Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 50-QĐ/TW | Hà Nội, ngày 27 tháng 12 năm 2021 |
- Căn cứ Điều lệ Đảng và Quy định thi hành Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khóa XIII;
- Căn cứ các quy định của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị về công tác cán bộ,
Bộ Chính trị quy định về công tác quy hoạch cán bộ như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
Quy định này quy định về nguyên tắc, mục đích, yêu cầu, đối tượng, nhiệm kỳ, hiệu lực, thẩm quyền, trách nhiệm, phương pháp, tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi, cơ cấu, số lượng, quy trình, quản lý và công khai trong công tác quy hoạch cán bộ; áp dụng đối với cơ quan, tổ chức và cán bộ, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị.
1. Bảo đảm nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước; bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, liên thông, công khai, minh bạch trong công tác quy hoạch cán bộ.
1. Nâng cao hiệu quả công tác quy hoạch cán bộ; bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục, vững vàng giữa các thế hệ, chủ động xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược, người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ, gắn bó mật thiết với nhân dân.
2. Quy hoạch cán bộ là khâu quan trọng, nhiệm vụ thường xuyên nhằm phát hiện sớm nguồn cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín, có triển vọng phát triển để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp.
Điều 4. Chức danh, đối tượng, nhiệm kỳ, hiệu lực quy hoạch
1. Chức danh quy hoạch:
Các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị, bao gồm:
- Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
- Các chức danh thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và chức danh phải lấy ý kiến thẩm định của các ban, cơ quan đảng ở Trung ương.
- Các chức danh thuộc diện các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý.
2. Đối tượng quy hoạch:
Đối tượng quy hoạch cấp ủy, lãnh đạo, quản lý gồm 2 đối tượng, cụ thể:
- Đối tượng 1, đối tượng 2 của các chức danh diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và các chức danh ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương thực hiện theo Phụ lục 1A, 1B.
- Đối tượng 1 và đối tượng 2 của các chức danh khác theo phân cấp quản lý cán bộ, các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương căn cứ vào Phụ lục 1A, 1B để xác định cụ thể đối tượng của các chức danh quy hoạch theo quy định.
3. Nhiệm kỳ quy hoạch:
Quy hoạch cho một nhiệm kỳ và định hướng cho nhiệm kỳ kế tiếp.
4. Hiệu lực quy hoạch:
- Quy hoạch cán bộ có hiệu lực từ ngày cấp có thẩm quyền ký, ban hành quyết định phê duyệt. Quy hoạch hết hiệu lực khi cán bộ được bổ nhiệm vào chức danh quy hoạch hoặc đưa ra khỏi quy hoạch hoặc kết thúc nhiệm kỳ theo quy định của chức danh quy hoạch.
Điều 5. Thẩm quyền phê duyệt quy hoạch
1. Bộ Chính trị phê duyệt quy hoạch các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý đối với nhân sự là Ủy viên Trung ương Đảng (cả chính thức và dự khuyết).
2. Ban Tổ chức Trung ương phê duyệt quy hoạch các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý (không bao gồm nhân sự quy định tại Khoản 1, Điều này) và các chức danh phải lấy ý kiến thẩm định của các ban, cơ quan đảng ở Trung ương theo quy định của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ.
3. Các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị phê duyệt quy hoạch đối với các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định.
Điều 6. Trách nhiệm trong công tác quy hoạch
1. Trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị:
- Lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa và tổ chức thực hiện chủ trương, quy định của Đảng về công tác quy hoạch cán bộ tại địa phương, cơ quan, đơn vị; xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện, xác định đối tượng cụ thể đối với các chức danh do cấp mình quản lý và tham gia xây dựng tiêu chuẩn, điều kiện các chức danh khác khi được yêu cầu.
- Thực hiện quy trình nhân sự, kết luận về tiêu chuẩn chính trị, nhận xét, đánh giá và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch chức danh lãnh đạo, quản lý của địa phương, cơ quan, đơn vị thuộc thẩm quyền quản lý của cấp trên.
- Căn cứ quy hoạch được phê duyệt để xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bố trí, sử dụng cán bộ gắn với chức danh quy hoạch theo quy định. Kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm trong công tác quy hoạch cán bộ theo thẩm quyền.
2. Trách nhiệm của Ban Tổ chức Trung ương:
- Tham mưu chủ trương, quy định về công tác quy hoạch cán bộ; giúp Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác quy hoạch cán bộ theo quy định.
- Trình Bộ Chính trị xem xét, phê duyệt quy hoạch các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý đối với nhân sự là Ủy viên Trung ương Đảng (cả chính thức và dự khuyết).
- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định, xem xét, phê duyệt quy hoạch đối với các chức danh được Bộ Chính trị, Ban Bí thư ủy quyền và chức danh phải lấy ý kiến thẩm định của các ban, cơ quan đảng ở Trung ương theo quy định.
- Tổng kết, sơ kết, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát công tác quy hoạch cán bộ ở các địa phương, cơ quan, đơn vị.
- Chủ trì, phối hợp với các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị trao đổi, cung cấp thông tin, giới thiệu nhân sự từ nơi khác (khi cần thiết hoặc theo yêu cầu) để các địa phương, cơ quan, đơn vị nghiên cứu, xem xét, bổ sung quy hoạch theo thẩm quyền.
3. Trách nhiệm của các cơ quan tham mưu của Trung ương Đảng và cơ quan liên quan:
- Thẩm định, thẩm tra, cung cấp hồ sơ, tài liệu, thông tin liên quan đến nhân sự quy hoạch theo yêu cầu.
- Thực hiện nhiệm vụ khác theo yêu cầu của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
1. Xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ kế tiếp được thực hiện một lần vào năm thứ hai nhiệm kỳ hiện tại của đại hội đảng bộ các cấp, đại hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội.
2. Hằng năm tiến hành rà soát, bổ sung quy hoạch từ 1 đến 2 lần cho cả quy hoạch nhiệm kỳ hiện tại và nhiệm kỳ kế tiếp.
Điều 8. Tiêu chuẩn, điều kiện, độ tuổi
Tiêu chuẩn đối với cán bộ quy hoạch, cơ bản thực hiện như tiêu chuẩn bổ nhiệm đối với chức danh theo quy định hiện hành. Tại thời điểm quy hoạch, cấp có thẩm quyền có thể xem xét, phê duyệt quy hoạch đối với những cán bộ cơ bản đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện của chức danh bổ nhiệm theo quy định.
2. Về độ tuổi:
Cán bộ được quy hoạch nhiệm kỳ kế tiếp phải đủ tuổi công tác 2 nhiệm kỳ trở lên, ít nhất phải trọn 1 nhiệm kỳ kế tiếp đó (60 tháng). Khi rà soát, bổ sung quy hoạch hằng năm cho nhiệm kỳ hiện tại, cán bộ đưa vào quy hoạch phải còn đủ tuổi công tác ít nhất từ 72 tháng trở lên.
3. Thời điểm tính tuổi quy hoạch:
- Đối với quy hoạch nhiệm kỳ kế tiếp: Chức danh cấp ủy, lãnh đạo cấp ủy, các ban, cơ quan của Đảng, ủy ban kiểm tra là thời điểm tiến hành đại hội đảng bộ các cấp; chức danh lãnh đạo, quản lý các cơ quan nhà nước là thời điểm bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; chức danh lãnh đạo Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội là thời điểm đại hội các cấp của mỗi tổ chức.
- Đối với rà soát, bổ sung quy hoạch: Là thời điểm cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ có thẩm quyền (Ban Tổ chức Trung ương đối với trường hợp các chức danh thuộc diện Trung ương quản lý; ban tổ chức cấp ủy các cấp đối với trường hợp khác) nhận được tờ trình và hồ sơ nhân sự theo quy định.
Điều 9. Hệ số, số lượng và cơ cấu
1. Về hệ số, số lượng:
- Hệ số quy hoạch cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy và ủy ban kiểm tra các cấp từ 1,0 - 1,5 lần so với số lượng theo quy định.
- Số lượng của chức danh quy hoạch lãnh đạo, quản lý: Mỗi chức danh quy hoạch không quá ba cán bộ và một cán bộ quy hoạch không quá ba chức danh ở cùng cấp.
2. Về cơ cấu:
Phấn đấu cơ cấu, tỉ lệ quy hoạch cấp ủy và các chức danh lãnh đạo, quản lý các cấp theo hướng: Cán bộ trẻ (dưới 45 tuổi đối với Trung ương; dưới 40 tuổi đối với cấp tỉnh, cấp huyện) từ 15% trở lên, cán bộ nữ từ 25% trở lên; tỉ lệ cán bộ người dân tộc thiểu số phù hợp với từng địa bàn, lĩnh vực; cấp huyện và tương đương trở lên phải có cán bộ nữ trong quy hoạch các chức danh cấp ủy, lãnh đạo, quản lý.
Điều 10. Quy trình và hồ sơ nhân sự quy hoạch
Quy trình quy hoạch gồm 2 quy trình: (1) Xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ kế tiếp từ nguồn nhân sự tại chỗ. (2) Rà soát, bổ sung quy hoạch cán bộ hằng năm từ nguồn nhân sự tại chỗ hoặc từ nguồn nhân sự ở nơi khác.
- Đối với quy trình nhân sự quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý: Thực hiện theo Phụ lục 2.
- Đối với các chức danh khác theo phân cấp quản lý cán bộ: Các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương căn cứ vào Phụ lục 2 để quy định cụ thể cho phù hợp.
- Quân ủy Trung ương và Đảng ủy Công an Trung ương căn cứ vào Quy định này để cụ thể hóa quy trình quy hoạch cán bộ đối với các chức danh lãnh đạo, chỉ huy trong lực lượng vũ trang cho phù hợp với đặc điểm, tình hình và yêu cầu, nhiệm vụ của mỗi lực lượng.
2. Hồ sơ nhân sự: Thực hiện theo Phụ lục 3.
Điều 11. Công khai và quản lý quy hoạch
1. Công khai quy hoạch:
Danh sách cán bộ được cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch hoặc đưa ra khỏi quy hoạch được thông báo công khai trong cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo và người đứng đầu địa phương, cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan biết, quản lý, sử dụng quy hoạch.
Căn cứ vào kết quả phê duyệt quy hoạch cán bộ, các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị có trách nhiệm:
- Sau 30 ngày kể từ khi phê duyệt quy hoạch, các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị báo cáo cấp trên trực tiếp kết quả phê duyệt quy hoạch; báo cáo Ban Tổ chức Trung ương (kèm theo các quyết định phê duyệt quy hoạch) đối với các chức danh ủy viên ban chấp hành, ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương để quản lý theo quy định.
- Xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả việc đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách, luân chuyển, điều động, bổ nhiệm cán bộ quy hoạch đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị.
- Định kỳ hằng năm đánh giá phẩm chất, năng lực, kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao và chiều hướng phát triển đối với cán bộ trong quy hoạch.
Điều 12. Các trường hợp đương nhiên ra khỏi quy hoạch
Cán bộ quá tuổi quy hoạch hoặc bị cấp có thẩm quyền thi hành kỷ luật từ hình thức khiển trách trở lên (đối với cá nhân) hoặc kết luận không bảo đảm tiêu chuẩn chính trị của chức danh quy hoạch thì đương nhiên ra khỏi quy hoạch.
1. Các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị căn cứ Quy định của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ, có trách nhiệm cụ thể hóa cho phù hợp với đặc điểm, tình hình và yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị nhưng không trái với Quy định này.
2. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Ủy ban Kiểm tra Trung ương hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định của Bộ Chính trị.
3. Quy định về công tác quy hoạch cán bộ (kèm theo các phụ lục) có hiệu lực thi hành từ ngày ký, thay thế những quy định trước đây về quy hoạch cán bộ không phù hợp với Quy định này.
Nơi nhận: | T/M BỘ CHÍNH TRỊ |
ĐỐI TƯỢNG GIỚI THIỆU QUY HOẠCH CÁC CHỨC DANH DIỆN BỘ CHÍNH TRỊ, BAN BÍ THƯ QUẢN LÝ
(Kèm theo Quy định số 50-QĐ/TW, ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị)
I- Quy hoạch chức danh bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương, bộ trưởng và tương đương
1. Đối tượng 1: Phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương; chủ tịch Hội đồng nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân, trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố; thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, cấp phó các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị ở Trung ương và tương đương; tư lệnh, chính ủy cấp quân khu và tương đương.
Các đồng chí được quy hoạch nhiệm kỳ kế tiếp phải đủ tuổi công tác 2 nhiệm kỳ trở lên, ít nhất trọn 1 nhiệm kỳ (60 tháng) đối với cả nam và nữ; đối với rà soát, bổ sung quy hoạch hằng năm cho nhiệm kỳ hiện tại, phải đủ tuổi công tác ít nhất từ 72 tháng trở lên.
2. Đối tượng 2: Ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương; phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố; tổng cục trưởng, phó tổng cục trưởng, cục trưởng, vụ trưởng, viện trưởng và tương đương ở các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị ở Trung ương; chủ tịch hội đồng thành viên (chủ tịch hội đồng quản trị), tổng giám đốc tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ngành Trung ương. Các đồng chí Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng chưa là đối tượng 1, 2.
Các đồng chí này phải được quy hoạch chức danh đối tượng 1 và còn đủ tuổi công tác ít nhất trọn 2 nhiệm kỳ trở lên đối với cả nam và nữ.
II- Quy hoạch chức danh phó bí thư tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương, thứ trưởng và tương đương
1. Đối tượng 1: Ủy viên ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương; phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân, phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, thành phố; tổng cục trưởng, phó tổng cục trưởng, cục trưởng, vụ trưởng, viện trưởng và tương đương ở các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị ở Trung ương; chủ tịch hội đồng thành viên (chủ tịch hội đồng quản trị), tổng giám đốc tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ngành Trung ương. Các đồng chí Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng chưa là đối tượng 1.
Các đồng chí được quy hoạch nhiệm kỳ kế tiếp phải đủ tuổi công tác 2 nhiệm kỳ trở lên, ít nhất trọn 1 nhiệm kỳ (60 tháng) đối với cả nam và nữ; đối với rà soát, bổ sung quy hoạch hằng năm cho nhiệm kỳ hiện tại, phải đủ tuổi công tác ít nhất từ 72 tháng trở lên.
2. Đối tượng 2: Các đồng chí ủy viên ban chấp hành đảng bộ tỉnh, thành phố, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương; phó cục trưởng, phó vụ trưởng, phó viện trưởng và tương đương ở các ban, bộ, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội, cơ quan, đơn vị ở Trung ương; thành viên hội đồng thành viên (hội đồng quản trị), phó tổng giám đốc tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, các bộ, ngành Trung ương.
Các đồng chí này phải được quy hoạch chức danh đối tượng 1 và còn đủ tuổi công tác ít nhất trọn 2 nhiệm kỳ trở lên đối với cả nam và nữ.
ĐỐI TƯỢNG GIỚI THIỆU QUY HOẠCH BAN THƯỜNG VỤ, BAN CHẤP HÀNH ĐẢNG BỘ CÁC TỈNH, THÀNH PHỐ VÀ ĐẢNG BỘ KHỐI TRỰC THUỘC TRUNG ƯƠNG
(Kèm theo Quy định số 50-QĐ/TW, ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị)
I- Quy hoạch ban chấp hành đảng bộ tỉnh, thành phố và đảng bộ khối trực thuộc Trung ương
1. Đối tượng 1: Cấp trưởng; cấp phó các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương (được quy hoạch chức danh cấp trưởng); bí thư, phó bí thư cấp ủy trực thuộc đảng bộ tỉnh, thành phố và đảng bộ khối trực thuộc Trung ương (được quy hoạch chức danh bí thư).
Các đồng chí được quy hoạch nhiệm kỳ kế tiếp phải đủ tuổi công tác 2 nhiệm kỳ trở lên, ít nhất trọn 1 nhiệm kỳ (60 tháng) đối với cả nam và nữ; đối với rà soát, bổ sung quy hoạch hằng năm cho nhiệm kỳ hiện tại, phải đủ tuổi công tác ít nhất từ 72 tháng trở lên.
2. Đối tượng 2: Ủy viên ban thường vụ cấp ủy cấp huyện và tương đương; phó chủ tịch Hội đồng nhân dân, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; trưởng phòng của ban, sở, ngành tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương.
Các đồng chí này phải được quy hoạch chức danh đối tượng 1 và còn đủ tuổi công tác ít nhất trọn 2 nhiệm kỳ trở lên đối với cả nam và nữ.
II- Quy hoạch ban thường vụ các tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy khối trực thuộc Trung ương
1. Đối tượng 1: Ủy viên ban chấp hành đảng bộ tỉnh, thành phố và đảng bộ khối trực thuộc Trung ương.
Các đồng chí được quy hoạch nhiệm kỳ kế tiếp phải đủ tuổi công tác 2 nhiệm kỳ trở lên, ít nhất trọn 1 nhiệm kỳ (60 tháng) đối với cả nam và nữ; đối với rà soát, bổ sung quy hoạch hằng năm cho nhiệm kỳ hiện tại, phải đủ tuổi công tác ít nhất từ 72 tháng trở lên.
2. Đối tượng 2: Cấp trưởng, cấp phó các ban, sở, ngành, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể, cơ quan, đơn vị ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và tương đương (được quy hoạch chức danh cấp trưởng); bí thư, phó bí thư cấp ủy của đảng bộ trực thuộc tỉnh ủy, thành ủy và đảng ủy khối trực thuộc Trung ương được quy hoạch chức danh bí thư (nếu chưa tham gia cấp ủy trực thuộc Trung ương).
Các đồng chí này phải được quy hoạch chức danh đối tượng 1 và còn đủ tuổi công tác ít nhất trọn 2 nhiệm kỳ trở lên đối với cả nam và nữ.
QUY TRÌNH NHÂN SỰ QUY HOẠCH CÁC CHỨC DANH LÃNH ĐẠO, QUẢN LÝ THUỘC DIỆN BỘ CHÍNH TRỊ, BAN BÍ THƯ QUẢN LÝ
(Kèm theo Quy định số 50-QĐ/TW, ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị)
I- Quy trình xây dựng quy hoạch cán bộ nhiệm kỳ kế tiếp từ nguồn nhân sự tại chỗ
1. Bước 1: Xây dựng kế hoạch triển khai và chuẩn bị nguồn cán bộ dự kiến phát hiện, giới thiệu quy hoạch.
Căn cứ Quy định của Bộ Chính trị về công tác quy hoạch cán bộ và cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, đối tượng, độ tuổi, tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số theo quy định; trên cơ sở tình hình đội ngũ cán bộ và yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị; ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ thực hiện các công việc sau: (1) Xây dựng kế hoạch triển khai công tác quy hoạch cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị mình. (2) Tiến hành rà soát, đánh giá nguồn cán bộ để dự kiến danh sách nguồn nhân sự cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.
2. Bước 2: Tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 1)
Trên cơ sở báo cáo của cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ, tập thể lãnh đạo thảo luận, phân tích và thông qua: (1) Kế hoạch triển khai công tác quy hoạch cán bộ của địa phương, cơ quan, đơn vị. (2) Danh sách nguồn nhân sự cơ bản đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện để trình các hội nghị xem xét, phát hiện, giới thiệu quy hoạch.
Thành phần:
- Đối với các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương là ban thường vụ cấp ủy.
- Đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương là ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị (nơi không thành lập ban cán sự đảng, đảng đoàn).
3. Bước 3: Tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt để lấy ý kiến phát hiện, giới thiệu nguồn quy hoạch (bằng phiếu kín).
(1) Thành phần:
- Đối với các tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương là ban chấp hành đảng bộ tỉnh; trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh và tương đương trở lên; bí thư, phó bí thư các đảng bộ trực thuộc; chủ tịch Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố.
- Đối với đảng ủy khối trực thuộc Trung ương là ban chấp hành đảng bộ; trưởng, phó ban và tương đương trở lên; trưởng các đoàn thể; bí thư, phó bí thư các đảng bộ trực thuộc đảng ủy khối.
- Đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương là ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị (nơi không thành lập ban cán sự đảng, đảng đoàn); vụ trưởng, phó vụ trưởng và tương đương trở lên; ban chấp hành đảng bộ, trưởng các đoàn thể ở cơ quan bộ, ban, ngành; bí thư, phó bí thư đảng ủy, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp; bí thư, phó bí thư đảng ủy, chủ tịch hội đồng thành viên (chủ tịch hội đồng quản trị) doanh nghiệp, chủ tịch công ty trực thuộc bộ, ngành quản lý.
- Đối với cơ quan Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an: Do Đảng đoàn Quốc hội, Ban Thường vụ Quân ủy Trung ương và Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương căn cứ cơ cấu thành phần nêu trên để xem xét, quyết định thành phần cho phù hợp với đặc điểm, tình hình, yêu cầu nhiệm vụ cụ thể của từng cơ quan, đơn vị.
(2) Nguyên tắc lựa chọn, giới thiệu: Nhân sự được lựa chọn, giới thiệu phải đạt tỉ lệ phiếu đồng ý ít nhất từ 30% trở lên so với tổng số người có mặt để đưa vào danh sách giới thiệu ở bước sau.
4. Bước 4: Tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng.
Trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 3, tập thể lãnh đạo mở rộng tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự quy hoạch (bằng phiếu kín).
(1) Thành phần:
- Đối với các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy khối trực thuộc Trung ương là ban chấp hành đảng bộ.
- Đối với các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương là ban cán sự đảng; đảng đoàn; tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị (nơi không thành lập ban cán sự đảng, đảng đoàn); ban thường vụ đảng ủy; vụ trưởng và tương đương trở lên.
- Đối với các cơ quan của Quốc hội là chủ tịch, phó chủ tịch; chủ nhiệm, phó chủ nhiệm Ủy ban; thành viên tổ đảng ở Thường trực Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội.
- Đối với tổ chức bầu cử là ban chấp hành. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phần tham dự hội nghị như các cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương.
(2) Nguyên tắc lựa chọn, giới thiệu: Nhân sự được lựa chọn, giới thiệu phải đạt tỉ lệ phiếu đồng ý ít nhất trên 50% so với tổng số người có mặt để đưa vào danh sách giới thiệu ở bước sau.
5. Bước 5: Tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 2)
Căn cứ vào cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, đối tượng, độ tuổi, tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số theo quy định; đồng thời, trên cơ sở tình hình đội ngũ cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 3 và bước 4, tập thể lãnh đạo tiến hành thảo luận và biểu quyết giới thiệu nhân sự (bằng phiếu kín) để đưa vào danh sách đề nghị phê duyệt quy hoạch.
Nguyên tắc lựa chọn, giới thiệu: Nhân sự được lựa chọn, giới thiệu phải đạt tỉ lệ phiếu đồng ý ít nhất trên 50% so với tổng số người được triệu tập và lấy từ trên xuống cho đủ số lượng theo quy định.
Trường hợp có từ 2 người trở lên có số phiếu bằng nhau trên 50%, thì giao cho người đứng đầu xem xét, quyết định lựa chọn nhân sự.
II- Quy trình rà soát, bổ sung quy hoạch hằng năm
1. Quy trình đối với nguồn nhân sự tại chỗ
Căn cứ vào kết quả đánh giá cán bộ hằng năm của cấp có thẩm quyền và đề xuất của cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ, tập thể lãnh đạo chỉ đạo rà soát, bổ sung quy hoạch theo các bước sau:
(1) Bước 1: Hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 1) xem xét, thông qua danh sách bổ sung quy hoạch để lấy ý kiến tại các hội nghị và bỏ phiếu đưa ra khỏi quy hoạch đối với những trường hợp không đủ tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định.
Nguyên tắc đưa ra khỏi quy hoạch: Những đồng chí có trên 50% tổng số người được triệu tập đồng ý thì đề xuất đưa ra khỏi quy hoạch.
(2) Bước 2: Tổ chức hội nghị cán bộ chủ chốt để lấy ý kiến phát hiện, giới thiệu nhân sự quy hoạch (bằng phiếu kín).
Nguyên tắc lựa chọn, giới thiệu: Nhân sự được lựa chọn, giới thiệu phải đạt tỉ lệ phiếu đồng ý ít nhất từ 30% trở lên so với tổng số người có mặt để đưa vào danh sách giới thiệu ở bước sau.
(3) Bước 3: Tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo mở rộng.
Trên cơ sở kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 2, tập thể lãnh đạo mở rộng tiến hành thảo luận và giới thiệu nhân sự quy hoạch (bằng phiếu kín).
Nguyên tắc lựa chọn, giới thiệu: Nhân sự được lựa chọn, giới thiệu phải đạt tỉ lệ phiếu đồng ý ít nhất trên 50% so với tổng số người có mặt để đưa vào danh sách giới thiệu ở bước sau.
(4) Bước 4: Tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 2).
Căn cứ vào cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, đối tượng, độ tuổi, tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số theo quy định; đồng thời, trên cơ sở tình hình đội ngũ cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị và kết quả giới thiệu nhân sự ở bước 2 và bước 3, tập thể lãnh đạo tiến hành thảo luận và biểu quyết giới thiệu nhân sự (bằng phiếu kín) để đưa vào danh sách đề nghị phê duyệt quy hoạch.
Nguyên tắc lựa chọn, giới thiệu: Nhân sự được lựa chọn, giới thiệu phải đạt tỉ lệ phiếu đồng ý ít nhất trên 50% so với tổng số người được triệu tập và lấy từ trên xuống cho đủ số lượng theo quy định.
Trường hợp có từ 2 người trở lên có số phiếu bằng nhau trên 50%, thì giao cho người đứng đầu xem xét, quyết định lựa chọn nhân sự.
2. Quy trình đối với nguồn nhân sự từ nơi khác
(1) Bước 1: Chuẩn bị và xác định nguồn quy hoạch.
Căn cứ cơ cấu, số lượng, tiêu chuẩn, điều kiện, đối tượng, độ tuổi, tỉ lệ cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ người dân tộc thiểu số theo quy định; đồng thời, trên cơ sở kết quả phê duyệt quy hoạch cán bộ, ban thường vụ tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị trực thuộc Trung ương chỉ đạo cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ thực hiện các công việc sau: (1) Tiến hành rà soát, đánh giá nguồn cán bộ tại chỗ (trong quy hoạch và ngoài quy hoạch); trong đó, phân tích và xác định rõ cơ cấu, số lượng, chuyên ngành đào tạo, chức danh quy hoạch mà địa phương, cơ quan, đơn vị hiện còn thiếu nguồn nhân sự hoặc có nhưng chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện, yêu cầu đặt ra cần giới thiệu bổ sung quy hoạch từ nguồn nhân sự từ nơi khác. (2) Nghiên cứu, đề xuất danh sách nguồn nhân sự từ nơi khác đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định và yêu cầu nhiệm vụ của địa phương, cơ quan, đơn vị.
(2) Bước 2: Tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 1).
Trên cơ sở báo cáo của cơ quan tham mưu về tổ chức, cán bộ, tập thể lãnh đạo thảo luận, phân tích, xác định cơ cấu, số lượng chức danh quy hoạch; đồng thời, thông qua danh sách nguồn nhân sự từ nơi khác.
(3) Bước 3: Trao đổi với nhân sự và lấy ý kiến tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác.
Đại diện tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị gặp gỡ, trao đổi với nhân sự dự kiến giới thiệu quy hoạch; đồng thời, có văn bản lấy ý kiến của tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị nơi cán bộ công tác về dự kiến chức danh quy hoạch; nhận xét, đánh giá đối với cán bộ và cung cấp hồ sơ nhân sự theo quy định.
(4) Bước 4: Tổ chức hội nghị tập thể lãnh đạo (lần 2).
Tập thể lãnh đạo tiến hành thảo luận và biểu quyết giới thiệu nhân sự (bằng phiếu kín) để đưa vào danh sách đề nghị phê duyệt quy hoạch.
Nguyên tắc lựa chọn, giới thiệu: Nhân sự được lựa chọn, giới thiệu phải đạt tỉ lệ phiếu đồng ý ít nhất trên 50% so với tổng số người được triệu tập và lấy từ trên xuống cho đủ số lượng theo quy định.
Trường hợp có từ 2 người trở lên có số phiếu bằng nhau trên 50%, thì giao cho người đứng đầu xem xét, quyết định lựa chọn nhân sự.
* Lưu ý:
- Các hội nghị được tiến hành khi có ít nhất 2/3 số người được triệu tập có mặt.
- Thành phần hội nghị ở các bước trong quy trình rà soát, bổ sung quy hoạch tương tự như thành phần hội nghị ở các bước trong quy trình xây dựng quy hoạch nhiệm kỳ kế tiếp.
- Kết quả biểu quyết giới thiệu tại bước 5 (xây dựng quy hoạch nhiệm kỳ kế tiếp) và ở bước 4 (rà soát, bổ sung quy hoạch hằng năm) được công bố tại hội nghị tập thể lãnh đạo. Đối với kết quả kiểm phiếu phát hiện, giới thiệu ở các bước còn lại không công bố tại hội nghị tương ứng.
DANH MỤC HỒ SƠ NHÂN SỰ QUY HOẠCH
(Kèm theo Quy định số 50-QĐ/TW, ngày 27/12/2021 của Bộ Chính trị)
Danh mục hồ sơ nhân sự quy hoạch thống nhất khổ giấy A4 và sắp xếp theo thứ tự sau:
1. Tờ trình và bảng tổng hợp kết quả kiểm phiếu ở các bước.
2. Sơ yếu lý lịch theo quy định hiện hành do cá nhân tự khai và cơ quan trực tiếp quản lý cán bộ xác nhận; có dán ảnh màu khổ 4x6.
3. Nhận xét, đánh giá của các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị của cấp có thẩm quyền theo phân cấp quản lý cán bộ, về: (1) Phẩm chất đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức kỷ luật, đoàn kết nội bộ. (2) Năng lực công tác và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. (3) Uy tín và triển vọng phát triển.
4. Kết luận về tiêu chuẩn chính trị của cấp có thẩm quyền theo Quy định của Bộ Chính trị về bảo vệ chính trị nội bộ Đảng.
5. Bản kê khai tài sản, thu nhập theo mẫu ban hành kèm theo quy định hiện hành (có ký xác nhận của người kê khai và người nhận bản kê khai theo quy định).
6. Bản sao có giá trị pháp lý các văn bằng, chứng chỉ về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị... (có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền).
* Lưu ý: Các tài liệu nêu tại Mục 2, 3, 4, 5 không quá 6 tháng tính đến thời điểm xem xét.
- 1Công văn 33/BGTVT-TCCB năm 2013 rà soát quy hoạch cán bộ giai đoạn 2011 - 2016 và xây dựng quy hoạch cán bộ giai đoạn 2016 - 2021 do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2Quyết định 1730/QĐ-BYT năm 2015 Hướng dẫn thực hiện công tác quy hoạch cán bộ đối với đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế
- 3Quyết định 2035/QĐ-KTNN năm 2018 về quy hoạch cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý của Kiểm toán nhà nước
- 1Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011
- 2Công văn 33/BGTVT-TCCB năm 2013 rà soát quy hoạch cán bộ giai đoạn 2011 - 2016 và xây dựng quy hoạch cán bộ giai đoạn 2016 - 2021 do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 3Quyết định 1730/QĐ-BYT năm 2015 Hướng dẫn thực hiện công tác quy hoạch cán bộ đối với đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ Y tế
- 4Quyết định 2035/QĐ-KTNN năm 2018 về quy hoạch cán bộ, công chức, viên chức lãnh đạo, quản lý của Kiểm toán nhà nước
- 5Hướng dẫn 16-HD/BTCTW năm 2022 một số nội dung cụ thể về công tác quy hoạch cán bộ do Ban Tổ chức Trung ương ban hành
Quy định 50-QĐ/TW năm 2021 về công tác quy hoạch cán bộ do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- Số hiệu: 50-QĐ/TW
- Loại văn bản: Quy định
- Ngày ban hành: 27/12/2021
- Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
- Người ký: Võ Văn Thưởng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra