Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
UBND TỈNH ĐẮK NÔNG - | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1874/QCPH-UBND | Đắk Nông, ngày 17 tháng 4 năm 2020 |
PHỐI HỢP BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG SÔNG SÊRÊPỐK GIỮA TỈNH ĐẮK NÔNG VÀ TỈNH ĐẮK LẮK
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21 tháng 6 năm 2012;
Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 23 tháng 6 năm 2014;
Căn cứ Nghị định số 144/2005/NĐ-CP ngày 16/11/2005 của Chính phủ quy định công tác phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong việc xây dựng và kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch;
Căn cứ Nghị định số 120/2008/NĐ-CP ngày 01/12/2008 của Chính phủ về quản lý lưu vực;
Căn cứ Nghị định số 201/2013/NĐ-CP ngày 27/11/2013 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;
Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Nông và Ủy ban nhân dân tỉnh Đắk Lắk (sau đây gọi tắt là hai tỉnh) thống nhất ban hành Quy chế phối hợp bảo vệ môi trường sông Sêrêpốk giữa tỉnh Đắk Nông và tỉnh Đắk Lắk với các nội dung cụ thể như sau:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định về cơ chế phối hợp trong lĩnh vực bảo vệ môi trường sông Sêrêpốk vùng giáp ranh giữa hai tỉnh Đắk Nông và Đắk Lắk.
2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng cho các cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường lưu vực sông Sêrêpốk gồm: Sở Tài nguyên và Môi trường, Công an tỉnh, Ban Quản lý các Khu công nghiệp, UBND các cấp và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lưu vực sông Sêrêpốk.
Điều 2. Nguyên tắc, mục đích, yêu cầu trong công tác phối hợp
1. UBND hai tỉnh có trách nhiệm trao đổi, làm việc, thông báo cho nhau về tình hình giải quyết các vấn đề liên quan đến việc bảo vệ môi trường nước lưu vực sông Sêrêpốk.
2. Việc phối hợp được dựa trên chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi bên; đảm bảo tính thống nhất, tập trung; cập nhật, trao đổi, tạo được thông tin hai chiều một cách liên tục và có hệ thống nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho nhau trong việc thực hiện nhiệm vụ.
3. Tạo môi trường thuận lợi về cơ chế, chính sách để cơ quan chuyên môn, Ban quản lý các Khu công nghiệp và UBND các cấp triển khai nhiệm vụ bảo vệ môi trường lưu vực sông Sêrêpôk tốt nhất.
4. Tăng cường phối hợp giữa UBND tỉnh Đắk Nông với UBND tỉnh Đắk Lắk và các đơn vị có liên quan trong các hoạt động để thực hiện mục đích bảo vệ nguồn nước; tổ chức kiểm tra, giám sát, phòng ngừa, giảm thiểu các tác động xấu; ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; giải quyết tranh chấp và bồi thường thiệt hại liên quan đến môi trường nước thuộc lưu vực sông Sêrêpốk.
5. Bảo đảm kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động phối hợp; đề cao trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp và cán bộ, công chức, viên chức tham gia phối hợp.
6. Hình thức phối hợp
Phối hợp trên nguyên tắc trao đổi, thỏa thuận, cập nhật thông tin và phải được cụ thể hóa bằng văn bản chỉ đạo cấp dưới thực thi nhằm tạo điều kiện cho mỗi bên hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình.
1. UBND các huyện, thành phố, Ban quản lý các Khu công nghiệp thuộc lưu vực sông Sêrêpốk trong quá trình xây dựng kế hoạch, tổ chức xử lý ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông Sêrêpốk phải báo cáo cho UBND tỉnh để chỉ đạo:
a) Nội dung kế hoạch xử lý ô nhiễm phải xác định mốc thời gian; nội dung công việc; trách nhiệm của từng cơ quan chuyên môn; trách nhiệm của UBND các cấp; trách nhiệm của chủ cơ sở gây ô nhiễm môi trường và trách nhiệm của các đơn vị phối hợp thực hiện.
b) Tổ chức xử lý ô nhiễm môi trường nước lưu vực sông Sêrêpốk phải tuân thủ theo kế hoạch đã xây dựng. Nếu trong quá trình thực hiện phát sinh những vấn đề vướng mắc không giải quyết được thì đơn vị được giao nhiệm vụ chủ trì báo cáo cho UBND hai tỉnh thống nhất giải quyết.
2. Các cơ quan chuyên môn thực hiện chức năng về bảo vệ môi trường thuộc UBND hai tỉnh căn cứ vào quyền hạn, nhiệm vụ được giao khi tổ chức điều tra, thống kê các nguồn thải từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ vào lưu vực sông Sêrêpốk, tùy theo tính chất công việc có thể mời đại diện của cơ quan chuyên môn của tỉnh kia phối hợp thực hiện.
3. Các kết quả điều tra, thống kê nguồn thải từ các cơ sở sản xuất kinh doanh, dịch vụ vào sông Sêrêpốk phải gửi thông báo cho cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường giữa hai tỉnh để theo dõi và lưu giữ số liệu trong hồ sơ lưu vực sông Sêrêpốk.
4. Hàng năm, UBND hai tỉnh thuộc lưu vực sông Sêrêpốk cùng phối hợp xây dựng chương trình, kế hoạch và đầu tư kinh phí thực hiện chương trình quan trắc môi trường lưu vực sông Sêrêpốk để xác nhận diễn biến chất lượng môi trường nước sông Sêrêpốk.
5. Cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường thuộc UBND hai tỉnh phải báo cáo kết quả quan trắc môi trường nước mặt thuộc lưu vực sông Sêrêpốk đến UBND hai tỉnh theo quy định, chia sẻ và kết nối thông tin, cơ sở dữ liệu vê môi trường lưu vực sông Sêrêpốk.
6. UBND hai tỉnh lưu vực sông Sêrêpốk trong phạm vi, chức năng, quyền hạn được giao có trách nhiệm chỉ đạo các Sở, Ban, ngành, địa phương của tỉnh trong việc cung cấp, tiếp nhận, trao đổi thông tin về môi trường nước lưu vực sông Sêrêpốk.
7. Hàng năm, UBND hai tỉnh tổ chức thảo luận, tổng kết công tác bảo vệ môi trường. Trao đổi các thông tin, đề xuất giải pháp để tiếp tục thực hiện trong các năm tiếp theo. Tiếp tục thảo luận sửa đổi, bổ sung vào quy chế những điều chưa hợp lý với điều kiện thực tế của hai tỉnh.
8. Đối với tranh chấp về môi trường nước lưu vực sông giữa hai tỉnh được xử lý như sau:
a) Các tranh chấp về môi trường nước thuộc lưu vực sông Sêrêpốk trước hết được giải quyết thông qua thương lượng, thỏa thuận giữa các bên liên quan. Sở Tài nguyên và Môi trường là đầu mối giúp UBND tỉnh chủ trì phối hợp giải quyết.
b) Trường hợp không thỏa thuận được thì đề nghị Bộ Tài nguyên và Môi trường đại diện cho các bên bị thiệt hại tham gia giải quyết.
9. Ứng phó, khắc phục hậu quả môi trường
a) Sự cố môi trường trong lưu vực sông xảy ra trong phạm vi của địa phương nào thì Chủ tịch UBND tỉnh nơi có sự cố có trách nhiệm tổ chức ứng phó. Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó sự cố của địa phương thì phải khẩn cấp báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường để kịp thời huy động nguồn lực các tỉnh khác và các Bộ, ngành liên quan tham gia ứng phó sự cố môi trường.
b) Sự cố môi trường trong lưu vực sông xảy ra trong phạm vi hai tỉnh thì Chủ tịch UBND hai tỉnh nơi có sự cố có trách nhiệm cùng phối hợp với nhau để tổ chức ứng phó. Trường hợp vượt quá khả năng ứng phó sự cố của tỉnh thì phải khẩn cấp báo cáo Bộ Tài nguyên và Môi trường để kịp thời huy động nguồn lực các tỉnh khác và các Bộ, ngành liên quan tham gia ứng phó sự cố môi trường.
c) UBND hai tỉnh chủ động nhanh chóng triển khai các biện pháp phục hồi môi trường sau sự cố.
Trong quá trình ứng phó sự cố môi trường, hai tỉnh có trách nhiệm phối hợp xác định rõ nguồn gốc hoặc cơ sở, cá nhân gây sự cố môi trường, giám sát, đánh giá mức độ ô nhiễm môi trường, thiệt hại về sức khỏe, tài sản và tài nguyên thiên nhiên do sự cố để có căn cứ yêu cầu tổ chức, cá nhân gây sự cố môi trường bồi hoàn chi phí ứng phó, khắc phục sự cố và bồi thường thiệt hại do sự cố.
10. Xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường nước
a) Trường hợp xảy ra thiệt hại do ô nhiễm và suy thoái môi trường nước trên địa phận hai tỉnh thuộc lưu vực sông Sêrêpốk thì Sở Tài nguyên và Môi trường hai tỉnh có thiệt hại do ô nhiễm và suy thoái môi trường nước phải chủ động phối hợp với các tổ chức, đơn vị và các bên liên quan tổ chức điều tra khảo sát thực địa nhằm xác định thiệt hại do ô nhiễm, suy thoái môi trường trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật hiện hành.
b) Việc giám định thiệt hại do suy giảm chức năng, tính hữu ích của môi trường thực hiện theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
c) Việc giải quyết bồi thường thiệt hại về môi trường bao gồm: tự thỏa thuận của các bên; yêu cầu người có thẩm quyền giải quyết; khởi kiện tại tòa án theo quy định của pháp luật.
d) Việc xác định thiệt hại do ô nhiễm và suy thoái môi trường nước trên địa bàn một tỉnh thuộc lưu vực sông Sêrêpốk thì UBND tỉnh bị thiệt hại tự chịu trách nhiệm xử lý theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường.
11. Khi người dân địa phương bên tỉnh này phát hiện vụ việc có thể gây ô nhiễm môi trường như xả nước thải không qua xử lý từ các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ ở tỉnh bên, các cơ quan chuyên môn như Sở Tài nguyên và Môi trường, lực lượng Cảnh sát môi trường thuộc địa phận tỉnh bên này được quyền trực tiếp vào cuộc để giải quyết vụ việc hoặc phối hợp với tỉnh kia cùng xử lý. Là cơ sở để xác định và xử phạt đối tượng cố ý gây ô nhiễm môi trường lưu vực sông Sêrêpốk.
12. Khi tổ chức các đoàn kiểm tra, thanh tra về bảo vệ môi trường lưu vực sông Sêrêpốk, tùy theo phạm vi địa bàn kiểm tra, thanh tra, địa phương có liên quan cử cán bộ tham gia. Sau khi kết thúc kiểm tra, thanh tra, địa phương tổ chức kiểm tra, thanh tra thông báo kết quả cho địa phương giáp ranh biết, phối hợp rút kinh nghiệm.
13. Trong trường hợp cần thiết để xử lý các vụ việc liên quan đến hai tỉnh có thể thành lập đoàn kiểm tra, thanh tra liên ngành về bảo vệ môi trường.
14. UBND hai tỉnh trong lưu vực sông Sêrêpốk phối hợp, thống nhất trong việc ưu tiên, tập trung sử dụng kinh phí, hỗ trợ lẫn nhau cho việc đầu tư, xử lý các vấn đề về môi trường quan trọng, cấp bách, đặc biệt là xử lý các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, xử lý, bảo vệ môi trường lưu vực sông.
15. UBND hai tỉnh trong lưu vực sông Sêrêpốk thống nhất những danh mục dự án ưu tiên cần tập trung kêu gọi tài trợ quốc tế, nguồn kinh phí từ Trung ương để đầu tư, xử lý các vấn đề môi trường sông Sêrêpốk mang tính cấp bách.
1. Trách nhiệm của UBND hai tỉnh thuộc lưu vực sông Sêrêpốk
Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thành phố có liên quan triển khai, tổ chức thực hiện Quy chế này liên quan đến địa phương mình quản lý.
2. Trách nhiệm của Sở, Ban, ngành, UBND các huyện, thị xã, thành phố thuộc hai tỉnh
Tùy theo chức năng quản lý nhà nước theo thẩm quyền, các cơ quan chuyên môn thuộc hai tỉnh có trách nhiệm như sau:
a) Sở Tài nguyên và Môi trường hai tỉnh
- Giúp UBND tỉnh trong việc thực hiện Quy chế này.
- Hàng năm, cung cấp các thông tin, tài liệu về tình hình hoạt động và công tác bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các khu công nghiệp cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh bên.
- Thông báo cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh bên kế hoạch thanh tra, kiểm tra về bảo vệ môi trường đột xuất đối với những vấn đề mang tính cấp thiết nhất thuộc lưu vực sông Sêrêpốk.
- Phối hợp giải quyết các đơn khiếu nại, tố cáo liên quan đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và các khu công nghiệp cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh bên.
- Hàng năm, tổng hợp, thông báo tình hình vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và kết quả xử lý các cơ sở sản xuất, kinh doanh và các khu công nghiệp cho Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh bên.
- Cử cán bộ tham gia phối hợp thanh tra, kiểm tra hoặc giải quyết các yêu cầu về bảo vệ môi trường khi có đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh bên.
b) Trách nhiệm lực lượng Cảnh sát môi trường hai tỉnh
- Thường xuyên trao đổi thông tin và phối hợp triển khai các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường lưu vực sông Sêrêpốk.
- Trường hợp phát hiện vụ việc vi phạm pháp luật về môi trường có thể gây ô nhiễm sông Sêrêpốk, lực lượng Cảnh sát phòng chống tội phạm về môi trường hai tỉnh căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được phân công và địa bàn quản lý phối hợp với các cơ quan, đơn vị quản lý có liên quan tiến hành các hoạt động xác minh, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
c) Trách nhiệm của Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Hòa Phú (Đắk Lắk) và Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Tâm Thắng (Đắk Nông).
- Chủ động giám sát, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường của các cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trong khu công nghiệp. Khi phát hiện hành vi vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp trong khu công nghiệp phải kịp thời thông báo cho cơ quan có chức năng để xử lý theo quy định của pháp luật.
- Đề xuất, bổ sung biên chế cán bộ phụ trách về môi trường để giải quyết công việc một cách nhanh chóng và phù hợp với điều kiện hoạt động thực tế tại đơn vị.
- Chủ động phối hợp với UBND cấp xã để giám sát công tác bảo vệ môi trường khu công nghiệp.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy chế phối hợp trong công tác quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh ban hành cũng như các quy định khác của pháp luật.
d) Trách nhiệm của Ban quản lý các Khu công nghiệp thuộc hai tỉnh
Thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ theo quy chế phối hợp quản lý nhà nước đối với các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được UBND tỉnh ban hành. Ngoài ra, Ban quản lý các Khu công nghiệp hai tỉnh thực hiện thêm một số nội dung sau:
- Chỉ đạo, đôn đốc Công ty Phát triển hạ tầng khu công nghiệp Hòa Phú và Công ty Phát triển hạ tầng Khu công nghiệp Tâm Thắng thực hiện nghiêm túc Luật Bảo vệ môi trường và các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường trong Khu công nghiệp.
- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý khu công nghiệp tỉnh bạn thực thi công tác bảo vệ môi trường trên lưu vực sông Sêrêpốk.
- Tạo điều kiện cho UBND cấp xã trong việc giám sát công tác bảo vệ môi trường khu công nghiệp.
e) Trách nhiệm của UBND cấp huyện có liên quan của hai tỉnh
- Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường tại địa phương.
- Giải quyết các đơn thư khiếu nại về môi trường theo thẩm quyền. Khi tính chất công việc nằm ngoài khả năng giải quyết hoặc cần có sự phối hợp của nhiều bên thì phải có báo cáo cơ quan cấp trên xin ý kiến chỉ đạo thực hiện.
- Chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện chức năng quản lý về môi trường trên địa bàn xã, đặc biệt tại Khu công nghiệp và các nhà máy dọc sông Sêrêpốk thuộc địa phận của xã; Chủ động giám sát các đơn vị có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường trong Khu công nghiệp để báo cáo lên cơ quan cấp trên kịp thời xử lý theo quy định của pháp luật. Chủ động chỉ đạo tổ chức triển khai, thực hiện quy chế cộng đồng tham gia bảo vệ môi trường trên địa bàn cấp xã. Trường hợp vụ việc nằm ngoài khả năng giải quyết thì kịp thời báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền để xử lý.
- Phối hợp tham gia thanh tra, kiểm tra khi có đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý khu công nghiệp và các đơn vị khác có liên quan.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
f) Trách nhiệm của UBND cấp xã có liên quan của hai tỉnh
- UBND cấp xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hoạt động gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn.
- Chủ động giải quyết các tồn tại vướng mắc trong công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn xã, đặc biệt là kiểm tra, xử lý các nguồn thông tin do nhân dân phản ánh. Trường hợp vụ việc nằm ngoài khả năng thì phải nhanh chóng báo cáo lên cơ quan có thẩm quyền cao hơn để kịp thời xử lý vụ việc.
- Tăng cường công tác tuyên truyền các quy định của pháp luật bảo vệ môi trường đến cộng đồng dân cư; kêu gọi người dân hạn chế sử dụng các sản phẩm nhựa dùng một lần, túi ni lông khó phân hủy.
- Phối hợp kiểm tra công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn xã khi có yêu cầu của cơ quan chuyên môn.
- Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quy định của pháp luật.
1. Căn cứ nội dung Quy chế này, hàng năm các đơn vị chuyên môn chịu trách nhiệm tham mưu cho các bên xây dựng kế hoạch thực hiện cụ thể. Trường hợp cần thiết gửi kế hoạch cho bên kia để có phương án phối hợp chung.
2. Định kỳ 02 năm một lần, UBND tỉnh Đắk Nông và UBND tỉnh Đắk Lắk tổ chức Hội nghị để trao đổi, đánh giá việc thực hiện quy chế này. Trong trường hợp cần thiết có thể họp bất thường.
1. UBND tỉnh Đắk Nông, UBND tỉnh Đắk Lắk và các đơn vị liên quan trên lưu vực sông Sêrêpốk nơi có Khu công nghiệp Hòa Phú, Khu công nghiệp Tâm Thắng chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.
2. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có phát sinh vướng mắc, các cơ quan gửi kiến nghị về Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND hai tỉnh xem xét, quyết định điều chỉnh cho phù hợp.
3. Quy chế này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.
TM. UBND TỈNH ĐẮK LẮK | TM. UBND TỈNH ĐẮK NÔNG |
|
|
- 1Quyết định 484/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Dự án Khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng bảo vệ môi trường lưu vực Sông Mã tỉnh Sơn La giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020
- 2Quyết định 1313/QĐ-UBND-HC năm 2013 phê duyệt "Quy hoạch khai thác và bảo vệ môi trường nước mặt sông Tiền và sông Hậu (đoạn qua tỉnh Đồng Tháp) đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- 3Kế hoạch 133/KH-UBND năm 2016 thực hiện Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 1Nghị định 144/2005/NĐ-CP về công tác phối hợp giữa các cơ quan hành chính nhà nước trong xây dựng và kiểm tra việc thực hiện chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch
- 2Nghị định 120/2008/NĐ-CP về quản lý lưu vực sông
- 3Luật tài nguyên nước 2012
- 4Nghị định 201/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật tài nguyên nước
- 5Luật bảo vệ môi trường 2014
- 6Quyết định 484/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Dự án Khoanh nuôi, bảo vệ, trồng rừng bảo vệ môi trường lưu vực Sông Mã tỉnh Sơn La giai đoạn 2012 - 2015, định hướng đến năm 2020
- 7Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 8Quyết định 1313/QĐ-UBND-HC năm 2013 phê duyệt "Quy hoạch khai thác và bảo vệ môi trường nước mặt sông Tiền và sông Hậu (đoạn qua tỉnh Đồng Tháp) đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030
- 9Kế hoạch 133/KH-UBND năm 2016 thực hiện Đề án bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 trên địa bàn thành phố Hà Nội
Quy chế 1874/QCPH-UBND năm 2020 phối hợp bảo vệ môi trường sông Sêrêpốk giữa tỉnh Đắk Nông và tỉnh Đắk Lắk
- Số hiệu: 1874/QCPH-UBND
- Loại văn bản: Quy chế
- Ngày ban hành: 17/04/2020
- Nơi ban hành: Tỉnh Đắk Lắk, Tỉnh Đắk Nông
- Người ký: Trương Thanh Tùng, Y Giang Gru Niê Knơng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra