Hệ thống pháp luật

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH -
BAN THƯỜNG TRỰC
UBMTTQ VIỆT NAM
TỈNH KIÊN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 2356/QCPH-UBND-UBMTTQVN

Kiên Giang, ngày 09 tháng 10 năm 2020

 

QUY CHẾ PHỐI HỢP

GIỮA ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VÀ BAN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM TỈNH KIÊN GIANG TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày 09 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015;

Căn cứ Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018.

Ủy ban nhân dân tỉnh (UBND) và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) Việt Nam tỉnh Kiên Giang thống nhất ban hành Quy chế phối hợp trong công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) với những nội dung sau:

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi phối hợp

1. Tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng; động viên Nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng.

2. Phản biện xã hội, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

3. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng.

4. Phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng.

5. Tiếp công dân, xử lý đơn tố cáo, phản ánh, kiến nghị hành vi tham nhũng.

6. Giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

7. Đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng.

Điều 2. Nguyên tắc thực hiện

UBND tỉnh và Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp công tác theo nguyên tắc đoàn kết, thống nhất, bình đẳng, tôn trọng lẫn nhau trên cơ sở tuân thủ các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan.

Chương II

NỘI DUNG, TRÁCH NHIỆM VÀ PHƯƠNG PHÁP PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG

Điều 3. Phối hợp trong triển khai, quán triệt, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng

1. UBND tỉnh thường xuyên phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh xây dựng chương trình, kế hoạch tuyên truyền; phổ biến, giáo dục, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng. Đối với kế hoạch tuyên truyền pháp luật PCTN, UBND tỉnh gửi dự thảo kế hoạch đến Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh để phối hợp xây dựng hoặc ngược lại. Cơ quan nhận được đề nghị phối hợp có trách nhiệm tham gia ý kiến để đảm bảo kế hoạch có tính khả thi cao.

2. UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, vận động Nhân dân thực hiện pháp luật về PCTN; phối hợp, tạo điều kiện để Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức các cuộc tuyên truyền, vận động.

3. Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh trao đổi và đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, các huyện, thành phố thuộc UBND tỉnh phối hợp tổ chức thực hiện các kế hoạch tuyên truyền; động viên Nhân dân tham gia tích cực vào việc phát hiện, phản ánh, tố cáo, cung cấp thông tin về hành vi tham nhũng.

Điều 4. Phối hợp thực hiện phản biện xã hội, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phòng, chống tham nhũng

1. UBND tỉnh gửi dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về công tác PCTN và cung cấp đầy đủ những thông tin, tài liệu cần thiết đến Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh.

2. Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh gửi kết quả phản biện bằng văn bản đến UBND tỉnh với các nội dung: Tham gia góp ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, chương trình, kế hoạch về công tác PCTN; kiến nghị với cơ quan nhà nước có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ văn bản pháp luật liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng trái Hiến pháp và pháp luật.

3. UBND tỉnh trả lời bằng văn bản với Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh về việc tiếp thu ý kiến phản biện.

4. Trường hợp Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức phản biện xã hội thì đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan liên quan phối hợp với Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh trong quá trình thực hiện.

Điều 5. Phối hợp trong thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng

1. UBND tỉnh và Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp trong việc cung cấp thông tin, báo cáo việc thực hiện các biện pháp phòng, chống tham nhũng.

2. Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh có quyền yêu cầu UBND tỉnh áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, xác minh vụ việc tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng, thu hồi tài sản tham nhũng, kiến nghị việc bảo vệ, khen thưởng người có công phát hiện, tố cáo hành vi tham nhũng. UBND tỉnh phải xem xét, trả lời bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn trả lời có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

3. UBND tỉnh có quyền đề nghị Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan đến việc thực hiện các biện pháp phòng ngừa tham nhũng của Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên. Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh xem xét, cung cấp hoặc trả lời bằng văn bản trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị; trường hợp cần có thời gian để thu thập thông tin, tài liệu thì thời hạn trả lời, cung cấp có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

Điều 6. Phối hợp trong công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng

1. UBND tỉnh và Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh có trách nhiệm phối hợp trong công tác phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng và hành vi khác vi phạm pháp luật phòng, chống tham nhũng trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

2. Nội dung phối hợp gồm:

a) Công tác tiếp công dân, xử lý đơn tố cáo, phản ánh, kiến nghị; giải quyết tố cáo, phản ánh, kiến nghị hành vi tham nhũng.

b) Công tác giám sát việc thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng.

Điều 7. Phối hợp tiếp công dân, xử lý đơn thư tố cáo, phản ánh, kiến nghị hành vi tham nhũng

1. Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh khi nhận được đơn tố cáo, phản ánh, kiến nghị về hành vi tham nhũng thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND tỉnh có quyền chuyển đơn và đề nghị UBND tỉnh giải quyết theo quy định của pháp luật; cử công chức tham gia đối thoại, họp giải quyết tố cáo, phản ánh, kiến nghị khi có giấy mời của UBND tỉnh.

2. UBND tỉnh có trách nhiệm xem xét, giải quyết và trả lời bằng văn bản cho Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh. Thời hạn giải quyết và trả lời thực hiện theo quy định của pháp luật về tố cáo.

Điều 8. Phối hợp trong giám sát việc thực hiện pháp luật phòng, chống tham nhũng

1. Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp:

a) Định kỳ hàng năm xây dựng kế hoạch giám sát cơ quan nhà nước, cán bộ, công chức nhà nước trong việc tuân thủ pháp luật, trong đó có ít nhất 01 cuộc giám sát việc thực hiện pháp luật PCTN và tổ chức thực hiện.

b) Đề nghị UBND tỉnh tham gia hoặc chỉ đạo sở, ngành liên quan cử cán bộ, công chức tham gia các cuộc giám sát;

c) Gửi báo cáo, kiến nghị sau giám sát đến UBND tỉnh (thông qua Thanh tra tỉnh) để UBND tỉnh thực hiện hoặc chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu thực hiện.

d) Trong quá trình giám sát, nếu phát hiện có biểu hiện vi phạm pháp luật PCTN hoặc hành vi tham nhũng của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh thì Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh kiến nghị bằng văn bản để UBND tỉnh xem xét và giải quyết theo luật định. Đối với văn bản quy phạm pháp luật thì Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh đề nghị UBND tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp.

2. UBND tỉnh phối hợp:

a) Cung cấp thông tin về những vấn đề có liên quan đến hoạt động giám sát việc thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng của Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh (khi có yêu cầu).

b) Cử đại diện hoặc chỉ đạo sở, ngành liên quan cử cán bộ, công chức tham gia hoạt động giám sát của Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh khi được đề nghị;

c) Báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị sau giám sát của Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh.

d) Xem xét, giải quyết và trả lời yêu cầu của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh về việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ văn bản quy phạm pháp luật không phù hợp; áp dụng các biện pháp phòng ngừa tham nhũng, xác minh vụ việc tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng.

đ) Xem xét, giải quyết kiến nghị của Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh về việc biểu dương, khen thưởng người tốt, việc tốt trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

e) Tiếp thu kiến nghị của Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh và ý kiến của Nhân dân phản ánh thông qua Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh về công tác PCTN.

Điều 9. Phối hợp trong đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng

1. Hàng năm, UBND tỉnh gửi kế hoạch đánh giá công tác PCTN đến Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh để phối hợp thực hiện.

2. Ban thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp thực hiện kế hoạch, cung cấp thông tin, tài liệu đánh giá theo Bộ Chỉ số của Thanh tra Chính phủ (kế hoạch giám sát, báo cáo kiến nghị sau giám sát của UBMTTQ hoặc các tổ chức thành viên, báo cáo việc thực hiện các kiến nghị của đơn vị được giám sát...) về việc thực hiện pháp luật PCTN và các nội dung phối hợp khác đánh giá công tác PCTN theo yêu cầu của Thanh tra Chính phủ.

Điều 10. Việc tham gia các kỳ họp, phiên họp và trao đổi thông tin, báo cáo

1. UBND tỉnh và Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh duy trì chế độ thông tin, báo cáo, trao đổi giữa hai bên về chương trình công tác PCTN hàng năm, tạo điều kiện thuận lợi để Ban Thường trực UBMTTQ giám sát.

2. Định kỳ 6 tháng, năm, UBND tỉnh báo cáo kết quả công tác PCTN đến Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh.

3. UBND tỉnh mời đại diện Ban Thường trực UBMTTQVN tỉnh tham dự phiên họp khi có nội dung bàn về các vấn đề có liên quan đến quyền và trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên trong công tác PCTN; Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh có trách nhiệm thông báo kết quả giám sát việc thực hiện pháp luật PCTN, phản ánh các ý kiến, kiến nghị của cử tri về PCTN với UBND tỉnh.

4. Những ý kiến, kiến nghị của cử tri về công tác PCTN đã được UBND tỉnh giải quyết và trả lời thì UBND tỉnh thông báo cho Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh biết để cùng giải thích, thông báo cho cử tri biết, đồng thời giám sát việc giải quyết các ý kiến, kiến nghị đó.

5. UBND tỉnh và Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh tổ chức làm việc định kỳ hằng năm hoặc khi cần thiết theo yêu cầu của một bên để trao đổi về những vấn đề liên quan cần giải quyết. Nội dung, chương trình, thời gian do hai bên thỏa thuận.

Điều 11. Bồi dưỡng, tập huấn công tác PCTN

1. UBND tỉnh mời Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh và đại diện các tổ chức thành viên dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng về công tác phòng, chống tham nhũng khi tổ chức.

2. Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh có trách nhiệm tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng nhằm tăng cường các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, hạn chế vi phạm pháp luật, góp phần xây dựng bộ máy chính quyền cơ sở ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Điều 12. Khen thưởng, kỷ luật

1. Tổ chức, cá nhân có thành tích trong việc thực hiện Quy chế phối hợp này thì được UBND tỉnh, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh xem xét khen thưởng theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức, cá nhân nào có hành vi cố tình cản trở hoạt động của Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên của MTTQ tỉnh thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Hiệu lực thi hành

Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành.

Điều 14. Trách nhiệm thi hành

1. UBND tỉnh, Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chế này.

2. Giao Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Ban Dân chủ - Pháp luật UBMTTQ Việt Nam tỉnh cùng với Chánh Thanh tra tỉnh theo dõi, đôn đốc, tổng hợp kết quả thực hiện, báo cáo Lãnh đạo UBND tỉnh và Ban Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh.

3. Trong quá trình triển khai thực hiện, hằng năm hoặc khi cần thiết, Chủ tịch UBND tỉnh và Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh chỉ đạo tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm thực hiện hoặc xem xét, sửa đổi, bổ sung Quy chế./.

 

TM. UBMTTQVN TỈNH
CHỦ TỊCH




Lê Thị Vệ

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Đỗ Thanh Bình


Nơi nhận:
- Thanh tra Chính phủ;
- TT. Tỉnh ủy;
- TT. HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh;
- Ban TT. UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Ban Nội chính Tỉnh ủy;
- Các sở, ban, ngành thuộc tỉnh;
- Cổng Thông tin điện tử tỉnh;
- LĐVP, CVNC;
- Ban Tiếp công dân;
- Lưu: VT, vtttrinh.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quy chế phối hợp 2356/QCPH-UBND-UBMTTQVN năm 2020 về công tác phòng, chống tham nhũng giữa Ủy ban nhân dân tỉnh - Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Kiên Giang

  • Số hiệu: 2356/QCPH-UBND-UBMTTQVN
  • Loại văn bản: Quy chế
  • Ngày ban hành: 09/10/2020
  • Nơi ban hành: Tỉnh Kiên Giang
  • Người ký: Đỗ Thanh Bình, Lê Thị Vệ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 09/10/2020
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản