Hệ thống pháp luật

NHỮNG NGUYÊN TẮC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ NGƯỜI CAO TUỔI, 1991

(Được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc thông qua theo Nghị quyết 46/91 ngày 16/12/1991).

Đại Hội đồng,

Đánh giá cao sự đóng góp của người cao tuổi cho xã hội,

Ghi nhận rằng, trong Hiến chương Liên Hợp Quốc, bên cạnh nhiều vấn đề khác, các dân tộc trong Liên Hợp Quốc tuyên bố quyết tâm khẳng định lại niềm tin vào các quyền cơ bản của con người, vào nhân phẩm và giá trị của con người, vào quyền bình đẳng giữa nam và nữ và giữa các dân tộc lớn và nhỏ, và thúc đẩy tiến bộ xã hội cũng như những chuẩn mực sống tốt đẹp hơn trong điều kiện tự do hơn,

Lưu ý sự ghi nhận các quyền đó trong Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người, Công ước quốc tế về các quyền kinh tế, xã hội và văn hóa, Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị, và nhiều văn kiện khác nhằm đảm bảo việc áp dụng những chuẩn mực phổ quát về quyền con người đối với từng nhóm cụ thể,

Chiếu theo Kế hoạch hành động quốc tế do Đại hội thế giới về Người cao tuổi thông qua và được Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc ủng hộ tại Nghị quyết 37/51 ngày 03/12/1982,

Đánh giá cao sự đa dạng phong phú về tình hình người cao tuổi, không chỉ giữa các nước mà còn ngay trong các nước và giữa các cá nhân, đòi hỏi phải có nhiều chính sách đáp ứng,

Nhận thức rằng ở tất cả các nước, số lượng cá nhân đang tiến đến độ cao tuổi và có sức khỏe tốt hơn so với trước đây ngày càng đông,

Nhận thấy nghiên cứu khoa học đang bác bỏ nhiều định kiến về những suy giảm hiển nhiên và không thể đảo ngược gắn với tuổi tác,

Tin rằng trong một thế giới được đặc trưng bởi số lượng và tỷ lệ người cao tuổi ngày càng nhiều thì cơ hội phải được dành cho những người cao tuổi mà sẵn lòng và còn có sức để tham gia và đóng góp vào những hoạt động đang diễn ra trong xã hội,

Ghi nhớ rằng những gánh nặng lên cuộc sống gia đình ở cả các nước đang phát triển và phát triển đòi hỏi phải có sự hỗ trợ cho những người chăm sóc người cao tuổi suy nhược về thể chất,

Ghi nhớ các chuẩn mực được nêu trong Kế hoạch hành động quốc tế về người cao tuổi và các công ước, khuyến nghị và nghị quyết của Tổ chức Lao động quốc tế, Tổ chức Y tế thế giới và các cơ quan khác của Liên Hợp Quốc,

Khuyến khích các chính phủ lồng ghép những nguyên tắc dưới đây vào các chương trình quốc gia của mình trong điều kiện cho phép:

NGUYÊN TẮC ĐỘC LẬP

1. Người cao tuổi cần có đầy đủ lương thực, nước sạch, nhà ở, quần áo và dịch vụ chăm sóc sức khỏe thông qua việc chu cấp thu nhập, sự hỗ trợ của gia đình và cộng đồng và tự thân chăm sóc.

2. Người cao tuổi cần có cơ hội được làm việc và được tiếp cận các cơ hội tạo thu nhập khác.

3. Người cao tuổi cần có điều kiện tham gia quyết định về thời điểm và thời hạn rút khỏi lực lượng lao động.

4. Người cao tuổi cần được tiếp cận các chương trình giáo dục và đào tạo thích hợp.

5. Người cao tuổi cần có điều kiện được sống trong những môi trường an toàn và có thể thích ứng với những sở thích cá nhân và năng lực luôn thay đổi.

6. Người cao tuổi cần có điều kiện sống tại gia đình trong thời gian lâu nhất có thể được.

NGUYÊN TẮC THAM GIA

7. Người cao tuổi vẫn cần được hòa nhập vào xã hội, tích cực tham gia vào việc xây dựng và thực hiện các chính sách mà ảnh hưởng trực tiếp đến phúc lợi của họ và chia sẻ kiến thức cũng như kỹ năng với các thế hệ trẻ.

8. Người cao tuổi cần được tìm kiếm và tận dụng các cơ hội để phục vụ cộng đồng và làm tình nguyện viên trong các cương vị phù hợp với lợi ích và năng lực của họ.

9. Người cao tuổi cần được tạo dựng các phong trào hay lập hội người cao tuổi.

NGUYÊN TẮC CHĂM SÓC

10. Người cao tuổi cần được chăm sóc và bảo vệ từ gia đình và cộng đồng, phù hợp với hệ giá trị văn hóa của từng xã hội.

11. Người cao tuổi cần được chăm sóc sức khỏe để giúp họ duy trì và lấy lại mức độ tối đa về điều kiện thể chất, tinh thần và tình cảm, và để dự phòng hoặc làm chậm lại thời kỳ đi vào ốm đau.

12. Người cao tuổi cần được tiếp cận các dịch vụ xã hội và pháp lý để làm tăng tính tự chủ, việc bảo vệ và chăm sóc cho họ.

13. Người cao tuổi cần được sử dụng các mức độ chăm sóc phù hợp của các cơ sở nhằm đảm bảo việc bảo vệ, phục hồi, khích lệ về mặt xã hội và tinh thần trong một môi trường nhân văn và an ninh.

14. Người cao tuổi cần được hưởng các quyền và tự do căn bản của con người, bao gồm cả việc tôn trọng đầy đủ nhân phẩm, niềm tin, nhu cầu và cuộc sống riêng tư của họ, cũng như tôn trọng quyền được quyết định về việc chăm sóc và chất lượng cuộc sống của họ khi sống trong mọi môi trường nhà ở, cơ sở chăm sóc hay điều trị.

NGUYÊN TẮC TỰ HOÀN THIỆN

15. Người cao tuổi cần được theo đuổi các cơ hội đề phát triển toàn diện tiềm năng của họ.

16. Người cao tuổi cần được tiếp cận các nguồn giáo dục, văn hóa, tinh thần và giải trí của xã hội.

NGUYÊN TẮC NHÂN PHẨM

17. Người cao tuổi cần được sống trong nhân phẩm và an ninh, không bị bóc lột, bị xâm hại về thể chất hoặc tinh thần.

18. Người cao tuổi cần được đối xử công bằng bất kể tuổi tác, giới tính, nguồn gốc chủng tộc hay tộc người, mức độ khuyết tật hay địa vị khác, và được trân trọng sự đóng góp độc lập về kinh tế của họ.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nguyên tắc của Liên hợp quốc về người cao tuổi, 1991

  • Số hiệu: Khongso
  • Loại văn bản: Điều ước quốc tế
  • Ngày ban hành: 16/12/1991
  • Nơi ban hành: Liên hợp quốc
  • Người ký: ***
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/1900
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản