Hệ thống pháp luật

BỘ TÀI CHÍNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1199/BTC-TCT
V/v thuế bảo vệ môi trường

Hà Nội, ngày 30 tháng 01 năm 2012

 

Kính gửi:

- Cục Thuế các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương;
- Cục Hải quan các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương.

 

Ngày 11/11/2011 Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 152/2011/TT-BTC hướng dẫn thi hành Nghị định số 67/2011/NĐ-CP ngày 8/8/2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thuế bảo vệ môi trường và có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2012. Tuy nhiên, qua chương trình phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp Bộ Tài chính nhận được một số kiến nghị. Để triển khai thực hiện chính sách thuế bảo vệ môi trường, Bộ Tài chính hướng dẫn như sau:

1. Về đối tượng kê khai, nộp thuế:

- Tại Điều 3 Thông tư số 152/2011/TT-BTC quy định: “Người nộp thuế bảo vệ môi trường là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế tại Điều 1 của Thông tư này …”

- Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 10 Thông tư số 152/2011/TT-BTC quy định: “1. Thông tư này có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2012 …

2. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh xăng dầu không phải kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với lượng xăng dầu đã kê khai, nộp phí xăng dầu từ trước ngày 01/01/2012.”

Do đó, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường thực hiện nhập khẩu, bán ra, trao đổi, tặng cho … hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường kể từ ngày 01/01/2012 thì phải kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật (trừ trường hợp xăng dầu đã kê khai nộp phí xăng dầu từ trước ngày 01/01/2012). Riêng đối với tổ chức, hộ gia đình, cá nhân làm đầu mối thu mua than khai thác nhỏ, lẻ thì phải xuất trình chứng từ chứng minh hàng hóa đã nộp thuế bảo vệ môi trường đối với lượng than thực tế thu mua từ ngày 01/01/2012, trường hợp không có chứng từ chứng minh đã nộp thuế bảo vệ môi trường thì tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thu mua là người kê khai, nộp thuế.

2. Về dầu nhờn, mỡ nhờn nhập khẩu khi nhập vật tư phụ tùng máy bay hoặc máy móc, thiết bị nhập khẩu:

- Tại Điều 3 và Điều 5 Luật thuế bảo vệ môi trường quy định:

“Điều 3. Đối tượng chịu thuế

1. Xăng, dầu, mỡ nhờn, bao gồm:

e) Dầu nhờn;

g) Mỡ nhờn.”

“Điều 5. Người nộp thuế

1. Người nộp thuế bảo vệ môi trường là tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, nhập khẩu hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế quy định tại Điều 3 của Luật này.”

- Tại tiết b Khoản 1.2, Điều 7, Thông tư số 152/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 của Bộ Tài chính quy định: “b) Đối với hàng hóa nhập khẩu (trừ trường hợp xăng dầu nhập khẩu để bán), người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế với cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan.”

Căn cứ các quy định nêu trên thì dầu nhờn, mỡ nhờn thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Trường hợp các doanh nghiệp nhập khẩu vật tư, phụ tùng cho máy bay hoặc trường hợp nhập khẩu máy móc, thiết bị mà có cung cấp dầu nhờn, mỡ nhờn đi kèm (được đóng riêng) thì phải kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật.

Đối với các trường hợp xăng, dầu, mỡ nhờn nhập khẩu về sử dụng cho mục đích khác không phải để bán thì cơ quan Hải quan căn cứ hồ sơ khai thuế của người nộp thuế để thực hiện việc thu thuế bảo vệ môi trường cùng với thuế nhập khẩu như các loại hàng hóa nhập khẩu chịu thuế bảo vệ môi trường khác.

Riêng đối với xăng, dầu của các Công ty xăng, dầu đầu mối nhập khẩu để bán không thực hiện việc kê khai thuế bảo vệ môi trường cùng với thời điểm kê khai và nộp thuế nhập khẩu mà kê khai và nộp thuế tại thời điểm xuất bán hoặc xuất tiêu dùng.

3. Về Thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa nhập khẩu vào khu phi thuế quan:

- Tại điểm 2.4, khoản 2, Điều 2 Thông tư số 152/2011/TT-BTC quy định đối tượng không phải nộp thuế bảo vệ môi trường như sau:

“2.4. Hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài do cơ sở sản xuất (bao gồm cả gia công) trực tiếp xuất khẩu hoặc ủy thác cho cơ sở kinh doanh xuất khẩu để xuất khẩu, trừ trường hợp tổ chức, hộ gia đình, cá nhân mua hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường để xuất khẩu”.

- Tại tiết b điểm 1.2 và tiết b điểm 1.3, Khoản 1, Điều 7, Thông tư số 152/2011/TT-BTC quy định:

“1.2. Địa điểm nộp hồ sơ khai thuế: …

b) Đối với hàng hóa nhập khẩu (trừ trường hợp xăng dầu nhập khẩu để bán), người nộp thuế nộp hồ sơ khai thuế với cơ quan hải quan nơi làm thủ tục hải quan.

1.3. Khai thuế bảo vệ môi trường:

b) Đối với hàng hóa nhập khẩu, hàng hóa nhập khẩu ủy thác thuộc diện chịu thuế bảo vệ môi trường thì người nộp thuế thực hiện khai thuế, tính thuế và nộp thuế theo từng lần phát sinh (trừ trường hợp xăng dầu nhập khẩu để bán).

Việc khai thuế, tính thuế, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa nhập khẩu được thực hiện cùng thời điểm với việc khai thuế và nộp thuế nhập khẩu, trừ mặt hàng xăng dầu nhập khẩu được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 7 Thông tư này.

Thời hạn nộp thuế bảo vệ môi trường trong trường hợp này là thời hạn nộp thuế nhập khẩu theo quy định tại Luật Quản lý thuế và các văn bản hướng dẫn thi hành”.

- Tại Khoản 3, Điều 6, Thông tư số 152/2011/TT-BTC quy định:

“3. Đối với hàng hóa nhập khẩu, thời điểm tính thuế là thời điểm đăng ký tờ khai hải quan, trừ xăng dầu nhập khẩu để bán quy định tại khoản 4 điều này”.

Căn cứ quy định nêu trên thì:

- Đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào khu phi thuế quan hoặc hàng hóa trong nước xuất bán vào khu phi thuế quan tiêu dùng trong khu phi thuế quan không phải xuất khẩu ra nước ngoài thuộc đối tượng phải nộp thuế bảo vệ môi trường theo quy định tại Điều 3 Luật thuế bảo vệ môi trường phải kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường theo quy định.

Cơ quan Hải quan căn cứ vào hồ sơ hải quan của hàng hóa để xác định hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Trường hợp phải nộp thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa nhập khẩu thì hồ sơ hải quan là hồ sơ khai thuế bảo vệ môi trường.

- Đối với hàng hóa nhập khẩu được miễn thuế nhập khẩu nhưng thuộc đối tượng phải nộp thuế bảo vệ môi trường thì hồ sơ khai thuế bảo vệ môi trường là hồ sơ hải quan và thời hạn kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường là thời hạn kê khai nộp thuế nhập khẩu của hàng hóa đó thuộc diện chịu thuế nhập khẩu theo quy định của Luật Quản lý thuế và Luật thuế Xuất khẩu, thuế nhập khẩu.

- Các trường hợp hàng hóa nhập khẩu để gia công sau đó xuất khẩu ra nước ngoài thì thuộc đối tượng không phải nộp thuế BVMT như quy định tại điểm 2.4 Thông tư số 152/2011/TT-BTC nêu trên. Cơ quan hải quan không thu thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa nhập khẩu để gia công sau đó xuất khẩu ra nước ngoài khi nhập khẩu. Đối với hàng hóa là nguyên liệu tiêu hao thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường, sau khi thực hiện thanh khoản hàng gia công theo quy định tại Thông tư 117/2011/TT-BTC ngày 15/8/2011 của Bộ Tài chính thì thực hiện thu thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa này theo quy định.

4. Về chứng từ thu thuế bảo vệ môi trường cấp cho người nộp thuế:

- Tại khoản 1 và khoản 3 Điều 44 Luật Quản lý thuế quy định: “1. Người thực hiện nộp tiền vào ngân sách nhà nước:

a) Tại Kho bạc nhà nước;

b) Tại cơ quan quản lý thuế nơi tiếp nhận hồ sơ khai thuế;” và “3. Cơ quan, tổ chức khi nhận tiền thuế hoặc khấu trừ tiền thuế phải cung cấp cho người nộp thuế chứng từ thu tiền thuế”

- Căn cứ khoản 4 Điều 20 Thông tư 194/2010/TT-BTC ngày 06/12/2010 của Bộ Tài chính thì cơ quan Hải quan có trách nhiệm cấp biên lai thu cho người nộp thuế theo mẫu quy định của Bộ Tài chính trong trường hợp thu thuế bằng tiền mặt.

- Tại Điểm 2.2 và điểm 2.4 Mục I, Phần B, Thông tư số 128/2008/TT-BTC ngày 24/12/2008 hướng dẫn thu và quản lý các khoản thu ngân sách nhà nước qua Kho bạc nhà nước quy định:

“2.2. Giấy nộp tiền vào NSNN:

- Giấy nộp tiền vào NSNN là chứng từ thu NSNN, do Bộ Tài chính quy định mẫu thống nhất;

- Giấy nộp tiền vào NSNN được sử dụng trong các trường hợp:

+ Các đối tượng có nghĩa vụ nộp thuế, phí, lệ phí và các khoản thu khác (sau đây gọi chung là người nộp thuế) nộp tiền vào KBNN, ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng khác và cơ quan được ủy nhiệm thu NSNN;

+ Cơ quan thu hoặc tổ chức, cá nhân được ủy nhiệm thu, nộp số tiền đã thu vào KBNN hoặc ngân hàng nơi KBNN mở tài khoản.

+ Người nộp thuế nộp tiền vào tài khoản tạm thu, tạm giữ của cơ quan thu (trước khi xử lý nộp NSNN theo quy định)”.

“2.4. Biên lai thu NSNN:

2.4.1. Các trường hợp sử dụng biên lai:

- Cơ quan thu được giao nhiệm vụ trực tiếp thu NSNN bằng tiền mặt; tổ chức, cá nhân được cơ quan thu ủy nhiệm thu thuế, phí, lệ phí, thu phạt;

- Cơ quan nhà nước có thẩm quyền ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trực tiếp thu tiền phạt;

- KBNN trực tiếp thu đối với một số khoản phí, lệ phí, thu phạt; các tổ chức được KBNN ủy nhiệm thu phí, lệ phí, thu phạt.”

Căn cứ quy định nêu trên thì người nộp thuế bảo vệ môi trường khi nộp tiền vào ngân sách nhà nước sử dụng “Giấy nộp tiền vào ngân sách nhà nước”, chứng từ này với nội dung thuế bảo vệ môi trường theo mục lục ngân sách quy định và chi tiết cho kỳ tính thuế được Kho bạc Nhà nước hoặc ngân hàng hoặc tổ chức tín dụng xác nhận đã nộp tiền là chứng từ xác định việc nộp thuế bảo vệ môi trường của người nộp thuế.

Đối với hàng hóa nhập khẩu phải thu thuế bảo vệ môi trường trong trường hợp người nộp thuế nộp trực tiếp cho cơ quan Hải quan bằng tiền mặt thì cơ quan Hải quan có trách nhiệm phải cấp biên lai thu thuế cho người nộp thuế. Về biên lai thu thuế bảo vệ môi trường đối với hàng hóa nhập khẩu thực hiện theo hướng dẫn của Tổng cục Hải quan.

5. Về giá tính thuế GTGT đối với xăng dầu đã được kê khai, nộp phí xăng dầu trước ngày 01/01/2012:

Tại khoản 4 Điều 7 Thông tư số 152/2011/TT-BTC ngày 11/11/2011 của Bộ Tài chính hướng dẫn thi hành Nghị định số 67/2011/NĐ-CP về thuế bảo vệ môi trường hướng dẫn:

“Đối với các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường thì giá tính thuế giá trị gia tăng là giá đã bao gồm thuế bảo vệ môi trường.”

Tại khoản 1 và khoản 2 Điều 10 Thông tư số 152/2011/TT-BTC quy định:

“1. Thông tư này có hiệu lực từ ngày 01/01/2012 …

2. Các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh xăng dầu không phải kê khai, nộp thuế bảo vệ môi trường đối với lượng xăng dầu đã kê khai, nộp phí xăng dầu trước ngày 01/01/2012.

Tại điểm 2 Công văn số 18080/BTC-CST ngày 30 tháng 12 năm 2011 hướng dẫn giá tính thuế GTGT đối với hàng hóa thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường kể từ ngày 01/01/2012 như sau:

“Đối với hàng hóa do cơ sở sản xuất, kinh doanh bán ra thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường, giá tính thuế GTGT là giá bán đã có thuế tiêu thụ đặc biệt (nếu có) và thuế bảo vệ môi trường nhưng chưa có thuế giá trị gia tăng”.

Căn cứ vào hướng dẫn nêu trên, đối với lượng xăng dầu đã được cơ sở kinh doanh xăng dầu nộp phí xăng dầu trước ngày 01/01/2012 thì kể từ ngày 01/01/2012 giá tính thuế GTGT là giá bán đã có phí xăng dầu nhưng chưa có thuế GTGT.

6. Cách viết hóa đơn GTGT đối với hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường hoặc xăng dầu đã kê khai nộp phí xăng dầu:

Từ ngày 01/01/2012, đối với hàng hóa chịu thuế bảo vệ môi trường và xăng dầu đã kê khai nộp phí xăng dầu trước ngày 01/01/2012, trên hóa đơn chỉ ghi dòng giá bán là giá chưa có thuế GTGT, thuế suất, tiền thuế GTGT, giá thanh toán đã có thuế (không ghi tách riêng dòng thuế bảo vệ môi trường hoặc dòng phí xăng dầu đối với xăng dầu đã kê khai nộp phí xăng dầu trước ngày 01/01/2012) trên hóa đơn GTGT.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc đề nghị Cục Thuế và Cục Hải quan các tỉnh, thành phố phản ánh về Bộ Tài chính để nghiên cứu, giải quyết.

 

 

Nơi nhận:
- Như trên;
- Vụ Pháp chế-BTC;
- Tổng cục Hải quan;
- Website Bộ Tài chính;
- Website Tổng cục Thuế;
- Lưu VT, TCT (VT, CS (2b)).

KT. BỘ TRƯỞNG
THỨ TRƯỞNG




Đỗ Hoàng Anh Tuấn

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Official Dispatch No. 1199/BTC-TCT of January 30, 2012, environmental protection tax

  • Số hiệu: 1199/BTC-TCT
  • Loại văn bản: Công văn
  • Ngày ban hành: 30/01/2012
  • Nơi ban hành: Bộ Tài chính
  • Người ký: Đỗ Hoàng Anh Tuấn
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản