Hệ thống pháp luật

BẢO HIỂM XÃ HỘI
VIỆT NAM

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1477/BHXH-CSXH
V/v hướng dẫn thực hiện chế độ thai sản theo quy định của Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13.

Hà Nội, ngày 23 tháng 04 năm 2013

 

Kính gửi:

- Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng;
- Bảo hiểm xã hội Công an nhân dân;
- Bảo hiểm xã hội Ban Cơ yếu Chính phủ.

 

Căn cứ quy định tại Điều 157, Khoản 1 và Điểm b, Khoản 2, Điều 240 Bộ luật Lao động số 10/2012/QH13 ngày 18/6/2012 (Bộ luật Lao động); Công văn số 338/LĐTBXH-BHXH ngày 30/01/2013 của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam hướng dẫn thực hiện chế độ thai sản đối với lao động nữ như sau:

1. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng là lao động nữ quy định tại Khoản 1, Điều 2 Luật BHXH số 71/2006/QH11 ngày 29/6/2006 (Luật BHXH).

2. Điều kiện hưởng chế độ thai sản

Điều kiện hưởng chế độ thai sản khi sinh con đối với lao động nữ theo quy định tại Điều 28 Luật BHXH.

3. Thời gian nghỉ sinh con

Lao động nữ có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản, khi sinh con thì thời gian nghỉ thai sản được thực hiện theo quy định tại Điều 157 Bộ luật Lao động. Một số trường hợp hướng dẫn cụ thể như sau:

3.1. Thời gian nghỉ sinh con từ ngày 01/5/2013

a. Trường hợp sau khi sinh con, nếu con dưới 60 ngày tuổi bị chết thì mẹ được nghỉ việc 90 ngày tính từ ngày sinh con; con từ 60 ngày tuổi trở lên bị chết thì mẹ được nghỉ việc 30 ngày tính từ ngày con chết, nhưng không được vượt quá thời gian nghỉ sinh con quy định tại Điểm 1, Điều 157 Bộ luật Lao động.

b. Trường hợp chỉ có mẹ tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha hoặc người trực tiếp nuôi dưỡng được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi; cả cha và mẹ hoặc chỉ có cha tham gia BHXH mà mẹ chết sau khi sinh con thì cha nghỉ việc chăm sóc con được hưởng chế độ thai sản cho đến khi con đủ 06 tháng tuổi.

c. Trường hợp lao động nữ mang thai đôi trở lên mà khi sinh nếu có thai bị chết lưu thì thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản là 06 tháng (không tính thêm thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đối với thai chết lưu); nếu tất cả các thai đều chết lưu thì thời gian được hưởng theo quy định tại Điều 30 Luật BHXH như đối với người có một thai chết lưu.

d. Trong khoảng thời gian 60 ngày tính từ thời điểm lao động nữ trở lại làm việc sau khi hết thời gian hưởng chế độ khi sinh con là 06 tháng và thời gian nghỉ thêm đối với trường hợp sinh đôi trở lên, mà sức khỏe còn yếu thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe theo quy định tại Điều 17 Nghị định số 152/2006/NĐ-CP ngày 22/12/2006 của Chính phủ.

e. Trường hợp lao động nữ có nguyện vọng nghỉ việc trước khi sinh con, người sử dụng lao động phải ghi rõ thời điểm nghỉ việc trước khi sinh con kể từ ngày ... tháng ... năm ... tại cột ghi chú, mẫu D02-TS ban hành kèm theo Quyết định số 1111/QĐ-BHXH ngày 25/10/2011 của Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam về việc ban hành Quy định quản lý thu BHXH, bảo hiểm y tế; quản lý sổ BHXH, thẻ bảo hiểm y tế để theo dõi và làm căn cứ thực hiện chế độ thai sản theo quy định.

3.2. Thời gian nghỉ sinh con trước ngày 01/5/2013.

Lao động nữ nghỉ sinh con trước ngày 01/5/2013, mà đến ngày 01/5/2013 vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định tại Luật BHXH thì thời gian hưởng chế độ khi sinh con được thực hiện như nêu tại Khoản 1, Điều 157 Bộ luật Lao động.

Ví dụ 1: Chị A nghỉ việc trước khi sinh con từ ngày 02/01/2013, ngày 05/01/2013 chị A sinh 01 con, theo quy định của Luật BHXH thì thời gian hưởng chế độ thai sản được tính từ ngày 02/01/2013 đến hết ngày 01/5/2013 (04 tháng). Đến ngày 01/5/2013, chị A vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định của Luật BHXH nên chị A được tiếp tục nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đến hết ngày 01/7/2013 (tổng cộng thời gian hưởng chế độ thai sản là 06 tháng).

Ví dụ 2: Chị B nghỉ việc trước khi sinh con từ ngày 01/01/2013, ngày 05/01/2013 chị B sinh 01 con, theo quy định của Luật BHXH thì thời gian hưởng chế độ thai sản được tính từ ngày 01/01/2013 đến hết ngày 30/4/2013 (04 tháng). Từ ngày 01/5/2013, chị B hết thời gian nghỉ sinh con theo quy định của Luật BHXH nên chị B không thuộc đối tượng được thực hiện thời gian hưởng chế độ thai sản theo quy định của Bộ luật Lao động.

Ví dụ 3: Chị C nghỉ việc trước khi sinh con từ ngày 15/12/2012, ngày 20/12/2012 chị C sinh đôi, theo quy định của Luật BHXH thì thời gian hưởng chế độ thai sản của chị C được tính từ ngày 15/12/2012 đến hết ngày 14/5/2013 (04 tháng và 30 ngày). Như vậy, đến ngày 01/5/2013, chị C vẫn đang trong thời gian nghỉ sinh con theo quy định của Luật BHXH nên chị C được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản đến hết ngày 14/7/2013 (tổng cộng thời gian hưởng chế độ thai sản là 07 tháng).

3.3. Thời gian tính hưởng

a. Thời gian tính hưởng chế độ thai sản của lao động nữ khi sinh con được tính kể từ ngày lao động nữ thực tế nghỉ việc để sinh con theo quy định của Bộ luật Lao động. Trường hợp nghỉ việc trước khi sinh con hơn 02 tháng thì được tính từ thời điểm đủ 02 tháng trước khi sinh con. Trường hợp sinh con sau khi lao động nữ đã nghỉ việc chấm dứt quan hệ lao động thì thời gian tính hưởng kể từ ngày sinh con.

Ví dụ 4: Chị D nghỉ việc trước khi sinh con từ ngày 01/5/2013, ngày 15/7/2013 chị D sinh 01 con, theo quy định của Bộ luật Lao động thì thời gian hưởng chế độ thai sản của chị D được tính từ ngày 16/5/2013 đến hết ngày 15/11/2013 (06 tháng).

b. Trường hợp lao động nữ sinh đôi trở lên thì tính từ con thứ 02 trở đi, cứ mỗi con, người mẹ được nghỉ thêm 01 tháng.

c. Thời gian nghỉ việc hưởng chế độ thai sản của lao động nữ khi sinh con tính cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần.

4. Mức hưởng, cách tính

4.1. Mức hưởng

Trong thời gian nghỉ thai sản nêu trên, lao động nữ được hưởng chế độ thai sản theo quy định tại Điều 35 Luật BHXH.

4.2. Cách tính

Cách tính trợ cấp thai sản, thực hiện theo các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật BHXH hiện hành.

Đối với trường hợp người lao động trong thời gian hưởng trợ cấp thai sản có điều chỉnh mức lương tối thiểu chung thì thời gian hưởng thuộc quy định mức lương tối thiểu chung nào sẽ tính theo mức lương tối thiểu chung ấy, nếu có ngày lẻ thì tính theo hướng dẫn tại Điểm 5 Công văn số 54/BHXH-CSXH ngày 09/01/2009 của BHXH Việt Nam, nếu số ngày lẻ từ 27 ngày trở lên thì mức hưởng trợ cấp thai sản không vượt quá mức bình quân tiền lương, tiền công tháng đóng BHXH của 06 tháng liền kề trước khi nghỉ việc tính theo mức lương tối thiểu chung đó.

5. Tổ chức thực hiện

5.1. BHXH các tỉnh, thành phố, BHXH Bộ Quốc phòng, BHXH Công an nhân dân, BHXH Ban Cơ yếu Chính phủ: Theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện chế độ thai sản theo quy định của Bộ luật Lao động và hướng dẫn tại văn bản này.

5.2. Về chế độ thai sản ngoài các nội dung hướng dẫn tại công văn này thực hiện theo quy định của Luật BHXH và các văn bản hướng dẫn hiện hành.

5.3. Trung tâm Thông tin: Căn cứ quy định của chính sách và hướng dẫn tại văn bản này để điều chỉnh chương trình xét duyệt chế độ thai sản theo quy định.

5.4. Các đơn vị khác thuộc BHXH Việt Nam: Theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình, thực hiện các nội dung liên quan theo quy định.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, đề nghị phản ánh về BHXH Việt Nam để nghiên cứu, hướng dẫn.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Bộ LĐTBXH (Vụ BHXH);
- Tng Giám đốc (để b/c);
- Các Phó TGĐ;
- Các đơn vị trực thuộc BHXH Việt Nam;
- Lưu: VT, CSXH.

KT. TỔNG GIÁM ĐỐC
PHÓ TỔNG GIÁM ĐỐC




Đỗ Thị Xuân Phương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Official Dispatch No.1477/BHXH-CSXH of April 23, 2013, guidance on implementation of the maternity regime in accordance with the the Labor Code No. 10/2012/QH13

  • Số hiệu: 1477/BHXH-CSXH
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 23/04/2013
  • Nơi ban hành: Bảo hiểm xã hội Việt Nam
  • Người ký: Đỗ Thị Xuân Phương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 23/04/2013
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản