Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BAN BÍ THƯ | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 222-QĐ/TW | Hà Nội, ngày 8 tháng 5 năm 2009 |
QUY ĐỊNH
VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC BỘ MÁY CƠ QUAN CHUYÊN TRÁCH THAM MƯU GIÚP VIỆC TỈNH ỦY, THÀNH ỦY
- Căn cứ Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá X;
- Căn cứ Nghị quyết Hội nghị lần thứ tư, Ban Chấp hành Trung ương khoá X;
Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc tỉnh uỷ, thành uỷ như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi và đối tượng điều chỉnh
1- Quy định này điều chỉnh về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc của tỉnh uỷ, thành uỷ trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cơ quan tham mưu giúp việc tỉnh uỷ).
2- Cơ quan tham mưu giúp việc tỉnh uỷ gồm có: văn phòng, ban tổ chức, cơ quan uỷ ban kiểm tra, ban tuyên giáo, ban dân vận.
Điều 2. Nguyên tắc tổ chức
1- Bảo đảm phục vụ thực hiện tốt nhiệm vụ lãnh đạo toàn diện của tỉnh uỷ; không chồng chéo, trùng lắp chức năng, nhiệm vụ giữa các cơ quan tham mưu giúp việc.
2- Tổ chức bộ máy tinh gọn, hợp lý, hiệu quả; không nhất thiết ở cấp Trung ương có bộ phận nào thì cấp tỉnh có bộ phận tương ứng.
3- Phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội, điều kiện tự nhiên, tình hình tổ chức đảng và đảng viên.
Điều 3. Vị trí, chức năng của cơ quan tham mưu giúp việc tỉnh uỷ
1- Tham mưu giúp tỉnh uỷ, trực tiếp và thường xuyên là ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ thực hiện công tác lãnh đạo, chỉ đạo theo quy định của Điều lệ Đảng; thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo Quy định này và theo sự uỷ quyền của tỉnh uỷ.
2- Chịu sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý về mọi mặt của tỉnh uỷ, mà trực tiếp và thường xuyên là ban thường vụ tỉnh uỷ; đồng thời chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan tham mưu giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương.
Điều 4. Nhiệm vụ chung của cơ quan tham mưu giúp việc tỉnh uỷ
Các cơ quan tham mưu giúp việc tỉnh uỷ có 5 nhóm nhiệm vụ phù hợp với chức năng của từng cơ quan là:
1- Nghiên cứu, đề xuất.
2- Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát.
3- Thẩm định, thẩm tra.
4- Phối hợp.
5- Thực hiện một số nhiệm vụ khác do ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ giao.
Chương II
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC BỘ MÁY
Điều 5. Văn phòng Tỉnh uỷ
1. Chức năng
1.1. Là cơ quan tham mưu, tổng hợp của tỉnh uỷ: giúp tỉnh uỷ mà trực tiếp và thường xuyên là ban thường vụ và thường trực tỉnh uỷ trong tổ chức, điều hành công việc lãnh đạo, chỉ đạo, phối hợp hoạt động của các cơ quan tham mưu; tham mưu, đề xuất chủ trương, chính sách thuộc lĩnh vực kinh tế-xã hội, nội chính, đối ngoại của cấp uỷ; nguyên tắc, chế độ quản lý tài chính, tài sản của đảng bộ.
1.2. Trực tiếp quản lý tài sản, tài chính của tỉnh uỷ và các cơ quan, tổ chức đảng thuộc tỉnh uỷ, bảo đảm hậu cần cho hoạt động của cấp uỷ; là trung tâm thông tin tổng hợp phục vụ lãnh đạo của cấp uỷ.
2. Nhiệm vụ
2.1. Nghiên cứu, đề xuất:
a) Chương trình công tác của ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ; giúp ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ xây dựng, tổ chức thực hiện quy chế làm việc.
b) Tham mưu, đề xuất, tổ chức thực hiện công tác đối ngoại của tỉnh uỷ.
c) Sơ kết, tổng kết thực tiễn về công tác văn phòng cấp uỷ.
2.2. Hướng dẫn thực hiện, kiểm tra, giám sát:
a) Công tác thông tin phục vụ sự lãnh đạo của tỉnh uỷ; chế độ cung cấp thông tin cho cấp uỷ viên và các tổ chức; theo dõi, đôn đốc các tổ chức đảng, đảng uỷ trực thuộc tỉnh uỷ thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định.
b) Tiếp nhận, phát hành và quản lý các tài liệu, văn bản đến và đi; quản lý, khai thác mạng cơ yếu, mã dịch của tỉnh uỷ. Thực hiện và kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ bảo vệ bí mật của Đảng, Nhà nước ở văn phòng cấp uỷ cấp dưới.
c) Hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ công tác văn phòng, công tác tài chính, tài sản của Đảng cho văn phòng cấp uỷ cấp dưới. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiệp vụ tài chính - kế toán cho các đơn vị thụ hưởng ngân sách của đảng bộ.
2.3. Thẩm định, thẩm tra:
a) Đề án của các cơ quan, tổ chức trước khi trình tỉnh uỷ, ban thường vụ, thường trực về: Yêu cầu, phạm vi, quy trình, thẩm quyền ban hành và thể thức văn bản của đề án.
b) Nội dung các đề án thuộc lĩnh vực kinh tế-xã hội, nội chính trước khi trình tỉnh uỷ, ban thường vụ (nếu được ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ giao).
2.4. Phối hợp:
a) Tham gia, phối hợp với các cơ quan có liên quan nghiên cứu, đề xuất, cụ thể hoá một số chủ trương của tỉnh uỷ về cơ chế, chính sách kinh tế-xã hội, nội chính; tham gia ý kiến với cơ quan nhà nước trong việc cụ thể hoá chủ trương, chính sách phát triển kinh tế-xã hội ở địa phương.
b) Phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng một số đề án, chương trình hành động, biên tập văn bản do ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ giao.
c) Tham gia, phối hợp với ban tổ chức tỉnh uỷ trong việc quản lý tổ chức bộ máy, cán bộ, biên chế văn phòng cấp uỷ trực thuộc tỉnh uỷ.
d) Phối hợp với các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng uỷ trực thuộc tỉnh uỷ tham mưu giúp ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ chỉ đạo kiểm tra, giám sát, sơ kết, tổng kết việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quyết định, quy định, quy chế của Trung ương và của tỉnh uỷ về kinh tế-xã hội, nội chính; việc thực hiện chủ trương, chế độ, nguyên tắc quản lý tài chính, tài sản của đảng bộ, thẩm tra quyết toán của các đơn vị thụ hưởng ngân sách của đảng bộ.
đ) Phối hợp với các cơ quan tư pháp giúp ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ chỉ đạo công tác nội chính, xử lý các vụ việc, vụ án nghiêm trọng, phức tạp (ngoài các vụ việc, vụ án tham nhũng) ở địa phương theo quy định.
e) Phối hợp với cơ quan chức năng nhà nước trong việc quản lý quy hoạch, kế hoạch đầu tư xây dựng cơ bản; đầu tư dự án cho các cơ quan đảng theo đúng quy định của pháp luật.
2.5. Thực hiện một số nhiệm vụ do ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ giao:
a) Tiếp nhận và xử lý đơn, thư gửi đến tỉnh uỷ; kiến nghị với thường trực tỉnh uỷ xử lý những đơn, thư có nội dung quan trọng; theo dõi, đôn đốc việc giải quyết một số đơn, thư được thường trực tỉnh uỷ giao. Phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức tiếp công dân.
b) Tổng hợp tình hình tổ chức thực hiện nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế của Trung ương, của tỉnh uỷ; hoạt động của các cấp uỷ, đảng đoàn, ban cán sự đảng, các cơ quan thuộc tỉnh uỷ. Giúp tỉnh uỷ thực hiện chế độ thông tin, báo cáo định kỳ và đột xuất.
c) Quản lý, tổ chức khai thác tài liệu, phông lưu trữ Đảng Cộng sản Việt Nam, Mặt trận và các đoàn thể chính trị-xã hội theo quy định; giúp thường trực tỉnh uỷ chỉ đạo và trực tiếp hướng dẫn, kiểm tra nghiệp vụ công tác văn thư, lưu trữ.
d) Là đại diện chủ sở hữu tài sản của đảng bộ; trực tiếp quản lý tài chính, tài sản, chi tiêu ngân sách đảng. Bảo đảm điều kiện vật chất và các trang thiết bị phục vụ hoạt động của cấp uỷ; bảo đảm tài chính và cơ sở vật chất khác cho các cơ quan trực thuộc tỉnh uỷ theo phân công, phân cấp.
đ) Tổ chức quản lý, khai thác, ứng dụng, bảo vệ mạng thông tin diện rộng của đảng bộ; hướng dẫn công nghệ thông tin cho văn phòng cấp uỷ cấp dưới và các cơ quan đảng thuộc tỉnh uỷ.
e) Là đầu mối giúp thường trực tỉnh uỷ xử lý công việc hằng ngày; phối hợp, điều hoà chương trình công tác của đồng chí bí thư, các phó bí thư và một số hoạt động của các đồng chí uỷ viên ban thường vụ để thực hiện quy chế làm việc, chương trình công tác; phối hợp, điều hoà hoạt động các cơ quan tham mưu phục vụ hoạt động của tỉnh uỷ.
g) Tham gia tổ chức phục vụ đại hội đảng bộ tỉnh; hội nghị ban chấp hành, ban thường vụ tỉnh uỷ; các hội nghị do ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ triệu tập; các cuộc làm việc của đồng chí bí thư, phó bí thư tỉnh uỷ.
h) Thực hiện một số nhiệm vụ khác khi được ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ giao.
3. Tổ chức bộ máy
3.1. Lãnh đạo văn phòng tỉnh uỷ:
Gồm chánh văn phòng và không quá 3 phó chánh văn phòng. Riêng Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh không quá 4 phó chánh văn phòng.
3.2. Các đơn vị trực thuộc:
- Phòng Tổng hợp.
- Phòng Hành chính – Cơ yếu.
- Phòng Lưu trữ.
- Phòng Quản trị.
- Phòng Tài chính đảng.
- Trung tâm Công nghệ thông tin.
4. Biên chế
Biên chế chung của văn phòng tỉnh uỷ từ 45 - 55 cán bộ. Văn phòng Tỉnh uỷ Thanh Hoá, Văn phòng Tỉnh uỷ Nghệ An từ 50 - 60 cán bộ. Văn phòng Thành uỷ Hà Nội, Văn phòng Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh từ 60 - 70 cán bộ.
Điều 6. Ban Tổ chức
1. Chức năng
1.1. Là cơ quan tham mưu của tỉnh uỷ mà trực tiếp, thường xuyên là ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ về công tác xây dựng đảng thuộc lĩnh vực tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ của hệ thống chính trị trong tỉnh.
1.2. Là cơ quan chuyên môn - nghiệp vụ về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ của tỉnh uỷ.
2. Nhiệm vụ
2.1. Nghiên cứu, đề xuất:
a) Tham mưu xây dựng nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế của tỉnh uỷ, ban thường vụ; cụ thể hoá chủ trương, chính sách, giải pháp về công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ.
b) Xây dựng đề án về tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ đảng thuộc thẩm quyền quyết định của ban chấp hành, ban thường vụ tỉnh uỷ.
c) Tham mưu về công tác cán bộ thuộc diện tỉnh uỷ quản lý.
d) Sơ kết, tổng kết về công tác tổ chức xây dựng đảng.
2.2. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát.
a) Công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ và việc thi hành Điều lệ Đảng đối với các huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ, thành uỷ; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc tỉnh uỷ.
b) Nghiệp vụ công tác tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ cho cấp uỷ cấp dưới và cán bộ tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ.
c) Việc thực hiện phân công, phân cấp quản lý cán bộ theo quy định của ban chấp hành, ban thường vụ tỉnh uỷ.
d) Công tác quản lý hồ sơ cán bộ, hồ sơ đảng viên, giới thiệu sinh hoạt đảng, giải quyết khiếu nại xoá tên đảng viên và vấn đề đảng tịch cho đảng viên của các cấp uỷ trực thuộc.
2.3. Thẩm định, thẩm tra.
a) Các đề án về tổ chức bộ máy, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ của cấp uỷ cấp dưới, cơ quan nhà nước, đoàn thể chính trị-xã hội, cơ quan trực thuộc tỉnh uỷ trước khi trình ban chấp hành, ban thường vụ tỉnh uỷ.
b) Tham gia thẩm định các đề án về tổ chức bộ máy, cán bộ, công chức của hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân, các sở, ban, ngành trong tỉnh theo phân cấp.
c) Thẩm định và trình ban thường vụ tỉnh uỷ nhân sự dự kiến bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, khen thưởng, thực hiện chính sách cán bộ theo phân cấp quản lý.
d) Thẩm tra, xác minh đối với cán bộ, đảng viên có vấn đề về lịch sử chính trị hiện nay theo quy định.
2.4. Phối hợp:
a) Phối hợp với các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng uỷ trực thuộc tỉnh uỷ trong công tác xây dựng đảng về tổ chức cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ.
b) Phối hợp với sở nội vụ trong việc thể chế hoá các nghị quyết, quyết định của Đảng về lĩnh vực tổ chức, cán bộ, công chức, bảo vệ chính trị nội bộ theo phân công, phân cấp.
c) Chủ trì phối hợp với các ban đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị-xã hội cấp tỉnh hướng dẫn xây dựng và kiểm tra thực hiện chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế của cơ quan đảng, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể chính trị-xã hội cấp huyện.
d) Chủ trì tham mưu, đề xuất chế độ, chính sách đối với cán bộ công tác tại các cơ quan đảng. Là cơ quan thường trực về công tác thi đua, khen thưởng của tỉnh uỷ.
2.5. Thực hiện một số nhiệm vụ do ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ giao:
a) Quản lý tổ chức, bộ máy, biên chế các cơ quan đảng, đoàn thể chính trị-xã hội ở địa phương.
b) Theo báo cáo, đề nghị của cấp uỷ, tổ chức đảng trực thuộc tỉnh uỷ, xác nhận quy hoạch chức danh cán bộ thuộc diện tỉnh uỷ, ban thường vụ quản lý.
c) Thực hiện chế độ, chính sách đối với cán bộ thuộc diện tỉnh uỷ, ban thường vụ quản lý; cán bộ, công chức khối đảng, đoàn thể ở địa phương. Phối hợp với ban bảo vệ chăm sóc sức khoẻ tỉnh thực hiện việc bảo vệ chăm sóc sức khoẻ đối với cán bộ diện tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ quản lý.
d) Quản lý hồ sơ cán bộ diện tỉnh uỷ, ban thường vụ quản lý và cán bộ, đảng viên có vấn đề về chính trị theo quy định của Bộ Chính trị.
đ) Tham mưu, giải quyết các vấn đề về đảng tịch; giải quyết hoặc phối hợp giải quyết khiếu nại, tố cáo các vấn đề chính trị của cán bộ thuộc diện tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ quản lý.
e) Được cử cán bộ dự các phiên họp bàn về công tác xây dựng đảng, về tổ chức, cán bộ, đảng viên, bảo vệ chính trị nội bộ của các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, cấp uỷ trực thuộc.
g) Tổ chức thi tuyển cán bộ, công chức cơ quan đảng, đoàn thể ở địa phương.
h) Thực hiện công tác thống kê cơ bản về công tác xây dựng tổ chức cơ sở đảng ở địa phương.
i) Thực hiện các công việc khác khi được ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ giao.
3. Tổ chức bộ máy
3.1. Lãnh đạo ban:
Gồm trưởng ban và không quá 4 phó trưởng ban, trong đó có 1 phó trưởng ban kiêm nhiệm (là giám đốc sở nội vụ). Ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội, Ban Tổ chức Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh có thể có 5 phó trưởng ban.
3.2. Các đơn vị trực thuộc:
- Văn phòng ban.
- Phòng Tổ chức cán bộ.
- Phòng Cơ sở đảng - đảng viên.
- Phòng huyện, ban, ngành, sở.
- Phòng Bảo vệ chính trị nội bộ.
- Ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội, Ban Tổ chức Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh có thể có phòng chính sách cán bộ; phòng ban, ngành, sở và các cơ quan Trung ương.
4. Biên chế
Biên chế chung của ban tổ chức tỉnh uỷ từ 25 - 35 cán bộ. Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Thanh Hoá, Ban Tổ chức Tỉnh uỷ Nghệ An từ 30 - 45 cán bộ. Ban Tổ chức Thành uỷ Hà Nội, Ban Tổ chức Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh từ 50 - 60 cán bộ.
Điều 7. Cơ quan Uỷ ban kiểm tra
1. Chức năng
1.1. Là cơ quan tham mưu giúp uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng trong đảng bộ; thực hiện các nhiệm vụ do tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ giao.
1.2. Là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng của tỉnh uỷ.
2. Nhiệm vụ
2.1. Nghiên cứu, đề xuất:
a) Xây dựng phương hướng, nhiệm vụ, chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát tổ chức đảng cấp dưới; kiểm tra, giám sát đảng viên chấp hành Cương lĩnh chính trị, Điều lệ Đảng, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng; giúp tỉnh uỷ, ban thường vụ tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch kiểm tra, giám sát.
b) Đề xuất, đóng góp vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ đối với công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật trong đảng bộ.
c) Sơ kết, tổng kết về công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật trong đảng bộ.
2.2. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát, tổ chức thực hiện :
a) Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên; thực hiện công tác kiểm tra, giám sát, thi hành kỷ luật đảng trong đảng bộ; chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ đối với uỷ ban kiểm tra và cơ quan uỷ ban kiểm tra cấp dưới.
b) Tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ; chương trình, kế hoạch công tác của uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ.
2.3. Thẩm định, thẩm tra:
Đề án của các cơ quan đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể về những nội dung liên quan đến công tác kiểm tra, giám sát và thi hành kỷ luật đảng trước khi trình ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ.
2.4. Phối hợp:
a) Phối hợp với ban tổ chức trong công tác cán bộ theo phân cấp quản lý.
b) Phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ kiểm tra của cấp uỷ.
c) Phối hợp với các cơ quan tham mưu giúp việc tỉnh uỷ, giúp ban chấp hành, ban thường vụ theo dõi, giám sát việc thực hiện quy chế làm việc của ban chấp hành, ban thường vụ cấp uỷ.
2.5. Thực hiện một số nhiệm vụ khác được tỉnh uỷ, ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ giao.
3. Tổ chức bộ máy
3.1. Lãnh đạo cơ quan uỷ ban kiểm tra:
Gồm chủ nhiệm và không quá 3 phó chủ nhiệm uỷ ban. Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ Hà Nội, Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh có thể có 4 phó chủ nhiệm uỷ ban.
Số lượng, cơ cấu uỷ viên uỷ ban kiểm tra thực hiện theo Quyết định số 25-QĐ/TW, ngày 24-11-2006 của Bộ Chính trị khoá X.
Chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ là thủ trưởng cơ quan; các phó chủ nhiệm uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ là phó thủ trưởng cơ quan uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ.
3.2. Các đơn vị trực thuộc:
- Văn phòng.
- Từ 3 đến 4 phòng nghiệp vụ.
Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ Hà Nội, Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh không quá 5 phòng nghiệp vụ.
4. Biên chế
Biên chế chung của cơ quan uỷ ban kiểm tra tỉnh uỷ từ 25 - 35 cán bộ.
Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Thanh Hoá, Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ Nghệ An từ 30 - 40 cán bộ. Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ Hà Nội, Cơ quan Uỷ ban Kiểm tra Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh từ 40 - 50 cán bộ.
Điều 8. Ban Tuyên giáo
1. Chức năng
1.1. Là cơ quan tham mưu của tỉnh uỷ, trực tiếp và thường xuyên là ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ về công tác xây dựng đảng thuộc các lĩnh vực chính trị, tư tưởng - văn hoá, khoa giáo, biên soạn về lịch sử đảng bộ địa phương.
1.2. Là cơ quan chuyên môn - nghiệp vụ về công tác tuyên giáo của tỉnh uỷ.
2. Nhiệm vụ
2.1. Nghiên cứu, đề xuất:
a) Nghiên cứu, theo dõi, tổng hợp tình hình tư tưởng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, những âm mưu, thủ đoạn chống phá của các thế lực thù địch trên lĩnh vực tư tưởng - văn hoá ở địa bàn tỉnh; dự báo những diễn biến, xu hướng tư tưởng có thể xảy ra, kịp thời báo cáo, kiến nghị với tỉnh uỷ phương hướng, nhiệm vụ, nội dung, biện pháp giải quyết.
b) Các đề án, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế của tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ về công tác tuyên giáo, biên soạn lịch sử đảng bộ địa phương.
c) Đánh giá hoạt động, nghiên cứu, đề xuất phương hướng, chính sách, cơ chế, giải pháp trên lĩnh vực tuyên giáo.
d) Tham gia với chính quyền địa phương trong việc vận dụng, thể chế các quy định của cấp trên về các lĩnh vực có liên quan đến công tác tuyên giáo.
đ) Sơ kết, tổng kết về công tác tuyên giáo.
2.2. Tuyên truyền, giáo dục và hướng dẫn, kiểm tra, giám sát:
a) Tổ chức nghiên cứu, tuyên truyền, quán triệt, hướng dẫn triển khai thực hiện nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng; kiểm tra, giám sát các tổ chức đảng, các ban, ngành, đoàn thể trong việc thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế của Trung ương, của tỉnh trong lĩnh vực tuyên giáo.
b) Tổ chức bồi dưỡng lý luận chính trị, thông tin thời sự, tuyên truyền chính sách theo các chương trình của Trung ương và tỉnh uỷ. Bồi dưỡng và hướng dẫn nghiệp vụ công tác tuyên giáo cho ban tuyên giáo cấp uỷ cấp dưới, các đảng bộ cơ sở, trung tâm bồi dưỡng chính trị huyện.
c) Tổ chức mạng lưới báo cáo viên, tuyên truyền viên, cộng tác viên từ tỉnh đến cơ sở; hướng dẫn, kiểm tra nội dung thông tin của các phương tiện thông tin đại chúng, các nhà xuất bản do địa phương quản lý.
d) Sưu tầm, biên soạn lịch sử đảng bộ tỉnh; hướng dẫn sưu tầm biên soạn lịch sử đảng bộ quận, huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh.
đ) Tổ chức tuyên truyền, giáo dục phát huy truyền thống cách mạng của địa phương.
2.3. Thẩm định, thẩm tra:
Đề án của các cơ quan đảng, nhà nước, tổ chức đoàn thể của tỉnh có liên quan đến lĩnh vực tư tưởng - văn hoá, khoa giáo, lịch sử đảng bộ địa phương trước khi trình ban chấp hành, ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ.
2.4. Phối hợp:
a) Phối hợp với các cơ quan hữu quan đề xuất về cơ chế, chính sách đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, quản lý và đãi ngộ đối với đội ngũ trí thức khoa học và văn nghệ sĩ ở địa phương. Phối hợp với ban tổ chức tỉnh uỷ đề xuất chủ trương đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, quản lý, đãi ngộ nhân tài.
b) Phối hợp với các cơ quan chức năng tham gia công tác xây dựng đảng đối với các đảng bộ thuộc khối tuyên giáo.
c) Phối hợp với ban tổ chức tỉnh uỷ trong việc quản lý tổ chức bộ máy, biên chế ban tuyên giáo của các cấp uỷ trực thuộc tỉnh uỷ. Tham gia ý kiến về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ trong khối theo phân cấp quản lý.
2.5. Thực hiện một số nhiệm vụ do ban thưòng vụ, thường trực tỉnh uỷ giao:
a) Chỉ đạo định hướng chính trị, tư tưởng trong hoạt động của các cơ quan báo chí, xuất bản, văn hoá, văn nghệ, cơ quan thông tin tuyên truyền ở địa phương, các hội văn học - nghệ thuật, hội nhà báo, đảm bảo hoạt động theo đúng đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
b) Chỉ đạo nội dung giáo dục lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong hệ thống giáo dục, trường chính trị, tổ chức chính trị-xã hội ở địa phương.
c) Giúp tỉnh uỷ chỉ đạo công tác chính trị, tư tưởng trong đội ngũ trí thức, các nhà khoa học và trong sinh viên, học sinh ở địa phương.
d) Thực hiện các công việc khác do ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ giao.
3. Tổ chức bộ máy
3.1. Lãnh đạo ban:
Gồm trưởng ban và không quá 3 phó trưởng ban. Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh có thể có 4 phó trưởng ban.
3.2. Các đơn vị trực thuộc:
- Văn phòng.
- Phòng Lý luận chính trị và Lịch sử Đảng.
- Phòng Tuyên truyền: Phụ trách lĩnh vực tuyên truyền, báo chí, xuất bản, dư luận xã hội.
- Phòng Văn hoá - Văn nghệ.
- Phòng Khoa giáo.
- Phòng (hoặc Trung tâm thông tin công tác tuyên giáo).
Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có Phòng Báo chí - Xuất bản.
4. Biên chế
Biên chế chung của ban tuyên giáo tỉnh uỷ từ 22 - 28 cán bộ. Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Thanh Hoá, Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Nghệ An từ 28 - 35 cán bộ. Ban Tuyên giáo Thành uỷ Hà Nội, Ban Tuyên giáo Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh từ 40 - 50 cán bộ.
Điều 9. Ban Dân vận
1. Chức năng
1.1. Là cơ quan tham mưu của cấp uỷ, mà trực tiếp và thường xuyên là ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ về công tác dân vận của Đảng, trong đó có công tác dân tộc, tôn giáo.
1.2. Là cơ quan chuyên môn, nghiệp vụ về công tác dân vận của tỉnh uỷ.
2. Nhiệm vụ
2.1. Nghiên cứu, đề xuất:
a) Những chủ trương, giải pháp về công tác dân vận của cấp uỷ và ban thường vụ. Chuẩn bị, tham gia các dự thảo nghị quyết đại hội, các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế, chương trình công tác dân vận của tỉnh uỷ, ban thường vụ tỉnh uỷ.
b) Tham mưu với cấp uỷ thể chế hoá các chủ trương, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, dân tộc, tôn giáo, phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
c) Sơ kết, tổng kết về công tác dân vận.
2.2. Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra, giám sát:
a) Việc thực hiện chủ trương, chính sách, nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng về công tác dân vận.
b) Tình hình tư tưởng, tâm trạng, nguyện vọng trong nhân dân và phong trào quần chúng để kịp thời báo cáo cấp uỷ. Hướng dẫn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về công tác dân vận cho cấp uỷ và cán bộ làm công tác dân vận của các cấp trong đảng bộ tỉnh.
c) Tham gia ý kiến với các cơ quan chính quyền trong việc thể chế hoá nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế của Đảng về công tác dân vận; phát huy quyền làm chủ của nhân dân.
2.3. Phối hợp:
a) Phối hợp với ban tổ chức tỉnh uỷ trong việc quản lý tổ chức bộ máy, biên chế ban dân vận của cấp uỷ trực thuộc tỉnh uỷ. Tham gia ý kiến về công tác cán bộ đối với đội ngũ cán bộ trong khối theo phân cấp quản lý.
b) Chủ trì, phối hợp với ban, ngành liên quan trong các hoạt động chung về công tác dân vận; công tác nghiên cứu, kiểm tra, đào tạo, bồi dưỡng, thông tin… về công tác dân vận ở địa phương.
c) Phối hợp với Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội và hội quần chúng tỉnh tham gia công tác xây dựng đảng; xây dựng chính quyền.
2. 4. Thẩm định, thẩm tra:
a) Các đề án về công tác dân vận trước khi trình cấp uỷ.
b) Tham gia thẩm định các đề án, dự án thuộc lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội, an ninh, quốc phòng… có liên quan mật thiết đến công tác dân vận; các đề án, dự án có liên quan đến quyền làm chủ của nhân dân và công tác dân vận của hội đồng nhân dân, uỷ ban nhân dân.
2.5. Thực hiện một số nhiệm vụ do ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ giao:
a) Giúp cấp uỷ nắm tình hình hoạt động của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị-xã hội, hội quần chúng ở địa phương.
b) Thực hiện những công việc khác do tỉnh uỷ, ban thường vụ giao.
3. Tổ chức bộ máy
3.1. Lãnh đạo ban:
Gồm trưởng ban và không quá 3 phó trưởng ban. Ban Dân vận Thành uỷ Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh có thể có 4 phó trưởng ban.
3.2. Các đơn vị trực thuộc:
- Văn phòng.
- Phòng Đoàn thể và các hội quần chúng.
- Phòng Công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước.
- Phòng Dân tộc và Tôn giáo.
4. Biên chế
Biên chế chung của ban dân vận tỉnh uỷ từ 18 - 21 cán bộ. Ban Dân vận Tỉnh uỷ Thanh Hoá, Ban Dân vận Tỉnh uỷ Nghệ An từ 20 - 25 cán bộ; Ban Dân vận Thành uỷ Hà Nội, Ban Dân vận Thành uỷ Thành phố Hồ Chí Minh từ 25 - 30 cán bộ.
Điều 10. Về tiêu chuẩn, chức danh và cơ cấu lao động
1. Cơ cấu lao động
1.1. Đối với văn phòng tỉnh uỷ: Số lượng cán bộ làm công tác hành chính, phục vụ bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa cán bộ trong biên chế và cán bộ hợp đồng theo quy định, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng. Chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp tối thiểu là 40%.
1.2. Đối với cơ quan uỷ ban kiểm tra và các ban đảng: Bảo đảm cơ cấu hợp lý giữa cán bộ trong biên chế và cán bộ hợp đồng theo quy định, số lượng chuyên viên nghiên cứu, tham mưu giúp việc nhiều hơn số lượng cán bộ phục vụ hành chính. Chuyên viên, chuyên viên chính, chuyên viên cao cấp tối thiểu là 70%.
2. Tiêu chuẩn, chức danh lao động
Tiêu chuẩn, chức danh lao động trong mỗi cơ quan đơn vị thực hiện theo Hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương.
Chương III
MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC
Điều 11. Quan hệ với tỉnh uỷ, ban thường vụ, thường trực tỉnh uỷ, các cơ quan tham mưu giúp việc ở Trung ương
1. Các cơ quan tham mưu giúp việc tỉnh uỷ chịu sự lãnh đạo và chỉ đạo về mọi mặt của tỉnh uỷ, trực tiếp và thường xuyên là ban thường vụ và thường trực tỉnh uỷ; thực hiện chế độ báo cáo, xin chỉ thị và đề xuất các vấn đề thuộc trách nhiệm của lĩnh vực được phân công với ban thường vụ và thường trực tỉnh uỷ.
2. Các cơ quan tham mưu giúp việc tỉnh uỷ định kỳ báo cáo công tác với các cơ quan tham mưu giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương, chịu sự hướng dẫn, kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ của các cơ quan tham mưu giúp việc của Ban Chấp hành Trung ương theo quy định.
Điều 12. Quan hệ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội trong tỉnh
Quan hệ giữa các cơ quan tham mưu giúp việc tỉnh uỷ với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội trong tỉnh là quan hệ phối hợp:
- Trong phạm vi lĩnh vực công tác, các cơ quan tham mưu giúp việc tỉnh uỷ chủ trì, phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội triển khai thực hiện các nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế của Trung ương, của tỉnh uỷ.
- Phối hợp nghiên cứu, hướng dẫn triển khai nghị quyết, quyết định, chỉ thị, quy định, quy chế và kiểm tra theo chức năng, nhiệm vụ được tỉnh uỷ giao.
Điều 13. Quan hệ với thường trực hội đồng nhân dân và lãnh đạo uỷ ban nhân dân tỉnh
Quan hệ giữa các cơ quan tham mưu giúp việc tỉnh uỷ với thường trực hội đồng nhân dân và lãnh đạo uỷ ban nhân dân tỉnh là quan hệ phối hợp:
- Khi triển khai thực hiện nhiệm vụ tham mưu có gắn với công tác quản lý nhà nước các cơ quan tham mưu giúp việc tỉnh uỷ phối hợp với thường trực hội đồng nhân dân, lãnh đạo uỷ ban nhân dân; các cơ quan đảng, nhà nước phối hợp, tạo điều kiện, hỗ trợ lẫn nhau để cùng hoàn thành nhiệm vụ được giao.
- Các kỳ họp hội đồng nhân dân và uỷ ban nhân dân tỉnh để bàn chủ trương, quyết định, chính sách, chế độ… có liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của cơ quan nào, thì đại diện lãnh đạo cơ quan đó được mời tham dự, tham gia ý kiến. Những nội dung cần thiết, lãnh đạo cơ quan làm việc trực tiếp với thường trực hội đồng nhân dân và lãnh đạo uỷ ban nhân dân để phối hợp thực hiện nhiệm vụ của mỗi bên.
Điều 14. Quan hệ với cấp uỷ và các ban tham mưu giúp việc của cấp uỷ cấp dưới
1. Quan hệ giữa các cơ quan tham mưu giúp việc tỉnh uỷ với cấp uỷ trực thuộc tỉnh uỷ là quan hệ phối hợp, trao đổi, hướng dẫn, góp ý trong thực hiện về công tác chuyên môn và công tác cán bộ theo phân cấp.
2. Quan hệ giữa các cơ quan tham mưu giúp việc tỉnh uỷ với các cơ quan tham mưu giúp việc cấp uỷ trực thuộc tỉnh uỷ là quan hệ hướng dẫn, kiểm tra trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được phân công về chuyên môn, nghiệp vụ, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Điều khoản thi hành
Quy định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, được thực hiện thống nhất trong toàn Đảng.
Ban Tổ chức Trung ương phối hợp với các cơ quan liên quan theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy định; nếu có phát sinh, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện thì báo cáo Ban Bí thư bổ sung, sửa đổi kịp thời.
| T/M BAN BÍ THƯ |
- 1Quyết định 1160/QĐ-BGTVT năm 2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức tham mưu giúp việc Bộ trưởng do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 2Quy định 220-QĐ/TW năm 2013 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ, thành uỷ trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ do Ban Bí thư ban hành
- 3Quy định 219-QĐ/TW năm 2013 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc tỉnh uỷ, thành ủy do Ban Bí thư ban hành
- 1Quyết định 25-QĐ/TW năm 2006 ban hành hướng dẫn thực hiện các quy định về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng trong chương VII và chương VIII Điều lệ Đảng khoá X do Bộ Chính trị ban hành
- 2Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2001
- 3Quyết định 1160/QĐ-BGTVT năm 2013 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của các tổ chức tham mưu giúp việc Bộ trưởng do Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 4Quy định 220-QĐ/TW năm 2013 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu, giúp việc huyện uỷ, quận uỷ, thị uỷ, thành uỷ trực thuộc tỉnh uỷ, thành uỷ do Ban Bí thư ban hành
Quy định 222-QĐ/TW năm 2009 về chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy cơ quan chuyên trách tham mưu giúp việc tỉnh ủy, thành ủy do Ban Bí thư ban hành
- Số hiệu: 222-QĐ/TW
- Loại văn bản: Quy định
- Ngày ban hành: 08/05/2009
- Nơi ban hành: Ban Bí thư
- Người ký: Trương Tấn Sang
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 08/05/2009
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra