BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số 189-QĐ/TW | Hà Nội, ngày 08 tháng 10 năm 2024 |
VỀ KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC, PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI CHÍNH, TÀI SẢN CÔNG
- Căn cứ Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư khoá XIII,
Bộ Chính trị quy định về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công như sau:
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định này điều chỉnh về nguyên tắc, chủ thể, phạm vi, phương thức, trách nhiệm, quyền hạn và xử lý trách nhiệm trong kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
2. Đối tượng áp dụng
a) Các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
b) Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước có thẩm quyền quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
c) Các cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước.
Điều 2. Nguyên tắc kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công
1. Bảo đảm sự lãnh đạo thống nhất, toàn diện, trực tiếp, tuyệt đối của Đảng; chấp hành nghiêm chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
2. Quyền lực nhà nước trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công phải được kiểm soát chặt chẽ, thống nhất; bảo đảm quyền lực được sử dụng đúng đắn, hiệu quả; mọi hành vi lạm dụng, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực phải được ngăn chặn, phát hiện, xử lý nghiêm minh, kịp thời.
3. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả các cơ chế kiểm tra, giám sát, kiểm soát quyền lực nhà nước của Đảng, Nhà nước và Nhân dân; thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, trách nhiệm giải trình, công khai, minh bạch trong từng cơ quan nhà nước.
4. Nội dung kiểm soát phải toàn diện, đồng thời có trọng tâm, trọng điểm; hoạt động kiểm soát phải tôn trọng, không làm cản trở hoạt động bình thường của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Điều 3. Giải thích từ ngữ
Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Quyền lực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công là thẩm quyền của cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công theo chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
2. Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công là việc sử dụng cơ chế, chế tài, biện pháp để cơ quan, đơn vị, tổ chức, người có thẩm quyền thực hiện nghiêm túc các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, xử lý các hành vi lợi dụng, sử dụng quyền lực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công để tham nhũng, tiêu cực.
3. Tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công là những hành vi cố ý, do ý chí chủ quan của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước, cá nhân trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công hoặc những hành vi trái với chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các chuẩn mực đạo đức của người thực thi nhiệm vụ, quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước có thẩm quyền quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
4. Tham nhũng trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công đã lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn đó để trục lợi.
Chương II
CHỦ THỂ, PHẠM VI, PHƯƠNG THỨC KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC, CÁC HÀNH VI THAM NHŨNG, TIÊU CỰC TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI CHÍNH, TÀI SẢN CÔNG
Điều 4. Chủ thể kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công
1. Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương.
2. Cấp ủy, tổ chức đảng cấp trên trực tiếp của cấp uỷ, tổ chức đảng trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước có thẩm quyền quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
3. Các ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy; tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương; đảng đoàn hội đồng nhân dân cấp tỉnh, ban cán sự đảng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Ủy ban kiểm tra, ban nội chính tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương.
4. Các cấp ủy, tổ chức đảng khác có thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức có thẩm quyền kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán đối với quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công: Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cơ quan báo chí, Nhân dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.
Điều 5. Chủ thể chịu sự kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công
1. Cấp ủy, tổ chức đảng trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước có thẩm quyền quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
2. Các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước có thẩm quyền quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
3. Cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên và người có thẩm quyền quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước có thẩm quyền được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công theo quy định của pháp luật.
Điều 6. Phạm vi kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công
Kiểm soát việc thực hiện quyền lực của chủ thể thực hiện quyền lực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Trọng tâm là kiểm soát các quyết định, hành vi lợi dụng, lạm dụng quyền lực của chủ thể thực hiện quyền lực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công để tham nhũng, tiêu cực; cụ thể kiểm soát quyền lực đối với:
1. Cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, bí thư cấp ủy, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước có thẩm quyền quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
2. Đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức và người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước có thẩm quyền quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
Điều 7. Phương thức kiểm soát quyền lực phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công
1. Xây dựng, ban hành các quy định, quy chế, quy trình về kiểm soát việc thực thi quyền lực; phòng ngừa, ngăn chặn, loại bỏ các hành vi lạm quyền sử dụng quyền lực để thực hiện các hành vi trái với chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
2. Lãnh đạo, chỉ đạo định hướng hoạt động của các cơ quan, đơn vị, tổ chức doanh nghiệp nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Cho chủ trương, định hướng chỉ đạo xử lý các nhiệm vụ, công việc khó khăn, vướng mắc hoặc còn quan điểm khác nhau giữa các cơ quan, đơn vị, tổ chức trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
3. Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng, kiện toàn tổ chức bộ máy và đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước có thẩm quyền thực hiện quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
4. Kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán phát hiện, xử lý các sai phạm, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Giải quyết kịp thời các thông tin tố cáo, kiến nghị, phản ánh đối với các hành vi vi phạm hoặc có dấu hiệu vi phạm của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
5. Nâng cao nhận thức cho cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên qua tổ chức sinh hoạt đảng, tự phê bình và phê bình; thực hiện trách nhiệm nêu gương; tăng cường tự kiểm tra nhằm ngăn chặn, phát hiện, xử lý các sai phạm trong nội bộ và các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực khác trong cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
6. Thực hiện công khai, minh bạch, dân chủ trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội, các phương tiện thông tin đại chúng và Nhân dân trong giám sát, phát hiện, đề xuất xử lý việc lạm dụng, lợi dụng quyền lực để tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
7. Thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, ban hành các chế độ, chính sách, tiêu chuẩn định mức trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và xây dựng, ban hành những quy định cụ thể về quy trình, trình tự thực hiện dân chủ trong công tác quản lý, điều hành.
Điều 8. Những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công
1. Lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, ban hành các văn bản trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng tài chính công.
2. Không thực hiện hoặc thực hiện không đúng, không đầy đủ, không kịp thời chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy chế làm việc, quy định, quy trình nghiệp vụ, chuẩn mực đạo đức, quy tắc ứng xử, nhiệm vụ, công vụ trong quản lý, sử dụng tài chính công.
3. Thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý để xảy ra hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công.
4. Bao che, dung túng, tiếp tay, xử lý không đúng quy định đối với hành vi vi phạm, lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn, lạm quyền, tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính công. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chiếm đoạt hoặc thiếu trách nhiệm làm thiệt hại đến nguồn thu ngân sách nhà nước.
5. Thu sai quy định của các luật thuế và quy định khác của pháp luật về thu ngân sách; phân chia sai quy định nguồn thu giữa ngân sách các cấp; giữ lại nguồn thu của ngân sách nhà nước sai chế độ; tự đặt ra các khoản thu trái với quy định của pháp luật.
6. Chi không có dự toán, không đúng dự toán ngân sách được giao trái với quy định của pháp luật; chi sai chế độ, tiêu chuẩn, định mức chi, không đúng mục đích; tự đặt ra các khoản chi trái với quy định của pháp luật.
7. Quyết định đầu tư chương trình, dự án có sử dụng vốn ngân sách không đúng thẩm quyền, không xác định rõ nguồn vốn để thực hiện.
8. Thực hiện vay trái với quy định của pháp luật; vay vượt quá khả năng cân đối của ngân sách.
9. Sử dụng ngân sách nhà nước để cho vay, tạm ứng, góp vốn trái với quy định của pháp luật.
10. Trì hoãn việc chi ngân sách khi đã bảo đảm các điều kiện chi theo quy định của pháp luật. Hạch toán sai chế độ kế toán nhà nước và mục lục ngân sách nhà nước.
11. Lập, trình dự toán, quyết toán ngân sách nhà nước chậm so với thời hạn quy định. Phê chuẩn, duyệt quyết toán ngân sách nhà nước sai quy định của pháp luật.
12. Không thực hành tiết kiệm để xảy ra thất thoát, lãng phí trong việc quản lý, sử dụng tài chính công.
13. Các hành vi tham nhũng, tiêu cực khác trong quản lý, sử dụng tài chính công theo chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Điều 9. Những hành vi tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài sản công
1. Lãnh đạo, chỉ đạo, tham mưu, ban hành các văn bản trái chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước trong đầu tư, mua sắm, quản lý, sử dụng tài sản công.
2. Lợi dụng, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt, chiếm giữ và sử dụng trái phép tài sản công.
3. Đầu tư xây dựng, mua sắm, giao, thuê, sử dụng tài sản công không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.
4. Giao tài sản công cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân vượt tiêu chuẩn, định mức hoặc giao cho cơ quan, tổ chức, đơn vị, cá nhân không có nhu cầu sử dụng.
5. Sử dụng tài sản công khác do tổ chức, cá nhân tặng cho không đúng mục đích, chế độ, vượt tiêu chuẩn, định mức.
6. Sử dụng hoặc không sử dụng tài sản công được giao gây lãng phí; sử dụng tài sản công vào mục đích kinh doanh, cho thuê, liên doanh, liên kết không phù hợp với mục đích sử dụng của tài sản, làm ảnh hưởng đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ do Đảng, Nhà nước giao; sử dụng tài sản công để kinh doanh trái pháp luật.
7. Xử lý tài sản công trái quy định của pháp luật. Hủy hoại hoặc cố ý làm hư hỏng tài sản công.
8. Không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm, nghĩa vụ trong quản lý, sử dụng tài sản công theo quy định của pháp luật.
9. Thực hiện không đúng quy định trong quản lý quy hoạch, đấu thầu, đầu tư, xây dựng, quản lý, sử dụng nhà, đất, tài nguyên, tài sản của Đảng, Nhà nước.
10. Các hành vi tham nhũng, tiêu cực khác trong quản lý, sử dụng tài sản công theo chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Chương III
TRÁCH NHIỆM KIỂM SOÁT QUYỀN LỰC, PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, TIÊU CỰC TRONG QUẢN LÝ, SỬ DỤNG TÀI CHÍNH, TÀI SẢN CÔNG
Điều 10. Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của các cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan tham mưu giúp việc của Đảng và thành viên các cấp ủy, tổ chức đảng
1. Lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, tổ chức đảng; thực hiện rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành theo thẩm quyền các quy định, đề ra các chủ trương, đường lối, định hướng lớn trong từng thời kỳ và từng giai đoạn cụ thể về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
2. Chỉ đạo về đường lối, phương thức, phương pháp xử lý hoặc phối hợp xử lý, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, những vấn đề nghiêm trọng, phức tạp, những vấn đề được Nhân dân, dư luận xã hội quan tâm về lĩnh vực quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công theo đúng quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.
3. Lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước thuộc phạm vi quản lý của mình trong việc thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nguyên tắc, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; bảo đảm cho quyền lực trong công tác này được vận hành hiệu quả, công khai, minh bạch, đúng quy định.
4. Các cấp ủy, tổ chức đảng trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện lãnh đạo, chỉ đạo việc thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên giữ cương vị lãnh đạo, quản lý phải thực hiện nghiêm túc các quy định, chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
5. Thường xuyên kiểm tra, giám sát các cơ quan tham mưu, giúp việc, các cơ quan cấp dưới và cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên thuộc quyền quản lý đối với việc thực hiện các chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, bảo đảm cho công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công được thực hiện minh bạch, nghiêm túc, đúng quy định.
6. Thành viên các cấp ủy, tổ chức đảng thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm của mình trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Phản ánh kịp thời, đầy đủ, chính xác, trung thực đến cấp có thẩm quyền những hành vi vi phạm chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước của các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước và cá nhân trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công. Chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, sai phạm trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công ở cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước thuộc thẩm quyền được giao quản lý, phụ trách.
Điều 11. Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của Quốc hội, cơ quan của Quốc hội, Kiểm toán Nhà nước
1. Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyền giám sát việc tuân theo Hiến pháp, luật và nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực tài chính ngân sách, tài sản công, giám sát văn bản quy phạm pháp luật của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, văn bản quy phạm pháp luật liên tịch giữa các cơ quan có thẩm quyền ở Trung ương về lĩnh vực tài chính ngân sách, tài sản công; quyết định dự toán ngân sách nhà nước và phân bổ ngân sách trung ương, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; quy định, sửa đổi hoặc bãi bỏ các sắc thuế; phê duyệt kế hoạch đầu tư công và chủ trương đầu tư công thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
2. Kiểm soát quyền lực của Kiểm toán Nhà nước trong hoạt động kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công thông qua việc: Lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc đánh giá, xác nhận, kết luận và kiến nghị đối với quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công theo chức năng, thẩm quyền được giao; trình ý kiến với Quốc hội xem xét, quyết định dự toán ngân sách nhà nước, quyết định phân bổ ngân sách trung ương, quyết định chủ trương đầu tư chương trình mục tiêu quốc gia, dự án quan trọng quốc gia, phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước; tham gia với cơ quan của Quốc hội trong hoạt động giám sát việc thực hiện luật, pháp lệnh, nghị quyết của Quốc hội về lĩnh vực tài chính ngân sách, tài sản công.
Điều 12. Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của các cơ quan, đơn vị, tổ chức của Nhà nước đối với quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công
1. Người đứng đầu Nhà nước theo thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo việc quyết định đàm phán, ký kết điều ước quốc tế nhân danh Nhà nước, trình Quốc hội phê chuẩn, quyết định gia nhập hoặc chấm dứt hiệu lực điều ước quốc tế đối với lĩnh vực tài chính ngân sách, tài sản công. Chỉ đạo xử lý miễn nhiệm, cách chức hoặc đề nghị Quốc hội miễn nhiệm, bãi nhiệm, cách chức một số chức danh như: Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ trong việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công không đúng chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước đến mức phải xử lý kỷ luật.
2. Kiểm soát quyền lực của Chính phủ đối với quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công thông qua Lãnh đạo, chỉ đạo việc ban hành và tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về lĩnh vực tài chính ngân sách, tài sản công theo thẩm quyền; lập kế hoạch tài chính ngân sách, tổ chức điều hành thực hiện kế hoạch về quản lý, sử dụng tài chính ngân sách, tài sản công; lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và một số hoạt động hành chính khác.
3. Kiểm soát quyền lực của bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương, hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp đối với quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công:
a) Bộ Tài chính kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công thông qua lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện nhiệm vụ chủ trì xây dựng các dự án luật, pháp lệnh về lĩnh vực tài chính ngân sách và tài sản công; xây dựng tiêu chuẩn, định mức phân bổ chi thường xuyên của ngân sách nhà nước; tham gia với bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về chế độ quản lý, sử dụng và tiêu chuẩn định mức sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý nhà nước của bộ, cơ quan ngang bộ đó. Lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện lập dự toán ngân sách nhà nước và tổ chức thực hiện ngân sách nhà nước; tổng hợp số liệu về quản lý, sử dụng tài sản công; thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo về quản lý, sử dụng tài chính ngân sách và tài sản công theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính.
b) Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan khác ở Trung ương kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công thông qua lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức ban hành và thực hiện các định mức kỹ thuật - kinh tế làm cơ sở cho việc quản lý tài chính - ngân sách nhà nước thuộc ngành, lĩnh vực thuộc thẩm quyền phụ trách; quản lý, tổ chức thực hiện và quyết toán, công khai tài chính ngân sách được giao, bảo đảm sử dụng tài chính ngân sách hiệu quả. Lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện đúng thẩm quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với tài sản công thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật và phân cấp của Chính phủ; thực hiện công khai, thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, trách nhiệm giải trình việc quản lý, sử dụng tài sản công thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.
c) Kiểm soát quyền lực của hội đồng nhân dân các cấp đối với quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công chủ yếu thông qua lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quyền giám sát thực thi pháp luật về quản lý, sử dụng tài chính ngân sách, tài sản công thuộc phạm vi quản lý của địa phương và thông qua việc thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật về tài chính ngân sách, tài sản công; quyết định kế hoạch tài chính, dự toán thu - chi ngân sách địa phương, phê chuẩn quyết định phân bổ và quyết toán ngân sách cấp mình.
d) Kiểm soát quyền lực của ủy ban nhân dân các cấp đối với quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công thông qua lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện, quản lý, sử dụng tài chính ngân sách, tài sản công thuộc phạm vi của địa phương theo đúng quy định của pháp luật và dự toán đã được hội đồng nhân dân quyết định, kết quả thực hiện nhiệm vụ theo quy định của Chính phủ. Công khai tài chính ngân sách, tài sản công thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định của pháp luật. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo việc quản lý, sử dụng tài chính ngân sách, tài sản công thuộc phạm vi quản lý theo quy định của pháp luật.
đ) Kiểm soát quyền lực trong nội bộ các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước thực hiện quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công thông qua lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công theo thẩm quyền được giao; kiểm soát việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị trực thuộc, cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên thuộc quyền quản lý trong việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công bảo đảm cho quyền lực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công được thực hiện theo đúng chủ trương, quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước, không để bị lợi dụng, lạm dụng để tham nhũng, tiêu cực. Việc kiểm soát được thực hiện qua các nguyên tắc hoạt động của từng ngành, từng cơ quan, đơn vị; qua công tác thanh tra, kiểm tra; giải quyết khiếu nại, tố cáo; hướng dẫn, bồi dưỡng nghiệp vụ; khen thưởng, xử lý vi phạm.
Điều 13. Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức có thẩm quyền được giao quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công
1. Chỉ đạo, tổ chức thực hiện nghiêm túc các chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công, xây dựng và ban hành các quy chế, quy định về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
2. Chịu trách nhiệm trước cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo về những đề xuất, nhận xét, đánh giá, thẩm định đối với quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công thuộc thẩm quyền của mình.
3. Chỉ đạo tổng hợp, báo cáo đầy đủ, kịp thời, trung thực phục vụ cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo trong công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
4. Chỉ đạo thường xuyên kiểm tra, giám sát thanh tra đối với cán bộ, công chức, viên chức và người được giao nhiệm vụ quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công thuộc thẩm quyền cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp nhà nước mình. Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh đối với các hành vi vi phạm chủ trương, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và Quy định này.
Điều 14. Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, báo chí, Nhân dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác
Kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên, cơ quan báo chí, Nhân dân và các cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan chủ yếu thông qua các hoạt động giám sát công tác quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị phản ánh liên quan đến quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; thực hiện phản biện xã hội.
Chương IV
XỬ LÝ VI PHẠM
Điều 15. Đối với cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo
Các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo vi phạm các nội dung nêu tại Quy định này thì phải kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước.
Điều 16. Đối với người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức; cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên (kể cả những người đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu)
Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, tổ chức; cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên (kể cả những người đã chuyển công tác hoặc nghỉ hưu) và người có thẩm quyền trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công vi phạm các nội dung quy định thuộc trách nhiệm, thẩm quyền của mình và trách nhiệm với cương vị là người đứng đầu để cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo vi phạm các hành vi nêu tại Điều 8, Điều 9 của Quy định này thì bị xử lý theo quy định hiện hành của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Ngoài ra, nếu cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên đang công tác khi có hành vi tham nhũng, tiêu cực theo đề nghị, kết luận của cơ quan có thẩm quyền còn bị áp dụng các biện pháp xử lý như sau:
- Đình chỉ công tác, chức vụ, không bố trí làm công tác tham mưu, nghiệp vụ về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công; công tác kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán về quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.
- Tạm dừng có thời hạn theo quy định của cấp có thẩm quyền việc quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn, bổ nhiệm lại, tái cử, phong, thăng cấp bậc hàm, giới thiệu ứng cử chức vụ cao hơn hoặc tương đương, công nhận chức danh, phong tặng danh hiệu, khen thưởng.
Chương V
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 17. Tổ chức thực hiện
1. Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban cán sự đảng Bộ Tài chính, tỉnh ủy, thành ủy trực thuộc Trung ương và các cấp ủy, tổ chức đảng có liên quan lãnh đạo, chỉ đạo việc quán triệt, cụ thể hoá, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Quy định này.
2. Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao và các cấp ủy, tổ chức đảng liên quan lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, bổ sung, sửa đổi và ban hành các văn bản pháp luật có liên quan để bảo đảm chặt chẽ, đồng bộ, thống nhất với Quy định này.
3. Các cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo các cơ quan, đơn vị, tổ chức ở Trung ương và địa phương; các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện quán triệt và cụ thể hoá theo thẩm quyền để thực hiện nghiêm Quy định này. Thường xuyên kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công và báo cáo cấp có thẩm quyền kết quả thực hiện theo quy định. Định kỳ hoặc đột xuất, các cơ quan, đơn vị, tổ chức thực hiện quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công báo cáo kết quả thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn với cấp ủy, tổ chức đảng để xem xét, cho ý kiến lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện những nhiệm vụ quan trọng, cấp bách.
4. Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định; xử lý kỷ luật, đề nghị xử lý kỷ luật tập thể, cá nhân vi phạm Quy định theo thẩm quyền.
5. Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, đôn đốc việc triển khai thực hiện các nội dung của Quy định; định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Điều 18. Hiệu lực thi hành
Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký, phổ biến đến chi bộ. Trong quá trình thực hiện nếu phát hiện có vướng mắc hoặc cần sửa đổi, bổ sung thì báo cáo Bộ Chính trị xem xét, quyết định.
| T/M BỘ CHÍNH TRỊ |
Quy định 189-QĐ/TW năm 2024 kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- Số hiệu: 189-QĐ/TW
- Loại văn bản: Quy định
- Ngày ban hành: 08/10/2024
- Nơi ban hành: Ban Chấp hành Trung ương
- Người ký: Lương Cường
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 08/10/2024
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực