Hệ thống pháp luật

PHỦ THỦ TƯỚNG
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HOÀ
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 298-TTg

Hà Nội, ngày 12 tháng 08 năm 1959 

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC ĐĂNG KÝ NHÂN KHẨU TOÀN MIỀN BẮC NĂM 1959
(Đã sửa đổi theo Thông tư số 021-TTg ngày 14/1/1960 của Thủ tướng Chính phủ)

Để tiến hành công tác điều tra dân số được thuận lợi và thống nhất trong toàn miền Bắc, nay Thủ tướng Chính phủ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ban hành bản quy định về việc đăng ký nhân khẩu.

Bản quy định đăng ký nhân khẩu này nhằm đạt mục đích, yêu cầu của cuộc điều tra dân số là thu thập những tài liệu cơ bản chính xác nhất về tình hình dân số toàn miền Bắc để làm cơ sở cho việc lập kế hoạch và phục vụ công tác quản lý của Nhà nước về mọi mặt.

Tình hình dân số luôn luôn di động rất phức tạp. Điều tra dân số muốn đảm bảo đạt yêu cầu chính xác nhất, không bỏ sót, tinh trùng một nhân khẩu nào, cần phải có những quy định để thống nhất đăng ký giữa các địa phương trong toàn miền Bắc. Yêu cầu thống nhất đăng ký nhân khẩu theo bản quy định này, cần phải được quán triệt sâu sắc và cần được triệt để chấp hành đúng ở các cấp, các địa phương và toàn thể cán bộ điều tra dân số.

Toàn thể nhân dân có nghĩa vụ kê khai nhân khẩu cần hiểu rõ ý nghĩa, mục đích điều tra dân số và những điều quy định có quan hệ đến hộ mình, tới bản thân mình để giúp cho việc đăng ký được chính xác.

Điều 1. Phạm vi đối tượng và tổ chức đăng ký nhân khẩu.

1. Tất cả mọi người Việt Nam và ngoại kiều cư trú trên lãnh thổ nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, đều phải đăng ký theo bản quy định này và do Ủy ban hành chính các cấp, có ban điều tra dân số giúp việc, phụ trách tổ chức đăng ký.

2. Các lực lượng quân đội tại ngũ, các lực lượng công an biên chế, không phân biệt cư trú ở đâu và những nhân khẩu khác cư trú trong khu vực thuộc phạm vi quân đội, công an do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an phụ trách tổ chức đăng ký.

3. Các cán bộ, nhân viên đại sứ quán, lãnh sứ quán, nhân viên công tác khác, lưu học sinh, thực tập sinh của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, công tác hay học tập ở nước ngoài, và Việt kiều, do Bộ Ngoại giao phụ trách đăng ký.

Điều 2. Đơn vị đăng ký.

1. Đăng ký nhân khẩu lấy hộ làm đơn vị:

- Một hộ thông thường là một số người, không kể nhiều hay ít, ăn, ở chung với nhau và có một người đứng làm chủ hộ. Người ăn, ở riêng lẻ và tự đứng làm chủ hộ cũng coi như một hộ.

- Một hộ tập thể là một đơn vị gồm có nhiều người ăn, ở chung, do cơ quan Nhà nước hay đoàn thể tổ chức quản lý.

2. Mỗi hộ đăng ký theo một phiếu riêng.

Điều 3. Mốc thời gian đăng ký.

Mốc thời gian để xác định nhân khẩu đăng ký là 0 giờ ngày 01 tháng 3 năm 1960, tức là 0 giờ ngày 04 tháng 02 năm Canh tý.

Kể từ sáng ngày 1 tháng 3 năm 1960, các địa phương sẽ bắt đầu và lần lượt tiến hành đăng ký nhân khẩu theo tình hình nhân khẩu thường trú ở địa phương vào mốc thời gian trên.

- Các nhân khẩu đã chết và đã di chuyển chính thức đi nơi khác trước mốc thời gian đều không đăng ký.

- Các nhân khẩu mới sinh và mới đến ở chính thức sau mốc thời gian đều không đăng ký.

Điều 4. Loại nhân khẩu đăng ký.

Trong phạm vi toàn miền Bắc, thống nhất đăng ký loại nhân khẩu thường trú. Mỗi nhân khẩu chỉ được đăng ký ở một nơi là nơi thường trú.

Điều 5. Những nguyên tắc chính để xác định nhân khẩu thường trú.

 1. Trừ những nhân khẩu quân nhân tại ngũ và cán bộ, nhân viên công an trong biên chế, do Bộ Quốc phòng, Bộ Công an đăng ký theo điều 1, tiết 2 trên đây, tất cả các nhân khẩu cư trú thường xuyên cố định ở nơi nào, thì đăng ký là nhân khẩu thường trú tại nơi ấy.

2. Các nhân khẩu đã rời khỏi chỗ ở cũ trước mốc thời gian đăng ký, nếu có giấy chứng nhận di chuyển hẳn thì đăng ký là nhân khẩu thường trú ở nơi cư trú mới.

3. Các nhân khẩu rời khỏi chỗ ở cũ trước mốc thời gian đăng ký, nếu không có giấy chứng nhận di chuyển hẳn hoặc không rõ đi đâu, thì tính từ ngày người đó rời chỗ ở cũ ra đi đến mốc thời gian đăng lý, nếu chưa đủ 6 tháng thì đăng ký tại nơi cư trú cũ, nếu đã quá 6 tháng thì đăng ký nơi cư trú mới.

4. Nhân khẩu không có nơi cư trú nhất định, trong thời gian tiến hành đăng ký, nếu có mặt tại đâu thì đăng đăng ký là nhân khẩu thường trú tại đấy và được cấp giấy chứng nhận đã đăng ký sau khi đăng ký xong.

Điều 6. Đăng ký các loại nhân khẩu khác.

1. Đi làm nghĩa vụ dân công: đăng ký là nhân khẩu thường trú tại nơi cư trú cũ.

2. Thường dân nằm ở các bệnh viện: đăng ký là nhân khẩu thường trú tại nơi cư trú trước khi vào bệnh viện. Trẻ mới sinh tại bệnh viện: đăng ký theo nơi cư trú của mẹ.

3. Nhân khẩu ở các trại hủi, trại cải tạo, phạm nhân đang ở tù, hoặc đang bị tạm giam, đều đăng ký là nhân khẩu thường trú tại nơi hiện đang quản lý hoặc giam giữ họ.

4. Cán bộ, nhân viên nằm chờ công tác: do cơ quan hiện đang quản lý đăng ký.

5. Những nhân khẩu có nhiều chỗ ở, khó xác định nơi cư trú thường xuyên, nếu đăng ký hộ tịch thường trú tại đâu, hoặc nếu được tính nhân khẩu nông nghiệp tại đâu, hoặc bầu cử Hội đồng nhân dân tại đâu thì đăng ký là nhân khẩu thường trú tại nơi đó.

6. Những nhân khẩu được nuôi luân lưu thì đăng ký tại nơi hộ đang nuôi họ trong thời gian tiến hành đăng ký.

Điều 7. Đăng ký các nhân khẩu cư trú, hoặc có nghề nghiệp trên mặt nước.

1. Những nhân khẩu làm ăn, sinh sống trên mặt nước, nếu có nơi cư trú trên bộ thì đăng ký là nhân khẩu thường trú nơi cư trú trên bộ; nếu không có nơi cư trú trên bộ mà cư trú thường xuyên trên nhà bè, thuyền bè thì nhà bè, thuyền bè ấy thuộc về bến nào thì đăng ký là nhân khẩu thường trú ở bến ấy.

2. Nhân viên làm việc trên tàu quốc doanh hoặc tư doanh, nếu có nơi cư trú trên bộ thì đăng ký là nhân khẩu thường trú tại nơi cư trú trên bộ; nếu không có nơi cư trú trên bộ thì đăng ký là nhân khẩu thường trú tại bến gốc của tàu đó.

3. Những nhân khẩu sinh sống làm ăn trên mặt nước, cùng với thuyền bè của họ, nếu không xác định được nơi cư trú thường xuyên thì khi họ và thuyền bè cập bến tại nơi nào trong thời gian tiến hành đăng ký, nơi ấy tổ chức đăng ký và cấp giấy chứng nhận đã đăng ký cho họ.

Điều 8. Nhân khẩu du canh.

Trong thời gian tiến hành đăng ký những nhân khẩu du canh cư trú tại địa phương nào thì đăng ký tại địa phương ấy.

Điều 9. Người ngoại kiều và người Việt Nam ở cùng trong một hộ đều đăng ký chung trong hộ đó.

Điều 10. Đăng ký nhân khẩu thống nhất dùng phiếu đăng ký nhân khẩu theo mẫu đính kèm do Cục Thống kê trung ương lập và do Thủ tướng phủ ban hành. Các vùng dân tộc thiểu số, nếu có chữ riêng (chữa Thái, chữ Hán) thì có thể in phiếu đăng ký bằng chữ riêng ấy theo mẫu chung.

Điều 11. Ủy ban hành chính các cấp, có Ban điều tra dân số giúp việc, có nhiệm vụ thi hành quy định đăng ký nhân khẩu này. Bộ Quốc phòng, Bộ Công an có nhiệm vụ thi hành quy định đăng ký này đối với các nhân khẩu không thuộc quân dội tại ngũ, công an trong biên chế, mà cư trú trong phạm vi quản lý của các cơ quan quốc phòng, công an, và gửi bản tổng hợp có kèm theo các phiếu đăng ký tới Ban điều tra dân số các cấp khu, thành, tỉnh để tổng hợp chung vào dân số thường trú địa phương.

Trong khi tiến hành đăng ký, các cấp, các ngành không được làm trái với những điều ghi trong quy định này và cũng không được thay đổi, thêm bớt các hạng mục trong phiếu đăng ký nhân khẩu.

Những nơi do có tình hình có những đặc điểm riêng, khi xét cần có những thay đổi bổ sung bản quy định này thì phải báo cáo, đề nghị với Ban chỉ đạo điều tra dân số Trung ương, và sau khi duyệt y mới được thi hành.

Điều 12. Ban chỉ đạo điều tra dân số Trung ương có trách nhiệm giải thích và hướng dẫn thi hành quy định này trong toàn miền Bắc.

 

 

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ


 

 
Phạm Văn Đồng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quy định 298-TTg về việc đăng ký nhân khẩu toàn miền Bắc năm 1959 do Thủ tướng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 298-TTg
  • Loại văn bản: Quy định
  • Ngày ban hành: 12/08/1959
  • Nơi ban hành: Phủ Thủ tướng
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 3
  • Ngày hiệu lực: 27/08/1959
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản