BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 65-QĐ/TW | Hà Nội, ngày 28 tháng 4 năm 2022 |
- Căn cứ Điều lệ Đảng và Quy định thi hành Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XIII,
Bộ Chính trị quy định về luân chuyển cán bộ như sau:
1. Công tác luân chuyển cán bộ là một nội dung trong công tác cán bộ đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là các cấp ủy, tổ chức đảng; bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ, nêu cao trách nhiệm của tập thể lãnh đạo và người đứng đầu.
2. Bảo đảm tổng thể, đồng bộ, liên thông giữa các cấp, cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị; gắn kết chặt chẽ giữa luân chuyển với quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng và các nội dung khác trong công tác cán bộ. Cán bộ luân chuyển phải trong quy hoạch, có phẩm chất, năng lực và triển vọng phát triển.
3. Giải quyết hài hòa giữa luân chuyển cán bộ để đào tạo với bố trí, sử dụng nguồn cán bộ tại chỗ; vừa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị trước mắt, vừa đào tạo, bồi dưỡng nguồn cán bộ lâu dài.
4. Không tăng thêm chức danh để luân chuyển cán bộ. Trường hợp đặc biệt do Bộ Chính trị quyết định.
5. Có cơ chế quản lý, giám sát, đánh giá cán bộ luân chuyển và chính sách, chế độ phù hợp tạo điều kiện cho cán bộ luân chuyển hoàn thành tốt nhiệm vụ.
1. Nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương của Đảng về công tác cán bộ; tạo điều kiện cho cán bộ trong quy hoạch có môi trường để rèn luyện, am hiểu thực tiễn, phát triển toàn diện; xây dựng đội ngũ cán bộ ngang tầm nhiệm vụ.
2. Tiếp tục đổi mới công tác luân chuyển cán bộ, bảo đảm chặt chẽ, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch, công bằng; không để xảy ra tiêu cực trong công tác cán bộ.
3. Kết hợp luân chuyển với tăng cường cán bộ cho những nơi khó khăn, khắc phục tình trạng nơi thừa, nơi thiếu, cục bộ, khép kín; góp phần thúc đẩy thực hiện chủ trương bố trí lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và người đứng đầu không giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp.
1. Luân chuyển cán bộ là việc phân công hoặc bổ nhiệm cán bộ, công chức lãnh đạo, quản lý giữ một chức danh lãnh đạo, quản lý khác trong một thời hạn nhất định để tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng và rèn luyện theo yêu cầu nhiệm vụ hoặc yêu cầu của chức danh được quy hoạch.
2. Người địa phương là người có quê quán ở địa phương đó (trừ trường hợp có quê quán ở địa phương đó nhưng có 3 thế hệ sinh ra, lớn lên và sinh sống ở địa phương khác) hoặc là người có quê quán ở địa phương khác nhưng có 3 thế hệ sinh ra, lớn lên và sinh sống ở địa phương đó.
3. Cán bộ giữ chức vụ quá hai nhiệm kỳ liên tiếp là người giữ chức vụ cấp trưởng liên tục từ 8 năm trở lên ở cùng một địa phương, cơ quan, đơn vị.
4. Cơ quan nơi có cán bộ luân chuyển đi là địa phương, cơ quan, đơn vị có cán bộ được luân chuyển (gọi chung là cơ quan nơi đi).
5. Cơ quan nơi có cán bộ luân chuyển đến là địa phương, cơ quan, đơn vị tiếp nhận cán bộ luân chuyển (gọi chung là cơ quan nơi đến).
Điều 4. Phạm vi, đối tượng, chức danh luân chuyển
1. Phạm vi
Luân chuyển từ cấp trên xuống cấp dưới, từ cấp dưới lên cấp trên, từ địa phương này sang địa phương khác; giữa các cơ quan, tổ chức cùng cấp trong hệ thống chính trị.
2. Đối tượng
- Cán bộ được quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp.
- Cán bộ được luân chuyển để thực hiện chủ trương bố trí cán bộ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh, cấp huyện không là người địa phương và cán bộ không giữ chức vụ cấp trưởng quá hai nhiệm kỳ liên tiếp ở một địa phương, cơ quan, đơn vị, gồm: Bí thư cấp ủy, chủ tịch Ủy ban nhân dân, chánh án tòa án nhân dân, viện trưởng viện kiểm sát nhân dân và cấp trưởng các ngành công an, thanh tra, tài chính, thuế, hải quan cấp tỉnh, cấp huyện.
- Trường hợp khác do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
3. Nguyên tắc bố trí chức danh khi luân chuyển
Cơ bản thực hiện theo nguyên tắc bố trí giữ chức vụ tương đương với chức vụ đang đảm nhiệm. Trường hợp cần thiết, cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định bố trí chức vụ cao hơn chức vụ đang đảm nhiệm đối với cán bộ có phẩm chất, năng lực nổi trội, có khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của chức vụ dự kiến phân công, bố trí.
1. Có lập trường, tư tưởng chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức tốt; có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị, năng lực công tác và triển vọng phát triển; đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của chức vụ đảm nhiệm khi luân chuyển.
2. Có đủ sức khoẻ và còn thời gian công tác ít nhất 10 năm công tác tính từ thời điểm luân chuyển. Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Điều 6. Thẩm quyền, trách nhiệm
1. Thẩm quyền
Thực hiện theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ.
2. Trách nhiệm
- Cấp có thẩm quyền quyết định luân chuyển cán bộ chịu trách nhiệm lãnh đạo xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ và bố trí, phân công công tác đối với cán bộ sau luân chuyển; thực hiện quy trình, thủ tục bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch; kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm; quản lý, đánh giá, nhận xét hằng năm đối với cán bộ luân chuyển; sơ kết, tổng kết công tác luân chuyển cán bộ.
- Cơ quan nơi đi chịu trách nhiệm nhận xét, đánh giá cán bộ được đề xuất đi luân chuyển; phối hợp với cơ quan liên quan trong công tác quản lý, giám sát và giữ mối liên hệ thường xuyên với cán bộ luân chuyển; có trách nhiệm tiếp nhận, bố trí hoặc đề xuất bố trí công tác đối với cán bộ sau luân chuyển...
- Cơ quan nơi đến phải chấp hành nghiêm quyết định về luân chuyển cán bộ của cấp có thẩm quyền; có trách nhiệm bố trí công tác, tạo môi trường và điều kiện thuận lợi để cán bộ luân chuyển phát huy năng lực, sở trường; quản lý, đánh giá cán bộ trong thời gian luân chuyển; phối hợp với các cơ quan liên quan đề xuất hướng bố trí, sử dụng cán bộ sau luân chuyển...
- Cán bộ luân chuyển phải chấp hành nghiêm các quy định, quy chế, phân công của cấp có thẩm quyền, cơ quan nơi đi và nơi đến; tu dưỡng, rèn luyện, phát huy năng lực, sở trường, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Chịu sự kiểm tra, giám sát, báo cáo định kỳ hoặc đột xuất theo yêu cầu của cơ quan quản lý.
- Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ của cấp ủy, tổ chức đảng các cấp chịu trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu giúp cấp ủy, tổ chức đảng xây dựng kế hoạch luân chuyển, nhận xét, đánh giá, đề xuất bố trí, sắp xếp cán bộ trước và sau luân chuyển; tham mưu sơ kết, tổng kết về công tác luân chuyển cán bộ.
- Các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm tham gia thẩm định, thẩm tra, rà soát đối với nhân sự luân chuyển theo chức năng, nhiệm vụ và yêu cầu của cấp có thẩm quyền; phối hợp với cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ trong công tác kiểm tra, giám sát và tham gia ý kiến trong việc bố trí, sắp xếp cán bộ sau luân chuyển,...
Điều 7. Kế hoạch, quy trình, hồ sơ cán bộ luân chuyển
1. Kế hoạch
1.1. Đối với cấp Trung ương
Ban Tổ chức Trung ương căn cứ vào yêu cầu nhiệm vụ chính trị và tình hình đội ngũ cán bộ để tham mưu, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư xem xét, quyết định cán bộ Trung ương luân chuyển.
1.2. Đối với các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương
Cấp ủy, tổ chức đảng có thẩm quyền căn cứ quy định hiện hành, danh sách cán bộ trong quy hoạch, yêu cầu nhiệm vụ chính trị và năng lực, sở trường của cán bộ để xây dựng kế hoạch luân chuyển cán bộ thuộc phạm vi quản lý. Kế hoạch phải xác định các nội dung cơ bản: số lượng, nhu cầu, vị trí, chức danh, hình thức, địa bàn luân chuyển; chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển; dự kiến phương án bố trí cán bộ sau luân chuyển (nếu có)...
Căn cứ kế hoạch luân chuyển để lập danh sách cán bộ luân chuyển và kế hoạch tổ chức thực hiện cụ thể đối với từng cán bộ.
2. Quy trình
Bước 1: Căn cứ vào nhu cầu luân chuyển cán bộ, cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị để xây dựng kế hoạch luân chuyển trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho chủ trương.
Bước 2: Căn cứ chủ trương của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ trao đổi với các địa phương, cơ quan, đơn vị để đề xuất nhân sự luân chuyển.
Bước 3: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ tổng hợp đề xuất của các địa phương, cơ quan, đơn vị và tiến hành rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí và dự kiến địa bàn, chức danh, nhân sự luân chuyển; lấy ý kiến nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến luân chuyển.
Bước 4: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ gửi văn bản lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan, trao đổi với cơ quan nơi đi, cơ quan nơi đến về dự kiến địa bàn, chức danh và nhân sự luân chuyển; tổng hợp kết quả thẩm định và trao đổi với cán bộ dự kiến luân chuyển. Tổ chức gặp gỡ cán bộ được luân chuyển để quán triệt mục đích, yêu cầu luân chuyển; đồng thời, nắm tâm tư, nguyện vọng và xác định trách nhiệm đối với cán bộ luân chuyển.
Bước 5: Cơ quan tham mưu tổ chức - cán bộ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định và lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện (công bố quyết định, chỉ đạo bầu cử và các công việc cần thiết khác).
3. Hồ sơ cán bộ luân chuyển
Tương tự như hồ sơ bổ nhiệm và giới thiệu cán bộ ứng cử theo quy định hiện hành.
Thời gian luân chuyển ít nhất là 3 năm (36 tháng). Trường hợp đặc biệt do cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
Điều 9. Nhận xét, đánh giá đối với cán bộ luân chuyển
1. Cơ quan nơi đi có trách nhiệm nhận xét, đánh giá về phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực công tác, uy tín, tiêu chuẩn chính trị và các vấn đề khác có liên quan đến cán bộ theo quy định trước khi báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định luân chuyển cán bộ.
2. Cơ quan nơi đến có trách nhiệm nhận xét, đánh giá định kỳ hằng năm và khi có yêu cầu về phẩm chất đạo đức, lối sống, năng lực công tác, uy tín và các vấn đề có liên quan đến cán bộ luân chuyển và gửi cơ quan nơi đi, cơ quan tham mưu về tổ chức - cán bộ để phối hợp, theo dõi theo quy định.
3. Nhận xét, đánh giá đối với cán bộ luân chuyển khi đề xuất bố trí công tác khác.
- Cán bộ luân chuyển tự kiểm điểm về quá trình công tác trong thời gian luân chuyển.
- Cơ quan nơi đến nhận xét, đánh giá cán bộ luân chuyển trong thời gian công tác tại địa phương, cơ quan, đơn vị.
4. Cấp ủy, tổ chức đảng và tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị chịu trách nhiệm trước cấp có thẩm quyền về nhận xét, đánh giá và kết luận của mình đối với cán bộ luân chuyển.
Điều 10. Nguyên tắc bố trí cán bộ sau luân chuyển
1. Việc bố trí công tác đối với cán bộ sau luân chuyển phải căn cứ yêu cầu công tác cán bộ của Đảng, nhiệm vụ chính trị, tình hình đội ngũ cán bộ của các địa phương, cơ quan, đơn vị và kết quả công tác, năng lực, sở trường của cán bộ gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và nhận xét, đánh giá cán bộ của cấp có thẩm quyền.
2. Trường hợp cán bộ luân chuyển được cấp có thẩm quyền quyết định tiếp tục bố trí ổn định công tác ở địa phương, đơn vị nơi đến thì không còn xem là cán bộ luân chuyển theo quy định.
Điều 11. Chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển
Cơ quan nơi đến thực hiện chế độ, chính sách, bố trí nơi ở, hỗ trợ đi lại, sinh hoạt phí (nếu có) đối với cán bộ luân chuyển. Trường hợp cán bộ luân chuyển đảm nhiệm chức danh có chế độ, phụ cấp chức vụ thấp hơn chức danh đảm nhiệm trước khi luân chuyển thì được bảo lưu theo quy định.
Điều 12. Kiểm tra, giám sát và xử lý vi phạm
Các cấp ủy, tổ chức đảng lãnh đạo, chỉ đạo kiểm tra, giám sát công tác luân chuyển cán bộ theo quy định; đề xuất khen thưởng, biểu dương đối với những nơi làm tốt và có biện pháp chấn chỉnh, xử lý đối với những tổ chức, cá nhân vi phạm.
1. Căn cứ Quy định này, các cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cụ thể hóa thành quy định của tổ chức, cơ quan, đơn vị mình cho phù hợp với yêu cầu nhiệm vụ và tình hình thực tiễn nhưng không được trái với Quy định này.
2. Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu, rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về chế độ, chính sách đối với cán bộ luân chuyển để bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ, liên thông trong công tác cán bộ.
3. Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương phối hợp với Ban Tổ chức Trung ương quy định cụ thể về độ tuổi và thời gian luân chuyển của cán bộ phù hợp với Luật Sỹ quan Quân đội nhân dân, Luật Công an nhân dân và yêu cầu nhiệm vụ lãnh đạo, chỉ huy.
4. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định này; định kỳ sơ kết, tổng kết việc thực hiện.
5. Quy định này có hiệu lực từ ngày ký và thay thế Quy định số 98-QĐ/TW, ngày 07/10/2017 của Bộ Chính trị về luân chuyển cán bộ.
| T/M BỘ CHÍNH TRỊ |
- 1Quy định 98-QĐ/TW năm 2017 về luân chuyển cán bộ do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 2Thông báo 36-TB/TW năm 2017 về công tác luân chuyển cán bộ do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 3Kết luận 23-KL/TW năm 2021 về tiếp tục đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ kiểm tra các cấp sang công tác ở các ngành, các cấp và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp về làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 4Quy định 06-QĐ/BCSĐ năm 2021 về công tác luân chuyển, điều động cán bộ đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông vận tải
- 5Quy định 142-QĐ/TW năm 2024 thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 1Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam 1999
- 2Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011
- 3Thông báo 36-TB/TW năm 2017 về công tác luân chuyển cán bộ do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 4Luật Công an nhân dân 2018
- 5Kết luận 23-KL/TW năm 2021 về tiếp tục đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ kiểm tra các cấp sang công tác ở các ngành, các cấp và luân chuyển cán bộ lãnh đạo, quản lý các ngành, các cấp về làm công tác kiểm tra, giám sát của Đảng do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 6Quy định 06-QĐ/BCSĐ năm 2021 về công tác luân chuyển, điều động cán bộ đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông vận tải
- 7Quy định 142-QĐ/TW năm 2024 thí điểm giao quyền, trách nhiệm cho người đứng đầu trong công tác cán bộ do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
Quy định 65-QĐ/TW năm 2022 về luân chuyển cán bộ do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- Số hiệu: 65-QĐ/TW
- Loại văn bản: Quy định
- Ngày ban hành: 28/04/2022
- Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
- Người ký: Võ Văn Thưởng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 28/04/2022
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực