Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
BỘ CHÍNH TRỊ | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 23/QĐ-TW | Hà Nội, ngày 15 tháng 1 năm 2002 |
QUY ĐỊNH
VỀ THỰC HIỆN VIỆC PHÊ BÌNH, CHẤT VẤN CỦA UỶ VIÊN BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
(Theo quy định tại điểm 10, Điều 2 Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Số 06-QĐ/TW, ngày 22-8-2001)
Chương I
CÁC QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Mục đích của việc phê bình, chất vấn
Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, đề cao chức trách, nhiệm vụ, quyền hạn của uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương trong sinh hoạt đảng; tiếp tục cải tiến lề lối làm việc, kịp thời phát huy ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm, ngăn ngừa sai phạm, nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của tập thể lãnh đạo và từng thành viên Ban Chấp hành Trung ương.
Điều 2. Yêu cầu của phê bình, chất vấn
Việc phê bình, chất vấn của các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương phải được tiến hành một cách trực tiếp, công khai, dân chủ, với tinh thần trách nhiệm xây dựng, khách quan, thẳng thắn, chân thành, vừa đảm bảo đúng nguyên tắc sinh hoạt đảng, vừa thể hiện tình đồng chí, không được lợi dụng phê bình để đả kích cá nhân.
Chương II
NỘI DUNG VÀ CÁCH TIẾN HÀNH PHÊ BÌNH, CHẤT VẤN
Điều 3. Nội dung phê bình, chất vấn
1. Về các nội dung có liên quan đến chức trách, nhiệm vụ của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương, của đồng chí Tổng Bí thư và của các Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương đã được thể hiện trong Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá IX (Số 06-QĐ/TW, ngày 22-8-2001), Quy chế làm việc của Uỷ ban Kiểm tra Trung ương khoá IX (Số 07-QĐ/TW, ngày 22-8-2001) và chức trách, nhiệm vụ của từng đồng chí được phân công.
2 Về thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ và tư cách cá nhân từng đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương có liên quan đến trách nhiệm và uy tín của Ban Chấp hành Trung ương.
Điều 4. Cách tiến hành phê bình, chất vấn
Việc phê bình, chất vấn được tiến hành tại các hội nghị Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư (hoặc trong thời gian giữa hai kỳ họp).
1. Tại các kỳ họp của Ban Chấp hành Trung ương cần dành thời gian thích hợp ở một phiên họp để thực hiện việc phê bình, chất vấn và trả lời phê bình chất vấn (nếu có yêu cầu).
- Việc phê bình, chất vấn được tiến hành bằng văn bản hoặc trực tiếp đối thoại. Nếu bằng văn bản thì Văn phòng Trung ương có trách nhiệm tập hợp và chuyển đến tổ chức hoặc cá nhân được chất vấn.
- Tổ chức và cá nhân sau khi nhận được ý kiến phê bình, chất vấn phải chuẩn bị để trả lời trong kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương. Nếu vấn đề được nêu thuộc trách nhiệm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương trả lời thì tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thảo luận, kết luận và báo cáo với Ban Chấp hành Trung ương.
- Các nội dung phê bình, chất vấn liên quan đến trách nhiệm cá nhân đồng chí nào thì đồng chí đó có trách nhiệm trực tiếp trả lời và gửi văn bản cho Văn phòng Trung ương quản lý; tuỳ nội dung cụ thể của vấn đề mà trả lời chung trước Ban Chấp hành Trung ương hay trả lời riêng cho người chất vấn.
2. Trong thời gian giữa hai kỳ họp Ban Chấp hành Trung ương, nếu có đồng chí trong Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu trả lời chất vấn thì tập thể và cá nhân có liên quan chuẩn bị ý kiến, trả lời bằng văn bản đến các đồng chí đó. Các văn bản được gửi về Ban Bí thư để xem xét giải quyết theo quy chế.
3. Trong quá trình tiến hành phê bình chất vấn và trả lời phê bình, chất vấn, nếu phát hiện người bị chất vấn có sai phạm thì Bộ Chính trị chỉ đạo xử lý theo quy định của Điều lệ Đảng.
4. Định kỳ hàng năm Bộ Chính trị, Ban Bí thư báo cáo Ban Chấp hành Trung ương để đánh giá việc phê bình, chất vấn và khắc phục những sai lầm, thiếu sót đã được phê bình, chất vấn.
5. Sau khi Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương và Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương trả lời các ý kiến đến phê bình, chất vấn nếu người phê bình, chất vấn hoặc có ý kiến trong Ban Chấp hành Trung ương vẫn chưa đồng tình thì Bộ Chính trị đề nghị Ban Chấp hành Trung ương trao đổi và kết luận theo quy định của Điều lệ Đảng.
Điều 5. Lưu trữ và quản lý tài liệu phê bình, chất vấn
Các nội dung phê bình, chất vấn và trả lời của từng thành viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương đều được lưu vào các hồ sơ quản lý cán bộ theo quy định; các nội dung liên quan đến tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Uỷ ban Kiểm tra Trung ương thì lưu ở Văn phòng Trung ương.
| T/M BỘ CHÍNH TRỊ |
Quy định 23/QĐ-TW thực hiện việc phê bình, chất vấn của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương do Bộ Chính trị ban hành
- Số hiệu: 23/QĐ-TW
- Loại văn bản: Quy định
- Ngày ban hành: 15/01/2002
- Nơi ban hành: Bộ Chính trị
- Người ký: Nông Đức Mạnh
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra