UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 39/2001/PL-UBTVQH10 | Hà Nội, ngày 16 tháng 11 năm 2001 |
CỦA UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI SỐ 39/2001/PL-UBTVQH10 NGÀY 16 THÁNG 11 NĂM 2001 VỀ QUẢNG CÁO
Để nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về quảng cáo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992;
Căn cứ vào Nghị quyết của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 8 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2001;
Pháp lệnh này quy định về quảng cáo.
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng
1. Pháp lệnh này quy định về hoạt động quảng cáo; quyền, nghĩa vụ của tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo.
2. Pháp lệnh này áp dụng đối với tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động quảng cáo trên lãnh thổ Việt Nam. Trong trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác thì áp dụng điều ước quốc tế đó.
Điều 2. Quyền quảng cáo của tổ chức, cá nhân
Tổ chức, cá nhân có quyền trực tiếp quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ của mình hoặc thuê tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thực hiện quảng cáo cho mình.
Điều 3. Chính sách của Nhà nước đối với hoạt động quảng cáo
1. Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người tiêu dùng.
2. Nhà nước tạo điều kiện để người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo phát triển đa dạng các loại hình quảng cáo, nâng cao chất lượng quảng cáo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
3. Nhà nước khuyến khích người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức, cá nhân nước ngoài hợp tác, đầu tư phát triển dịch vụ quảng cáo ở Việt Nam .
Trong Pháp lệnh này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Quảng cáo là giới thiệu đến người tiêu dùng về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ, bao gồm dịch vụ có mục đích sinh lời và dịch vụ không có mục đích sinh lời.
Dịch vụ có mục đích sinh lời là dịch vụ nhằm tạo ra lợi nhuận cho tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ.
Dịch vụ không có mục đích sinh lời là dịch vụ không nhằm tạo ra lợi nhuận cho tổ chức, cá nhân cung ứng dịch vụ.
2. Người quảng cáo là tổ chức, cá nhân có nhu cầu quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ của mình.
3. Sản phẩm quảng cáo là sản phẩm thể hiện nội dung quảng cáo, hình thức quảng cáo.
4. Người phát hành quảng cáo là tổ chức, cá nhân đưa sản phẩm quảng cáo đến người tiêu dùng, bao gồm cơ quan báo chí, nhà xuất bản, tổ chức quản lý mạng thông tin máy tính, người tổ chức chương trình văn hoá, thể thao, hội chợ, triển lãm và tổ chức, cá nhân sử dụng phương tiện quảng cáo khác.
5. Xúc tiến quảng cáo là hoạt động tìm kiếm, thúc đẩy cơ hội ký kết hợp đồng dịch vụ quảng cáo và cung ứng các dịch vụ quảng cáo.
6. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình hoạt động quảng cáo nhằm mục đích sinh lời.
Điều 5. Những hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động quảng cáo
Nghiêm cấm các hành vi sau đây:
1. Quảng cáo làm tiết lộ bí mật nhà nước, phương hại đến độc lập, chủ quyền quốc gia, quốc phòng, an ninh và an toàn xã hội;
2. Quảng cáo trái với truyền thống lịch sử, văn hoá, đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc Việt Nam;
3. Sử dụng Quốc kỳ, Đảng kỳ, Quốc huy, Quốc ca hoặc giai điệu Quốc ca, hình ảnh lãnh tụ, hình ảnh đồng tiền Việt Nam, hình ảnh biển báo giao thông để quảng cáo;
4. Quảng cáo gian dối;
5. Quảng cáo làm ảnh hưởng xấu đến mỹ quan đô thị, cảnh quan, môi trường và trật tự an toàn giao thông;
6. Lợi dụng quảng cáo để xúc phạm danh dự, uy tín hoặc xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân;
7. Quảng cáo sản phẩm, hàng hoá chưa được phép lưu thông, dịch vụ chưa được phép thực hiện tại thời điểm quảng cáo;
8. Quảng cáo hàng hoá, dịch vụ mà pháp luật cấm kinh doanh hoặc cấm quảng cáo.
1. Nội dung quảng cáo bao gồm thông tin quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ.
2. Thông tin quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ phải bảo đảm trung thực, chính xác, rõ ràng, không gây thiệt hại cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
1. Hình thức quảng cáo là sự thể hiện sản phẩm quảng cáo bằng tiếng nói, chữ viết, biểu tượng, mầu sắc, ánh sáng, hình ảnh, hành động, âm thanh và các hình thức khác.
2. Hình thức quảng cáo phải rõ ràng, dễ hiểu, có tính thẩm mỹ.
3. Hình thức quảng cáo phải có dấu hiệu phân biệt những thông tin quảng cáo với những thông tin không phải là quảng cáo để không gây nhầm lẫn cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Điều 8. Tiếng nói, chữ viết trong quảng cáo
1. Tiếng nói, chữ viết dùng trong quảng cáo là tiếng Việt, trừ những trường hợp sau:
a) Từ ngữ đã được quốc tế hoá, thương hiệu hoặc từ ngữ không thay thế được bằng tiếng Việt;
b) Quảng cáo thông qua sách, báo, ấn phẩm được phép xuất bản bằng tiếng dân tộc thiểu số ở Việt Nam, tiếng nước ngoài; chương trình phát thanh, truyền hình bằng tiếng dân tộc thiểu số ở Việt Nam, tiếng nước ngoài.
2. Trong trường hợp sử dụng cả tiếng Việt, tiếng dân tộc thiểu số ở Việt Nam, tiếng nước ngoài trên cùng một sản phẩm quảng cáo thì viết tiếng Việt trước, tiếp đến tiếng dân tộc thiểu số, tiếng nước ngoài và khổ chữ tiếng dân tộc thiểu số, khổ chữ tiếng nước ngoài không được lớn hơn khổ chữ tiếng Việt.
Phương tiện quảng cáo bao gồm:
1. Báo chí gồm báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử;
2. Mạng thông tin máy tính;
3. Xuất bản phẩm gồm cả phim, ảnh, băng hình, đĩa hình, băng âm thanh, đĩa âm thanh;
4. Chương trình hoạt động văn hoá, thể thao;
5. Hội chợ, triển lãm;
6. Bảng, biển, pa-nô, băng-rôn, màn hình đặt nơi công cộng;
7. Vật phát quang, vật thể trên không, dưới nước;
8. Phương tiện giao thông, vật thể di động khác;
9. Hàng hoá;
10. Các phương tiện quảng cáo khác theo quy định của pháp luật.
Điều 10. Quảng cáo trên báo chí
1. Báo in được quảng cáo không quá 10% diện tích, trừ báo chuyên quảng cáo; mỗi đợt quảng cáo cho một sản phẩm quảng cáo không quá 5 ngày đối với báo hàng ngày hoặc 5 số liên tục đối với báo phát hành theo định kỳ; các đợt quảng cáo cách nhau ít nhất 5 ngày đối với báo hàng ngày hoặc ít nhất 4 số liên tục đối với báo phát hành theo định kỳ; không quảng cáo hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ trên trang một, bìa một.
2. Báo nói được quảng cáo không quá 5% thời lượng của chương trình, trừ kênh chuyên quảng cáo; mỗi đợt phát sóng đối với một sản phẩm quảng cáo không quá 8 ngày, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định; mỗi ngày không quá 10 lần; các đợt quảng cáo cách nhau ít nhất 5 ngày; không quảng cáo ngay sau nhạc hiệu, trong chương trình thời sự.
3. Báo hình được quảng cáo không quá 5% thời lượng của chương trình, trừ kênh chuyên quảng cáo; mỗi đợt phát sóng đối với một sản phẩm quảng cáo không quá 8 ngày, trừ trường hợp đặc biệt do Chính phủ quy định; mỗi ngày không quá 10 lần; các đợt quảng cáo cách nhau ít nhất 5 ngày; không quảng cáo ngay sau hình hiệu, trong chương trình thời sự.
4. Báo điện tử được quảng cáo như đối với báo in quy định tại khoản 1 Điều này.
Điều 11. Quảng cáo trên mạng thông tin máy tính
Việc quảng cáo trên mạng thông tin máy tính phải được thực hiện theo đúng các quy định của pháp luật về quảng cáo, dịch vụ truy nhập, dịch vụ kết nối và việc cung cấp các loại hình dịch vụ quảng cáo trên mạng thông tin máy tính; thực hiện các quy định về kỹ thuật, nghiệp vụ nhằm bảo đảm bí mật nhà nước.
Điều 12. Quảng cáo trên xuất bản phẩm
Việc quảng cáo trên xuất bản phẩm được thực hiện theo các quy định sau đây:
1. Chỉ được quảng cáo trên bìa vở học sinh những sản phẩm quảng cáo có nội dung phục vụ cho việc học tập;
2. Phim, băng hình, đĩa hình, băng âm thanh, đĩa âm thanh và các phương tiện ghi tin khác được quảng cáo không quá 5% thời lượng chương trình;
3. Không được quảng cáo hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ trên bìa một của các loại sách; không được quảng cáo trong sách giáo khoa, giáo trình, các tác phẩm chính trị;
4. Các quy định khác của pháp luật về xuất bản và các quy định của Pháp lệnh này.
Điều 13. Quảng cáo trong chương trình hoạt động văn hoá, thể thao, hội chợ, triển lãm
Việc quảng cáo thông qua chương trình hoạt động văn hoá, thể thao, hội chợ, triển lãm phải được thực hiện theo quy định của pháp luật về nghệ thuật biểu diễn, thể thao, hội chợ, triển lãm và các quy định của Pháp lệnh này.
Điều 14. Quảng cáo trên các phương tiện khác
Việc quảng cáo trên các phương tiện quy định tại các điểm 6, 7, 8 và 10 Điều 9 của Pháp lệnh này phải tuân thủ các quy định của pháp luật về quảng cáo, về quy hoạch đô thị và nông thôn, bảo đảm mỹ quan đô thị, cảnh quan, môi trường, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.
Điều 15. Điều kiện đối với quảng cáo hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ
1. Điều kiện quảng cáo đối với hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ được quy định như sau:
a) Quảng cáo hàng hoá thuộc danh mục phải kiểm tra về chất lượng hoặc thuộc danh mục phải có chứng nhận chất lượng phải có giấy chứng nhận của cơ quan quản lý nhà nước về chất lượng hàng hoá; trường hợp tự công bố tiêu chuẩn chất lượng hàng hoá thì phải có văn bản tự công bố; trường hợp hàng hoá là đối tượng sở hữu trí tuệ thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu trí tuệ;
b) Quảng cáo tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải đăng ký quyền sở hữu thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu tài sản;
c) Quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
d) Việc quảng cáo trên mạng thông tin máy tính; trên bảng, biển, pa-nô, băng-rôn, màn hình đặt nơi công cộng, vật phát quang, vật thể trên không, dưới nước, phương tiện giao thông, vật thể di động khác phải có giấy phép thực hiện quảng cáo do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về Văn hoá - Thông tin cấp.
2. Người quảng cáo phải xuất trình các văn bản quy định tại khoản 1 Điều này cho người kinh doanh dịch vụ quảng cáo hoặc người phát hành quảng cáo; người kinh doanh dịch vụ quảng cáo phải xuất trình các văn bản quy định tại khoản 1 Điều này cho người phát hành quảng cáo.
Điều 16. Thẩm quyền và thủ tục cấp giấy phép thực hiện quảng cáo
1. Bộ Văn hoá - Thông tin cấp giấy phép thực hiện quảng cáo trên mạng thông tin máy tính, kênh, chương trình phát thanh, kênh, chương trình truyền hình chuyên quảng cáo và đối với phụ trang, phụ bản chuyên quảng cáo.
2. Sở Văn hoá - Thông tin cấp giấy phép thực hiện quảng cáo trên bảng, biển, pa-nô, băng-rôn, màn hình đặt nơi công cộng, vật phát quang, vật thể trên không, dưới nước, phương tiện giao thông, vật thể di động khác.
3. Bộ Văn hoá - Thông tin quy định cụ thể thủ tục cấp giấy phép thực hiện quảng cáo.
Điều 17. Hợp đồng dịch vụ quảng cáo
Việc thuê dịch vụ quảng cáo phải được xác lập bằng hợp đồng. Hợp đồng dịch vụ quảng cáo phải được lập thành văn bản có những nội dung sau đây:
1. Tên, địa chỉ các bên ký kết hợp đồng;
2. Hình thức, nội dung, phương tiện, sản phẩm quảng cáo;
3. Thời gian, địa điểm, phạm vi quảng cáo;
4. Phí dịch vụ, các chi phí khác có liên quan và phương thức thanh toán;
5. Quyền, nghĩa vụ của các bên;
6. Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng;
7. Các nội dung khác do các bên thoả thuận.
HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO CÓ YẾU TỐ NƯỚC NGOÀI
Điều 18. Quảng cáo của tổ chức, cá nhân nước ngoài
1. Tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động tại Việt Nam được trực tiếp quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ của mình hoặc thuê người kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam, người phát hành quảng cáo Việt Nam thực hiện quảng cáo cho mình.
2. Tổ chức, cá nhân nước ngoài không hoạt động tại Việt Nam muốn quảng cáo tại Việt Nam về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ của mình phải thuê người kinh doanh dịch vụ quảng cáo Việt Nam, người phát hành quảng cáo Việt Nam thực hiện quảng cáo cho mình.
Điều 19. Văn phòng đại diện quảng cáo
Văn phòng đại diện của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam chỉ được hoạt động sau khi có giấy phép mở văn phòng đại diện của cơ quan nhà nước có thẩm quyền và chỉ thực hiện việc xúc tiến quảng cáo, không được trực tiếp kinh doanh dịch vụ quảng cáo.
Tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài được đặt chi nhánh tại Việt Nam để thực hiện kinh doanh dịch vụ quảng cáo.
Chính phủ quy định cụ thể việc thành lập và hoạt động của chi nhánh quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 21. Hợp tác, đầu tư trong hoạt động quảng cáo
Tổ chức, cá nhân Việt Nam kinh doanh dịch vụ quảng cáo được hợp tác, đầu tư trong hoạt động quảng cáo với tổ chức, cá nhân nước ngoài theo quy định của pháp luật.
Điều 22. Quảng cáo ở nước ngoài
Tổ chức, cá nhân Việt Nam được quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ của mình ở nước ngoài theo quy định của pháp luật.
QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA TỔ CHỨC, CÁ NHÂN HOẠT ĐỘNG QUẢNG CÁO
Điều 23. Quyền và nghĩa vụ của người quảng cáo
1. Người quảng cáo có các quyền sau đây:
a) Quảng cáo về hoạt động kinh doanh, hàng hoá, dịch vụ của mình;
b) Lựa chọn người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, phương tiện và hình thức quảng cáo;
c) Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm quảng cáo của mình;
d) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Người quảng cáo có các nghĩa vụ sau đây:
a) Quảng cáo phù hợp với nội dung của giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
b) Đảm bảo nội dung quảng cáo phải trung thực, chính xác;
c) Thực hiện các nghĩa vụ đã ký kết trong hợp đồng;
d) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 24. Quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo
1. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có các quyền sau đây:
a) Lựa chọn hình thức, lĩnh vực kinh doanh dịch vụ quảng cáo;
b) Yêu cầu người quảng cáo cung cấp thông tin trung thực, chính xác về nội dung quảng cáo;
c) Đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm quảng cáo của mình;
d) Hợp tác với tổ chức, cá nhân trong hoạt động quảng cáo;
đ) Tham gia Hiệp hội quảng cáo trong nước và nước ngoài;
e) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện đúng các quy định của giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh;
b) Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về quảng cáo;
c) Thực hiện các nghĩa vụ đã ký kết trong hợp đồng dịch vụ quảng cáo;
d) Bồi thường thiệt hại do mình gây ra;
đ) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 25. Quyền và nghĩa vụ của người phát hành quảng cáo
1. Người phát hành quảng cáo được quảng cáo trên phương tiện của mình và thu phí dịch vụ phát hành quảng cáo theo quy định của pháp luật.
2. Người phát hành quảng cáo có các nghĩa vụ sau đây:
a) Tuân thủ các quy định của pháp luật về báo chí, xuất bản, về quản lý mạng thông tin máy tính, chương trình hoạt động văn hoá, thể thao, hội chợ, triển lãm và Pháp lệnh này trong việc sử dụng báo chí, xuất bản phẩm, mạng thông tin máy tính, chương trình hoạt động văn hoá, thể thao, hội chợ, triển lãm và phương tiện quảng cáo khác để quảng cáo;
b) Thực hiện hợp đồng phát hành quảng cáo đã ký kết với người quảng cáo hoặc người kinh doanh dịch vụ quảng cáo;
c) Bồi thường thiệt hại do mình gây ra;
d) Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.
Điều 26. Quyền và nghĩa vụ của người cho thuê phương tiện để quảng cáo
1. Người cho thuê phương tiện để quảng cáo có các quyền sau đây:
a) Lựa chọn người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo;
b) Thu phí từ việc cho thuê phương tiện để quảng cáo theo thỏa thuận trong hợp đồng;
c) Các quyền khác trong việc cho thuê phương tiện để quảng cáo theo quy định của pháp luật.
2. Người cho thuê phương tiện để quảng cáo có các nghĩa vụ sau đây:
a) Thực hiện đúng các nghĩa vụ trong hợp đồng cho thuê phương tiện để quảng cáo đã ký kết;
b) Bồi thường thiệt hại do mình gây ra;
c) Thực hiện các nghĩa vụ khác trong việc cho thuê phương tiện để quảng cáo theo quy định của pháp luật.
Điều 27. Thuế, phí, lệ phí quảng cáo
Người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo, người cho thuê phương tiện quảng cáo có nghĩa vụ nộp thuế, phí, lệ phí theo quy định của pháp luật.
Điều 28. Nội dung quản lý nhà nước về quảng cáo
Nội dung quản lý nhà nước về quảng cáo bao gồm:
1. Xây dựng, chỉ đạo thực hiện quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển quảng cáo;
2. Ban hành, tổ chức thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về quảng cáo;
3. Cấp, thu hồi giấy phép thực hiện quảng cáo; giấy phép đặt văn phòng đại diện quảng cáo, chi nhánh quảng cáo của tổ chức, cá nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo nước ngoài tại Việt Nam;
4. Tổ chức, quản lý công tác đào tạo, nghiên cứu, ứng dụng khoa học và công nghệ trong lĩnh vực quảng cáo;
5. Thực hiện hợp tác quốc tế về quảng cáo;
6. Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và xử lý vi phạm pháp luật về quảng cáo.
Điều 29. Cơ quan quản lý nhà nước về quảng cáo
1. Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước về quảng cáo.
2. Bộ Văn hoá - Thông tin chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo.
4. Uỷ ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình thực hiện quản lý nhà nước về quảng cáo tại địa phương theo phân cấp của Chính phủ.
Thanh tra nhà nước về Văn hoá - Thông tin thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về quảng cáo.
Nhiệm vụ cụ thể của Thanh tra nhà nước về Văn hoá - Thông tin chuyên ngành quảng cáo do Chính phủ quy định.
Điều 31. Khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại; cá nhân có quyền tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo.
2. Tổ chức, cá nhân có thẩm quyền nhận được khiếu nại, tố cáo có trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Tổ chức, cá nhân có thành tích trong hoạt động quảng cáo thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.
1. Người nào có hành vi vi phạm pháp luật về quảng cáo thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
2. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn vi phạm các quy định về việc cấp, thu hồi giấy phép thực hiện quảng cáo, cản trở hoạt động quảng cáo đúng pháp luật của tổ chức, cá nhân; sách nhiễu hoặc có hành vi khác vi phạm các quy định của Pháp lệnh này và các quy định khác của pháp luật có liên quan thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của pháp luật.
1. Pháp lệnh này có hiệu lực từ ngày 1 tháng 5 năm 2002.
2. Các quy định trước đây trái với Pháp lệnh này đều bãi bỏ.
Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh này.
| Nguyễn Văn An (Đã ký) |
- 1Order No. 14/2012/L-CTN of July 02, 2012, on the promulgation the Law on Advertising
- 2Joint circular No. 01/2004/TTLT-BVHTT of January 12, 2004, guiding on advertising activities in the health sector
- 3Decree No. 24/2003/ND-CP of March 13, 2003, detailing the implementation of the Ordinance on advertisement
- 41992 Constitution of the Socialist Republic of Vietnam
Ordinance no. 39/2001/PL-UBTVQH10 of November 16, 2001 on advertisement
- Số hiệu: 39/2001/PL-UBTVQH10
- Loại văn bản: Pháp lệnh
- Ngày ban hành: 16/11/2001
- Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
- Người ký: Nguyễn Văn An
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 01/05/2002
- Ngày hết hiệu lực: 01/01/2013
- Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực