Hệ thống pháp luật

UỶ BAN NHÀ NƯỚC VỀ HỢP TÁC VÀ ĐẦU TƯ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 260/UB-TĐ

Hà Nội, ngày 12 tháng 2 năm 1995

 

QUY ĐỊNH

SỐ 260/UB-TĐ NGÀY 15 THÁNG 02 NĂM 1995 CỦA UỶ BAN NHÀ NƯỚC VỀ HỢP TÁC VÀ ĐẦU TƯ VỀ CƠ CHẾ LÀM VIỆC CỦA TỔ CHUYÊN VIÊN LIÊN NGÀNH THẨM ĐỊNH DỰ ÁN CÓ VỐN ĐẦU TƯ TRỰC TIẾP CỦA NƯỚC NGOÀI

UỶ BAN NHÀ NƯỚC VỀ HỢP TÁC VÀ ĐẦU TƯ

Nhằm thực hiện Nghị định 191/CP ngày 28 tháng 12 năm 1994 của Chính phủ ban hành Quy chế hình thành thẩm định và thực hiện dự án đầu tư trực tiếp của nước ngoài;
Sau khi trao đổi ý kiến với các cơ quan có liên quan;
Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư quy định cơ chế làm việc của Tổ chuyên viên liên ngành thẩm định dự án như s
au:

I. NHIỆM VỤ CỦA TỔ CHUYÊN VIÊN LIÊN NGÀNH

Thảo luận, đánh giá nội dung dự án để làm tư vấn cho Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư và các Bộ, Tổng cục.

Nhận xét, kiến nghị của chuyên viên không thay thế ý kiến phát biểu chính thức bằng văn bản của lãnh đạo các cơ quan.

II. PHÂN CÔNG THẨM ĐỊNH NỘI DUNG DỰ ÁN

1. Tư cách pháp lý, khả năng tham gia hợp tác đầu tư của đối tác Việt Nam: Uỷ ban nhân tỉnh, thành phố.

2. Tư cách pháp lý, năng lực tài chính của chủ đầu tư nước ngoài: Bộ Thương mại, Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư.

3. Mục tiêu hoạt động của dự án, phương án sản phẩm, thị trường (tỉ lệ xuất khẩu và tiêu thụ nội địa), thời hạn hoạt động: Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ chuyên ngành kinh tế kỹ thuật, Bộ Thương mại.

4. Vốn đầu tư, vốn pháp định, vốn vay và phần góp vốn của bên Việt Nam: Uỷ ban kế hoạch Nhà nước, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước.

5. Lợi ích của Nhà nước Việt Nam và Bên Việt Nam: định giá tài sản góp vốn của Bên Việt Nam; các mức thuế, tiền thuê đất, mặt nước, mặt biển: Bộ Tài chính.

6. Kỹ thuật, công nghệ, thiết bị máy móc sử dụng: Bộ chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật.

7. Môi trường sinh thái: Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

8. Tính hợp lý của việc sử dụng đất, phương án đền bù giải phóng mặt bằng: Tổng cục Địa chính.

9. Tổng hợp ý kiến các ngành, thẩm tra toàn bộ dự án, xem xét việc thực hiện các quy định của pháp luật: Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư.

Sự phân công trên đây chỉ có tính chất tương đối. Các chuyên viên, ngoài lĩnh vực phụ trách, có thể phát biểu ý kiến về những lĩnh vực khác. Tổ chuyên viên liên ngành kiến nghị:

a. Những vấn đề cần sửa đổi, bổ sung hồ sơ dự án.

b. Tính khả thi của dự án; khuyến nghị cấp Giấy phép hay từ chối cấp Giấy phép.

III. QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ CHUYÊN VIÊN LIÊN NGÀNH

1. Gửi hồ sơ dự án

Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày tiếp nhận, hồ sơ dự án được gửi đến các cơ quan sau đây:

Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố nơi dự án được triển khai. (Trường hợp trong hồ sơ dự án chưa có ý kiến của Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố).

- Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước.

- Bộ chuyên ngành kinh tế - kỹ thuật.

- Bộ Tài chính.

- Bộ Thương mại.

- Bộ Khoa học, Công nghệ và Môi trường.

- Tổng cục Địa chính.

- Văn phòng Chính phủ, Bộ Xây dựng (đối với dự án nhóm A).

Ngoài ra, tuỳ theo tính chất của dự án, hồ sơ dự án được gửi đến các cơ quan liên quan để lấy ý kiến: Ngân hàng Nhà nước, Bộ Nội vụ, Bộ Quốc phòng v.v...

2. Chế độ làm việc của Tổ chuyên viên liên ngành:

- Họp thẩm định dự án vào thứ năm hàng tuần. Vụ Thẩm định Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư xây dựng lịch biểu hàng tuần, hàng tháng và gửi giấy mời họp 7 ngày trước khi tiến hành. Trong trường hợp đặc biệt, có thể tổ chức họp ngoài các ngày thứ ba và thứ năm hàng tuần.

- Từng chuyên viên không trực tiếp liên hệ với chủ dự án. Khi có yêu cầu điều chỉnh dự án hoặc giải trình nội dung dự án thì hoặc gửi công văn chính thức, hoặc triệu tập chủ đầu tư đến giải trình trước tập thể Tổ chuyên viên.

- Không công bố nội dung thảo luận các cuộc họp thẩm định dự án.

3. Đối với dự án nhóm A:

- Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ dự án, các Bộ góp ý kiến về nội dung dự án; họp Tổ chuyên viên thảo luận dự án. (Nếu thấy cần thiết).

- Chậm nhất trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ dự án, nếu thấy cần thiết Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư gửi công văn cho chủ đầu tư yêu cầu điều chỉnh, sửa đổi hay bổ sung dự án.

- Trong thời hạn 35 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ dự án, họp Hội đồng tư vấn xem xét dự án.

- Trong thời hạn 40 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ dự án, Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư trình Thủ tướng Chính phủ về dự án.

- Trong các cuộc họp của Hội đồng tư vấn, ngoài lãnh đạo các cơ quan, nếu cần thiết sẽ mời thêm chuyên gia và chủ đầu tư dự án.

4. Đối với dự án nhóm B:

- Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ dự án, các Bộ góp ý kiến về nội dung dự án; họp tổ chuyên viên nếu xét thấy có những vấn đề cần thảo luận tập thể.

- Chậm nhất trong thời hạn 25 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ dự án, Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư thông báo cho chủ đầu tư: từ chối cấp Giấy phép hoặc yêu cầu điều chỉnh, bổ sung dự án.

Thực hiện quy định của Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư trân trọng đề nghị lãnh đạo các Bộ, Tổng cục - tuỳ theo đặc điểm của từng cơ quan - cử chuyên viên chuyên trách thẩm định từng loại dự án và chỉ định một chuyên viên làm đầu mối giao dịch với Vụ Thẩm định của Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư.

 

Đậu Ngọc Xuân

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quy định 260/UB-TĐ năm 1995 về cơ chế làm việc của tổ chuyên viên liên ngành thẩm định dự án có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài do Ủy ban Nhà nước về Hợp tác và đầi tư ban hành

  • Số hiệu: 260/UB-TĐ
  • Loại văn bản: Quy định
  • Ngày ban hành: 12/02/1995
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Nhà nước về Hợp tác và Đầu tư
  • Người ký: Đậu Ngọc Xuân
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản