Hệ thống pháp luật

VĂN PHÒNG CHỦ TỊCH NƯỚC-TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 21 QC/LT VPCTN-TANDTC

Hà Nội, ngày 11 tháng 01 năm 2012

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP CÔNG TÁC GIỮA VĂN PHÒNG CHỦ TỊCH NƯỚC VÀ TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25/12/2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10;

Căn cứ Luật tổ chức Quốc hội ngày 25/12/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật tổ chức Quốc hội ngày 02/4/2007;

Căn cứ Luật Tổ chức Tòa án nhân dân ngày 02/4/2002;

Căn cứ Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân ngày 02/4/2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân ngày 19/02/2011;

Căn cứ Quyết định số 86 QĐ/CTN ngày 26/5/1998 của Chủ tịch nước về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức của Văn phòng Chủ tịch nước;

Để phục vụ có hiệu quả các hoạt động của Chủ tịch nước đối với công tác tư pháp nói chung và công tác của ngành Tòa án nói riêng theo thẩm quyền của Chủ tịch nước đã được quy định trong Hiến pháp và pháp luật; được sự nhất trí của Chủ tịch nước, Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước và Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thống nhất ban hành Quy chế phối hợp công tác giữa Văn phòng Chủ tịch nước và Tòa án nhân dân tối cao như sau:

Chương 1.

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định về phối hợp công tác giữa Văn phòng Chủ tịch nước và Tòa án nhân dân tối cao trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật để phục vụ hoạt động của Chủ tịch nước trong các lĩnh vực sau:

- Đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao;

- Xét báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trong thời gian Quốc hội không họp;

- Quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án quân sự trung ương;

- Xét đơn xin ân giảm án tử hình;

- Quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn;

- Đến thăm và làm việc tại Tòa án nhân dân và Tòa án quân sự các cấp.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Văn phòng Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao khi thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình thực hiện Quy chế này.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp công tác

Việc phối hợp công tác giữa Văn phòng Chủ tịch nước và Tòa án nhân dân tối cao được thực hiện theo các nguyên tắc sau:

- Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ của mỗi cơ quan theo quy định của pháp luật;

- Chủ động, thường xuyên, chặt chẽ, kịp thời, tạo điều kiện hỗ trợ nhau thực hiện tốt nhiệm vụ;

- Bảo đảm chế độ bảo mật thông tin theo quy định của pháp luật.

Chương 2.

NỘI DUNG PHỐI HỢP

Điều 4. Phối hợp phục vụ Chủ tịch nước trong việc đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Văn phòng Chủ tịch nước và Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm phối hợp thực hiện các thủ tục cần thiết để trình Chủ tịch nước ra quyết định đề nghị Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chánh án Tòa án nhân dân tối cao.

Điều 5. Phối hợp phục vụ Chủ tịch nước trong việc xét báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao

1. Trong thời gian Quốc hội không họp, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chịu trách nhiệm và báo cáo công tác trước Chủ tịch nước. Báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao được gửi qua Văn phòng Chủ tịch nước theo định kỳ (hàng quý, 6 tháng, 1 năm) hoặc theo yêu cầu của Chủ tịch nước.

2. Ngoài việc báo cáo công tác theo định kỳ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch nước trong các trường hợp sau:

- Về công tác tổ chức cán bộ: khi có thay đổi về tổ chức bộ máy (tách, nhập, thành lập mới) các đơn vị của cơ quan Tòa án nhân dân tối cao; công tác bổ nhiệm, bãi miễn, kỷ luật các cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (trước khi trình Ban Bí thư và Bộ Chính trị cho ý kiến quyết định).

- Về công tác chuyên môn: trước khi xét xử những vụ án lớn, nghiêm trọng, dư luận xã hội quan tâm.

- Về công tác đối ngoại: trước khi ký kết, tham gia các thỏa thuận quốc tế với các cơ quan tư pháp quốc gia khác, tổ chức quốc tế khác.

Thực hiện yêu cầu của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước thông báo các ý kiến của Chủ tịch nước cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao biết để tổ chức thực hiện.

3. Khi cần thiết, Chủ tịch nước yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trực tiếp báo cáo về những vấn đề mà Chủ tịch nước quan tâm hoặc theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chủ tịch nước nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao báo cáo trực tiếp.

- Đối với trường hợp Chủ tịch nước yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân tối cao báo cáo, Văn phòng Chủ tịch nước có trách nhiệm thông báo cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao biết trước 7 ngày để chuẩn bị nội dung báo cáo.

- Đối với trường hợp Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đề nghị xin được trực tiếp làm việc với Chủ tịch nước, Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm thông báo cho Văn phòng Chủ tịch nước biết trước 7 ngày để trình xin ý kiến Chủ tịch nước và sắp xếp lịch làm việc khi Chủ tịch nước đồng ý.

4. Tùy theo tính chất, nội dung của cuộc làm việc; căn cứ vào ý kiến của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước thông báo nội dung và ý kiến của Chủ tịch nước cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để tổ chức thực hiện.

Điều 6. Phối hợp phục vụ Chủ tịch nước trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương

Để phục vụ Chủ tịch nước trong việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Chánh án, Phó Chánh án, Thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương, với cương vị là Chủ tịch Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm lãnh đạo, phối hợp chặt chẽ với Văn phòng Chủ tịch nước thực hiện các công việc sau:

1. Chánh án Tòa án nhân dân tối cao hoàn thành đầy đủ các quy trình, thủ tục, tài liệu cần thiết theo quy định của pháp luật về việc đề nghị Chủ tịch nước xem xét, quyết định việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Chánh án, Phó Chánh án Tòa án quân sự Trung ương gửi Văn phòng Chủ tịch nước để Văn phòng Chủ tịch nước trình Chủ tịch nước quyết định.

2. Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm thông báo Chương trình hoạt động của Hội đồng trong từng năm cho Văn phòng Chủ tịch nước biết và mời đại diện Văn phòng Chủ tịch nước tham dự các phiên họp của Hội đồng.

3. Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hoàn thành đầy đủ thủ tục theo quy định của pháp luật về việc đề nghị xem xét bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương gửi cho Văn phòng Chủ tịch nước để Văn phòng Chủ tịch nước trình Chủ tịch nước quyết định.

4. Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm báo cáo Chủ tịch nước về việc thực hiện nhiệm vụ của mình theo Quy chế hoạt động của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán. Trường hợp sửa đổi, bổ sung Quy chế hoạt động của Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán phải tham khảo ý kiến của Văn phòng Chủ tịch nước trước khi ban hành.

Thừa lệnh Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước thông báo ý kiến của Chủ tịch nước về các báo cáo để Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thực hiện.

5. Trong trường hợp có đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với Thẩm phán và đối với công tác bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương thì Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm xử lý, giải trình báo cáo Chủ tịch nước.

Khi cần thiết hoặc khi Chủ tịch nước yêu cầu, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo Hội đồng tuyển chọn Thẩm phán tổ chức đoàn kiểm tra có sự tham gia của Văn phòng Chủ tịch nước để kiểm tra, xác minh xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo đối với Thẩm phán hoặc người được đề nghị bổ nhiệm làm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, Thẩm phán Tòa án quân sự Trung ương.

Điều 7. Phối hợp phục vụ Chủ tịch nước trong việc xét đơn xin ân giảm án tử hình

1. Để phục vụ Chủ tịch nước trong việc xét đơn xin ân giảm án tử hình, Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm gửi đến Văn phòng Chủ tịch nước hồ sơ vụ án của người bị kết án tử hình và ý kiến bằng văn bản của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao về trường hợp người bị kết án tử hình sau khi bản án tử hình có hiệu lực pháp luật không bị kháng nghị theo luật định và người đó có đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm án tử hình. Các văn bản của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình Chủ tịch nước phải là văn bản gốc, trường hợp là văn bản sao thì phải được các cơ quan có thẩm quyền xác nhận theo quy định của pháp luật.

2. Văn phòng Chủ tịch nước có trách nhiệm kiểm tra xem xét hồ sơ người bị kết án tử hình có đơn gửi Chủ tịch nước xin ân giảm. Đối với trường hợp đơn xin ân giảm án tử hình của người bị kết án có nội dung kêu oan thì Văn phòng Chủ tịch nước trả hồ sơ về cho Tòa án nhân dân tối cao để Chánh án Tòa án nhân dân tối cao giải quyết theo thẩm quyền.

3. Trường hợp đơn xin ân giảm của người bị kết án tử hình quá hạn luật định vì những lý do khách quan thì khi gửi hồ sơ đến Văn phòng Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao phải có văn bản nêu rõ lý do quá hạn và đề nghị của mình về việc xử lý đơn quá hạn đó để Văn phòng Chủ tịch nước trình Chủ tịch nước xem xét quyết định.

4. Đối với những hồ sơ chưa đầy đủ, rõ ràng hoặc những hồ sơ Chủ tịch nước có yêu cầu báo cáo cụ thể thêm, Văn phòng Chủ tịch nước thông báo hoặc gửi công văn đề nghị Tòa án bổ sung làm rõ hoặc xác minh lại, Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm thực hiện. Thời hạn để bổ sung, xác minh không kéo dài quá 30 ngày kể từ ngày nhận được yêu cầu. Trường hợp phức tạp hoặc vì lý do khách quan chưa thể thực hiện được thì Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm thông báo cho Văn phòng Chủ tịch nước biết để trình Chủ tịch nước.

5. Khi cần thiết, theo yêu cầu của Chủ tịch nước, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trực tiếp báo cáo với Chủ tịch nước về những trường hợp người bị kết án có đơn xin ân giảm án tử hình. Văn phòng Chủ tịch nước có trách nhiệm thông báo cụ thể cho Tòa án nhân dân tối cao nội dung và thời gian Chủ tịch nước làm việc với Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để Tòa án nhân dân tối cao chuẩn bị.

Điều 8. Phối hợp phục vụ Chủ tịch nước trong việc đặc xá tha tù trước thời hạn

Văn phòng Chủ tịch nước và Tòa án nhân dân tối cao phối hợp chặt chẽ trong việc phục vụ Chủ tịch nước về công tác đặc xá, cùng tham gia với các cơ quan hữu quan đề xuất chủ trương về đặc xá, thống nhất về điều kiện, tiêu chuẩn, đối tượng, quy trình, hồ sơ đề nghị đặc xá; thực hiện công tác đặc xá theo thẩm quyền được giao, phối hợp trong công tác nắm thông tin, kiểm tra đối với công tác đặc xá và báo cáo Chủ tịch nước.

Điều 9. Phối hợp phục vụ Chủ tịch nước thăm và làm việc tại Tòa án

1. Văn phòng Chủ tịch nước và Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm chủ động phối hợp chuẩn bị các điều kiện cần thiết khi Chủ tịch nước đến thăm và làm việc với Tòa án nhân dân tối cao hoặc với Tòa án nhân dân, Tòa án quân sự các cấp. Khi Chủ tịch nước đến thăm và làm việc với các đơn vị của Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án các cấp theo kế hoạch đã được Chủ tịch nước duyệt, Tòa án nhân dân tối cao chỉ đạo các đơn vị hữu quan chuẩn bị nội dung báo cáo và làm việc với Chủ tịch nước. Tòa án nhân dân tối cao cử đại diện lãnh đạo cùng tham dự chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch nước. Trường hợp Chủ tịch nước thấy không nhất thiết phải có lãnh đạo của Tòa án nhân dân tối cao đi cùng, Văn phòng Chủ tịch nước thông báo ý kiến của Chủ tịch nước cho Tòa án nhân dân tối cao biết.

2. Kết thúc chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch nước, Văn phòng Chủ tịch nước thông báo bằng văn bản ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch nước cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao biết để tổ chức thực hiện.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Trách nhiệm thực hiện

Văn phòng Chủ tịch nước và Tòa án nhân dân tối cao có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc Quy chế này. Hàng năm Văn phòng Chủ tịch nước và Tòa án nhân dân tối cao tổ chức đánh giá, rút kinh nghiệm tình hình thực hiện Quy chế.

Điều 11. Hiệu lực thi hành

Quy chế này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế Quy chế số 72 QC/LT VPCTN-TANDTC ngày 30 tháng 10 năm 2003 về phối hợp công tác giữa Văn phòng Chủ tịch nước và Tòa án nhân dân tối cao.

Điều 12. Sửa đổi, bổ sung Quy chế

Văn phòng Chủ tịch nước và Tòa án nhân dân tối cao chủ động đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Quy chế khi cần thiết và thống nhất báo cáo Chủ tịch nước cho ý kiến về việc sửa đổi, bổ sung Quy chế.

 

CHỦ NHIỆM
VĂN PHÒNG CHỦ TỊCH NƯỚC




Đào Việt Trung

CHÁNH ÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO




Trương Hòa Bình

 

Nơi nhận:
- Chủ tịch nước (để báo cáo);
- Chủ tịch Quốc hội (để báo cáo),
- Thủ tướng Chính phủ (để báo cáo),
- Phó Chủ tịch nước (để báo cáo),
- Văn phòng Trung ương đảng,
- Văn phòng Quốc hội,
- Văn phòng Chính phủ,
- Văn phòng Chủ tịch nước (2),
- Tòa án nhân dân tối cao (2),
- Lưu VP CTN, Vụ PL.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quy chế 21QC/LT VPCTN-TANDTC phối hợp công tác giữa Văn phòng Chủ tịch nước và Tòa án nhân dân tối cao

  • Số hiệu: 21QC/LTVPCTN-TANDTC
  • Loại văn bản: Quy chế
  • Ngày ban hành: 11/01/2012
  • Nơi ban hành: Tòa án nhân dân tối cao, Văn phòng Chủ tịch nước
  • Người ký: Trương Hòa Bình, Đào Việt Trung
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 11/01/2012
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản