BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 95-QĐ/TW | Hà Nội, ngày 03 tháng 03 năm 2004 |
QUY ĐỊNH
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA ĐẢNG BỘ, CHI BỘ CƠ SỞ XÃ
- Căn cứ Điều lệ Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị (Khóa IX);
- Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Căn cứ tình hình, đặc điểm của xã;
Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở xã như sau:
I. Chức năng
Điều 1. Đảng bộ, chi bộ cơ sở xã là hạt nhân chính trị, lãnh đạo thực hiện đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng hệ thống chính trị ở xã vững mạnh, nông thôn giàu đẹp, văn minh; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, động viên nhân dân làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước.
II. Nhiệm vụ
Điều 2. Lãnh đạo nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng.
1. Lãnh đạo chính quyền thực hiện các chủ trương, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội theo nghị quyết đại hội của đảng bộ, chi bộ xã và của cấp trên; phát triển nông, lâm, ngư, diêm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, tạo thêm việc làm mới cho người lao động; không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, động viên nhân dân làm tròn nghĩa vụ đối với Nhà nước; xây dựng nông thôn giàu đẹp, văn minh.
2. Lãnh đạo chính quyền thực hiện nhiệm vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, quản lý và sử dụng đất hợp lý, tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, tăng giá trị thu nhập trên một đơn vị diện tích; thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở hạ tầng (điện, đường, trường, trạm...) theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm; quản lý và sử dụng tốt các nguồn vốn vay, vốn nhân dân đóng góp và các nguồn vốn khác; phát triển sự nghiệp văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường, thực hiện tốt các chính sách xã hội, xóa đói, giảm nghèo.
3. Lãnh đạo xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, thực hiện tốt phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; giám sát mọi hoạt động ở cơ sở theo đúng đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; mở rộng dân chủ đi đôi với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; kịp thời giải quyết những vướng mắc phát sinh trong cộng đồng dân cư ở cơ sở theo đúng luật pháp, không để tích tụ mâu thuẫn trở thành những điểm nóng, không để xảy ra tình trạng khiếu kiện tập thể, vượt cấp hoặc lợi dụng dân chủ để làm mất ổn định chính trị ở nông thôn.
4. Lãnh đạo thực hiện nhiệm vụ quốc phòng toàn dân và chính sách hậu phương quân đội, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội; đề cao tinh thần cảnh giác cách mạng, bảo vệ nội bộ, bảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể, tính mạng và tài sản của nhân dân; ngăn chặn và đẩy lùi các tệ nạn xã hội, nhất là ma túy, mại dâm.
Điều 3. Lãnh đạo công tác tư tưởng.
1. Thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng, đạo đức, tác phong Hồ Chí Minh và phát huy truyền thống yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội trong các tầng lớp nhân dân, nhất là trong thanh niên, thiếu niên; xây dựng tình đoàn kết, gắn bó tình làng, nghĩa xóm, đùm bọc, giúp đỡ lẫn nhau; xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở thôn (ấp, bản...) và trong từng gia đình, chú trọng tuyên truyền và nhân rộng gương người tốt, việc tốt, các nhân tố tích cực trên mọi lĩnh vực.
2. Tuyên truyền, vận động làm cho nhân dân hiểu và chấp hành đúng đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ của địa phương; kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các tầng lớp nhân dân để giải quyết và báo cáo lên cấp trên.
3. Lãnh đạo cán bộ, đảng viên và nhân dân đấu tranh chống các quan điểm sai trái, những hành vi nói, viết và làm trái với đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chống tư tưởng cơ hội, thực dụng, cục bộ, bè phái, gia trưởng, bảo thủ và các hủ tục lạc hậu, mê tín, dị đoan; phòng, chống sự suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên.
Điều 4. Lãnh đạo công tác tổ chức, cán bộ.
1. Lãnh đạo xây dựng chính quyền, các tổ chức trong hệ thống chính trị, các đơn vị kinh tế, sự nghiệp ở cơ sở vững mạnh; xây dựng và thực hiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, tích cực tạo nguồn cán bộ tại chỗ, từng bước trẻ hóa đội ngũ cán bộ, công chức xã.
2. Cấp ủy xây dựng quy chế về công tác tổ chức, cán bộ; nhận xét, đánh giá, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, đãi ngộ đối với cán bộ thuộc quyền; quản lý và kiểm tra việc thực hiện chính sách đối với cán bộ ở cơ sở theo phân cấp; giới thiệu người đủ tiêu chuẩn, có tín nhiệm trong tổ chức đảng và nhân dân để bầu vào các chức danh chủ chốt của hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân theo luật định và điều lệ của mỗi tổ chức.
3. Cấp ủy đề xuất ý kiến trong việc lựa chọn, giới thiệu cán bộ tham gia vào các cơ quan lãnh đạo của Đảng, chính quyền, đoàn thể nhân dân ở cấp trên và cán bộ chủ chốt ở cơ sở do cấp trên quản lý.
Điều 5. Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
1. Lãnh đạo xây dựng Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân ở xã vững mạnh, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ theo luật định và điều lệ của mỗi đoàn thể. Thực hiện tốt các chính sách về dân tộc, tôn giáo của Đảng và Nhà nước, xây dựng khối đoàn kết toàn dân, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, thi đua thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao.
2. Lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân tham gia xây dựng, bảo vệ đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ của địa phương, trước hết là những chủ trương, chính sách về nông nghiệp, nông dân và nông thôn.
Điều 6. Xây dựng tổ chức đảng.
1. Đề ra chủ trương, nhiệm vụ và biện pháp xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh, gắn với xây dựng, củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đội ngũ đảng viên, nhất là việc phát hiện và đấu tranh chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí và các biểu hiện tiêu cực khác; chú trọng củng cố, xây dựng và nâng cao chất lượng lãnh đạo của các chi bộ, tổ đảng ở thôn (ấp, bản...). Thực hiện đúng nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ tự phê bình và phê bình; thực hiện có nền nếp và nâng cao chất lượng sinh hoạt đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ, bảo đảm tính lãnh đạo, tính giáo dục và tính chiến đấu.
2. Giáo dục, rèn luyện đội ngũ đảng viên nêu cao vai trò tiền phong, gương mẫu, phấn đấu trở thành người lao động giỏi, công dân mẫu mực; nghiêm chỉnh chấp hành và vận động, thuyết phục nhân dân chấp hành nghị quyết của tổ chức đảng, quyết định của chính quyền và chương trình hành động của các đoàn thể nhân dân. Cấp ủy xây dựng kế hoạch và tạo điều kiện cho đảng viên thực hiện nhiệm vụ học tập, không ngừng nâng cao trình độ về mọi mặt.
3. Cấp ủy xây dựng kế hoạch, biện pháp quản lý, phân công nhiệm vụ và tạo điều kiện để đảng viên hoàn thành nhiệm vụ được giao. Làm tốt công tác động viên, khen thưởng, kỷ luật đảng viên; xử lý nghiêm, kịp thời những cán bộ, đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước.
4. Làm tốt công tác tạo nguồn và phát triển đảng viên, bảo đảm về tiêu chuẩn và quy trình, chú trọng đối tượng là đoàn viên thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và những người lao động giỏi, có uy tín trong quần chúng.
5. Xây dựng cấp ủy và bí thư cấp ủy bảo đảm tiêu chuẩn về phẩm chất, năng lực, thực sự là trung tâm đoàn kết, hoạt động có hiệu quả, được đảng viên và nhân dân tín nhiệm. Định kỳ hằng năm, cấp ủy tổ chức để quần chúng tham gia, góp ý xây dựng Đảng; bí thư cấp ủy cơ sở, chủ tịch hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân tự phê bình trước đại diện của nhân dân và chịu trách nhiệm khi để xảy ra quan liêu, tham nhũng, lãng phí ở địa phương.
6. Cấp ủy thường xuyên kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Điều lệ, nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước và Quy định của Bộ Chính trị về những điều đảng viên không được làm. Phối hợp với các tổ chức, cơ sở đảng trên địa bàn và các tổ chức, cơ sở đảng có đảng viên, cán bộ, công chức đang cư trú trên địa bàn thực hiện các nghị quyết, chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các nhiệm vụ của địa phương.
III. Quan hệ của đảng bộ, chi bộ với các tổ chức trong hệ thống chính trị ở cơ sở
Điều 7. Đối với hội đồng nhân dân.
1. Cấp ủy lãnh đạo hội đồng nhân dân bằng chủ trương, nghị quyết, công tác cán bộ, công tác kiểm tra và thông qua các đảng viên là đại biểu hội đồng nhân dân.
2. Trước mỗi kỳ họp hội đồng nhân dân, chủ tịch hội đồng nhân dân phải báo cáo với cấp ủy về thời gian, chương trình, nội dung kỳ họp để cấp ủy cho ý kiến chỉ đạo đảm bảo cho kỳ họp đạt kết quả, đúng luật, đúng định hướng của tổ chức đảng.
Điều 8. Đối với Ủy ban nhân dân.
1. Cấp ủy lãnh đạo Ủy ban nhân dân bằng chủ trương, nghị quyết, bằng công tác cán bộ và công tác kiểm tra. Thường xuyên kiểm tra Ủy ban nhân dân trong việc tổ chức thực hiện nhiệm vụ, kịp thời phát hiện, khắc phục những việc chưa đúng, nếu có sai phạm nghiêm trọng, cấp ủy yêu cầu tạm dừng thực hiện và kiến nghị với cấp ủy, chính quyền cấp trên giải quyết.
2. Định kỳ (hằng tháng, quý, 6 tháng, năm) hoặc đột xuất khi có yêu cầu, chủ tịch Ủy ban nhân dân báo cáo với cấp ủy về tiến độ và kết quả thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng hoặc những chuyên đề công tác được phân công.
Điều 9. Đối với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân.
1. Cấp ủy lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân bằng nghị quyết, chương trình hành động, bằng công tác cán bộ, công tác kiểm tra và vai trò gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong các tổ chức đó. Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân có trách nhiệm cụ thể hóa các chủ trương, nghị quyết của tổ chức đảng, thực hiện nghiêm chế độ báo cáo về tình hình hoạt động và đề xuất, kiến nghị về sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy.
2. Định kỳ (3 tháng, 6 tháng, 1 năm) hoặc đột xuất khi có yêu cầu, cấp ủy làm việc với các đoàn thể, nắm tình hình hoạt động của từng đoàn thể để có biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.
IV. Điều khoản thi hành
Điều 10. Tổ chức thực hiện.
1. Các tỉnh ủy, thành ủy và cấp ủy cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đảng bộ, chi bộ cơ sở xã thực hiện Quy định này.
2. Căn cứ Quy định này và các văn bản hướng dẫn của cấp ủy cấp trên, các đảng bộ, chi bộ cơ sở xã xây dựng quy chế hoạt động cụ thể để thực hiện.
Điều 11. Hiệu lực thi hành.
Quy định này thay thế Quy định số 50/QĐ-TW, ngày 19-11-1992 của Ban Bí thư (Khóa VII), có hiệu lực từ ngày ký và được phổ biến đến các chi bộ để thực hiện.
| T/M BAN BÍ THƯ |
- 1Quy định 49-QĐ/TW năm 1992 về chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ, chi bộ trong các doanh nghiệp nhà nước do Ban Bí thư ban hành
- 2Quy định 52-QĐ/TW năm 1992 về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ ở phường do Ban Bí thư ban hành
- 3Quy định 54-QĐ/TW năm 1992 về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ quan do Ban Bí thư ban hành
- 4Quy định 127-QĐ/TW năm 2018 về chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác của đảng bộ, chi bộ cơ sở xã, phường, thị trấn do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 1Hiến pháp năm 1992
- 2Quy định 49-QĐ/TW năm 1992 về chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ, chi bộ trong các doanh nghiệp nhà nước do Ban Bí thư ban hành
- 3Quy định 52-QĐ/TW năm 1992 về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ ở phường do Ban Bí thư ban hành
- 4Quy định 54-QĐ/TW năm 1992 về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ quan do Ban Bí thư ban hành
Quy định 95-QĐ/TW năm 2004 về chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở xã do Ban Chấp hành trung ương ban hành
- Số hiệu: 95-QĐ/TW
- Loại văn bản: Quy định
- Ngày ban hành: 03/03/2004
- Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
- Người ký: Phan Diễn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 03/03/2004
- Ngày hết hiệu lực: 01/03/2018
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực