Hệ thống pháp luật

LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG -
BẢO HIỂM XÃ HỘI
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1305/QCPH-LĐLĐ-BHXH

Hà Nội, ngày 05 tháng 06 năm 2023

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP GIỮA LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG THÀNH PHỐ VÀ BẢO HIỂM XÃ HỘI THÀNH PHỐ HÀ NỘI TRONG VIỆC THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH, PHÁP LUẬT VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP, GIAI ĐOẠN 2023-2028

- Căn cứ Bộ luật Tố tụng Dân sự số 92/2015/QH13;

- Căn cứ Bộ luật Lao động số 45/2019/QH14;

- Căn cứ Luật Công đoàn số 12/2012/QH13;

- Căn cứ Luật Việc làm số 38/2013/QH13;

- Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13;

- Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế số 25/2008/QH12 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế số 46/2014/QH13;

- Căn cứ Quyết định số 2355/QĐ-BHXH ngày 16/9/2022 của Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bảo hiểm xã hội địa phương;

- Căn cứ Chương trình phối hợp công tác số 163/CTr-UBND-LĐLĐ ngày 28/7/2020 giữa Ủy ban nhân dân Thành phố và Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội, giai đoạn 2020-2025;

Để tăng cường sự phối hợp trong việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về Bảo hiểm xã hội (BHXH), Bảo hiểm y tế (BHYT), Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trên địa bàn Thành phố; Liên đoàn Lao động và Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội thống nhất ký kết Quy chế phối hợp công tác, giai đoạn 2023-2028 như sau:

Chương 1

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Mục đích

1. Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa Liên đoàn Lao động Thành phố và Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội theo các cấp (thành phố, cấp huyện) trong việc chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN và nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong tình hình mới, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố.

2. Phát huy vai trò, thế mạnh của mỗi cơ quan trong chỉ đạo, triển khai, thực hiện các quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, Luật Công đoàn, Luật Việc làm, Luật BHXH, Luật BHYT và các Văn bản hướng dẫn thi hành. Hướng tới mục tiêu thực hiện có hiệu quả chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN, góp phần xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp theo tinh thần Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII).

Điều 2. Đối tượng áp dụng và phạm vi điều chỉnh

1. Đối tượng áp dụng: Quy chế áp dụng đối với tập thể, cá nhân thuộc các Phòng nghiệp vụ, các đơn vị trực thuộc Bảo hiểm xã hội Thành phố và các Ban chuyên đề, đơn vị trực thuộc Cơ quan Liên đoàn Lao động Thành phố, các cấp Công đoàn thuộc hệ thống Công đoàn thành phố Hà Nội.

2. Phạm vi điều chỉnh: Quy chế này quy định về trách nhiệm và nội dung phối hợp để thực hiện các hoạt động có liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN giữa các đơn vị thuộc ngành BHXH và Công đoàn các cấp Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

1. Mọi hoạt động phối hợp được thực hiện trên cơ sở quy định của pháp luật và theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan. Các quy định trong Quy chế này không thay thế cho các các quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, trách nhiệm của mỗi cơ quan, đơn vị liên quan đã được quy định tại các văn bản pháp luật khác.

2. Các bên chủ động, tích cực trong việc phối hợp cũng như đảm bảo vai trò, trách nhiệm và tính độc lập của từng cơ quan; việc phối hợp phải thường xuyên, kịp thời, đồng bộ, chặt chẽ, thống nhất, bám sát vào sự lãnh đạo, chỉ đạo của Thành ủy - Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội và cơ quan quản lý cấp trên, trên cơ sở tôn trọng, tạo điều kiện để mỗi cơ quan hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.

3. Việc trao đổi, cung cấp thông tin phải đảm bảo kịp thời, chính xác, nhằm đảm bảo thống nhất, khách quan theo quy định tại Quy chế này.

Điều 4. Phương thức phối hợp

1. Trao đổi ý kiến, cung cấp thông tin bằng văn bản theo yêu cầu. Trường hợp cấp bách các bên có thể gặp gỡ, trao đổi trực tiếp hoặc qua Email, Fax.

2. Tổ chức các cuộc họp liên ngành định kỳ hoặc đột xuất.

3. Các phương thức khác phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Chương 2

NỘI DUNG PHỐI HỢP

Điều 5. Phối hợp trong việc nghiên cứu, đề xuất, kiến nghị xây dựng, sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Việc làm:

Bảo hiểm xã hội Thành phố và Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội có trách nhiệm tổng hợp các ý kiến, kiến nghị của cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, người sử dụng lao động, người lao động về những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách pháp luật BHXH, BHYT, BHTN gửi Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam để đề xuất, kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Điều 6. Phối hợp trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

1. Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các quận, huyện, thị xã xây dựng kế hoạch và thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN theo kế hoạch và chỉ đạo của Thành ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân Thành phố và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

2. Liên đoàn Lao động Thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ có trách nhiệm chỉ đạo các cấp Công đoàn Thủ đô chủ động phối hợp và tham gia công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN đến cán bộ công đoàn, đoàn viên và người lao động để hiểu rõ nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền lợi khi tham gia BHXH, BHYT, BHTN nhằm nâng cao sự hiểu biết pháp luật và tăng diện bao phủ BHXH trên địa bàn Thành phố.

3. Tuyên truyền việc chậm đóng, trốn đóng BHXH, vi phạm các quy định về BHXH của đơn vị sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người lao động khi giải quyết các chế độ BHXH như: hưu trí, ốm đau, dưỡng sức phục hồi sức khoẻ, thai sản, tai nạn lao động bệnh nghề nghiệp, tử tuất, khám chữa bệnh BHYT, quyền và lợi ích của đoàn viên và người lao động...

Điều 7. Phối hợp thực hiện các biện pháp bảo đảm các chế độ, chính sách của người lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

1. Bảo hiểm xã hội Thành phố và Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội cùng có trách nhiệm tham mưu, đề xuất với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội để tổ chức thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn Thành phố theo các văn bản quy phạm pháp luật và hướng dẫn nghiệp vụ của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

2. Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội có trách nhiệm

- Chủ động phối hợp với Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội và các Sở, ban, ngành có liên quan xây dựng kế hoạch thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN hàng năm; Xây dựng hướng dẫn liên ngành để thực hiện BHXH, BHYT, BHTN cho các đối tượng tham gia.

- Chỉ đạo Bảo hiểm xã hội cấp huyện phối hợp với Công, đoàn cùng cấp trong việc chỉ đạo, tổ chức và thực hiện các chế độ, chính sách về BHXH, BHYT, BHTN, đảm bảo quyền lợi của người lao động.

3. Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội có trách nhiệm

- Phối hợp với Bảo hiểm xã hội Thành phố trong việc tổ chức thực hiện các chế độ chính sách BHXH, BHYT, BHTN; Giải quyết đúng, đủ, kịp thời các chế độ, chính sách về BHXH, BHYT, BHTN, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên và người lao động.

- Giao Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động cử cán bộ theo dõi, chỉ đạo, giải quyết các công việc liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN.

- Hướng dẫn việc báo cáo công khai kết quả thực hiện chế độ chính sách BHXH, BHYT, BHTN tới đoàn viên, người lao động tại Hội nghị cán bộ công chức, viên chức và Hội nghị người lao động hàng năm của mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp.

Điều 8. Phối hợp trong công tác thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp

1. Bảo hiểm xã hội Thành phố có trách nhiệm thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về việc đóng và thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN theo quy định; Kiến nghị xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

2. Liên đoàn Lao động Thành phố có trách nhiệm phối hợp với Bảo hiểm xã hội Thành phố trong công tác thanh tra, kiểm tra thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn. Vào tháng 12 hàng năm, hai bên thông báo cho nhau kế hoạch thanh tra, kiểm tra, giám sát của năm tới để theo dõi, tổng hợp.

3. Trong trường hợp cần thiết, Bảo hiểm xã hội Thành phố chủ động phối hợp Liên đoàn Lao động Thành phố và các Sở, ngành có liên quan thành lập đoàn liên ngành, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về lao động, việc làm, BHXH tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn.

4. Liên đoàn Lao động Thành phố thực hiện quyền kiểm tra, giám sát theo Luật Công đoàn; Bảo hiểm xã hội Thành phố có trách nhiệm cử cán bộ tham gia đoàn kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ chính sách BHXH, BHYT, BHTN theo đề nghị của Liên đoàn Lao động Thành phố. Kết quả kiểm tra được bên chủ trì kiểm tra, giám sát gửi cho bên tham gia để theo dõi, xử lý. Nếu nội dung kiểm tra, giám sát có sai sót nghiêm trọng hoặc liên quan đến công tác chỉ đạo chung của ngành thì kết quả kiểm tra, giám sát phải được gửi cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam.

5. Phối hợp xem xét, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền có biện pháp xử lý theo quy định của pháp luật đối với những đơn vị, doanh nghiệp cố tình vi phạm pháp luật BHXH, BHYT, BHTN làm thiệt hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động. Trường hợp trong quá trình thanh tra, kiểm tra phát hiện đơn vị có hành vi chậm đóng, trốn đóng, gian lận BHXH thì tập hợp hồ sơ, tài liệu chuyển cơ quan Công an xử lý theo quy định của Bộ luật Hình sự.

Điều 9. Phối hợp giải quyết đơn thư, khiếu nại, tố cáo các hành vi vi phạm quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; Phối hợp khởi kiện các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH

1. Bảo hiểm xã hội Thành phố và Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội có trách nhiệm trả lời đơn thư và giải quyết khiếu nại, tố cáo về BHXH, BHYT, BHTN theo thẩm quyền quy định của Luật Khiếu nại Tố cáo, Luật BHXH, Luật BHYT, Luật Việc làm. Trường hợp cần thiết có thể trao đổi, tham khảo ý kiến của mỗi bên trước khi trả lời.

2. Liên đoàn Lao động Thành phố:

- Tuyên truyền, hướng dẫn người lao động ủy quyền cho Công đoàn cơ sở để Công đoàn cơ sở đứng ra khởi kiện ra Tòa đối với các hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

- Chỉ đạo các cấp Công đoàn trực thuộc thực hiện khởi kiện ra Tòa án đối với các đơn vị có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN gây ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động, tập thể người lao động theo quy định của pháp luật.

3. Bảo hiểm xã hội Thành phố có trách nhiệm: Cung cấp thông tin, tài liệu, chứng cứ cho Liên đoàn Lao động Thành phố và phối hợp hoàn thiện hồ sơ để tổ chức Công đoàn khởi kiện ra Tòa đối với các đơn vị, doanh nghiệp có hành vi vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; đồng thời tham gia tố tụng tại Tòa với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Điều 10. Về công tác thông tin, báo cáo

1. Bảo hiểm xã hội Thành phố có trách nhiệm thông tin định kỳ 01 quý/ lần với Liên đoàn Lao động Thành phố về tình hình tham gia BHXH, BHYT, BHTN; Số đối tượng tham gia, tình hình chậm đóng, trốn đóng BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị, doanh nghiệp trên địa bàn Thành phố, để có những giải pháp kịp thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

2. Bảo hiểm xã hội Thành phố và Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội có trách nhiệm trao đổi thông tin định kỳ 06 tháng/lần hoặc tổ chức họp đột xuất để trao đổi thông tin phục vụ cho công tác quản lý hoạt động của hai bên; Trao đổi thông tin về tình hình sử dụng lao động tại các đơn vị, doanh nghiệp, nhằm tăng cường công tác phát triển đoàn viên, thành lập Công đoàn cơ sở, cũng như phát triển đối tượng tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

Điều 11. Về xét khen thưởng

1. Bảo hiểm xã hội và Liên đoàn Lao động Thành phố trước khi vinh danh, khen thưởng, xét tham gia đấu thầu và đấu thầu dự án đối với các đơn vị, doanh nghiệp phải yêu cầu Bảo hiểm xã hội Thành phố xác nhận về đơn vị có vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN không, cơ quan BHXH xác nhận gửi các Cơ quan liên quan trong 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu Cầu; Không xét khen thưởng các đơn vị vi phạm pháp luật Lao động, Công đoàn và BHXH.

2. Phối hợp kiến nghị với Hội đồng Thi đua, khen thưởng Thành phố không xét tặng các danh hiệu thi đua đối với các tổ chức và cá nhân vi phạm pháp luật Lao động, Công đoàn và BHXH.

3. Kịp thời biểu dương, khen thưởng nhũng tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quy chế phối hợp.

Chương 3

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 12. Tổ chức thực hiện

1. Bảo hiểm xã hội Thành phố có trách nhiệm chỉ đạo Bảo hiểm xã hội quận, huyện, thị xã; Liên đoàn Lao động Thành phố có trách nhiệm chỉ đạo Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở triển khai thực hiện Quy chế phối hợp theo ngành dọc quản lý.

2. Căn cứ Quy chế Bảo hiểm xã hội Thành phố chỉ đạo Bảo hiểm xã hội quận, huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với Liên đoàn Lao động các quận, huyện, thị xã, Công đoàn cấp trên trực tiếp cơ sở thuộc Liên đoàn Lao động Thành phố xây dựng chương trình phối hợp hàng năm phù hợp tình hình thực tế của địa phương, ngành, đơn vị.

3. Bảo hiểm xã hội Thành phố giao Phòng Truyền thông và Liên đoàn Lao động Thành phố giao Ban Chính sách pháp luật và Quan hệ lao động là đầu mối của hai bên để tham mưu theo dõi, tổng hợp, đánh giá việc triển khai thực hiện Quy chế; Đồng thời đề xuất, kiến nghị sửa đổi, bổ sung Quy chế phối hợp cho phù hợp.

4. Kinh phí tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và công tác thanh tra, kiểm tra chuyên ngành về BHXH, BHYT, BHTN theo Quy chế này được thực hiện theo quy định hiện hành của Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

5. Định kỳ hàng năm, Lãnh đạo hai bên luân phiên tổ chức Hội nghị Sơ kết đánh giá việc thực hiện Quy chế phối hợp, kịp thời rút ra kinh nghiệm, đề xuất các nội dung, biện pháp phối hợp trong năm tiếp theo; Biểu dương, khen thưởng những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quy chế phối hợp.

6. Quy chế phối hợp này có hiệu lực kể từ ngày hai bên ký kết. Trong quá trình triển khai, tổ chức, thực hiện nếu có vướng mắc phát sinh cần sửa đổi, bổ sung thì hai bên sẽ bàn bạc, thống nhất và quyết định điều chỉnh cho phù hợp./.

 

GIÁM ĐỐC
BẢO HIỂM XÃ HỘI TP. HÀ NỘI




Phan Văn Mến

CHỦ TỊCH
LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG TP. HÀ NỘI




Phạm Quang Thanh


Nơi nhận:
- Tổng LĐLĐ Việt Nam;
- BHXH Việt Nam;
- Thành ủy, UBND Thành phố;
- VP, các Ban, UBKT LĐLĐ Thành phố;
- VP, các Phòng NV BHXH Thành phố; 
- BHXH các quận, huyện, thị xã;
- LĐLĐ các quận, huyện, thị xã; CĐN, CĐCTTTCS;
- Lưu: VT, Ban CSPL&QHLĐ LĐLĐ TP, P.TT BHXH TP.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Quy chế 1305/QCPH-LĐLĐ-BHXH năm 2023 phối hợp giữa Liên đoàn Lao động và Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội trong việc thực hiện chính sách pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế, Bảo hiểm thất nghiệp, giai đoạn 2023-2028

  • Số hiệu: 1305/QCPH-LĐLĐ-BHXH
  • Loại văn bản: Quy chế
  • Ngày ban hành: 05/06/2023
  • Nơi ban hành: Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội
  • Người ký: Phan Văn Mến, Phạm Quang Thanh
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản