Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 2-BTC/V9 | Hà Nội, ngày 15 tháng 9 năm 1983 |
VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Căn cứ điều 26 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ngày 4-7-1981;
Nay định Quy chế ngạch kiểm sát viên như sau,
Điều 1: Vị trí, trách nhiệm kiểm sát viên.
1. Kiểm sát viên là những cán bộ ngành kiểm sát nhân dân được Hội đồng Nhà nước cử hoặc viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm theo quy định của Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân để thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật, thực hành quyền công tố, bảo đảm cho pháp luật được chấp hành nghiêm chỉnh và thống nhất.
2. Dưới sự lãnh đạo, tập trung, thống nhất của viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, các kiểm sát viên làm nhiệm vụ theo sự phân công và uỷ nhiệm của viện trưởng cấp mình.
Căn cứ để tiến hành kiểm sát là Hiến pháp, luật, các văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng Nhà nước và Hội đồng bộ trưởng.
3. Kiểm sát viên phải tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với chế độ xã hội chủ nghĩa; hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, dũng cảm đấu tranh bảo vệ chân lý, bảo vệ pháp chế thống nhất, phải đề cao ý thức tổ chức, kỷ luật, tinh thần cảnh giác cách mạng; phấn đấu rèn luyện nâng cao trình độ và 5 đức tính của cán bộ kiểm sát là công minh, chính trực, khách quan, thận trọng và khiêm tốn.
Điều 2: Cấp, bậc trong ngạch kiểm sát viên.
Ngạch kiểm sát viên gồm có kiểm sát viên cao cấp, kiểm sát viên trung cấp, kiểm sát viên sơ cấp.
1. Kiểm sát viên cao cấp 4 bậc:
- Kiểm sát viên cao cấp bậc 1
- Kiểm sát viên cao cấp bậc 2
- Kiểm sát viên cao cấp bậc 3
- Kiểm sát viên cao cấp bậc 4
2. Kiểm sát viên trung cấp 3 bậc:
- Kiểm sát viên trung cấp bậc 1
- Kiểm sát viên trung cấp bậc 2
- Kiểm sát viên trung cấp bậc 3
3. Kiểm sát viên sơ cấp 3 bậc:
- Kiểm sát viên sơ cấp bậc 1
- Kiểm sát viên sơ cấp bậc 2
- Kiểm sát viên sơ cấp bậc 3
Điều 3: Tiêu chuẩn kiểm sát viên.
1. Kiểm sát viên cao cấp.
- Có phẩm chất, năng lực chính trị vững; nắm và vận dụng tốt đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chức năng, nhiệm vụ của ngành vào hoạt động thực tiễn công tác kiểm sát; có trình độ nghiên cứu, tổng hợp, phát hiện và đề xuất biện pháp phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm.
- Tốt nghiệp cao đẳng kiểm sát hoặc học đại học pháp lý.
- Học xong chương trình chính trị trung, cao cấp.
2. Kiểm sát viên trung cấp.
- Có phẩm chất chính trị tốt; nắm được đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và nghiệp vụ công tác kiểm sát. Có năng lực hoạt động thực tiễn và khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
- Tốt nghiệp phổ thông trung học.
- Tốt nghiệp trung cấp kiểm sát hoặc trung cấp pháp lý trở lên.
- Học xong chương trình chính trị trung cấp.
3. Kiểm sát viên sơ cấp.
- Có phẩm chất chính trị tốt, nhận thức được đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Hiểu biết các khâu nghiệp vụ kiểm sát và làm tốt một khâu.
- Tốt nghiệp phổ thông trung học.
- Học xong chương trình trung cấp kiểm sát hoặc trung cấp pháp lý.
Điều 4: Đối tượng được bổ nhiệm và phong cấp, bậc kiểm sát viên.
1. Cán bộ công tác trong ngành kiểm sát nhân dân có đủ tiêu chuẩn trong quy định trong Quy chế này.
2. Học sinh được đoà tạo ở các trường trung cấp hoặc cao đẳng kiểm sát, sau khi hết thời gian tập sự và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
3. Học sinh được đào tạo ở các trường cao đẳng hoặc đại học pháp lý khác, sau khi hết thời gian tập sự phải có thời gian công tác trong ngành một năm trở lên và hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
4. Cán bộ từ cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, lực lượng vũ trang nhân dân chuyển sang ngành kiểm sát phải có đủ tiêu chuẩn quy định trong Quy chế này và phải có thời gian công tác trong ngành kiểm sát 1 năm trở lên, hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Điều 5: Thời hạn phong, thăng cấp, bậc kiểm sát viên.
1. Việc phong cấp, bậc kiểm sát viên phải căn cứ và tiêu chuẩn quy định cho mỗi cấp, vào việc hoàn thành nhiệm vụ được giao và theo thời hạn dưới đây:
- Kiểm sát viên sơ cấp bậc 1 lên kiểm sát viên sơ cấp bậc 2 là 3 năm.
- Kiểm sát viên sơ cấp bậc 2 lên kiểm sát viên sơ cấp bậc 3 là 3 năm.
- Kiểm sát viên sơ cấp bậc 3 lên kiểm sát viên trung cấp bậc 1 là 4 năm.
- Kiểm sát viên trung cấp bậc 1 lên kiểm sát viên trung cấp bậc 2 là 4 năm.
- Kiểm sát viên trung cấp bậc 2 lên kiểm sát viên trung cấp bậc 3 là 4 năm.
- Kiểm sát viên trung cấp bậc 3 lên kiểm sát viên cao cấp bậc 1 là 5 năm.
- Kiểm sát viên cao cấp bậc 1 lên kiểm sát viên cao cấp bậc 2 là 5 năm.
- Kiểm sát viên cao cấp bậc 2 lên kiểm sát viên cao cấp bậc 3 là 5 năm.
Thời hạn lưu lại ở bậc 3 kiểm sát viên cao cấp không quy định.
2. Thời gian đi học chính trị, văn hoá, nghiệp vụ và các nghĩa vụ khác theo quy định của Nhà nước đều được tính để phong cấp bậc.
3. Đến thời hạn xét thăng bậc, kiểm sát viên qua nhận xét định kỳ và đề nghị của thủ trưởng đơn vị công tác. Nếu chưa đủ tiêu chuẩn thăng bậc thì được kéo dài thêm một thời hạn của cấp, bậc đang giữ; hết thời hạn đó mà vẫn không đủ tiêu chuẩn thì được chuyển sang ngạch cán sự hoặc chuyên viên pháp lý.
4. Kiểm sát viên có thành tích xuất sắc trong công tác thì được xét phong cấp, bậc trước thời hạn.
Mỗi lần thăng chỉ được một bậc. Trong trường hợp đặc biệt có thể được thăng 2 bậc.
5. Kiểm sát viên có phạm sai lầm trong công tác, vi phạm phẩm chất, đạo đức có thể bị giáng cấp, bậc. Mỗi lần chỉ giáng một bậc. Trong trường hợp nghiêm trọng có thể bị giáng 2 bậc; bị thi hành kỷ luật hành chính theo quy định chung của của Nhà nước. Nếu phạm tội thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cấp có thẩm quyền phong cấp, bậc nào thì có quyền giáng cấp bậc đó.
Điều 6: Trình tự phong, thăng cấp, bậc kiểm sát viên.
1. Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Quốc hội bầu.
2. Phó viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Hội đồng Nhà nước cử và xếp vào bậc 4 kiểm sát viên cao cấp.
3. Kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân tối cao do Hội đồng Nhà nước cử và viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao xếp vào kiểm sát viên cao cấp theo quy chế.
4. Viện trưởng, phó viện trưởng, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân địa phương do viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao bổ nhiệm và phong cấp, bậc.
Điều 7: Chế độ trang phục và chứng minh.
1. Kiểm sát viên được cấp trang phục thống nhất sau đây:
- Phù hiệu,
- Cấp hiệu,
- Quần áo thu đông và xuân hè,
- Các trang phục cần thiết khác,
- Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao có cấp hiệu riêng.
2. Viện trưởng, phó viện trưởng, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân các cấp được cử hoặc bổ nhiệm theo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân thì được viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cấp giấy chứng minh để làm nhiệm vụ kiểm sát; được quyền yêu cầu các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, nhân viên Nhà nước và công dân thực hiện đúng pháp luật; được ưu tiên sử dụng các phương tiện giao thông liên lạc công cộng để kịp thời ngăn chặn hành vi phạm tội và vi phạm pháp luật.
3. Giấy chứng minh kiểm sát viên chỉ được sử dụng để thi hành nhiệm vụ.
4. Về chế độ trang phục và giấy chứng minh kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân có quy định cụ thể số 17-QĐ/V9 ngày 15-9-1983 kèm theo Quy chế này.
Điều 8: Tiền lương và phụ cấp.
Chế độ tiền lương và phụ cấp được xếp theo cấp, bậc và chức vụ.
Điều 9: Kỷ luật sử dụng trang phục và giấy chứng minh.
1. Nghiêm cấm việc sử dụng trang phục và giấy chứng minh kiểm sát viên vào mục đích cá nhân.
2. Trường hợp lợi dụng trang phục và giấy chứng minh kiểm sát viên làm điều phi pháp sẽ bị xử lý theo pháp luật.
1. Quy chế ngạch kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân có hiệu lực thi hành kể từ ngày được Hội đồng Nhà nước phê chuẩn.
2. Ngạch bậc, trang phục và giấy chứng minh của kiểm sát viên Viện kiểm sát quân sự có quy định riêng.
3. Vụ tổ chức cán bộ, các vụ, viện, văn phòng Viện kiểm sát nhân dân tối cao và viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân các địa phương có trách nhiệm tổ chức thi hành Quy chế này.
SỐ 17-V9/TC NGÀY 15-9-1983 VỀ CHẾ ĐỘ TRANG PHỤC, GIẤY CHỨNG MINH KIỂM SÁT VIÊN VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN.
(Ban hành theo Quy chế số 2-TC/V9 ngày 15-1983)
VIỆN TRƯỞNG VIỆN KIỂM SÁT NHÂN DÂN TỐI CAO
Căn cứ Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân ngày 4-7-1981;
Nay quy định chế độ trang phục, giấy chứng minh kiểm sát viên như sau.
A. HÌNH THỨC CÁC TRANG PHỤC KIỂM SÁT VIÊN.
1. Phù hiệu kiểm sát:
Là biểu tượng của ngành kiểm sát nhân dân, làm bằng kim loại dày 1,5mm, hình tròn, đường kính 30mm; phía trái và phải phù hiệu mỗi bên có 4 bông lúa vàng, phía trên cùng nơi tiếp giáp giữa hai ngọn bông lúa là ngôi sao vàng dập nổi, đường kính 1,8mm, chính giữa phù hiệu có lá chắn và hai thanh kiếm đặt chéo phía sau, mũi kiếm chúc xuống phía dưới, hai đuôi nhô lên phía trên, đường kính 15 mm màu bạch kim trên nền đỏ và có những tia của ngôi sao phía trên chiếu xuống. Xung quanh hình lá chắn có 12 vòng nhỏ như 12 đầu đinh, phía dưới có nửa bánh xe răng đường kính 4 mm màu xanh thẫm, vòng cung phía dưới của bánh xe có 2 chữ KS màu bạch kim nổi. Phía sau phù hiệu có đinh ốc nhỏ để gắn vào mũ.
2. Cấp hiểu kiểm soát viên:
Cấp, bậc kiểm soát viên Viện kiểm sát nhân dân được phân biệt bằng cấp hiệu gắn trên ve áo, hình bình hành, dài 56mm, rộng 32mm, nền đen, xung quanh viền màu vàng hoặc trắng, cổ gạch và các ngôi sao tuỳ theo cấp, bậc kiểm sát viên, đường kính mỗi ngôi sao 10 mm.
Bề mặt cấp hiệu đính lá chắn -2 thanh kiếm thống nhất cho cả ba cấp kiểm sát viên, chiều cao từ gốc đốc kiếm đến mũi kiếm 22mm, chiều rộng lá chắn 15 mm; cụ thể như sau:
a) Cấp hiệu viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao:
Xung quanh cấp hiệu viền màu vàng, bề rông đường viền 4mm, trên nền cấp hiệu đính Quốc huy nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, đường kính 20 mm, và lá chắn 2 thanh kiếm.
b) Cấp hiệu kiểm sát viên cao cấp (từ bậc 1 đến bậc 4):
Xung quanh cấp hiệu viền màu vàng, bề rộng đường viền 4 mm, trên nền cấp hiệu gắn lá chắn 2 thanh kiếm, tiếp đó là các ngôi sao vàng để chỉ các bậc (mỗi sao chỉ 1 bậc).
c) Cấp hiệu kiểm sát viên trung cấp (từ bậc 1 đến bậc 3):
Xung quanh cấp hiệu viền màu trắng, chiều rộng đường viền 3 mm, bề mặt cấp hiệu gắn lá chắn 2 thanh kiếm nằm trên 2 gạch trắng, chiều rộng mỗi gạch 2 mm, chiều dài bằng chiều dài của cấp hiệu; gạch thứ nhất (từ dưới lên) cách đường viền 6 mm, gạch thứ 2 cách gạch thứ nhất 2 mm. Phía trên 2 gạch là các ngôi sao xếp thành hàng ngang để chỉ các bậc (mỗi ngôi sao chỉ 1 bậc).
d) Cấp hiệu kiểm sát viên sơ cấp ( từ bậc 1 đến bậc 3):
Xung quanh cấp hiệu viền màu trắng, chiều rộng đường viền 3 mm, bề mặt cấp hiệu gắn lá chắn 2 thanh kiếm nằm trên 1 gạch trắng, chiều rộng gạch 2 mm, chiều dài bằng chiều dài cấp hiệu, cách đường viền phía dưới 8 mm; phía trên gạch là các ngôi sao xếp thành hàng ngang để chỉ các bậc (mỗi ngôi sao chỉ 1 bậc).
3. Trang phục kiểm sát viên.
Quần, áo thu đông:
- Áo vét tông bằng sợi pha len màu hạt dẻ trong có vải lót (kiểu áo có thuyết minh riêng).
- Quần âu bằng sợi pha len màu hạt dẻ, may kiểu ống đứng, rộng từ 22 đến 26 cm (theo cỡ 1-2-3), 2 túi dọc 2 bên phía trong.
- Áo sơ mi trắng, dài tay bằng vải sợi tổng hợp, may kiểu cổ đứng, ve nhọn.
- Cravát màu ghi sáng.
Quần, áo xuân - hè:
- Áo Bludông may bằng vải pha sợi tổng hợp màu ghi sáng loại vải mỏng, cổ đứng.
- Quần âu may kiểu quần thu đông, cùng loại vải với áo.
4. Mũ các loại:
a) Mũ kê pi: Chỏm mũ, đáy mũ bằng vải pha len màu ghi sáng, lưỡi trai màu đen phủ một lớp véc ni bóng. Đường tiếp giáp giữa đỉnh mũ và thân mũ có dây vàng khép kín, giữa lưới trai và thân mũ có sợi dây sóng đôi màu vàng kim tuyến, hai đầu sợi dây có 2 cúc cùng màu, giữa vành mũ có đính phù hiệu kiểm sát.
b) Mũ cát cứng: Kiểu mũ bộ đội lợp vải màu ghi sáng, phía trước có lỗ để gắn phù hiệu kiểm sát.
c) Mũ chống rét: Kiểu mũ bộ đội biên phòng, màu ghi sáng, có lớp bông bên trong, có 2 vạt che tai, phía trên có lỗ để đính phù hiệu kiểm sát.
5. Các trang phục khác:
- Giầy da ngắn cổ, mũi không nhọn, màu đen, đế cao, có dây thắt,
- Tất chân loại dệt kim, màu xanh hoặc trắng,
- Thắt lưng da màu đỏ,
- Dép nhựa,
- Găng tay cao su mỏng,
- Áo mưa vải bạt.
B. CHẾ ĐỘ CẤP PHÁT THỜI HẠN, SỬ DỤNG:
1. Các trang phục cấp sử dụng lâu dài:
- Phù hiệu gắn trên mũ 1 chiếc.
- Cấp hiệu gắn trên ve áo 1 đôi.
Trường hợp hư hỏng, mất có lý do chính đáng, thì được cấp hoặc đổi lại.
2. Các loại trang phục được cấp để sử dụng có thời hạn.
- Quần, áo thu đông mặc ngoài 1 bộ - 4 năm
- Quần áo xuân mặc ngoài 1 bộ - 2 năm
- Áo sơ mi dài tay 1 cái - 2 năm
- Giầy da 1 đôi - 4 năm
- Thắt lưng giả da 1 chiếc - 4 năm
- Dép nhựa 1 đôi - 1 năm
- Tất chân 2 đôi - 2 năm
- Găng tay cao su 1 đôi - 4 năm
- Cravát 2 cái - 4 năm
- Mũ cát cứng 1 chiếc -2 năm
- Mũ kê pi 1 chiếc - 4 năm
- Mũ chống rét 1 chiếc - 4 năm
- Áo mưa 1 chiếc - 4 năm.
C. NGUYÊN TẮC CẤP PHÁT VÀ SỬ DỤNG.
1. Các kiểm sát viên được cấp trang phục thống nhất theo thời hạn đã quy định.
2. Trang phục không được giao cho người khác mượn, làm quà tặng, mua, bán đổi chác ra ngoài.
3. Trường hợp mất hoặc hư hỏng nặng có lý do chính đáng thì được cấp hoặc đổi lại.
4. Những người giả mạo hoặc lợi dụng trang phục kiểm sát viên làm điều phi pháp sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
II. GIẤY CHỨNG MINH KIỂM SÁT VIÊN
A. HÌNH THỨC, NỘI DUNG GIẤY CHỨNG MINH
1. Giấy chứng minh kiểm sát viên là quyển sổ cỡ 110 x 75 mm gồm 4 trang (cả bìa), bìa màu mận chín.
Ngoài bìa trình bày như sau:
Trên cùng là hàng chữ:
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Phần giữa là hình phù hiệu kiểm sát đường kính 30 mm.
Dưới phù hiệu là hàng chữ:
Giấy chứng minh
Kiểm sát viên
Bên trong gồm 2 trang, có hình lá cờ đỏ sao vàng nằm chéo từ góc dưới (trái) trang 1 lên góc trên (phải) trang 2.
Trang 1:
Đầu trang có hai dòng chữ:
Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
Tiếp đến là các dòng chữ:
Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao chứng nhận
Đồng chí
Sinh ngày
Chức vụ
Đơn vị công tác
Để thực hiện nhiệm vụ kiểm sát việc tuân theo pháp luật
Phía dưới góc phải là ngày......tháng......năm.....
Viện trưởng
Viện kiểm sát nhân dân tối cao
(Ký tên đóng dấu)
Góc dưới phía trái là số giấy chứng minh.
Trang 3:
Trên đầu trang là hàng chữ:
Kiểm sát viên được quyền (tiếp theo là các hàng chữ):
"Yêu cầu các cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội, đơn vị vũ trang nhân dân, nhân viên Nhà nước và công dân thực hiện đúng pháp luật.
Ưu tiên sử dụng các phương tiện giao thông, liên lạc công cộng để làm nhiệm vụ khi cần thiết".
Dưới các hàng chữ, chính giữa là ảnh của người được cấp giấy chứng minh.
Dưới cùng là chữ ký của người được cấp.
B. CHẾ ĐỘ CẤP VÀ SỬ DỤNG GIẤY CHỨNG MINH KIỂM SÁT VIÊN
1. Viện trưởng, phó viện trưởng, kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân các cấp được cấp giấy chứng minh để sử dụng trong khi thi hành nhiệm vụ kiểm sát;
2. Giấy chứng minh kiểm sát viên do viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao cấp;
3. Mỗi khi thay đổi chức vụ, kiểm sát viên được đổi giấy chứng minh khác phù hợp với chức vụ mới. Khi thôi giữ chức vụ thì trả lại giấy chứng minh cho đơn vị nơi công tác để giao nộp cho Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
4. Không được sử dụng giấy chứng minh kiểm sát viên thay cho công lệnh, giấy giới thiệu công tác, giấy chứng minh nhân dân.
5. Trường hợp mất giấy chứng minh, kiểm sát viên phải báo cáo ngay cho đồn công an gần nhất và đơn vị nơi công tác để báo cáo Viện kiểm sát nhân dân tối cao.
6. Trường hợp vi phạm các nguyên tắc, chế độ quản lý cấp phát, sử dụng giấy chức minh kiểm sát viên sẽ bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Vụ tổ chức cán bộ, Viện kiểm sát nhân dân tối cao có trách nhiệm hướng dẫn và kiểm tra việc thực hiện các chế độ đã quy định.
| Trần Lê (Đã ký) |
Quy chế số 2-TC/V9 về việc quy định ngạch kiểm sát viên Viện kiểm sát nhân dân do Viện kiểm sát nhân dân tối cao ban hành
- Số hiệu: 2-TC/V9
- Loại văn bản: Văn bản khác
- Ngày ban hành: 15/09/1983
- Nơi ban hành: Viện kiểm sát nhân dân tối cao
- Người ký: Trần Lê
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 21
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra