BAN BÍ THƯ | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số: 140-QĐ/TW | Hà Nội, ngày 16 tháng 5 năm 2005 |
QUY ĐỊNH
VỀ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA ĐẢNG BỘ, CHI BỘ CƠ SỞ TRONG CÔNG TY CỔ PHẦN CÓ VỐN NHÀ NƯỚC
- Căn cứ Điều lệ Đảng, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng, các nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương và Bộ Chính trị (khoá IX);
- Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
- Căn cứ Luật Doanh nghiệp và Luật Doanh nghiệp nhà nước;
Ban Bí thư quy định chức năng, nhiệm vụ của đảng bộ, chi bộ cơ sở trong các công ty cổ phần có vốn Nhà nước (gọi tắt là công ty) như sau :
I- CHỨC NĂNG
Điều 1. Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong công ty cổ phần có vốn Nhà nước là hạt nhân chính trị, lãnh đạo cán bộ, đảng viên, quần chúng và tuyên truyền, vận động các thành viên trong công ty thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ và các quy chế, quy định của công ty; tham gia xây dựng và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của công ty, hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước, bảo đảm lợi ích hợp pháp của các cổ đông và người lao động; xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh.
II- NHIỆM VỤ
Điều 2. Đối với nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh, an ninh, quốc phòng
1- Căn cứ vào điều lệ và các quy chế, quy định của công ty để tham gia với hội đồng quản trị, tổng giám đốc (giám đốc) xây dựng chiến lược đầu tư, phát triển và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh của công ty theo đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; bảo toàn và phát triển vốn của công ty, của Nhà nước; hoàn thành nghĩa vụ đối với Nhà nước, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các cổ đông, người lao động. Lãnh đạo, vận động các thành viên trong công ty thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, tích cực tham gia các hoạt động xã hội và giữ gìn trật tự an toàn trong công ty.
2- Phối hợp với hội đồng quản trị, tổng giám đốc (giám đốc), ban kiểm soát lãnh đạo xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và các quy chế của công ty; thực hiện chế độ thông tin và bảo đảm quyền được thông tin của đảng viên; phát huy vai trò làm chủ của người lao động, đoàn kết đảng viên, quần chúng vì mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh của công ty; ngăn ngừa, đấu tranh khắc phục những biểu hiện vi phạm pháp luật trong công ty làm thiệt hại đến lợi ích của Nhà nước, của các cổ đông và người lao động.
3- Lãnh đạo đảng viên, người lao động tích cực học tập, không ngừng nâng cao trình độ về chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ.
Điều 3. Lãnh đạo công tác tư tưởng
1- Tuyên truyền, giáo dục cán bộ, đảng viên, người lao động trong công ty hiểu và tự giác chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, điều lệ và các quy chế, quy định của công ty; phát huy truyền thống yêu nước và ý thức trách nhiệm của công dân; nâng cao giác ngộ giai cấp, lý tưởng xã hội chủ nghĩa của người lao động; xây dựng tinh thần làm chủ, tình đoàn kết, hợp tác, tương trợ, giúp đỡ giữa các thành viên trong công ty.
2- Lãnh đạo cán bộ, đảng viên, người lao động trong công ty rèn luyện ý thức tổ chức kỷ luật và tác phong công nghiệp; phát huy tính chủ động, sáng tạo trong lao động. Kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của các thành viên trong công ty để phối hợp với hội đồng quản trị, tổng giám đốc (giám đốc) giải quyết.
Điều 4. Lãnh đạo các đoàn thể quần chúng
1- Lãnh đạo xây dựng tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh trong công ty vững mạnh, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ và điều lệ của mỗi đoàn thể; tạo điều kiện để người lao động tham gia các đoàn thể quần chúng và thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ được giao.
2- Lãnh đạo ban chấp hành công đoàn phối hợp với hội đồng quản trị, tổng giám đốc (giám đốc) kịp thời giải quyết các vấn đề phát sinh giữa người lao động và người sử dụng lao động theo pháp luật; thực hiện tốt các nghị quyết của đại hội đồng cổ đông, điều lệ và các quy chế, quy định của công ty, thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động đã ký kết; chăm lo đời sống vật chất, tinh thần của người lao động.
Điều 5. Công tác tổ chức, cán bộ
1- Căn cứ vào điều lệ và các quy chế, quy định của công ty, cấp uỷ tham gia ý kiến với hội đồng quản trị về chủ trương sắp xếp tổ chức bộ máy quản lý, công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, đề bạt, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật cán bộ trong công ty.
2- Cấp ủy chủ động giới thiệu những cán bộ, đảng viên có phẩm chất, năng lực, đủ tiêu chuẩn để có thể tham gia bộ máy quản lý của công ty.
3- Xây dựng cấp uỷ và đội ngũ cán bộ đảng, đoàn thể có đủ phẩm chất, năng lực, gương mẫu, hoạt động có hiệu quả, được đảng viên và quần chúng tín nhiệm.
Điều 6. Xây dựng tổ chức đảng
1- Cấp ủy đề ra chủ trương, biện pháp xây dựng đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức cơ sở đảng và đội ngũ đảng viên, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh và sự phát triển của công ty.
2- Thực hiện đúng nguyên tắc tập trung dân chủ, thực hiện có nền nếp chế độ tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt đảng, nhất là sinh hoạt chi bộ. Giữ gìn sự đoàn kết thống nhất nội bộ, thực hiện đúng các quy định về bảo vệ chính trị nội bộ, đấu tranh khắc phục những biểu hiện tiêu cực trái với đạo đức, tư cách của người đảng viên, gây ảnh hưởng xấu đến uy tín của Đảng.
3- Cấp uỷ phân công nhiệm vụ cụ thể cho đảng viên; xây dựng kế hoạch, biện pháp quản lý đảng viên. Kịp thời biểu dương, khen thưởng những đảng viên có thành tích xuất sắc, xử lý kỷ luật nghiêm những đảng viên vi phạm Điều lệ Đảng, pháp luật của Nhà nước.
4- Thường xuyên chăm lo công tác tuyên truyền, phát triển đảng viên. Chú trọng phát triển đảng viên trẻ trong công nhân, cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý của công ty, trong cán bộ, đoàn viên công đoàn và Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
5- Cấp ủy thường xuyên kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên chấp hành Điều lệ, các nghị quyết, chỉ thị của Đảng. Định kỳ hằng năm hoặc khi có yêu cầu, cấp uỷ tổ chức để quần chúng tham gia góp ý về sự lãnh đạo của tổ chức đảng, trách nhiệm và vai trò tiền phong, gương mẫu của đảng viên.
6- Xây dựng cấp uỷ có đủ phẩm chất, năng lực, gương mẫu, hoạt động có hiệu quả, được đảng viên và quần chúng tín nhiệm. Bí thư cấp uỷ phải là người tiêu biểu cho đảng bộ, chi bộ, có phẩm chất, năng lực để có thể giới thiệu tham gia hội đồng quản trị, ban kiểm soát, ban giám đốc.
III- QUAN HỆ CỦA ĐẢNG BỘ, CHI BỘ VỚI HỘI ĐỒNG QUẢN TRỊ, TỔNG GIÁM ĐỐC (GIÁM ĐỐC) VÀ CÁC TỔ CHỨC LIÊN QUAN
Điều 7. Đối với hội đồng quản trị, tổng giám đốc (giám đốc)
1- Đảng bộ, chi bộ có trách nhiệm tạo điều kiện để hội đồng quản trị, tổng giám đốc (giám đốc) thực hiện trách nhiệm, quyền hạn được giao. Hội đồng quản trị, tổng giám đốc (giám đốc) có trách nhiệm bảo đảm và tạo điều kiện để đảng bộ, chi bộ thực hiện Quy định này.
2- Định kỳ (3 tháng, 6 tháng, 1 năm) hoặc khi có yêu cầu, cấp uỷ chủ động trao đổi với hội đồng quản trị, tổng giám đốc (giám đốc) ý kiến của cán bộ, đảng viên, người lao động về việc thực hiện nhiệm vụ và các chính sách, chế độ trong công ty; hội đồng quản trị, tổng giám đốc (giám đốc) trao đổi với cấp uỷ về những chủ trương, nhiệm vụ của công ty để cấp uỷ hoặc đảng bộ, chi bộ thảo luận, ra nghị quyết lãnh đạo đảng viên, quần chúng thực hiện. Đảng viên là thành viên hội đồng quản trị, ban giám đốc báo cáo với cấp uỷ những nội dung trên để cấp uỷ lãnh đạo thực hiện.
3- Cấp ủy tôn trọng các quyết định của hội đồng quản trị, tổng giám đốc (giám đốc) theo quy định của pháp luật, điều lệ và các quy chế, quy định của công ty; khi thấy quyết định nào chưa đúng thì trao đổi với hội đồng quản trị, tổng giám đốc (giám đốc), nếu không thống nhất thì báo cáo lên cấp uỷ và cơ quan quản lý cấp trên có thẩm quyền xem xét, quyết định.
4- Bí thư cấp uỷ phải chịu trách nhiệm trước tổ chức đảng, chủ tịch hội đồng quản trị, tổng giám đốc (giám đốc) phải chịu trách nhiệm trước pháp luật và tổ chức đảng (nếu là đảng viên) khi để xảy ra tham nhũng, lãng phí và các tiêu cực khác trong công ty.
Điều 8. Đối với các đoàn thể quần chúng
Hằng quý hoặc khi có yêu cầu, cấp uỷ làm việc với các đoàn thể, nắm tình hình hoạt động của từng đoàn thể để có chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời.
Điều 9. Đối với các tổ chức có liên quan
Đảng bộ, chi bộ trong công ty chịu sự lãnh đạo, hướng dẫn, kiểm tra của cấp uỷ cấp trên trực tiếp (hoặc tổ chức đảng được uỷ quyền) về mọi mặt; xây dựng mối quan hệ với cơ quan quản lý nhà nước cấp trên, với cấp uỷ, chính quyền địa phương nơi công ty đóng và nơi có đảng viên của công ty cư trú để phối hợp công tác và quản lý đảng viên.
IV- ĐIỂU KHOẢN THI HÀNH
Điều 10. Tổ chức thực hiện
1- Ban Tổ chức Trung ương hướng dẫn việc thực hiện Quy định này đối với loại hình công ty Nhà nước giữ cổ phần chi phối và không chi phối.
2- Các tỉnh uỷ, thành uỷ, đảng uỷ trực thuộc Trung ương và các cấp uỷ cấp trên trực tiếp của tổ chức cơ sở đảng có trách nhiệm hướng dẫn, chỉ đạo và kiểm tra thực hiện Quy định này.
3- Căn cứ Quy định này và các văn bản hướng dẫn của cấp trên, đảng bộ, chi bộ cơ sở trong công ty cổ phần có vốn Nhà nước xây dựng quy chế hoạt động cụ thể để thực hiện.
Điều 11. Hiệu lực thi hành
Quy định này có hiệu lực thi hành từ ngày ký và phổ biến đến chi bộ để thực hiện.
| T/M BAN BÍ THƯ |
Quy định 140-QĐ/TW năm 2005 về chức năng, nhiệm vụ của Đảng bộ, chi bộ cơ sở trong công ty cổ phần có vốn Nhà nước do Ban Bí thư ban hành
- Số hiệu: 140-QĐ/TW
- Loại văn bản: Quy định
- Ngày ban hành: 16/05/2005
- Nơi ban hành: Ban Bí thư
- Người ký: Phan Diễn
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 16/05/2005
- Ngày hết hiệu lực: 08/02/2010
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực