Hệ thống pháp luật

BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG
BAN CÁN SỰ ĐẢNG BỘ GTVT

-------

ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
---------------

Số: 04-QĐ/BCSĐ

Hà Nội, ngày 08 tháng 11 năm 2021

 

QUY ĐỊNH

VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ CÁC CHỨC DANH LÃNH ĐẠO TẠI CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ, DOANH NGHIỆP THUỘC BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

- Căn cứ Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Điều lệ Đảng;

- Căn cứ Quyết định số 172-QĐ/TW ngày 07/3/2013 của Bộ Chính trị quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và mối quan hệ công tác của đảng đoàn, ban cán sự đảng ở Trung ương;

- Căn cứ Quy định số 105-QĐ/TW ngày 19/12/2017 của Bộ Chính trị về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử;

- Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ;

- Căn cứ Nghị định số 123/2016/NĐ-CP ngày 01/9/2016 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ, cơ quan ngang Bộ; Nghị định số 101/2020/NĐ-CP ngày 28/8/2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 123/2016/NĐ-CP;

- Căn cứ Kết luận số 20-KL/BCSĐ ngày 27/9/2021, Kết luận số 25-KL/BCSĐ ngày 28/10/2021 của Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải;

Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải quy định về phân cấp quản lý các chức danh lãnh đạo thuộc Bộ Giao thông vận tải như sau:

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định về nội dung, nguyên tắc, thẩm quyền và nhiệm vụ quản lý các chức danh lãnh đạo, quản lý tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp là công ty TNHH MTV do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ trực thuộc Bộ Giao thông vận tải và doanh nghiệp có vốn nhà nước mà Bộ Giao thông vận tải (sau đây gọi tắt là Bộ) là đại diện chủ sở hữu.

2. Quy định này áp dụng đối với Ban Cán sự đảng Bộ Giao thông vận tải (sau đây gọi tắt là Ban Cán sự đảng), các cấp ủy đảng, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ và doanh nghiệp có vốn nhà nước mà Bộ là đại diện chủ sở hữu (sau đây gọi tắt là đơn vị).

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, những từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Tập thể lãnh đạo

a) Đối với Bộ: Ban Cán sự đảng.

b) Đối với các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp (trừ trường đại học, học viện): Người đứng đầu (hoặc quyền, phụ trách), cấp phó của người đứng đầu; riêng đối với trường cao đẳng gồm người đứng đầu (hoặc quyền, phụ trách), cấp phó của người đứng đầu và Chủ tịch Hội đồng trường (hoặc quyền Chủ tịch, phụ trách Hội đồng trường).

c) Đối với doanh nghiệp có Hội đồng thành viên: Hội đồng thành viên và cấp ủy cùng cấp.

d) Đối với doanh nghiệp không có Hội đồng thành viên: Chủ tịch công ty và cấp ủy cùng cấp.

2. Cấp có thẩm quyền: Là cấp quyết định về công tác cán bộ theo quy định của Ban Cán sự đảng về phân cấp quản lý các chức danh lãnh đạo thuộc Bộ.

3. Công tác cán bộ: Là việc cấp có thẩm quyền thực hiện các nội dung quản lý cán bộ tại Điều 3 của Quy định này.

Điều 3. Nội dung quản lý cán bộ

Trong Quy định này, quản lý cán bộ bao gồm các nội dung chính sau:

1. Tuyển chọn, bố trí, phân công, điều động, luân chuyển cán bộ và phân cấp quản lý cán bộ.

2. Đánh giá cán bộ.

3. Quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ.

4. Bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử; miễn nhiệm cán bộ.

5. Khen thưởng, kỷ luật cán bộ.

6. Thực hiện chế độ, chính sách cán bộ.

7. Kiểm tra, giám sát công tác cán bộ; giải quyết khiếu nại, tố cáo về công tác cán bộ và cán bộ.

8. Quản lý hồ sơ cán bộ.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý cán bộ

1. Đảng thống nhất lãnh đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ

a) Đảng đề ra đường lối, chủ trương, chính sách, tiêu chuẩn, quy chế, quy định về công tác cán bộ và thông qua các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên trong các đơn vị thuộc Bộ tổ chức thực hiện các quyết định của Đảng về cán bộ và công tác cán bộ.

b) Đảng chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức trên mọi lĩnh vực. Đảng trực tiếp quản lý đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt của Bộ và các đơn vị, đi đôi với việc phát huy trách nhiệm của các tổ chức trong hệ thống chính trị.

c) Đảng phân công, phân cấp quản lý cán bộ cho các cấp ủy, tổ chức đảng; đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác cán bộ của các đơn vị thuộc Bộ.

2. Bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định, đồng thời phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân, trước hết là người đứng đầu trong công tác quản lý cán bộ

a) Những vấn đề về đường lối, chủ trương, chính sách, đánh giá, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức, đình chỉ chức vụ, điều động, luân chuyển, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật cán bộ phải do tập thể cấp ủy và tổ chức đảng có thẩm quyền thảo luận dân chủ, quyết định theo đa số. Trường hợp ý kiến của người đứng đầu và ý kiến của tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo đơn vị khác nhau thì phải báo cáo lên cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

b) Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, đứng đầu đơn vị có trách nhiệm đề xuất và tổ chức thực hiện các quyết định của tập thể về cán bộ và công tác cán bộ trong lĩnh vực được phân công phụ trách.

c) Cá nhân, tập thể đề xuất, cơ quan tham mưu, cơ quan thẩm định, tập thể quyết định về cán bộ theo thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về đề xuất, tham mưu, thẩm định, quyết định của mình.

d) Cán bộ, đảng viên phải nghiêm chỉnh chấp hành các nghị quyết, quyết định của cấp ủy, tổ chức đảng; cấp ủy cấp dưới phải chấp hành quyết định của cấp ủy cấp trên về cán bộ và công tác cán bộ.

3. Cấp nào quản lý cán bộ thì có trách nhiệm thực hiện đầy đủ các nội dung quản lý cán bộ quy định tại Điều 3 Quy định này.

4. Cấp ủy đảng các đơn vị có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với tập thể lãnh đạo đơn vị trong công tác quản lý cán bộ.

Chương II

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA BAN CÁN SỰ ĐẢNG, VÀ TẬP THỂ LÃNH ĐẠO CÁC ĐƠN VỊ THUỘC BỘ

Điều 5. Ban Cán sự đảng

1. Lãnh đạo, tổ chức thực hiện và kiểm tra thực hiện các quyết định của cấp trên và của Bộ về nhân sự và công tác cán bộ trong phạm vi phụ trách.

2. Theo đề nghị của Bộ trưởng, thảo luận và quyết định

a) Tuyển chọn, đánh giá, bố trí, phân công công tác; quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng; điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, đình chỉ chức vụ; cho thôi giữ chức, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật; nghỉ hưu và thực hiện chính sách đối với chức danh nhân sự dược phân cấp quản lý tại Điều 11 Quy định này. Trên cơ sở đó, Bộ trưởng ra quyết định về mặt nhà nước.

b) Kiến nghị, đề xuất quy hoạch, tuyển chọn, bố trí, phân công công tác; nhận xét, đánh giá; điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, giới thiệu ứng cử, đình chỉ chức vụ; khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh cán bộ của Bộ thuộc quyền trực tiếp quyết định của cấp trên tại Điều 10 Quy định này.

3. Trường hợp cần thiết, Ban Cán sự đảng trao đổi ý kiến với cấp ủy đảng cấp trên của đơn vị khi quyết định về công tác nhân sự đối với chức danh cấp trưởng, cấp phó của đơn vị. Trường hợp cấp ủy địa phương là cấp trên của đơn vị thì lấy ý kiến bằng văn bản của cấp ủy địa phương. Ban Cán sự đảng phân tích, thảo luận những ý kiến khác nhau, quyết định và chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

4. Quyết định phân công, phân cấp quản lý các chức danh lãnh đạo thuộc Bộ.

Điều 6. Bộ trưởng

1. Trình Ban Cán sự đảng về công tác cán bộ đối với các nội dung quy định tại Điều 10, Điều 11 của Quy định này.

2. Quyết định về công tác cán bộ theo quy định tại Điều 12 của Quy định này sau khi có ý kiến của Thứ trưởng phụ trách đơn vị.

3. Quyết định kiểm tra công tác cán bộ theo thẩm quyền.

Điều 7. Tập thể lãnh đơn vị

Tập thể lãnh đạo đơn vị được Ban Cán sự đảng phân cấp thực hiện các công việc cụ thể sau:

1. Tổ chức thực hiện quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ về công tác cán bộ tại đơn vị.

2. Thực hiện phân cấp quản lý đối với các chức danh lãnh đạo thuộc đơn vị (trừ các chức danh thuộc thẩm quyền quản lý của Ban Cán sự đảng và Bộ trưởng).

3. Trình Ban Cán sự đảng (hoặc Bộ trưởng) quyết định đối với các chức danh lãnh đạo của đơn vị thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Cán sự đảng (hoặc Bộ trưởng).

4. Quyết định về nhân sự, công tác cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý.

5. Kiểm tra công tác cán bộ theo thẩm quyền.

Chương III

TRÁCH NHIỆM VÀ QUYỀN HẠN CỦA CƠ QUAN THAM MƯU VỀ CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÂN SỰ

Điều 8. Vụ Tổ chức cán bộ

1. Tham mưu giúp Ban Cán sự đảng và Bộ trưởng về chủ trương đối với nhân sự và công tác cán bộ; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nghị quyết, chỉ thị, quy chế, quy định, quyết định của Trung ương, Ban Cán sự đảng và Bộ về nhân sự và công tác cán bộ.

2. Tổng hợp, theo dõi đội ngũ cán bộ của Bộ; phối hợp với các cấp ủy đảng, thủ trưởng các đơn vị giúp Ban Cán sự đảng và Bộ trưởng quản lý, nhận xét, đánh giá, quy hoạch, điều động, luân chuyển, bổ nhiệm, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức, đình chỉ chức vụ, biệt phái, khen thưởng, kỷ luật, giới thiệu nhân sự ứng cử thuộc thẩm quyền quyết định của Ban Cán sự đảng, Bộ trưởng; giúp Ban Cán sự đảng và Bộ trưởng phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện công tác quản lý cán bộ theo quy định.

3. Trình Ban Cán sự đảng và Bộ trưởng các vấn đề về nhân sự và công tác cán bộ.

4. Xây dựng, hướng dẫn và theo dõi thực hiện quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ theo quy định.

5. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thẩm định nhân sự; đồng thời theo chức danh lãnh đạo gửi văn bản xin ý kiến cơ quan có liên quan; tổng hợp trình Ban Cán sự đảng hoặc Bộ trưởng xem xét quyết định.

6. Giải quyết một số chế độ chính sách cụ thể đối với cán bộ theo quy định.

7. Hướng dẫn, kiểm tra công tác xây dựng và quản lý hồ sơ cán bộ; trực tiếp quản lý hồ sơ cán bộ thuộc quyền quyết định của Ban Cán sự đảng và Bộ trưởng (trừ chủ tịch, hiệu trưởng, giám đốc các trường đại học, học viện thuộc Bộ). Tổ chức và hướng dẫn việc xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về cán bộ; trực tiếp quản lý cơ sở dữ liệu cán bộ thuộc quyền quyết định của Ban Cán sự đảng và Bộ trưởng (trừ chủ tịch, hiệu trưởng, giám đốc các trường đại học, học viện thuộc Bộ).

Điều 9. Tổ chức tham mưu về công tác quản lý cán bộ của đơn vị trực thuộc Bộ

1. Tham mưu cho cấp có thẩm quyền của đơn vị xem xét quyết định về nhân sự và công tác cán bộ theo phân cấp quản lý và theo quy định của pháp luật, của Bộ và quy định của đơn vị.

2. Chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ của tổ chức tham mưu về cán bộ của cơ quan cấp trên trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

Chương IV

CHỨC DANH LÃNH ĐẠO THUỘC BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Điều 10. Chức danh lãnh đạo do Ban Cán sự đảng giới thiệu ứng cử hoặc trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Thủ tướng Chính phủ quyết định

1. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.

2. Đại biểu Quốc hội.

3. Bộ trưởng.

4. Bí thư, Phó Bí thư, Ủy viên Ban Cán sự đảng.

5. Thứ trưởng.

6. Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia.

Điều 11. Chức danh lãnh đạo do Ban Cán sự đảng ban hành Nghị quyết để Bộ trưởng quyết định

1. Bổ nhiệm, bổ nhiệm lại

a) Vụ trưởng, Phó Vụ trưởng các Vụ tham mưu giúp việc Bộ trưởng.

b) Chánh Thanh tra Bộ, Phó Chánh Thanh tra Bộ.

c) Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng: Văn phòng Bộ, Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, Văn phòng Ban Cán sự đảng, Văn phòng Đảng - Đoàn thể.

d) Tổng cục trưởng (sau khi có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ), Phó Tổng cục trưởng.

đ) Cục trưởng, Phó Cục trưởng các Cục trực thuộc Bộ.

e) Viện trưởng, Phó Viện trưởng: Viện Chiến lược và Phát triển giao thông vận tải; Viện Khoa học và Công nghệ giao thông vận tải.

g) Chủ tịch Hội đồng trường và Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng trường cao đẳng trực thuộc Bộ; Hiệu trưởng, Phó Hiệu trưởng Trưởng Cán bộ quản lý giao thông vận tải.

h) Tổng biên tập, Phó Tổng biên tập: Báo Giao thông, Tạp chí Giao thông vận tải.

i) Giám đốc, Phó Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin.

k) Giám đốc, Phó Giám đốc Ban Quản lý dự án trực thuộc Bộ.

l) Chủ tịch Hội đồng thành viên, Thành viên Hội đồng thành viên, Chủ tịch công ty, Kiểm soát viên doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ.

m) Thư ký Bộ trưởng.

n) Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng các Phòng thuộc Vụ, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ.

o) Kế toán trưởng đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ (trừ kế toán trưởng trường đại học, học viện).

2. Phê duyệt chủ trương theo đề nghị của Hội đồng thành viên về việc bổ nhiệm Phó Tổng Giám đốc, Phó giám đốc doanh nghiệp trực thuộc Bộ.

3. Có ý kiến trước khi Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, chấp thuận từ chức, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu đối với Tổng giám đốc, Giám đốc doanh nghiệp trực thuộc Bộ.

4. Luân chuyển, điều động, từ chức, miễn nhiệm, đình chỉ chức vụ, đào tạo, bồi dưỡng, khen thưởng, kỷ luật, nghỉ hưu và thực hiện chính sách đối với nhân sự giữ chức danh quy định tại khoản 1 Điều này.

5. Công nhận Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng, Giám đốc các trường đại học, học viện; thành lập Hội đồng trường cao đẳng trực thuộc Bộ.

6. Cử, cử lại người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần có vốn nhà nước do Bộ là đại diện chủ sở hữu (sau đây gọi tắt là công ty cổ phần):

a) Cử, cử lại người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần được cổ phần hóa từ các Tổng công ty, công ty, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ.

b) Cho ý kiến về chủ trương, phương án nhân sự cử người đại diện phần vốn nhà nước tại công ty cổ phần được cổ phần hóa từ các doanh nghiệp đơn vị sự nghiệp trực thuộc tổng cục, cục, đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ và giao Tổng cục trưởng, Cục trưởng, thủ trưởng đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ tổ chức thực hiện.

7. Giao nhân sự làm quyền hoặc phụ trách khi đơn vị chưa có cấp trưởng quy định tại khoản 1 Điều này.

Điều 12. Thẩm quyền của Bộ trưởng đối với các chức danh thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ (sau khi có ý kiến của Thứ trưởng được Bộ trưởng phân công theo dõi đơn vị)

1. Cử nhân sự làm đại diện của Bộ tại các tổ chức giao thông vận tải quốc tế thuộc thẩm quyền.

2. Thay thế Thành viên Hội đồng trường các trường trực thuộc Bộ.

3. Quyết định Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Công nghệ Bộ.

4. Giải quyết các vấn đề khác liên quan đến công tác cán bộ thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ đối với chức danh không được quy định tại Điều 10, Điều 11 và khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 12 Quy định này.

Điều 13. Thẩm quyền quyết định của tập thể lãnh đạo đơn vị

Tập thể lãnh đạo đơn vị chịu trách nhiệm quản lý, quyết định các nội dung theo quy định tại Điều 7 của Quy định này đối với các chức danh lãnh đạo của đơn vị, trừ các chức danh tại Điều 10, Điều 11, Điều 12 của Quy định này.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Hiệu lực thi hành

Quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký; bãi bỏ Quy định số 186-QĐi/BCSĐ ngày 03/5/2019 của Ban Cán sự đảng về phân cấp quản lý các chức danh lãnh đạo tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Điều 15. Tổ chức thực hiện

1. Căn cứ vào Quy định này, cấp ủy đảng, tập thể lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ tổ chức xây dựng, ban hành phân cấp quản lý nhân sự thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị cho phù hợp.

2. Giao Vụ Tổ chức cán bộ tham mưu thực hiện và theo dõi, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các đơn vị cần kịp thời phản ánh về Ban Cán sự đảng để được hướng dẫn, giải quyết./.

 


Nơi nhận:
- Văn phòng Trung ương, (để b/c),
- Ban Tổ chức Trung ương, (để b/c),
- Ủy ban Kiểm tra Trung ương, (để b/c),
- Ban Nội chính Trung ương, (để b/c),
- Các đ/c Thành viên BCSĐ (để b/c),
- Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ,
- Đảng ủy Bộ GTVT (để p/h),
- Công đoàn GTVT Việt Nam,
- Đoàn Thanh niên Bộ GTVT (để p/h),
- Lưu: VP BCSĐ, TCCB (V).

T/M BAN CÁN SỰ ĐẢNG
BÍ THƯ




Nguyễn Văn Thể

 

 

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quy định 04-QĐ/BCSĐ năm 2021 về phân cấp quản lý các chức danh lãnh đạo tại cơ quan, đơn vị doanh nghiệp thuộc Bộ Giao thông vận tải

  • Số hiệu: 04-QĐ/BCSĐ
  • Loại văn bản: Quy định
  • Ngày ban hành: 08/11/2021
  • Nơi ban hành: Ban cán sự Đảng Bộ Giao thông vận tải
  • Người ký: Nguyễn Văn Thể
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản