Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG | ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM |
Số 12-QĐ/UBKTTW | Hà Nội, ngày 11 tháng 6 năm 2019 |
QUY ĐỊNH
VIỆC THẨM ĐỊNH, HIỆP Y NHÂN SỰ VÀ KHEN THƯỞNG
Căn cứ Điều lệ Đảng;
- Căn cứ Quy chế làm việc của Ủy ban Kiểm tra Trung ương khóa XII;
- Căn cứ Quyết định số 105-QĐ/TW, ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử.
- Căn cứ Quyết định số 60-QĐ/TW, ngày 26/12/2016 của Bộ Chính trị về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương;
Ủy ban Kiểm tra Trung ương quy định về việc thẩm định, hiệp y nhân sự và khen thưởng, như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy định này quy định về nguyên tắc, thẩm quyền, trách nhiệm, trình tự các bước tham mưu giúp Ủy ban Kiểm tra Trung ương thẩm định, hiệp y với các cơ quan có liên quan về nhân sự cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn và Ủy ban kiểm tra các cấp ủy trực thuộc Trung ương; quy hoạch, bố trí, luân chuyển, bổ nhiệm và khen thưởng đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, các trường hợp khác khi có yêu cầu; thăng hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang và phong tặng danh hiệu thi đua bậc cao (gọi tắt là công tác thẩm định, hiệp y).
Điều 2. Mục đích
Giúp Ủy ban Kiểm tra Trung ương có ý kiến khách quan, chính xác, kịp thời trong việc thẩm định, hiệp y; góp phần nâng cao chất lượng công tác cán bộ và công tác thi đua, khen thưởng của Đảng và Nhà nước.
Điều 3. Nguyên tắc
1. Việc thẩm định, hiệp y thực hiện đúng quy định của Đảng và Nhà nước, thận trọng, chính xác, đúng quy trình, thủ tục và thời gian theo quy định.
2. Bảo đảm sự chỉ đạo chặt chẽ của Thường trực Ủy ban và Thành viên Ủy ban phụ trách; bám sát các nội dung, tiêu chuẩn, điều kiện, tiêu chí thẩm định.
3. Các tổ chức và cá nhân thực hiện theo đúng thẩm quyền và trách nhiệm được giao trong việc thẩm định, hiệp y.
Điều 4. Thẩm quyền
1. Thường trực Ủy ban xem xét, quyết định việc thẩm định, hiệp y về nhân sự cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn trực thuộc Trung ương; quy hoạch, bố trí, luân chuyển, bổ nhiệm và khen thưởng đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý và các trường hợp khác khi có yêu cầu; thăng hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang và khen thưởng bậc cao; định kỳ báo cáo Ủy ban về kết quả thẩm định, hiệp y theo quy định.
2. Thường trực Ủy ban ủy quyền cho các đồng chí Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Thường trực, Phó Chủ nhiệm phụ trách công tác tổ chức-cán bộ và Phó Chủ nhiệm phụ trách vụ địa bàn, lĩnh vực xem xét, quyết định việc thẩm định, hiệp y nhân sự và khen thưởng bậc cao đối với Ủy ban kiểm tra các cấp ủy trực thuộc Trung ương.
Điều 5. Trách nhiệm thẩm định
1. Phó Chủ nhiệm Ủy ban phụ trách vụ địa bàn, lĩnh vực
Chỉ đạo chung việc thẩm định, hiệp y, cho ý kiến về việc thẩm định; chịu trách nhiệm trước Thường trực Ủy ban về nội dung chỉ đạo thực hiện, cho ý kiến.
2. Thành viên Ủy ban phụ trách địa bàn, lĩnh vực
Chỉ đạo việc thẩm định, hiệp y, cho ý kiến về việc thẩm định đối với những trường hợp thuộc địa bàn, lĩnh vực phụ trách; chịu trách nhiệm trước Phó Chủ nhiệm phụ trách vụ địa bàn, lĩnh vực và Thường trực Ủy ban về nội dung chỉ đạo thực hiện, cho ý kiến.
3. Các vụ, đơn vị trong Cơ quan Ủy ban.
a) Vụ Trung ương I, Vụ Trung ương IA, Vụ Địa phương II, Vụ Địa phương III, Vụ Địa phương V, Vụ Địa phương VII, Vụ Kiểm tra tài chính có trách nhiệm thẩm định theo chức năng, nhiệm vụ được giao.
b) Các vụ, đơn vị có trách nhiệm phối hợp trong thực hiện thẩm định khi có chỉ đạo của Thường trực Ủy ban.
4. Các cá nhân có liên quan
a) Vụ trưởng có trách nhiệm chỉ đạo hoặc trực tiếp thẩm định; chịu trách nhiệm về nội dung báo cáo trước các Thành viên Ủy ban phụ trách và Thường trực Ủy ban.
b) Cán bộ được phân công chấp hành nghiêm chỉ đạo của Thành viên Ủy ban phụ trách và vụ trưởng; thực hiện việc thẩm định theo đúng nguyên tắc, trình tự, thủ tục tại Quy định này; chịu trách nhiệm cá nhân về nội dung, kết quả thẩm định.
Điều 6. Trách nhiệm phối hợp
1. Vụ Tổng hợp
Theo dõi, đôn đốc, phối hợp cùng các vụ địa bàn, lĩnh vực tham mưu giúp Thường trực Ủy ban thẩm định, hiệp y với các cơ quan có liên quan về nhân sự cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn trực thuộc Trung ương; quy hoạch, bố trí, luân chuyển, bổ nhiệm và khen thưởng đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, các trường hợp khác khi có yêu cầu; thăng hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang và phong tặng danh hiệu thi đua bậc cao.
2. Vụ Tổ chức - Cán bộ
Theo dõi, đôn đốc, phối hợp cùng các vụ địa bàn, tham mưu giúp Thường trực Ủy ban thẩm định, hiệp y nhân sự và khen thưởng đối với Ủy ban kiểm tra các cấp ủy trực thuộc Trung ương.
3. Các cá nhân có liên quan
a) Vụ trưởng Vụ Tổng hợp, Vụ trưởng Vụ Tổ chức - Cán bộ phân công cán bộ thực hiện tổng hợp kết quả thẩm định của vụ địa bàn, lĩnh vực để báo cáo xin ý kiến Thường trực Ủy ban; chịu trách nhiệm trước Thường trực Ủy ban về nội dung kết quả tổng hợp.
b) Cán bộ được phân công có trách nhiệm theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện việc thẩm định của vụ địa bàn, lĩnh vực; rà soát, đối chiếu hồ sơ đề nghị với báo cáo thẩm định, xây dựng dự thảo báo cáo tổng hợp; chịu trách nhiệm trước vụ trưởng về nội dung, kết quả tổng hợp việc thẩm định.
Điều 7. Căn cứ để đánh giá, thẩm định
Việc đánh giá, thẩm định căn cứ vào các quy định hiện hành về công tác tổ chức, cán bộ, thi đua, khen thưởng của Đảng và Nhà nước; kết quả thực hiện nhiệm vụ của tổ chức, cá nhân được đề nghị và kết quả theo dõi, nắm tình hình thực tế của vụ địa bàn, lĩnh vực đối với tổ chức, cá nhân.
Điều 8. Nội dung báo cáo thẩm định
1. Đối với báo cáo thẩm định về nhân sự
a) Đối chiếu với điều kiện, tiêu chuẩn cán bộ theo quy định hiện hành đối với từng nội dung, yêu cầu thẩm định (như quy hoạch, bổ nhiệm, điều động, thăng hàm...).
b) Đơn thư tố cáo, phản ánh, dư luận cần thẩm tra, xác minh hoặc nắm tình hình (nếu có).
c) Việc thực hiện quy trình về công tác cán bộ; việc lấy phiếu tín nhiệm tại các hội nghị theo quy trình và kết quả phiếu tín nhiệm.
d) Việc kê khai tài sản theo quy định.
Riêng đối với các cá nhân giữ vị trí lãnh đạo, quản lý tại các đơn vị kinh tế, thẩm định thêm kết quả giải quyết các yêu cầu, kiến nghị sau kiểm tra, giám sát của đơn vị trong thời gian 03 năm liền trước thời điểm có đề nghị hiệp y (nếu có).
đ) Các vấn đề cần lưu ý khác (nếu có).
2. Đối với báo cáo thẩm định về khen thưởng
a) Về đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị.
b) Về vụ việc liên quan đến vi phạm kỷ luật đảng và pháp luật.
c) Các vấn đề cần lưu ý khác (nếu có).
Điều 9. Thời gian thẩm định, hiệp y
1. Các vụ địa bàn, lĩnh vực tiến hành thẩm định, xây dựng báo cáo và xin ý kiến các Thành viên Ủy ban phụ trách vụ không quá 05 ngày làm việc kể từ khi nhận được đầy đủ hồ sơ.
2. Vụ Tổng hợp, Vụ Tổ chức - Cán bộ xây dựng báo cáo xin ý kiến Thường trực Ủy ban không quá 01 ngày làm việc kể từ khi nhận được báo cáo và hồ sơ của vụ địa bàn, lĩnh vực.
3. Thường trực Ủy ban cho ý kiến không quá 03 ngày làm việc kể từ khi nhận được văn bản xin ý kiến.
4. Ngay khi nhận được ý kiến của ít nhất 2/3 các đồng chí Thường trực Ủy ban theo thẩm quyền (nêu tại Điều 4), Vụ Tổng hợp hoặc Vụ Tổ chức - Cán bộ làm văn bản tổng hợp, dự thảo công văn phúc đáp, trình Chủ nhiệm Ủy ban.
5. Trường hợp đặc biệt, thời gian thẩm định, hiệp y thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Chủ nhiệm Ủy ban.
Điều 10. Quy trình thẩm định, hiệp y
* Bước 1: Xử lý hồ sơ ban đầu
1. Khi nhận được văn bản kèm hồ sơ của cơ quan đề nghị hiệp y, Phó Chủ nhiệm Thường trực chỉ đạo Văn phòng Cơ quan chuyển văn bản kèm hồ sơ đến Phó Chủ nhiệm Ủy ban phụ trách vụ địa bàn, lĩnh vực liên quan để chỉ đạo việc thẩm định.
2. Văn phòng Cơ quan sao gửi văn bản, hồ sơ của cơ quan đề nghị hiệp y đến Chủ nhiệm và Vụ Tổng hợp hoặc Vụ Tổ chức - Cán bộ.
* Bước 2: Vụ địa bàn, lĩnh vực thẩm định
1. Vụ trưởng chỉ đạo, phân công cán bộ thẩm định.
2. Cán bộ được phân công thẩm định: nghiên cứu hồ sơ, thu thập tài liệu, nắm tình hình; làm việc với các tổ chức, cá nhân liên quan (nếu thấy cần thiết); dự thảo báo cáo thẩm định, trình vụ trưởng.
Trường hợp cần phải làm việc với tổ chức, cá nhân là đối tượng đang được thẩm định phải được sự đồng ý của Vụ trưởng hoặc Thành viên Ủy ban phụ trách.
3. Vụ trưởng xem xét, ký báo cáo thẩm định, báo cáo và tiếp thu ý kiến của Thành viên Ủy ban phụ trách địa bàn, lĩnh vực; trình Phó Chủ nhiệm Ủy ban phụ trách vụ cho ý kiến trực tiếp vào báo cáo của vụ trước khi chuyển đến Vụ Tổng hợp hoặc Vụ Tổ chức - Cán bộ.
Báo cáo thẩm định nhân sự, phải thể hiện rõ chính kiến đồng ý, tạm dừng hoặc không đồng ý với đề nghị của cơ quan xin ý kiến, nêu rõ lý do.
* Bước 3: Thường trực Ủy ban cho ý kiến
1. Đối với việc hiệp y nhân sự cấp ủy, ban cán sự đảng, đảng đoàn trực thuộc Trung ương; bố trí, luân chuyển, bổ nhiệm và khen thưởng đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, các trường hợp khác khỉ có yêu cầu; thăng hàm cấp tướng trong lực lượng vũ trang và phong tặng danh hiệu thi đua bậc cao.
a) Khi có đầy đủ hồ sơ từ vụ địa bàn, lĩnh vực; Vụ Tổng hợp xây dựng báo cáo tổng hợp, xin ý kiến Thường trực Ủy ban.
Hồ sơ gửi kèm theo văn bản xin ý kiến gồm có: Báo cáo thẩm định của vụ địa bàn, lĩnh vực; công văn của cơ quan đề nghị hiệp y; tờ trình của cơ quan đề nghị về nhân sự hoặc báo cáo thành tích của tập thể, cá nhân được đề nghị khen thưởng (nếu có).
b) Từng đồng chí Thường trực Ủy ban nghiên cứu và cho ý kiến trực tiếp vào văn bản, trong đó nêu rõ: Đồng ý hoặc không đồng ý với báo cáo của vụ địa bàn, lĩnh vực và của Phó Chủ nhiệm Ủy ban phụ trách, lí do (nếu có), ý kiến khác (nếu có).
c) Đến thời hạn và khi nhận được tối thiểu 2/3 ý kiến của tổng số các đồng chí Thường trực Ủy ban, Vụ Tổng hợp làm văn bản tổng hợp, dự thảo công văn phúc đáp (nội dung căn cứ vào ý kiến của đa số các đồng chí Thường trực Ủy ban) kèm theo hồ sơ để báo cáo xin ý kiến Chủ nhiệm Ủy ban.
d) Khi có chỉ đạo của các đồng chí Chủ nhiệm, Phó Chủ nhiệm Thường trực hoặc khi đã quá thời hạn mà vẫn không nhận đủ văn bản trả lời của tối thiểu 2/3 đồng chí Thường trực Ủy ban, Vụ Tổng hợp điện thoại xin ý kiến các đồng chí Thường trực Ủy ban còn lại.
Việc xin ý kiến phải ghi rõ: Ngày, giờ xin ý kiến; nội dung ý kiến; báo cáo Chủ nhiệm Ủy ban những trường hợp xin ý kiến qua điện thoại. Sau khi đã cho ý kiến, đồng chí Thường trực Ủy ban phải gửi lại văn bản cho ý kiến về Vụ Tổng hợp để lưu hồ sơ.
đ) Khi có ý kiến khác nhau mà không có ý kiến nào chiếm quá 1/2 tổng số đồng chí Thường trực Ủy ban, Vụ Tổng hợp làm văn bản báo cáo xin ý kiến và thực hiện theo chỉ đạo của Chủ nhiệm Ủy ban.
e) Trường hợp có ý kiến của đồng chí Thường trực Ủy ban đề nghị thẩm định thêm các nội dung cần thiết, Vụ Tổng hợp kịp thời thông báo để vụ địa bàn, lĩnh vực thực hiện; đồng thời, vẫn làm văn bản tổng hợp, báo cáo xin ý kiến Chủ nhiệm Ủy ban.
2. Đối với nhân sự và khen thưởng đối với Ủy ban kiểm tra cấp ủy trực thuộc Trung ương
a) Khi có đầy đủ hồ sơ từ vụ địa bàn, lĩnh vực, Vụ Tổ chức - Cán bộ xây dựng báo cáo tổng hợp, xin ý kiến Thường trực Ủy ban (theo thẩm quyền quy định tại Điều 4).
Hồ sơ gửi kèm văn bản xin ý kiến gồm có: Báo cáo thẩm định của vụ địa bàn, lĩnh vực; tờ trình của cấp ủy đề nghị hiệp y.
b) Trình tự thực hiện như sau: Vụ Tổ chức - Cán bộ gửi văn bản xin ý kiến kèm theo hồ sơ đến Phó Chủ nhiệm Ủy ban phụ trách công tác Tổ chức - Cán bộ và Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban cho ý kiến trực tiếp vào văn bản; khi nhận được đủ 02 ý kiến nêu trên, Vụ Tổ chức - Cán bộ làm văn bản tổng hợp, dự thảo văn bản phúc đáp kèm theo hồ sơ để báo cáo xin ý kiến Chủ nhiệm Ủy ban.
* Bước 4: Ban hành văn bản hiệp y
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ nhiệm Ủy ban, Vụ Tổng hợp hoặc Vụ Tổ chức - Cán bộ hoàn chỉnh văn bản phúc đáp, trình ký, ban hành theo quy định.
Đối với các trường hợp phải đưa ra bàn tập thể, đề nghị tạm dừng, chưa trình cấp có thẩm quyền hoặc trường hợp đặc biệt thực hiện theo ý kiến chỉ đạo của Chủ nhiệm Ủy ban.
Điều 11. Tổ chức thực hiện
1. Các đồng chí Thành viên Ủy ban, các vụ, đơn vị, cán bộ, công chức Cơ quan Ủy ban có trách nhiệm thực hiện quy định này.
2. Ủy ban kiểm tra các tỉnh ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương căn cứ quy định này để ban hành Quy định về việc thẩm định, hiệp y nhân sự và khen thưởng của cấp mình cho phù hợp.
3. Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quy định số 13- QĐ/UBKTTW, ngày 08/7/2014 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương về việc thẩm định, hiệp y nhân sự và khen thưởng.
Quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các vụ, đơn vị báo cáo Thường trực Ủy ban nghiên cứu bổ sung, sửa đổi kịp thời.
| T/M ỦY BAN KIỂM TRA |
- 1Quyết định 1686/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Hiệp định giữa Việt Nam và Thụy Sỹ về việc thân nhân thành viên Cơ quan đại diện Ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự và Phái đoàn thường trực làm việc có thu nhập do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Quyết định 2218/QĐ-BTNMT năm 2019 về Quy chế hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
- 3Thông tư 07/2019/TT-BVHTTDL hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 1Quyết định 1686/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Hiệp định giữa Việt Nam và Thụy Sỹ về việc thân nhân thành viên Cơ quan đại diện Ngoại giao, Cơ quan Lãnh sự và Phái đoàn thường trực làm việc có thu nhập do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 2Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam 2011
- 3Quy định 105-QĐ/TW năm 2017 về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 4Quyết định 60-QĐ/TW năm 2016 về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương do Ban Chấp hành Trung ương ban hành
- 5Quyết định 2218/QĐ-BTNMT năm 2019 về Quy chế hoạt động của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường
- 6Thông tư 07/2019/TT-BVHTTDL hướng dẫn công tác thi đua, khen thưởng ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
Quy định 12-QĐ/UBKTTW năm 2019 về thẩm định, hiệp y nhân sự và khen thưởng do Ủy ban Kiểm tra Trung ương ban hành
- Số hiệu: 12-QĐ/UBKTTW
- Loại văn bản: Quy định
- Ngày ban hành: 11/06/2019
- Nơi ban hành: Ủy ban kiểm tra trung ương
- Người ký: Trần Cẩm Tú
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 11/06/2019
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra