh lộ trong khu dân cư nông thôn;

3. Không quá 400m2/hộ cho các khu vực còn lại;

4. Không quá 800m2/hộ cho khu quy hoạch xây dựng biệt thự, nhà vườn theo dự án quy hoạch xây dựng mới khu dân cư nông thôn.

5. Trường hợp các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có tập quán nhiều thế hệ cùng chung sống, căn cứ vào quỹ đất hiện có, được giao đất ở theo hạn mức cao hơn nhưng không quá hai (02) lần hạn mức giao đất quy định tại khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Các trường hợp giao đất theo hạn mức nói tại khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này phải phù hợp với quy hoạch sử dụng đất chi tiết hoặc kế hoạch sử dụng đất chi tiết hoặc quy hoạch chi tiết xây dựng khu dân cư nông thôn đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt.

Chương III

HẠN MỨC CÔNG NHẬN ĐẤT Ở TRONG TRƯỜNG HỢP THỬA ĐẤT CÓ VƯỜN, AO

Điều 5. Hạn mức công nhận đất ở trong trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được sử dụng từ trước ngày 18 tháng 12 năm 1980.

1. Trường hợp đất ở có vườn, ao trong cựng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư được sử dụng trước ngày 18 tháng 12 năm 1980 mà trong hồ sơ địa chính hoặc các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai có ghi nhận rõ ranh giới thửa đất ở (hoặc thổ cư) thì toàn bộ diện tích đất đó được xác định là đất ở.

2. Trường hợp đất ở có vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư được sử dụng trước ngày 18 tháng 12 năm 1980 mà ranh giới thửa đất chưa được xác định trong hồ sơ địa chính hoặc trên các giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai thì diện tích đất ở được xác định như sau:

a) Đối với khu vực đô thị:

- Bằng bốn (04) lần hạn mức giao đất ở tại đô thị tại khoản 1, 2 và 3 Điều 3 quy định này với hộ gia đình có số lượng nhân khẩu từ 5 trở lên; bằng ba (03) lần với hộ gia đình có số lượng nhân khẩu từ 4 trở xuống.

- Đối với hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có tập quán nhiều thế hệ cùng chung sống bằng năm (05) lần hạn mức giao đất ở tại đô thị tại khoản 1, 2 và 3 Điều 3 quy định này với hộ gia đình có số lượng nhân khẩu từ 6 trở lên; bằng bốn (04) lần với hộ gia đình có số lượng nhân khẩu từ 5 trở xuống.

b) Đối với khu vực nông thôn:

- Bằng bốn (04) lần hạn mức giao đất ở tại nông thôn tại khoản 1, 2 và 3 Điều 4 quy định này với hộ gia đình có số lượng nhân khẩu từ 5 trở lên; bằng ba (03) lần với hộ gia đình có số lượng nhân khẩu từ 4 trở xuống.

- Đối với hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có tập quán nhiều thế hệ cùng chung sống bằng năm (05) lần hạn mức giao đất ở tại đô thị tại khoản 1, 2 và 3 Điều 4 quy định này với hộ gia đình có số lượng nhân khẩu từ 6 trở lên; bằng bốn (04) lần với hộ gia đình có số lượng nhân khẩu từ 5 trở xuống.

3. Số lượng nhân khẩu trong từng hộ gia đình quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều này tính từ thời điểm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính công nhận đất ở trong trường hợp thửa đất ở có vườn, ao.

4. Trường hợp diện tích thửa đất lớn hơn hạn mức công nhận đất ở nói tại khoản 1, 2 Điều này thì diện tích đất ở được xác định bằng hạn mức công nhận đất ở nói trên; phần diện tích đất còn lại được xác định theo hiện trạng sử dụng đất. Trường hợp diện tích thửa đất nhỏ hơn hạn mức công nhận đất ở nói tại khoản 1 và 2 Điều này thì diện tích đất ở được xác định là toàn bộ diện tích thửa đất.

Điều 6. Hạn mức công nhận đất ở trong trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được hình thành từ ngày 18 tháng 12 năm 1980 đến trước ngày 1 tháng 7 năm 2004

1. Đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao được hình thành từ ngày 18 tháng 12 năm 1980 đến trước ngày 1 tháng 7 năm 2004 và người đang sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai mà trong giấy tờ đó ghi rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở có vườn, ao được xác định theo giấy tờ đó.

2. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai mà trong giấy tờ đó không ghi rõ diện tích đất ở thì diện tích đất ở được xác định như sau:

a) Khu vực đô thị:

- Bằng ba (03) lần hạn mức giao đất ở tại đô thị tại khoản 1, 2 và 3 Điều 3 quy định này với hộ gia đình có số lượng nhân khẩu từ 5 trở lên; bằng hai (02) lần với hộ gia đình có số lượng nhân khẩu từ 4 trở xuống.

- Đối với hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có tập quán nhiều thế hệ cùng chung sống; các hộ gia đình trong các phường Noong Bua, Nam Thanh và Thanh Trường thuộc thành phố Điện Biên Phủ; khu vực nội thị trấn Điện Biên Đông và các đô thị mới được Chính phủ Quyết định thành lập sau ngày quy định này có hiệu lực thi hành; được tính bằng bốn (04) lần hạn mức giao đất ở tại đô thị tại khoản 1, 2 và 3 Điều 3 quy định này với hộ gia đình có số lượng nhân khẩu từ 6 trở lên; bằng ba (03) lần với hộ gia đình có số lượng nhân khẩu từ 5 trở xuống.

b) Khu vực nông thôn:

- Bằng ba (03) lần hạn mức giao đất ở tại nông thôn tại khoản 1, 2 và 3 Điều 4 quy định này với hộ gia đình có số lượng nhân khẩu từ 5 trở lên; bằng hai (02) lần với hộ gia đình có số lượng nhân khẩu từ 4 trở xuống.

- Đối với hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số có tập quán nhiều thế hệ cùng chung sống bằng bốn (04) lần hạn mức giao đất ở tại đô thị tại khoản 1, 2 và 3 Điều 4 quy định này với hộ gia đình có số lượng nhân khẩu từ 6 trở lên; bằng ba (03) lần với hộ gia đình có số lượng nhân khẩu từ 5 trở xuống.

3. Số lượng nhân khẩu trong từng hộ gia đình quy định tại điểm a và b khoản 2 Điều này tính từ thời điểm cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện thủ tục hành chính công nhận đất ở trong trường hợp thửa đất ở có vườn, ao.

4. Trường hợp diện tích thửa đất lớn hơn hạn mức công nhận đất ở nói tại khoản 2 Điều này thì diện tích đất ở được xác định bằng hạn mức công nhận đất ở nói trên; phần diện tích đất cũn lại được xác định theo hiện trạng sử dụng đất. Trường hợp diện tích thửa đất nhỏ hơn hạn mức công nhận đất ở nói tại khoản 2 Điều này thì diện tích đất ở được xác định là toàn bộ diện tích thửa đất.

Điều 7. Hạn mức xác định đất ở trong trường hợp thửa đất có vườn, ao được xác định sử dụng trước ngày 1 tháng 7 năm 2004 nhưng không có giấy tờ về quyền sử dụng đất

1. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở có vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư trước ngày 1 tháng 7 năm 2004, không có giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các khoản 1, 2 và 5 Điều 50 của Luật Đất đai; thì diện tích đất ở có vườn, ao được xác định sử dụng theo mức đất ở giao cho mỗi hộ gia đình, cá nhân quy định tại Điều 3 và Điều 4 của quy định này.

2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các loại giấy tờ quy định tại khoản 1 Điều này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 15 tháng 10 năm 1993, nay được Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.

3. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở có vườn, ao thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 Điều này nhưng đất đã được sử dụng từ ngày 15 tháng 10 năm 1993 đến trước ngày 1 tháng 7 năm 2004, nay được Uỷ ban Nhân dân xã, phường, thị trấn xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất đã được xét duyệt đối với nơi đã có quy hoạch sử dụng đất thì được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định tại Nghị định 198/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ đối với diện tích được xác định là đất ở.

Điều 8. Xác định lại diện tích đất ở có vườn, ao và đất nông nghiệp có vườn, ao trong khu dân cư

1. Đất vườn, ao được xác định là đất ở phải trong cùng một thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư.

2. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất ở đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trước ngày 1 tháng 7 năm 2004 nay có nhu cầu xác định lại diện tích đất ở, thì việc xác định lại được thực hiện như sau:

a) Diện tích đất ở là diện tích ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đó cấp;

b) Trường hợp hộ gia đình, cá nhân có nhu cầu xác định lại diện tích đất ở được thực hiện theo quy định tại các Điều 5, 6 và 7 của quy định này;

c) Hộ gia đình, cá nhân không phải nộp tiền sử dụng đất đối với phần diện tích chờnh lệch giữa diện tích đất ở được xác định lại và diện tích đất ở ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Sau khi đó xác định diện tích đất ở thì phần diện tích đất còn lại được xác định theo hiện trạng sử dụng đất.

d) Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất được cấp đổi hoặc đính chính giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp khi xác định lại diện tích đất ở cho đúng với thực tế sử dụng đất nếu có nhu cầu.

3. Đối với phần diện tích đất đó xây dựng nhà ở mà vượt diện tích được xác định là đất ở theo hạn mức thì phần diện tích vượt hạn mức đó được xác định là đất ở và phải nộp tiền sử dụng đất, được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

4. Trường hợp người sử dụng đất ở đó được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đất ở đó được xác định theo quy định tại khoản 1 và 2 Điều này mà có nhu cầu mở rộng diện tích đất ở từ đất nông nghiệp có vườn, ao trong khu dân cư thì phải xin phép chuyển mục đích sử dụng đất và phải nộp tiền sử dụng đất, trừ trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 5 bản quy định này.

Trường hợp mở rộng diện tích đất ở tại khu dân cư đô thị thì ngoài việc xin phép chuyển mục đích sử dụng đất, nộp tiền sử dụng đất cũng phải phù hợp với quy định về tỷ lệ diện tích được xây dựng nhà ở trên thửa đất ở có vườn, ao phù hợp với cảnh quan đô thị theo quy hoạch xây dựng đô thị đó được xét duyệt.

5. Hộ gia đình, cá nhân sử dụng đất nông nghiệp có vườn, ao để làm nhà ở thì phải xin phép chuyển mục đích sử dụng đất và phải nộp tiền sử dụng đất. Ủy ban Nhân dân huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào quy hoạch xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, tỷ lệ diện tích được xây dựng nhà ở theo quy định hiện hành và nhu cầu thực tế của người sử dụng đất để xem xét, quyết định cho phép chuyển mục đích sử dụng đất.

6. Trường hợp Nhà nước thu hồi đất để sử dụng vào mục đích quốc phũng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế thì diện tích đất ở được xác định lại theo Điều 5, 6, 7 và khoản 1 và 2 Điều 8 quy định này và người bị thu hồi đất được bồi thường theo giá đất ở đối với diện tích đất ở đó được xác định lại.

Chương IV

HẠN MỨC GIAO ĐẤT TRỐNG, ĐỒI NÚI TRỌC, ĐẤT CÓ MẶT NƯỚC CHƯA SỬ DỤNG

Điều 9. Hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước chưa sử dụng.

1. Hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước chưa sử dụng để sử dụng vào mục đích trồng cây hàng năm, nuôi trồng thủy sản cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá hai (02) héc ta đối với mỗi loại đất.

2. Hạn mức giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước chưa sử dụng để sử dụng vào mục đích trồng cây lâu năm cho mỗi hộ gia đình, cá nhân không quá mười (10) héc ta đối với các xã trong vùng lòng chảo huyện Điện Biên, thành phố Điện Biên Phủ, thị xã Mường Lay và thị trấn của các huyện; không quá hai mươi lăm (25) héc ta đối với các khu vực còn lại.

3. Hộ gia đình, cá nhân được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước thuộc nhóm đất chưa sử dụng đưa vào sử dụng theo quy hoạch để sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thuỷ sản theo hạn mức tại khoản 1 và 2 Điều này không tính vào hạn mức giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm của các ngành, các cấp:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện quy định này.

2. Sở Xây dựng có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị hoặc quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn theo thẩm quyền; quy định tỷ lệ diện tích được xây dựng nhà ở trờn thửa đất ở có vườn, ao phù hợp với cảnh quan đô thị.

3. Cục Thuế tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo Chi cục Thuế các huyện, thị xã, thành phố; phối hợp với phòng Tài nguyên và Môi trường áp dụng quy định này vào xác định các nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; thu các khoản tiền sử dụng đất và thuế về đất đai theo quy định hiện hành.

4. Uỷ ban Nhân dân các huyện, thị xã, thành phố theo thẩm quyền quy định tại Luật Đất đai có trách nhiệm tổ chức thực hiện việc giao đất ở tại đô thị và nông thôn; công nhận đất ở trong trường hợp thửa đất có vườn, ao; giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước chưa sử dụng theo hạn mức tại bản quy định này; chỉ đạo Uỷ ban Nhân dân các xã, phường, thị trấn có trách nhiệm phổ biến cho các hộ gia đình cá nhân thuộc địa bàn mình quản lý.

Trong quá trình triển khai thực hiện Quy định này; nếu có vướng mắc phản ánh về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp báo cáo Uỷ ban Nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quyết định 01/2006/QĐ-UBND ban hành Quy định hạn mức giao đất ở tại đô thị và nông thôn; công nhận đất ở trong trường hợp thửa đất có vườn, ao; giao đất trống, đồi núi trọc, đất có mặt nước chưa sử dụng áp dụng trên địa bàn tỉnh Điện Biên do Ủy ban nhân dân tỉnh Điện Biên ban hành

  • Số hiệu: 01/2006/QĐ-UBND
  • Loại văn bản: Quyết định
  • Ngày ban hành: 24/03/2006
  • Nơi ban hành: Tỉnh Điện Biên
  • Người ký: Bùi Viết Bính
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 24/03/2006
  • Ngày hết hiệu lực: 01/01/2011
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản