Hệ thống pháp luật

ỦY BAN THƯỜNG VỤ
QUỐC HỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Pháp lệnh số: 03/2022/UBTVQH15

Hà Nội, ngày 13 tháng 12 năm 2022

PHÁP LỆNH

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG CÁC BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH TẠI TÒA ÁN NHÂN DÂN

Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

Căn cứ Luật Xử lý vi phạm hành chính số 15/2012/QH13 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Luật số 54/2014/QH13, Luật số 18/2017/QH14 và Luật số 67/2020/QH14;

Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân.

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Pháp lệnh này quy định trình tự, thủ tục Tòa án nhân dân xem xét, quyết định việc áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc (sau đây gọi là biện pháp xử lý hành chính); trình tự, thủ tục xem xét, quyết định việc hoãn, miễn chấp hành, giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại; khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị trong việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Điều 2. Nguyên tắc xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính

1. Việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải bảo đảm các nguyên tắc quy định tại khoản 2 Điều 3 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; đối với người chưa thành niên còn phải tiến hành nhanh chóng, kịp thời, bảo đảm thủ tục thân thiện, phù hợp với tâm lý, giới, lứa tuổi, mức độ trưởng thành, khả năng nhận thức của họ và các nguyên tắc xử lý quy định tại các khoản 1, 2, 4 và 5 Điều 134 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

2. Bảo đảm quyền của người bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (sau đây gọi là người bị đề nghị) được tham gia, trình bày ý kiến trước Tòa án, tranh luận tại phiên họp theo quy định của Pháp lệnh này.

3. Bảo đảm quyền được bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị.

Người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên có quyền tự mình hoặc nhờ luật sư, người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị. Người bị đề nghị thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý được đề nghị tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý.

Trường hợp người bị đề nghị là người chưa thành niên mà không có người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp thì Tòa án yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư theo quy định của Luật Trợ giúp pháp lý hoặc Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ.

4. Việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính do 01 Thẩm phán thực hiện. Khi xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Thẩm phán độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Bảo đảm sự vô tư của người tiến hành phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

5. Tiếng nói và chữ viết dùng trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án là tiếng Việt. Người bị đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền dùng tiếng nói, chữ viết của dân tộc mình, trường hợp này phải có người phiên dịch.

6. Bảo đảm quyền được xem xét theo hai cấp trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Điều 3. Thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

1. Thẩm quyền xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp huyện) được quy định như sau:

a) Tòa án nhân dân cấp huyện nơi có trụ sở cơ quan của người đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (sau đây gọi là người đề nghị), trừ trường hợp quy định tại điểm b khoản này;

b) Tòa án nhân dân cấp huyện nơi người bị đề nghị có hành vi vi phạm trong trường hợp người đề nghị là Trường Công an cấp huyện, Giám đốc Công an cấp tỉnh theo quy định tại khoản 2 Điều 99, khoản 1 Điều 100, khoản 2 Điều 101, khoản 1 Điều 102 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

2. Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi là Tòa án nhân dân cấp tỉnh) có thẩm quyền xét lại quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.

Điều 4. Kiểm sát việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

1. Viện kiểm sát nhân dân kiểm sát tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của Tòa án nhân dân, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Pháp lệnh này; thực hiện quyền yêu cầu, kiến nghị, kháng nghị nhằm bảo đảm việc giải quyết kịp thời, đúng pháp luật.

2. Viện kiểm sát nhân dân tham gia các phiên họp; tham gia việc xét hoãn, miễn, giảm, tạm đình chỉ việc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Pháp lệnh này.

3. Sau khi nhận được thông báo thụ lý hồ sơ của Tòa án cùng cấp, Viện kiểm sát có quyền nghiên cứu hồ sơ vụ việc tại Tòa án đã thụ lý, có quyền sao chụp hồ sơ vụ việc đó.

Điều 5. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân không được can thiệp trái pháp luật vào việc Tòa án xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

2. Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phối hợp với Tòa án trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có yêu cầu của Tòa án.

3. Quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật phải được thi hành và được cơ quan, tổ chức, cá nhân tôn trọng. Cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan phải chấp hành quyết định của Tòa án và phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc chấp hành đó.

Điều 6. Trách nhiệm quản lý công tác xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, Tòa án nhân dân tối cao quản lý công tác xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của các Tòa án và có nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:

1. Chủ trì, phối hợp trong việc ban hành, đề xuất ban hành, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật về trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

2. Tổ chức việc thống kê, xây dựng, quản lý cơ sở dữ liệu về xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

3. Chủ trì, phối hợp hướng dẫn, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ trong việc thực hiện quy định pháp luật về việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

4. Kiểm tra việc chấp hành pháp luật về xử lý vi phạm hành chính trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của các Tòa án;

5. Định kỳ hằng năm gửi báo cáo về công tác xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của các Tòa án đến Bộ Tư pháp; chỉ đạo Tòa án nhân dân các cấp thực hiện việc báo cáo, cung cấp thông tin về việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định tại khoản 4 Điều 17 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 7. Chi phí, lệ phí trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

1. Chi phí trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính gồm:

a) Chi phí cho người phiên dịch, người dịch thuật;

b) Chi phí cho luật sư, trợ giúp viên pháp lý là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị;

c) Chi phí giám định và các khoản chi phí khác theo quy định của pháp luật.

2. Chi phí trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính quy định tại khoản 1 Điều này được thực hiện theo quy định của pháp luật về chi phí tố tụng.

3. Trách nhiệm chi trả chi phí trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính được quy định như sau:

a) Chi phí quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều này nếu người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên tự yêu cầu thì họ tự chi trả, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác;

b) Chi phí quy định tại khoản 1 Điều này do Tòa án yêu cầu thì Tòa án chi trả, trừ trường hợp quy định tại điểm c khoản này;

c) Chi phí quy định tại điểm b khoản 1 Điều này cho trợ giúp viên pháp lý, luật sư do tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử thì thực hiện theo quy định của pháp luật về trợ giúp pháp lý.

4. Lệ phí cấp bản sao giấy tờ, sao chụp tài liệu tại Tòa án được thực hiện theo quy định của pháp luật về án phí và lệ phí Tòa án.

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH

Điều 8. Thời hạn xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày Tòa án thụ lý hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (sau đây gọi là hồ sơ đề nghị), Tòa án phải ra một trong các quyết định quy định tại điểm k khoản 3 Điều 21 của Pháp lệnh này; đối với vụ việc cần có thời gian kiểm tra, đánh giá, tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn hoặc các vụ việc phức tạp khác thì thời hạn này có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày.

Điều 9. Nhận, thụ lý hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính

1. Khi nhận được hồ sơ đề nghị, Tòa án phải vào sổ giao nhận. Trường hợp hồ sơ đề nghị không đủ tài liệu theo quy định tại khoản 2 Điều 100, khoản 2 Điều 102 hoặc khoản 2 Điều 104 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì trong thời hạn 02 ngày làm việc, Tòa án trả lại hồ sơ đề nghị và nêu rõ lý do bằng văn bản.

2. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị, Tòa án phải thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết.

Điều 10. Phân công Thẩm phán xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

1. Trong thời hạn quy định tại khoản 2 Điều 9 của Pháp lệnh này, Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính. Đối với việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, Thẩm phán được phân công phải là người đã được đào tạo hoặc có kinh nghiệm giải quyết các vụ việc liên quan đến người chưa thành niên hoặc có hiểu biết cần thiết về tâm lý học, khoa học giáo dục đối với người chưa thành niên.

2. Thẩm phán được phân công phải từ chối xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh này.

3. Trường hợp Thẩm phán được phân công không thể tiếp tục thực hiện nhiệm vụ hoặc thuộc trường hợp phải từ chối xem xét, quyết định thì Chánh án Tòa án phân công Thẩm phán khác xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Điều 11. Những trường hợp phải từ chối, thay đổi Thẩm phán, Thư ký phiên họp

1. Là người thân thích của người bị đề nghị.

2. Đã tiến hành xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong cùng vụ việc đó.

3. Đã tiến hành việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính trong cùng vụ việc đó.

4. Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

Điều 12. Thông báo về việc thụ lý hồ sơ đề nghị

1. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày thụ lý hồ sơ đề nghị, Tòa án phải thông báo bằng văn bản về việc thụ lý hồ sơ đề nghị cho người đề nghị, người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên, người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị (nếu có) và Viện kiểm sát cùng cấp.

2. Văn bản thông báo phải có các nội dung chính sau đây:

a) Ngày, tháng, năm ban hành văn bản thông báo;

b) Tên Tòa án đã thụ lý hồ sơ đề nghị;

c) Số, ngày, tháng, năm thụ lý hồ sơ đề nghị;

d) Họ và tên, chức vụ, tên cơ quan của người đề nghị; họ và tên người được ủy quyền (nếu có);

đ) Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số định danh cá nhân, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân (nếu có) của người bị đề nghị;

e) Biện pháp được đề nghị áp dụng.

Điều 13. Kiểm tra hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính

1. Thẩm phán được phân công phải kiểm tra hồ sơ đề nghị về các nội dung sau đây:

a) Tài liệu trong hồ sơ đề nghị theo quy định tại khoản 2 Điều 100, khoản 2 Điều 102 hoặc khoản 2 Điều 104 của Luật Xử lý vi phạm hành chính;

b) Thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định tại các điểm b, c, dđ khoản 2 Điều 6 của Luật Xử lý vi phạm hành chính;

c) Đối tượng bị đề nghị, thẩm quyền, trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

2. Trường hợp cần làm rõ tình trạng sức khỏe, tâm lý, điều kiện sống, học tập, làm việc của người bị đề nghị, Thẩm phán có thể tham vấn ý kiến của chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện cơ quan, tổ chức nơi người bị đề nghị làm việc, đại diện nhà trường nơi người bị đề nghị học tập, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận nơi người bị đề nghị cư trú và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác.

3. Thẩm phán có văn bản yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý cử trợ giúp viên pháp lý, luật sư hoặc Đoàn luật sư phân công tổ chức hành nghề luật sư cử luật sư trong trường hợp người bị đề nghị là người chưa thành niên quy định tại khoản 3 Điều 2 của Pháp lệnh này.

4. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, căn cứ vào kết quả kiểm tra hồ sơ, Thẩm phán phải quyết định về một trong các nội dung sau đây:

a) Yêu cầu bổ sung tài liệu;

b) Đình chỉ hoặc tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

c) Mở phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Điều 14. Quyền cung cấp tài liệu của người bị đề nghị

1. Kể từ ngày nhận được thông báo về việc thụ lý hồ sơ đề nghị cho đến thời điểm Tòa án mở phiên họp và tại phiên họp, người bị đề nghị, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên, người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị (nếu có), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị có quyền cung cấp tài liệu cho Tòa án đã thụ lý.

2. Việc cung cấp tài liệu có thể được thực hiện bằng phương thức sau đây: nộp trực tiếp tại Tòa án; gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính; gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

Điều 15. Yêu cầu bổ sung tài liệu

1. Thẩm phán yêu cầu người đề nghị bổ sung tài liệu trong trường hợp sau đây:

a) Hồ sơ đề nghị có tài liệu chưa rõ hoặc có mâu thuẫn cần bổ sung, làm rõ;

b) Có vi phạm trình tự, thủ tục lập hồ sơ đề nghị.

2. Văn bản yêu cầu phải nêu rõ tài liệu cần bổ sung và lý do của việc yêu cầu bổ sung.

3. Thời hạn bổ sung tài liệu là 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu; đối với vụ việc cần có thời gian kiểm tra, đánh giá, tham khảo ý kiến của các cơ quan chuyên môn hoặc vụ việc phức tạp khác thì Thẩm phán có thể quyết định thời hạn bổ sung tài liệu là không quá 05 ngày làm việc. Người được yêu cầu phải gửi tài liệu bổ sung cho Tòa án; trường hợp không bổ sung được tài liệu thì phải trả lời hoặc giải trình bằng văn bản và nêu rõ lý do.

4. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được tài liệu bổ sung hoặc kể từ ngày hết thời hạn quy định tại khoản 3 Điều này mà người được yêu cầu không bổ sung tài liệu, Thẩm phán ra quyết định mở phiếu họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Điều 16. Đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

1. Thẩm phán ra quyết định đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Hết thời hiệu áp dụng biện pháp xử lý hành chính quy định tại các điểm b, c, dđ khoản 2 Điều 6 của Luật Xử lý vi phạm hành chính;

b) Người bị đề nghị đã chết;

c) Người bị đề nghị không thuộc đối tượng áp dụng biện pháp xử lý hành chính quy định tại các khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 92, khoản 1 Điều 94 hoặc khoản 1 Điều 96 của Luật Xử lý vi phạm hành chính;

d) Người bị đề nghị thuộc trường hợp quy định tại khoản 5 Điều 92, khoản 2 Điều 94 hoặc khoản 2 Điều 96 của Luật Xử lý vi phạm hành chính;

đ) Người đề nghị rút đề nghị;

e) Người bị đề nghị đã có bản án, quyết định hình sự của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật đối với hành vi bị đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

g) Người bị đề nghị đang chấp hành hình phạt tù, đang chờ chấp hành hình phạt tù hoặc hình phạt tử hình theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật;

h) Người bị đề nghị mắc bệnh hiểm nghèo có chứng nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến huyện trở lên.

2. Thẩm phán ra quyết định tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có một trong các căn cứ sau đây:

a) Hành vi vi phạm pháp luật của người bị đề nghị có dấu hiệu tội phạm và Tòa án phải chuyển hồ sơ cho cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự xem xét hoặc người bị đề nghị đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi đó;

b) Khi phát sinh tình tiết mới về tình trạng sức khỏe, tâm thần của người bị đề nghị và cần yêu cầu người đề nghị tiến hành trưng cầu giám định.

3. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày lý do tạm đình chỉ quy định tại khoản 2 Điều này không còn thì Tòa án ra quyết định tiếp tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc quyết định đình chỉ xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Pháp lệnh này.

Điều 17. Quyết định mở phiên họp xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính

1. Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định mở phiên họp, Tòa án phải mở phiên họp xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

2. Quyết định mở phiên họp phải có các nội dung chính sau đây:

a) Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, nơi cư trú, số định danh cá nhân, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân (nếu có) của người bị đề nghị; họ và tên, nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị (nếu có);

b) Họ và tên, nơi cư trú của cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên;

c) Họ và tên, chức vụ, tên cơ quan của người đề nghị; họ và tên người được ủy quyền (nếu có);

d) Biện pháp được đề nghị áp dụng;

đ) Ngày, tháng, năm, địa điểm mở phiên họp trực tiếp hoặc trực tuyến;

e) Họ và tên Thẩm phán, Thư ký phiên họp;

g) Họ và tên người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị;

h) Họ và tên người phiên dịch (nếu có);

i) Họ và tên những người khác được yên cầu tham gia phiên họp (nếu có).

3. Chậm nhất là 03 ngày làm việc trước khi mở phiên họp, quyết định mở phiên họp phải được gửi cho những người quy định tại các điểm a, b, c, g, h và i khoản 2 Điều này và Viện kiểm sát cùng cấp.

Điều 18. Thành phần phiên họp

1. Người tiến hành phiên họp gồm có Thẩm phán và Thư ký phiên họp.

2. Người tham gia phiên họp gồm có người đề nghị hoặc người được ủy quyền; Kiểm sát viên; người bị đề nghị, người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị (nếu có); cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị.

3. Trường hợp cần thiết, Tòa án yêu cần người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật, chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện cơ quan, tổ chức nơi người bị đề nghị làm việc, đại diện nhà trường nơi người bị đề nghị học tập, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận nơi người bị đề nghị cư trú và những người khác tham gia phiên họp trình bày ý kiến để làm rõ các vấn đề có liên quan.

Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã tham gia phiên họp trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 72 của Luật Trẻ em.

Điều 19. Quyền và nghĩa vụ của người tham gia phiên họp

1. Yêu cầu thay đổi người tiến hành phiên họp.

2. Được biết, đọc, ghi chép, sao chụp và xem tài liệu trong hồ sơ đề nghị.

3. Cung cấp tài liệu, giải trình, trình bày ý kiến, tranh luận tại phiên họp theo quy định của Pháp lệnh này.

4. Được nhận các quyết định của Tòa án.

5. Được khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của Pháp lệnh này.

6. Phải có mặt tại phiên họp theo yêu cầu của Tòa án.

7. Tôn trọng Tòa án, chấp hành nội quy phiên họp.

8. Chấp hành quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.

9. Quyền, nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Điều 20. Tham gia phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

1. Người tham gia phiên họp quy định tại khoản 2 Điều 18 của Pháp lệnh này phải có mặt tại phiên họp; trường hợp người đề nghị hoặc người được ủy quyền, Kiểm sát viên vắng mặt thì Tòa án hoãn phiên họp.

2. Người bị đề nghị, người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị (nếu có); cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì Tòa án có thể hoãn phiên họp; nếu không có lý do chính đáng hoặc có yêu cầu xem xét vắng mặt hoặc vắng mặt lần thứ hai thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp.

3. Trường hợp người phiên dịch vắng mặt mà không có người khác thay thế ngay được thì Tòa án hoãn phiên họp.

4. Thời hạn hoãn phiên họp không quá 05 ngày làm việc kể từ ngày có thông báo hoãn. Tòa án phải thông báo về việc hoãn phiên họp cho những người tham gia phiên họp quy định tại khoản 1 Điều này và nêu rõ lý do hoãn, thời gian mở lại phiên họp. Đối với người vắng mặt tại phiên họp thì ngay sau khi hoãn phiên họp, Tòa án phải gửi ngay thông báo bằng văn bản cho họ.

Điều 21. Phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

1. Phiên họp xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính được tổ chức trực tiếp hoặc trực tuyến.

2. Trước khi khai mạc phiên họp, Thư ký phiên họp tiến hành các công việc sau đây:

a) Kiểm tra sự có mặt của những người được Tòa án yêu cầu tham dự phiên họp; nếu có người vắng mặt thì phải làm rõ lý do và báo cáo Thẩm phán để xem xét tiếp tục tiến hành phiên họp hoặc hoãn phiên họp;

b) Phổ biến nội quy phiên họp.

3. Thủ tục phiên họp được tiến hành như sau:

a) Thẩm phán tuyên bố khai mạc phiên họp;

b) Thẩm phán phải giải thích quyền và nghĩa vụ của những người tham gia phiên họp. Trường hợp có yêu cầu thay đổi Thẩm phán, Thư ký phiên họp thì Thẩm phán phải xem xét; nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh này thì tạm dừng phiên họp và báo cáo Chánh án Tòa án xem xét, quyết định. Trường hợp phải thay đổi Thẩm phán thì hoãn phiên họp, thay đổi Thư ký phiên họp mà không có Thư ký khác thay thế thì hoãn phiên họp. Việc hoãn phiên họp được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 20 của Pháp lệnh này;

c) Người đề nghị hoặc người được ủy quyền trình bày nội dung đề nghị;

d) Người bị đề nghị, người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị (nếu có), cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên trình bày ý kiến về nội dung đề nghị;

đ) Người đề nghị hoặc người được ủy quyền; người bị đề nghị, người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị (nếu có); cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị trình bày ý kiến về căn cứ áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng để thay thế cho biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng; nhân thân của người bị đề nghị; tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ; hình thức, biện pháp đã giáo dục; đề nghị hoặc không đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính; thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng;

e) Người giám định, chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện của nhà trường nơi người bị đề nghị học tập, đại diện cơ quan, tổ chức nơi người bị đề nghị làm việc, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức của thành viên của Mặt trận nơi người bị đề nghị cư trú và những người khác tham gia phiên họp trình bày ý kiến để làm rõ các vấn đề có liên quan. Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã tham gia phiên họp trình bày ý kiến về bảo vệ trẻ em;

g) Thẩm phán hỏi người đề nghị hoặc người được ủy quyền; người bị đề nghị, người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị (nếu có); cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên và những người khác tham gia phiên họp để làm rõ các vấn đề có liên quan;

h) Người bị đề nghị, người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị (nếu có); cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị tranh luận các vấn đề có liên quan với người đề nghị hoặc người được ủy quyền. Việc tranh luận được tiến hành theo sự điều hành của Thẩm phán. Người tham gia tranh luận có quyền đối đáp lại ý kiến của người khác. Thẩm phán tiến hành phiên họp không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho họ tranh luận, trình bày hết ý kiến; có quyền yêu cầu dừng những ý kiến không liên quan đến vụ việc hoặc ý kiến lặp lại;

i) Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính theo quy định của Pháp lệnh này;

k) Thẩm phán quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính; quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 16 của Pháp lệnh này và công bố nội dung quyết định ngay tại phiên họp.

Trường hợp Thẩm phán quyết định không áp dụng biện pháp xử lý hành chính mà áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng để thay thế cho biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng theo quy định tại Điều 140a của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì công bố quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng.

4. Phiên họp xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng ngoài việc thực hiện quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này còn phải được tổ chức thân thiện, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị; bảo đảm lợi ích tốt nhất của người bị đề nghị. Phòng họp được bố trí thân thiện, an toàn. Thẩm phán được phân công tiến hành phiên họp mặc trang phục hành chính của Tòa án. Cha mẹ hoặc người giám hộ, người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị (nếu có) hỗ trợ người bị đề nghị tại phiên họp. Việc hỏi người bị đề nghị phải phù hợp với tâm lý, lứa tuổi, mức độ phát triển, trình độ văn hóa và hiểu biết của họ. Câu hỏi cần ngắn gọn, đơn giản, dễ hiểu, không hỏi nhiều vấn đề cùng một lúc.

Điều 22. Biên bản phiên họp

Biên bản phiên họp xem xét, quyết định việc áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải ghi rõ ngày, tháng, năm, địa điểm mở phiên họp; thành phần tham gia phiên họp; nội dung, diễn biến phiên họp; quyết định của Thẩm phán.

Sau khi kết thúc phiên họp, Thẩm phán phải kiểm tra biên bản, cùng với Thư ký phiên họp ký vào biên bản.

Kiểm sát viên, người bị đề nghị, người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị (nếu có), cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị, người đề nghị hoặc người được ủy quyền được xem biên bản phiên họp, có quyền yêu cầu ghi những sửa đổi, bổ sung vào biên bản phiên họp và ký xác nhận.

Điều 23. Nội dung quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính và các quyết định khác

Các quyết định quy định tại điểm k khoản 3 Điều 21 của Pháp lệnh này phải có các nội dung chính sau đây:

1. Số, ngày, tháng, năm ra quyết định;

2. Tên Tòa án ra quyết định;

3. Họ và tên Thẩm phán, Thư ký phiên họp;

4. Họ và tên Kiểm sát viên tham gia phiên họp;

5. Họ và tên, chức vụ, tên cơ quan của người đề nghị; họ và tên người được ủy quyền (nếu có);

6. Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, số định danh cá nhân, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân (nếu có), nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa của người bị đề nghị; họ và tên, nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị (nếu có), người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị;

7. Biện pháp được đề nghị áp dụng;

8. Lý do và các căn cứ ra quyết định;

9. Quyết định của Thẩm phán về việc áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính; áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng; đình chỉ hoặc tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Trường hợp quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính thì phải nêu rõ biện pháp áp dụng, thời hạn áp dụng sau khi đã trừ thời gian quản lý người bị đề nghị tại trung tâm, cơ sở tiếp nhận đối tượng xã hội hoặc cơ sở cai nghiện bắt buộc của tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (nếu có); trường hợp quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng thì phải nêu rõ thời hạn áp dụng và thể hiện rõ việc không áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng;

10. Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thi hành quyết định;

11. Quyền khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định;

12. Hiệu lực của quyết định;

13. Nơi nhận quyết định.

Điều 24. Hiệu lực các quyết định của Tòa án

1. Quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng, quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quy định tại Điều 32 của Pháp lệnh này mà không có khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.

2. Các quyết định của Tòa án quy định tại Chương này, trừ các quyết định quy định tại khoản 1 Điều này có hiệu lực pháp luật kể từ ngày ra quyết định.

Điều 25. Việc gửi quyết định của Tòa án

1. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày công bố hoặc ra quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp xử lý hành chính, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng, quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Tòa án phải gửi quyết định cho những người quy định tại các khoản 1, 2 và 4 Điều 31 của Pháp lệnh này.

2. Việc gửi quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có hiệu lực pháp luật để thi hành được thực hiện theo quy định tại Điều 107 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Việc gửi quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng có hiệu lực pháp luật để thi hành được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 140a của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

Điều 26. Quản lý hồ sơ xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

Tài liệu, văn bản trong quá trình xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính phải được lập thành hồ sơ, đánh số bút lục và được lưu trữ theo quy định của pháp luật.

Chương III

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC XEM XÉT, QUYẾT ĐỊNH VIỆC HOÃN HOẶC MIỄN CHẤP HÀNH; GIẢM THỜI HẠN, TẠM ĐÌNH CHỈ HOẶC MIỄN CHẤP HÀNH PHẦN THỜI GIAN ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH CÒN LẠI

Điều 27. Nhận, thụ lý hồ sơ đề nghị hoãn hoặc miễn áp dụng biện pháp xử lý hành chính

1. Khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 111 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, người phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính hoặc người đại diện hợp pháp của họ có quyền nộp đơn đề nghị hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Đơn đề nghị và các tài liệu kèm theo được nộp trực tiếp tại Tòa án đã ra quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; gửi theo đường dịch vụ bưu chính; gửi trực tuyến bằng hình thức điện tử qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án (nếu có).

2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị và tài liệu kèm theo, Tòa án phải thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết, đồng thời thông báo bằng văn bản cho người có đơn đề nghị, người đã đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính và Viện kiểm sát cùng cấp.

3. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định; trường hợp cần thiết, Tòa án đề nghị Viện kiểm sát cùng cấp, người đã đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính có ý kiến bằng văn bản trước khi ra quyết định.

4. Sau khi xem xét đơn đề nghị, ý kiến của các cơ quan, tổ chức, cá nhân và các tài liệu kèm theo, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:

a) Quyết định hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

b) Quyết định không chấp nhận hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

5. Quyết định về việc hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có các nội dung chính sau đây:

a) Số, ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Tên Tòa án ra quyết định;

c) Họ và tên Thẩm phán;

d) Họ và tên của người có đơn đề nghị;

đ) Họ và tên, chức vụ, tên cơ quan của người đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

e) Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, số định danh cá nhân, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân (nếu có), nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa của người phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính; họ và tên, nơi cư trú của người đại diện hợp pháp của họ (nếu có);

g) Lý do, căn cứ ra quyết định;

h) Quyết định của Thẩm phán về việc cho hoãn hoặc cho miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

i) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thi hành quyết định;

k) Quyền khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định;

l) Hiệu lực của quyết định;

m) Nơi nhận quyết định.

6. Quyết định về việc hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quy định tại Điều 32 của Pháp lệnh này mà không có khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và phải được gửi cho người được quy định tại khoản 3 Điều 111 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, người đề nghị áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Viện kiểm sát cùng cấp và Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người phải chấp hành cư trú trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.

Điều 28. Giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại

1. Người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 112 của Luật Xử lý vi phạm hành chính được Tòa án xét giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại trên cơ sở đề nghị của Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc.

2. Hiệu trưởng trường giáo dưỡng, Giám đốc cơ sở giáo dục bắt buộc, Giám đốc cơ sở cai nghiện bắt buộc gửi văn bản đề nghị cho Tòa án nơi trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc có trụ sở kèm theo bản sao quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, tài liệu chứng minh người đang chấp hành biện pháp xử lý hành chính thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 112 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và các tài liệu khác có liên quan (nếu có).

3. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại, Tòa án phải thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết, đồng thời thông báo cho người có văn bản đề nghị và Viện kiểm sát cùng cấp.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét và ra quyết định; trường hợp cần thiết, Viện kiểm sát cùng cấp, người có văn bản đề nghị có ý kiến bằng văn bản trước khi Tòa án ra quyết định.

4. Sau khi xem xét hồ sơ đề nghị, Thẩm phán ra một trong các quyết định sau đây:

a) Chấp nhận toàn bộ hoặc một phần đề nghị giảm thời hạn; chấp nhận đề nghị tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại;

b) Không chấp nhận đề nghị giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại.

5. Quyết định về việc giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại có các nội dung chính sau đây:

a) Số, ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Tên Tòa án ra quyết định;

c) Họ và tên Thẩm phán;

d) Họ và tên, chức vụ của người có văn bản đề nghị quy định tại khoản 2 Điều này;

đ) Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, số định danh cá nhân, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân (nếu có), nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa của người đang chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

e) Lý do, căn cứ ra quyết định;

g) Quyết định của Thẩm phán về việc giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại;

h) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thi hành quyết định;

i) Quyền khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định;

k) Hiệu lực của quyết định;

l) Nơi nhận quyết định.

6. Quyết định về việc giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quy định tại Điều 32 của Pháp lệnh này mà không có khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và phải được gửi cho người được quy định tại khoản 3 Điều 112 của Luật Xử lý vi phạm hành chính, Viện kiểm sát cùng cấp trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.

Điều 29. Hủy bỏ quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

1. Khi điều kiện hoãn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính không còn hoặc người đang được hoãn, tạm đình chỉ thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 113 của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người được hoãn hoặc được tạm đình chỉ chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính cư trú phải gửi văn bản thông báo cho Tòa án đã ra quyết định.

2. Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản thông báo của Ủy ban nhân dân cấp xã, Chánh án Tòa án đã ra quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ phân công Thẩm phán xem xét giải quyết. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải xem xét, quyết định hủy bỏ quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ và buộc người đang được hoãn hoặc tạm đình chỉ phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

3. Quyết định buộc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có các nội dung chính sau đây:

a) Số, ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Tên Tòa án ra quyết định;

c) Họ và tên Thẩm phán;

d) Họ và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, số định danh cá nhân, chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân (nếu có), nơi cư trú, nghề nghiệp, trình độ văn hóa của người đang được hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

đ) Lý do, căn cứ ra quyết định;

e) Quyết định của Thẩm phán về việc hủy bỏ quyết định hoãn hoặc tạm đình chỉ chấp hành và buộc người đang được hoãn hoặc tạm đình chỉ phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

g) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thi hành quyết định;

h) Quyền khiếu nại, kháng nghị đối với quyết định;

i) Hiệu lực của quyết định;

k) Nơi nhận quyết định.

4. Quyết định buộc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính có hiệu lực pháp luật và phải được thi hành ngay, được gửi cho cơ quan Công an, Viện kiểm sát cùng cấp, người phải chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người phải chấp hành cư trú và cơ quan hữu quan trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định.

Chương IV

KHIẾU NẠI, KIẾN NGHỊ, KHÁNG NGHỊ; GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, KIẾN NGHỊ, KHÁNG NGHỊ TRONG VIỆC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH

Mục 1. KHIẾU NẠI, KIẾN NGHỊ, KHÁNG NGHỊ; GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, KIẾN NGHỊ, KHÁNG NGHỊ CÁC QUYẾT ĐỊNH CỦA TÒA ÁN TRONG VIỆC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH

Điều 30. Các quyết định của Tòa án có thể bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị

1. Quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính, quyết định không áp dụng biện pháp xử lý hành chính, quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng.

2. Quyết định đình chỉ, tạm đình chỉ việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

3. Quyết định về việc hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

4. Quyết định về việc giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại.

5. Quyết định buộc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính.

Điều 31. Người có quyền khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định của Tòa án

1. Người bị đề nghị hoặc người đại diện hợp pháp của họ, cha mẹ hoặc người giám hộ của người bị đề nghị là người chưa thành niên có quyền khiếu nại quyết định của Tòa án quy định tại Điều 30 của Pháp lệnh này.

2. Người đề nghị có quyền kiến nghị quyết định của Tòa án quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 30 của Pháp lệnh này khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật.

3. Người có văn bản đề nghị giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại có quyền kiến nghị quyết định của Tòa án quy định tại khoản 4 Điều 30 của Pháp lệnh này khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật.

4. Viện kiểm sát cùng cấp có quyền kháng nghị quyết định của Tòa án quy định tại Điều 30 của Pháp lệnh này khi có căn cứ cho rằng quyết định đó là trái pháp luật.

Điều 32. Thời hạn khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quyết định của Tòa án

1. Thời hạn khiếu nại là 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án công bố quyết định. Trường hợp người có quyền khiếu nại vắng mặt tại phiên họp hoặc trường hợp Tòa án không mở phiên họp và ra quyết định mà Pháp lệnh này quy định được quyền khiếu nại đối với quyết định đó thì thời hạn khiếu nại là 05 ngày làm việc kể từ ngày người có quyền khiếu nại nhận được quyết định của Tòa án.

Trường hợp do sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà người khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn thì thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hạn khiếu nại.

2. Thời hạn kiến nghị, kháng nghị là 05 ngày làm việc kể từ ngày Tòa án công bố quyết định. Trường hợp Tòa án không mở phiên họp và ra quyết định mà Pháp lệnh này quy định được quyền kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định đó thì thời hạn kiến nghị, kháng nghị là 05 ngày làm việc kể từ ngày người có quyền kiến nghị, kháng nghị nhận được quyết định của Tòa án.

Điều 33. Thủ tục khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quyết định của Tòa án

1. Người khiếu nại gửi đơn đến Tòa án đã ra quyết định, trong đó nêu rõ lý do, căn cứ khiếu nại và tài liệu bổ sung (nếu có) để chứng minh cho khiếu nại của mình.

2. Người kiến nghị, Viện kiểm sát cùng cấp kháng nghị gửi văn bản kiến nghị, kháng nghị đến Tòa án đã ra quyết định, trong đó nêu rõ lý do và căn cứ kiến nghị, kháng nghị.

Điều 34. Thủ tục giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị quyết định của Tòa án

1. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, văn bản kiến nghị, kháng nghị, Tòa án nhân dân cấp huyện đã ra quyết định bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị phải gửi đơn khiếu nại, văn bản kiến nghị, kháng nghị kèm theo hồ sơ cho Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền để xem xét, giải quyết; đồng thời, thông báo bằng văn bản về việc khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị cho cá nhân, cơ quan có liên quan và Viện kiểm sát cùng cấp.

2. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại, văn bản kiến nghị, kháng nghị kèm theo hồ sơ, Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền phải thụ lý và phân công Thẩm phán xem xét, giải quyết, đồng thời thông báo bằng văn bản cho người khiếu nại, người kiến nghị và Viện kiểm sát cùng cấp.

3. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày được phân công, Thẩm phán phải mở phiên họp xem xét, giải quyết. Chậm nhất là 03 ngày làm việc trước khi mở phiên họp, Tòa án phải gửi thông báo bằng văn bản việc mở phiên họp cho những người quy định tại khoản 4 Điều này.

4. Phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị có sự tham gia của những người sau đây:

a) Người bị đề nghị, người khiếu nại; người đại diện hợp pháp của người bị đề nghị (nếu có); người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị;

b) Người đề nghị hoặc người được ủy quyền;

c) Kiểm sát viên Viện kiểm sát cùng cấp;

đ) Trường hợp cần thiết, Tòa án yêu cầu người giám định, người phiên dịch, người dịch thuật, chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện cơ quan, tổ chức nơi người bị đề nghị làm việc, đại diện nhà trường nơi người bị đề nghị học tập, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận nơi người bị đề nghị cư trú và những người khác tham gia phiên họp trình bày ý kiến để làm rõ các vấn đề có liên quan. Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã tham gia phiên họp trong trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 72 của Luật Trẻ em.

5. Trường hợp người khiếu nại vắng mặt lần thứ nhất có lý do chính đáng thì Tòa án phải hoãn phiên họp; nếu không có lý do chính đáng hoặc có yêu cầu xem xét vắng mặt hoặc vắng mặt lần thứ hai thì Tòa án vẫn tiến hành phiên họp. Trường hợp một trong những người quy định tại điểm b và điểm c khoản 4 Điều này vắng mặt thì Tòa án phải hoãn phiên họp. Việc hoãn phiên họp được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 20 của Pháp lệnh này.

6. Người khiếu nại rút khiếu nại, người kiến nghị rút kiến nghị hoặc Viện kiểm sát rút kháng nghị thì Tòa án ra quyết định đình chỉ việc xem xét khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; trường hợp này, quyết định đã bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày Tòa án ra quyết định đình chỉ.

Điều 35. Phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định của Tòa án

1. Các quy định tại khoản 1 và khoản 4 Điều 21 của Pháp lệnh này được thực hiện tại phiên họp xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định của Tòa án.

2. Trước khi khai mạc phiên họp, Thư ký phiên họp tiến hành các công việc sau đây:

a) Kiểm tra sự có mặt của những người được Tòa án triệu tập tham gia phiên họp, nếu có người vắng mặt thì phải làm rõ lý do và báo cáo Thẩm phán để xem xét tiếp tục tiến hành phiên họp hoặc hoãn phiên họp;

b) Phổ biến nội quy phiên họp.

3. Thủ tục phiên họp được tiến hành như sau:

a) Thẩm phán tuyên bố khai mạc phiên họp;

b) Thẩm phán phải giải thích quyền và nghĩa vụ của những người tham gia phiên họp. Trường hợp có yêu cầu thay đổi Thẩm phán, Thư ký phiên họp thì Thẩm phán phải xem xét; nếu thuộc trường hợp quy định tại Điều 11 của Pháp lệnh này thì tạm dừng phiên họp và báo cáo Chánh án Tòa án xem xét, quyết định. Trường hợp phải thay đổi Thẩm phán thì hoãn phiên họp, thay đổi Thư ký phiên họp mà không có Thư ký khác thay thế thì hoãn phiên họp. Việc hoãn phiên họp được thực hiện theo quy định tại khoản 4 Điều 20 của Pháp lệnh này;

c) Người khiếu nại trình bày nội dung khiếu nại; người kiến nghị hoặc người được ủy quyền trình bày nội dung kiến nghị; Kiểm sát viên trình bày nội dung kháng nghị;

d) Người bị đề nghị, người đại diện hợp pháp của họ (nếu có) hình bày ý kiến về nội dung kiến nghị, kháng nghị; người đề nghị hoặc người được ủy quyền trình bày ý kiến về nội dung khiếu nại, kháng nghị;

đ) Người giám định, chuyên gia y tế, tâm lý, giáo dục, xã hội học, đại diện của nhà trường nơi người bị đề nghị học tập, đại diện cơ quan, tổ chức nơi người bị đề nghị làm việc, đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã, đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cấp xã và các tổ chức thành viên của Mặt trận nơi người bị đề nghị cư trú và những người khác tham gia phiên họp trình bày ý kiến để làm rõ các vấn đề có liên quan. Người làm công tác bảo vệ trẻ em cấp xã tham gia phiên họp trình bày ý kiến về bảo vệ trẻ em;

e) Thẩm phán hỏi người khiếu nại, người kiến nghị, Kiểm sát viên trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị và những người khác tham gia phiên họp để làm rõ các vấn đề có liên quan đến nội dung khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị;

g) Người bị đề nghị, người đại diện hợp pháp của họ (nếu có) tranh luận các vấn đề có liên quan với người kiến nghị, Kiểm sát viên trong trường hợp Viện kiểm sát kháng nghị; người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị đề nghị tranh luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị đề nghị. Việc tranh luận được tiến hành theo sự điều hành của Thẩm phán. Người tham gia tranh luận có quyền đối đáp lại ý kiến của người khác. Thẩm phán tiến hành phiên họp không được hạn chế thời gian tranh luận, tạo điều kiện cho họ tranh luận, trình bày hết ý kiến; có quyền yêu cầu dừng những ý kiến không liên quan đến vụ việc hoặc ý kiến lặp lại;

h) Kiểm sát viên phát biểu ý kiến về tính hợp pháp của các hành vi, quyết định của Tòa án, cơ quan, tổ chức, cá nhân trong việc xem xét khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị theo quy định của Pháp lệnh này.

4. Thẩm phán công bố một trong các quyết định theo thẩm quyền quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh này.

Điều 36. Thẩm quyền của Thẩm phán giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị đối với quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện

1. Không chấp nhận khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; giữ nguyên quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện.

2. Chấp nhận một phần khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; sửa quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện về thời hạn áp dụng biện pháp xử lý hành chính, biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng.

3. Chấp nhận khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; sửa quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng của Tòa án nhân dân cấp huyện; quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng.

4. Chấp nhận khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; hủy quyết định áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng của Tòa án nhân dân cấp huyện; trả hồ sơ cho Tòa án nhân dân cấp huyện để xem xét, giải quyết theo quy định của Pháp lệnh này.

5. Hủy quyết định không dụng biện pháp xử lý hành chính; trả hồ sơ cho Tòa án nhân dân cấp huyện để xem xét, giải quyết theo quy định của Pháp lệnh này.

6. Hủy quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện và đình chỉ việc xem xét, áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có một trong các căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 16 của Pháp lệnh này.

7. Hủy quyết định đình chỉ hoặc tạm đình chỉ việc xem xét áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi không có căn cứ quy định tại Điều 16 của Pháp lệnh này; trả hồ sơ cho Tòa án nhân dân cấp huyện để xem xét, giải quyết theo quy định của Pháp lệnh này.

8. Hủy quyết định hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án nhân dân cấp huyện và buộc chấp hành biện pháp xử lý hành chính khi không có căn cứ quy định tại Điều 111 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

9. Hủy quyết định không chấp nhận việc hoãn hoặc miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án nhân dân cấp huyện và chấp nhận đề nghị cho hoãn, miễn chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có căn cứ quy định tại Điều 111 của Luật Xử lý vi phạm hành chính.

10. Hủy quyết định giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại của Tòa án nhân dân cấp huyện khi quyết định giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại không có căn cứ quy định tại Điều 112 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 28 của Pháp lệnh này.

11. Hủy quyết định không chấp nhận đề nghị giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại của Tòa án nhân dân cấp huyện và quyết định việc giảm thời hạn, tạm đình chỉ hoặc miễn chấp hành phần thời gian áp dụng biện pháp xử lý hành chính còn lại khi có căn cứ quy định tại Điều 112 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 28 của Pháp lệnh này.

12. Hủy quyết định buộc chấp hành quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính của Tòa án nhân dân cấp huyện khi không có căn cứ quy định tại khoản 2 Điều 113 của Luật Xử lý vi phạm hành chính và Điều 29 của Pháp lệnh này.

13. Đình chỉ việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị khi người khiếu nại, kiến nghị, Viện kiểm sát nhân dân kháng nghị rút toàn bộ khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị; trường hợp này, quyết định của Tòa án nhân dân cấp huyện có hiệu lực pháp luật.

Điều 37. Nội dung và hiệu lực của quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị

1. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị có các nội dung chính sau đây:

a) Số, ngày, tháng, năm ra quyết định;

b) Tên Tòa án ra quyết định;

c) Họ và tên Thẩm phán, Thư ký phiên họp;

d) Họ và tên Kiểm sát viên tham gia phiên họp;

đ) Họ và tên người bị đề nghị, người khiếu nại; họ và tên, chức vụ, tên cơ quan của người kiến nghị, họ và tên người được ủy quyền (nếu có); tên Viện kiểm sát kháng nghị;

e) Nội dung khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị;

g) Lý do, căn cứ và nội dung của việc giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị;

h) Trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân thi hành quyết định;

i) Hiệu lực của quyết định;

k) Nơi nhận quyết định.

2. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị có hiệu lực ngay.

Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày công bố quyết định, Tòa án phải gửi quyết định cho những người được quy định tại khoản 2 Điều 25 của Pháp lệnh này, Viện kiểm sát cùng cấp, Viện kiểm sát đã kháng nghị, người đã kiến nghị và Tòa án đã ra quyết định bị khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị.

3. Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị và các tài liệu, văn bản do Tòa án thu thập, ban hành trong Quá trình xem xét, giải quyết khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị phải được đánh số bút lục và được lưu trữ theo quy định của pháp luật.

Mục 2. KHIẾU NẠI, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI HÀNH VI CỦA NGƯỜI CÓ THẨM QUYỀN CỦA TÒA ÁN TRONG VIỆC ÁP DỤNG BIỆN PHÁP XỬ LÝ HÀNH CHÍNH

Điều 38. Hành vi có thể bị khiếu nại trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính

Cơ quan, tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại hành vi của Chánh án, Thẩm phán, Thư ký Tòa án trong việc giao, nhận hồ sơ, thụ lý, phân công Thẩm phán, yêu cầu bổ sung tài liệu, chứng cứ, gửi thông báo, quyết định của Tòa án, mở phiên họp, thành phần phiên họp, thời hạn giải quyết và hành vi khác trong việc xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Điều 39. Quyền, nghĩa vụ của người khiếu nại

1. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khiếu nại có các quyền sau đây:

a) Tự mình khiếu nại hoặc khiếu nại thông qua người đại diện hợp pháp;

b) Khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính;

c) Rút khiếu nại trong bất kỳ giai đoạn nào của quá trình giải quyết khiếu nại;

d) Được nhận văn bản trả lời về việc thụ lý để giải quyết khiếu nại, nhận quyết định giải quyết khiếu nại;

đ) Được khôi phục quyền, lợi ích hợp pháp đã bị xâm phạm, được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

2. Cơ quan, tổ chức, cá nhân khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:

a) Khiếu nại đến đúng người có thẩm quyền giải quyết;

b) Trình bày trung thực sự việc, cung cấp thông tin, tài liệu cho người giải quyết khiếu nại; chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung trình bày và việc cung cấp thông tin, tài liệu đó;

c) Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật.

Điều 40. Quyền, nghĩa vụ của người bị khiếu nại

1. Người bị khiếu nại có các quyền sau đây:

a) Đưa ra bằng chứng về tính hợp pháp của hành vi bị khiếu nại;

b) Được nhận quyết định giải quyết khiếu nại về hành vi bị khiếu nại.

2. Người bị khiếu nại có các nghĩa vụ sau đây:

a) Giải trình về hành vi bị khiếu nại; cung cấp thông tin, tài liệu liên quan khi người có thẩm quyền yêu cầu;

b) Chấp hành quyết định giải quyết khiếu nại đã có hiệu lực pháp luật;

c) Bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi trái pháp luật của mình gây ra theo quy định của pháp luật.

Điều 41. Thời hạn khiếu nại

Thời hạn khiếu nại là 03 ngày làm việc kể từ ngày cơ quan, tổ chức, cá nhân khiếu nại biết được và cho rằng hành vi của người có thẩm quyền là trái pháp luật.

Trường hợp có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan mà cơ quan, tổ chức, cá nhân khiếu nại không thực hiện được quyền khiếu nại theo đúng thời hạn quy định tại Điều này thì thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan đó không tính vào thời hạn khiếu nại.

Điều 42. Thẩm quyền và thời hạn giải quyết khiếu nại

1. Khiếu nại hành vi của Thẩm phán, Thư ký Tòa án nhân dân cấp huyện do Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại; nếu không đồng ý với kết quả giải quyết thì trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định giải quyết khiếu nại của Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện, người khiếu nại có quyền khiếu nại đến Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải xem xét, giải quyết. Quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh là quyết định cuối cùng.

Khiếu nại hành vi của Chánh án Tòa án nhân dân cấp huyện do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh là quyết định cuối cùng.

2. Khiếu nại hành vi của Thẩm phán, Thư ký Tòa án nhân dân cấp tỉnh do Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền giải quyết. Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh phải xem xét, giải quyết. Quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh là quyết định cuối cùng.

3. Khiếu nại hành vi của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh do Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao trong phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ xem xét, giải quyết trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại. Quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao là quyết định cuối cùng.

4. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định, Tòa án phải gửi quyết định giải quyết khiếu nại cho cơ quan, tổ chức, cá nhân đã khiếu nại và Viện kiểm sát cùng cấp.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 43. Hiệu lực thi hành

1. Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 02 năm 2023.

2. Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân số 09/2014/UBTVQH13 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội hết hiệu lực kể từ ngày Pháp lệnh này có hiệu lực thi hành, trừ trường hợp quy định tại Điều 44 của Pháp lệnh này.

Điều 44. Điều khoản chuyển tiếp

1. Đối với những vụ việc đã được Tòa án nhân dân cấp huyện thụ lý, giải quyết theo quy định tại Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 nhưng đến ngày 01 tháng 02 năm 2023 chưa kết thúc thì tiếp tục áp dụng quy định của Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 để xem xét, giải quyết cho đến khi kết thúc vụ việc, trừ các nội dung sau đây thì áp dụng quy định của Pháp lệnh này:

a) Các quy định bảo đảm thủ tục thân thiện đối với người chưa thành niên tại khoản 1 và khoản 3 Điều 2, khoản 1 Điều 10, khoản 2 và khoản 3 Điều 13, khoản 3 Điều 18, điểm e khoản 3 và khoản 4 Điều 21, điểm d khoản 4 Điều 34, khoản 1 và điểm đ khoản 3 Điều 35 của Pháp lệnh này;

b) Việc đình chỉ xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính quy định tại điểm h khoản 1 Điều 16 của Pháp lệnh này;

c) Việc áp dụng biện pháp giáo dục dựa vào cộng đồng;

d) Các quy định khác của Pháp lệnh này có lợi cho người bị đề nghị.

2. Đối với những vụ việc đã được Tòa án nhân dân cấp huyện giải quyết theo quy định của Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13 mà có khiếu nại, kiến nghị, kháng nghị thì từ ngày 01 tháng 02 năm 2023 Tòa án nhân dân cấp tỉnh giải quyết theo Pháp lệnh số 09/2014/UBTVQH13, trừ các nội dung quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 1 Điều này thì áp dụng quy định của Pháp lệnh này.

Pháp lệnh này được Ủy ban Thường vụ Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XV, phiên họp thứ 18 thông qua ngày 13 tháng 12 năm 2022.

TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH




Vương Đình Huệ

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Pháp lệnh Trình tự, thủ tục xem xét, quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính tại Tòa án nhân dân 2022

  • Số hiệu: 03/2022/UBTVQH15
  • Loại văn bản: Pháp lệnh
  • Ngày ban hành: 13/12/2022
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
  • Người ký: Vương Đình Huệ
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/02/2023
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản