Hệ thống pháp luật

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 95-QĐ/TW

Hà Nội, ngày 16 tháng 8 năm 2017

 

QUY ĐỊNH

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA ĐẢNG BỘ, CHI BỘ CƠ SỞ TRONG CƠ QUAN THUỘC CÔNG AN NHÂN DÂN

- Căn cứ Điều lệ Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng;

- Căn cứ Quy định số 29-QĐ/TW, ngày 25/7/2016 thi hành Điều lệ Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị khóa XII;

- Căn cứ Quy định số 72-QĐ/TW, ngày 24/02/2017 của Bộ Chính trị khóa XII về tổ chức đảng trong Công an nhân dân Việt Nam,

Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong cơ quan thuộc Công an nhân dân như sau:

I- CHỨC NĂNG

Điều 1. Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong cơ quan thuộc Công an nhân dân là hạt nhân chính trị, lãnh đạo trực tiếp mọi mặt công tác của đơn vị; lãnh đạo thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của cấp trên; xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng cơ quan vững mạnh toàn diện, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong cơ quan.

II- NHIỆM VỤ

Điều 2. Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị

1- Quán triệt và chấp hành đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và sự chỉ đạo của cấp trên để lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ tham mưu trên lĩnh vực công tác do cơ quan đảm nhiệm.

2- Nghiên cứu, đề xuất để cấp trên xem xét, quyết định những chủ trương, phương hướng, đề án công tác; nâng cao chất lượng, hiệu quả tham mưu, đề xuất và chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các nội dung công tác thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan. Định kỳ 6 tháng, 1 năm, cấp ủy ra nghị quyết về phương hướng, mục tiêu nhiệm vụ của cơ quan mình. Khi có yêu cầu và những nhiệm vụ quan trọng, cấp ủy ra nghị quyết chuyên đề lãnh đạo cơ quan thực hiện.

3- Lãnh đạo cán bộ, đảng viên, chiến sĩ trong cơ quan thực hiện tốt chế độ thông tin, báo cáo, cải tiến lề lối, phương pháp làm việc nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị có liên quan để tham mưu, đề xuất và kiến nghị với lãnh đạo cấp trên những vấn đề cần thiết thuộc phạm vi trách nhiệm được phân công.

4- Lãnh đạo xây dựng cơ quan vững mạnh toàn diện, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ; phát huy dân chủ ở cơ sở bảo đảm công khai, minh bạch, dân chủ, công bằng trong thực hiện chế độ, chính sách của Đảng, Nhà nước và của ngành trong cơ quan.

Điều 3. Lãnh đạo công tác tư tưởng

1- Tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, thường xuyên bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức, lối sống trong sáng, có ý thức tổ chức kỷ luật, ý chí chiến đấu, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao; kịp thời nắm tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ để xem xét giải quyết hoặc báo cáo lên cấp ủy cấp trên.

2- Kịp thời phổ biến, quán triệt để cán bộ, đảng viên, chiến sĩ nắm vững và chấp hành đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và các chủ trương, nhiệm vụ của cơ quan; thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ chính trị, kiến thức về mọi mặt và năng lực công tác cho cán bộ, đảng viên, chiến sĩ.

3- Lãnh đạo đấu tranh chống các quan điểm sai trái, tư tưởng cơ hội, thực dụng, cục bộ, những hành vi nói, viết và làm trái với đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; những biểu hiện mất dân chủ, chuyên quyền, độc đoán, quan liêu, tham nhũng, lãng phí, sách nhiễu, thiếu tinh thần trách nhiệm và ý thức tổ chức, kỷ luật; phòng, chống sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ.

Điều 4. Lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ

1- Đảng ủy, chi bộ cơ sở lãnh đạo thực hiện đúng nguyên tắc, thủ tục, quy trình, quy định về công tác tổ chức, cán bộ; công tác quy hoạch, nhận xét, đánh giá, đào tạo, bồi dưỡng và quản lý cán bộ của cơ quan.

2- Đảng ủy, chi bộ cơ sở nhận xét, đánh giá cán bộ, chiến sĩ trong cơ quan; ra nghị quyết về việc kiện toàn tổ chức bộ máy, bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều chuyển, thực hiện chế độ, chính sách, khen thưởng, kỷ luật… đối với cán bộ, chiến sĩ thuộc thẩm quyền và lãnh đạo thực hiện các nghị quyết đó trong cơ quan.

3- Đảng ủy, chi bộ cơ sở đề nghị cấp trên xem xét, quyết định các vấn đề về tổ chức, cán bộ của đơn vị thuộc thẩm quyền của cấp trên.

Điều 5. Lãnh đạo các đoàn thể quần chúng

1- Lãnh đạo các đoàn thể quần chúng trong cơ quan xây dựng tổ chức vững mạnh, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo điều lệ của mỗi đoàn thể; phát huy tính chủ động, sáng tạo, đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; tạo điều kiện thuận lợi để các đoàn thể hoạt động, nâng cao hiệu quả phong trào quần chúng, góp phần thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị của cơ quan.

2- Lãnh đạo các đoàn thể quần chúng trong cơ quan chấp hành và tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chủ trương của cấp ủy và nhiệm vụ của cơ quan.

Điều 6. Xây dựng tổ chức đảng

1- Đề ra chủ trương, nhiệm vụ và biện pháp xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, đảng viên; kịp thời phát hiện, đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến“, “tự chuyển hóa" và các biểu hiện tiêu cực khác trong đơn vị. Thực hiện đúng các nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình; thực hiện có nền nếp và nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu.

2- Giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao; xây dựng kế hoạch và tạo điều kiện để đảng viên thực hiện nhiệm vụ học tập, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt.

3- Cấp ủy xây dựng kế hoạch, biện pháp quản lý đảng viên, phân công nhiệm vụ và tạo điều kiện cho đảng viên hoàn thành nhiệm vụ được giao; thực hiện tốt việc giới thiệu đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với chi ủy, đảng ủy cơ sở và gương mẫu thực hiện nghĩa vụ công dân nơi cư trú. Làm tốt công tác động viên, khen thưởng, kỷ luật đảng viên; biểu dương, khen thưởng kịp thời những cán bộ, đảng viên có thành tích xuất sắc, xử lý nghiêm, kịp thời những cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước và các quy định của ngành.

4- Làm tốt công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên, bảo đảm tiêu chuẩn và đúng quy trình.

5- Xây dựng cấp ủy có đủ phẩm chất, năng lực, hoạt động có hiệu quả, được đảng viên, quần chúng tín nhiệm. Đồng chí thủ trưởng cơ quan cơ cấu làm bí thư cấp ủy, đồng chí lãnh đạo cấp phó làm phó bí thư và phụ trách công tác xây dựng lực lượng.

Điều 7. Về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng

1- Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy lãnh đạo công tác kiểm tra, giám sát và tổ chức thực hiện nhiệm vụ kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; việc thực hiện các nguyên tắc tổ chức, sinh hoạt đảng, quy chế làm việc; thực hành tiết kiệm, phòng, chống tham nhũng, lãng phí; thực hiện giải quyết tố cáo, giải quyết khiếu nại kỷ luật đảng theo quy định.

Cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy, chi bộ và đảng viên chịu sự kiểm tra, giám sát của Đảng.

2- Cấp ủy và chi bộ lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện việc xem xét, thi hành kỷ luật đảng bảo đảm đúng phương hướng, phương châm, nguyên tắc, thủ tục đối với tổ chức đảng và đảng viên vi phạm theo quy định của Điều lệ Đảng, hướng dẫn của Trung ương, của cấp ủy và ủy ban kiểm tra cấp trên.

III- QUAN HỆ CỦA ĐẢNG BỘ, CHI BỘ VỚI THỦ TRƯỞNG CƠ QUAN VÀ CÁC TỔ CHỨC LIÊN QUAN

Điều 8. Đối với thủ trưởng cơ quan

1- Quan hệ giữa cấp ủy với thủ trưởng cơ quan là quan hệ giữa lãnh đạo và phục tùng. Định kỳ 6 tháng, 1 năm hoặc đột xuất, thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm báo cáo với cấp ủy về tình hình các mặt công tác của đơn vị và đề xuất biện pháp thực hiện. Cấp ủy thảo luận, ra nghị quyết lãnh đạo về mục tiêu, yêu cầu, chủ trương, phương hướng, nhiệm vụ và phân công trách nhiệm cho cấp ủy viên thực hiện; quy định chế độ kiểm tra đối với các mặt công tác của đơn vị. Thủ trưởng cơ quan cụ thể hóa thành chương trình, kế hoạch, mệnh lệnh để tổ chức thực hiện các nghị quyết đó và điều hành theo chức trách của thủ trưởng.

2- Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm báo cáo với cấp ủy những chủ trương, kế hoạch công tác lớn do cấp trên giao. Cấp ủy thảo luận, quán triệt và ra nghị quyết để lãnh đạo cán bộ, đảng viên, chiến sĩ thực hiện.

3- Cấp ủy thực hiện chức năng lãnh đạo, kiểm tra, giám sát các hoạt động của thủ trưởng cơ quan trong việc chấp hành nghị quyết, chỉ thị, mệnh lệnh, nhiệm vụ của cấp trên giao và tổ chức thực hiện nghị quyết, kết luận của cấp ủy. Đồng thời thường xuyên thông báo với thủ trưởng cơ quan tình hình tư tưởng, những ý kiến, nguyện vọng của cán bộ, đảng viên, chiến sĩ về việc thực hiện nhiệm vụ, thực hiện chế độ, chính sách trong cơ quan. Thủ trưởng cơ quan có trách nhiệm xem xét, giải quyết theo thẩm quyền và báo cáo kết quả với cấp ủy.

4- Bí thư cấp ủy, thủ trưởng cơ quan phải chịu trách nhiệm trước tổ chức đảng và pháp luật khi để xảy ra quan liêu, tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nội bộ và các tiêu cực khác trong cơ quan.

Điều 9. Đối với các đoàn thể quần chúng

Định kỳ 6 tháng, 1 năm hoặc đột xuất khi có yêu cầu, cấp ủy làm việc với ban chấp hành các đoàn thể, nắm tình hình hoạt động của từng đoàn thể để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.

Điều 10. Đối với tổ chức đảng và chính quyền địa phương

1- Cấp ủy (trừ các cơ quan do yêu cầu công tác cần giữ bí mật) xây dựng mối quan hệ chặt chẽ với cấp ủy và chính quyền địa phương nơi có trụ sở của cơ quan và có đảng viên của đảng bộ, chi bộ đang cư trú để phối hợp công tác và quản lý đảng viên.

2- Cấp ủy, chính quyền địa phương nơi có trụ sở của cơ quan đóng quân và có đảng viên của cơ quan đang cư trú, có trách nhiệm phối hợp, giúp đỡ cấp ủy cơ quan làm tốt công tác xây dựng Đảng và quản lý cán bộ, đảng viên.

IV- ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 11. Tổ chức thực hiện

1- Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương và cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

2- Căn cứ Quy định này và các văn bản hướng dẫn của cấp ủy cấp trên, đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các cơ quan thuộc Công an nhân dân xây dựng quy chế làm việc cụ thể để thực hiện.

Điều 12. Hiệu lực thi hành

Quy định này thay thế Quy định số 167-QĐ/TW, ngày 12/6/2008 của Ban Bí thư khóa X, có hiệu lực từ ngày ký và được phổ biến đến chi bộ để thực hiện.

 

 

Nơi nhận:
- Các tỉnh ủy, thành ủy,
- Các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương,
- Các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương,
- Các đồng chí Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương,
- Lưu Văn phòng Trung ương Đảng.

T/M BAN BÍ THƯ




Trần Quốc Vượng

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quy định 95-QĐ/TW năm 2017 về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong cơ quan thuộc Công an nhân dân do Ban Chấp hành Trung ương ban hành

  • Số hiệu: 95-QĐ/TW
  • Loại văn bản: Quy định
  • Ngày ban hành: 16/08/2017
  • Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
  • Người ký: Trần Quốc Vượng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 16/08/2017
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản