Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
CÁC NGUYÊN TẮC CƠ BẢN VỀ SỬ DỤNG VŨ LỰC VÀ SÚNG CỦA CÁN BỘ THI HÀNH PHÁP LUẬT, 1990
(Được thông qua tại Hội nghị lần thứ 8 của Liên Hợp Quốc về ngăn ngừa tội phạm và đối xử với những người phạm tội ở Havana, Cuba, từ ngày 27/8 đến 7/9/1990).
Xét rằng công việc của các cán bộ thi hành pháp luật [1]là một dịch vụ xã hội có tầm quan trọng to lớn, bởi vậy cần được duy trì, và bất cứ khi nào cần thiết, cải tiến điều kiện làm việc và vị thế của các cán bộ này,
Xét rằng việc đe dọa đến cuộc sống và an toàn của cán bộ thi hành pháp luật phải được xem là sự đe dọa đến sự ổn định của toàn xã hội,
Xét rằng các cán bộ thi hành pháp luật có một vai trò trọng yếu trong việc bảo vệ quyền sống, quyền tự do và an ninh của con người, đã được bảo đảm trong Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người và được tái khẳng định trong Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị,
Xét rằng Các Quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với tù nhân cho phép các cán bộ trại giam sử dụng vũ lực trong khi thi hành nhiệm vụ trong một số trường hợp,
Xét rằng điều 3 của Bộ quy tắc ứng xử của các cán bộ thi hành pháp luật quy định các cán bộ thi hành pháp luật chỉ có thể sử dụng vũ lực khi rất cần thiết và trong phạm vi nhằm thi hành nhiệm vụ của họ,
Xét rằng cuộc họp chuẩn bị cho Hội nghị Liên Hợp Quốc lần thứ bảy về ngăn ngừa tội phạm và đối xử với người phạm tội, tổ chức tại Varenna, Italia, đã nhất trí về những yếu tố cần được tiếp tục xem xét nhằm hạn chế việc sử dụng vũ lực và súng của các cán bộ thi hành pháp luật,
Xét rằng Hội nghị lần thứ bảy, trong Nghị quyết số 14, bên cạnh những vấn đề khác, đã nhấn mạnh rằng việc sử dụng vũ lực và súng của các cán bộ thi hành pháp luật cần phải tương xứng với sự tôn trọng đầy đủ các quyền con người,
Xét rằng Hội đồng Kinh tế - Xã hội, trong Nghị quyết 1986/10, mục IX, ngày 21/5/1986, đã đề nghị các Quốc gia thành viên quan tâm đặc biệt đến việc thi hành Bộ quy tắc về sử dụng vũ lực và súng của các cán bộ thi hành pháp luật, và Đại Hội đồng Liên Hợp Quốc, trong nghị quyết 41/149 ngày 4/12/1986, bên cạnh những vấn đề khác, đã hoan nghênh khuyến nghị này của Hội đồng,
Xét rằng, với sự quan tâm thích đáng tới an toàn cá nhân của họ, cần phải xem xét vai trò của các cán bộ thi hành pháp luật trong quan hệ với hoạt động tư pháp nhằm bảo vệ quyền sống, quyền tự do và an ninh của con người, cũng như trách nhiệm của họ trong việc duy trì an ninh của cộng đồng và sự bình yên của xã hội, và tới tầm quan trọng về phẩm chất, việc đào tạo và đạo đức của họ,
Các nguyên tắc cơ bản dưới đây được xây dựng nhằm trợ giúp các nước thành viên trong việc bảo đảm và thúc đẩy vai trò đúng đắn của các cán bộ thi hành pháp luật, cần được các chính phủ quan tâm và tôn trọng trong khuôn khổ luật pháp và thực tiễn quốc gia, và cần được phổ biến cho các cán bộ thi hành pháp luật và các đối tượng khác, như thẩm phán, công tố viên, luật sư, thành viên của các cơ quan lập pháp, hành pháp và công chúng.
CÁC QUY ĐỊNH CHUNG
1. Các chính phủ và cơ quan thi hành pháp luật cần thông qua và thực hiện các quy tắc và luật lệ về sử dụng vũ lực và súng chống lại người khác của các cán bộ thi hành pháp luật. Khi xây dựng các quy tắc và luật lệ đó, các chính phủ và cơ quan thi hành pháp luật cần liên kết các vấn đề đạo đức với việc sử dụng vũ lực và súng và cần phải định kỳ xem xét lại các quy tắc và quy định đã thiết lập.
2. Các chính phủ và cơ quan thi hành pháp luật cần chuẩn bị càng nhiều loại phương tiện càng tốt và trang bị cho các cán bộ thi hành pháp luật những loại vũ khí, đạn dược khác nhau để cho phép họ có thể lựa chọn sử dụng loại vũ lực và súng trong những tình huống khác nhau. Điều này cần bao gồm việc phát triển những loại vũ khí có khả năng vô hiệu hóa mà không gây chết người để sử dụng trong những trường hợp thích hợp, với mục đích nhằm hạn chế dần việc áp dụng các biện pháp có thể gây chết người hoặc thương tật cho con người. Cũng với mục đích đó, cũng cần trang bị cho các cán bộ thi hành pháp luật các thiết bị tự bảo vệ như khiên, mũ bảo hiểm, áo vét chống đạn và các phương tiện giao thông chống đạn, nhằm giảm thiểu nhu cầu sử dụng các loại vũ khí.
3. Việc phát triển và ứng dụng các loại vũ khí có khả năng vô hiệu hóa nhưng không gây chết người cần phải được đánh giá cẩn thận nhằm giảm tối thiểu những nguy cơ gây nguy hiểm cho những người không liên quan, và việc sử dụng những vũ khí đó cần phải được quản lý một cách chặt chẽ.
4. Các cán bộ thi hành pháp luật, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của mình, cần áp dụng các biện pháp phi bạo lực ở mức tối đa có thể trước khi quyết định sử dụng vũ lực và súng. Họ chỉ có thể sử dụng vũ lực và súng nếu các biện pháp khác tỏ ra không có hiệu quả hoặc không hứa hẹn đạt được hiệu quả như mong muốn.
5. Khi việc sử dụng một cách hợp pháp vũ lực và súng là không thể tránh khỏi, các cán bộ thi hành pháp luật cần:
a. Hạn chế việc sử dụng súng và vũ lực và hành động tương xứng với tính chất nghiêm trọng của tội phạm và mục tiêu hợp pháp cần đạt được;
b. Giảm tối thiểu những thiệt hại và thương tích, tôn trọng và bảo vệ tính mạng con người;
c. Bảo đảm rằng sự trợ giúp và hỗ trợ về y tế càng sớm càng tốt cho bất cứ người nào bị thương hoặc bị ảnh hưởng;
d. Bảo đảm rằng những người thân hoặc bạn bè thân thích của những người bị thương hoặc bị ảnh hưởng được thông báo về sự việc càng sớm càng tốt.
6. Khi có người bị thương hoặc bị chết bởi việc sử dụng vũ lực hay súng của các cán bộ thi hành pháp luật, các cán bộ này phải báo cáo về vụ việc ngay lập tức cho cấp trên của họ, phù hợp với quy định trong Nguyên tắc số 22.
7. Các chính phủ cần bảo đảm rằng việc sử dụng tùy tiện và quá mức cho phép vũ lực và súng của các cán bộ thi hành pháp luật coi là tội phạm hình sự trong pháp luật quốc gia.
8. Các trường hợp ngoại lệ, ví dụ khi có sự mất ổn định chính trị trong nước, hay các tình huống khẩn cấp công cộng khác không thể được viện dẫn để biện minh cho sự vi phạm bất kỳ nguyên tắc cơ bản nào nêu trong văn kiện này.
CÁC ĐIỀU KHOẢN ĐẶC BIỆT
9. Các cán bộ thi hành pháp luật không được sử dụng súng chống lại người khác trừ khi để tự vệ hoặc để bảo vệ những người khác khỏi những đe dọa rõ ràng gây chết người hoặc thương tích nghiêm trọng, hay để ngăn chặn việc phạm các tội ác đặc biệt nghiêm trọng, đe dọa thực sự tới tính mạng, để bắt giữ một người gây ra mối đe dọa như vậy và chống lại nhà chức trách, hoặc để ngăn người đó đào thoát, và chỉ khi các cách thức ít nguy hiểm hơn tỏ ra không hiệu quả để đạt được những mục tiêu đó. Trong bất kỳ trường hợp nào, việc chủ định sử dụng các loại súng có thể gây chết người chỉ có thể được thực hiện khi thực sự không còn cách nào khác, nhằm bảo vệ tính mạng con người.
10. Trong các trường hợp quy định ở Nguyên tắc số 9, các cán bộ thi hành pháp luật cần xưng chức danh và cảnh báo rõ ràng về ý định sử dụng súng của họ, và cho phép đối tượng có một thời gian thích hợp để cân nhắc về lời cảnh báo, trừ khi việc làm như vậy có thể đặt các cán bộ thi hành pháp luật vào một tình huống nguy hiểm, hoặc có thể gây ra nguy cơ chết người hay thương tích nghiêm trọng cho người khác, hoặc rõ ràng là không phù hợp hay vô nghĩa trong bối cảnh sự việc.
11. Các quy tắc và luật lệ về việc sử dụng súng của các cán bộ thi hành pháp luật cần bao gồm những hướng dẫn như:
a. Cụ thể hóa các tình huống mà trong đó, theo pháp luật, các cán bộ thi hành pháp luật được phép mang súng và mô tả các loại súng và đạn dược họ được phép mang;
b. Bảo đảm rằng các loại súng chỉ được sử dụng trong những tình huống thích hợp theo một cách thức nhằm hạn chế nguy cơ gây ra thương tích không cần thiết;
c. Cấm sử dụng các loại súng và đạn dược có thể gây thương tích không chính đáng hoặc tạo ra một nguy cơ như vậy;
d. Điều chỉnh việc quản lý, cất giữ và cấp phát các loại súng, bao gồm các thủ tục nhằm bảo đảm rằng các cán bộ thi hành pháp luật có thể chịu trách nhiệm đối với súng và đạn dược cấp phát cho họ;
e. Quy định việc phải đưa ra cảnh báo, nếu thích hợp, khi sử dụng súng.
f. Quy định một cơ chế báo cáo khi các cán bộ thi hành pháp luật sử dụng súng trong quá trình thi hành nhiệm vụ của họ.
CẢNH SÁT VIỆC HỘI HỌP BẤT HỢP PHÁP
12. Vì mọi người có quyền tham gia hội họp một cách hợp pháp và hòa bình, phù hợp với các nguyên tắc đề ra trong Tuyên ngôn Toàn thế giới về Quyền con người và Công ước quốc tế về các quyền dân sự, chính trị, các chính phủ và các cơ quan, các cán bộ thi hành pháp luật cần thừa nhận rằng vũ lực và súng chỉ có thể được sử dụng phù hợp với các Nguyên tắc số 13 và 14 của văn kiện này.
13. Nhằm giải tán việc hội họp bất hợp pháp nhưng không mang tính bạo lực, các cán bộ thi hành pháp luật phải tránh sử dụng vũ lực, hoặc khi có thể, phải hạn chế việc sử vũ lực ở mức thấp nhất có thể;
14. Nhằm giải tán việc hội họp mang tính bạo lực, các cán bộ thi hành pháp luật chỉ có thể sử dụng vũ lực khi các biện pháp ít nguy hiểm hơn tỏ ra không thực tế, và việc sử dụng vũ lực như vậy phải được giới hạn ở mức thấp nhất có thể. Các cán bộ thi hành pháp luật không được sử dụng súng trong những trường hợp như vậy, trừ khi sử dụng với các điều kiện được quy định trong Nguyên tắc 9.
CẢNH SÁT NHỮNG NGƯỜI ĐANG BỊ GIAM GIỮ
15. Đối với những người bị giam giữ, các cán bộ thi hành pháp luật không được sử dụng vũ lực, trừ khi thực sự cần thiết cho việc duy trì an ninh và trật tự trong cơ sở giam giữ, hoặc khi an ninh cá nhân của họ bị đe dọa.
16. Đối với những người bị giam giữ, các cán bộ thi hành pháp luật không được sử dụng súng, trừ trường hợp để tự vệ hoặc nhằm bảo vệ người khác khỏi những đe dọa tức thời gây chết người hoặc gây thương tích nghiêm trọng, hoặc khi thực sự cần thiết để ngăn chặn một người đào thoát khỏi nơi giam giữ có những nguy cơ được đề cập trong Nguyên tắc số 9.
17. Các nguyên tắc tố tụng không được làm ảnh hưởng tới các quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của các cán bộ trại giam đã được nêu trong Các quy tắc tiêu chuẩn tối thiểu về đối xử với tù nhân, đặc biệt là các quy tắc số 33, 34 và 54.
NĂNG LỰC, ĐÀO TẠO VÀ TƯ VẤN
18. Các chính phủ và các cơ quan thi hành pháp luật phải bảo đảm rằng tất cả cán bộ thi hành pháp luật phải được tuyển chọn theo một thủ tục sàng lọc thích hợp, và họ phải có những phẩm chất về thể lực, tâm lý, đạo đức thích đáng để có thể thực hiện một cách có hiệu quả các chức năng của họ; những người này cũng phải được đào tạo về chuyên môn một cách kỹ lưỡng và thường xuyên. Cần phải định kỳ đánh giá lại sự phù hợp với công việc chuyên môn của các cán bộ thi hành pháp luật.
19. Các chính phủ và các cơ quan thi hành pháp luật phải bảo đảm rằng tất cả các cán bộ thi hành pháp luật phải được tập huấn và kiểm tra phù hợp với các tiêu chuẩn nghề nghiệp thích hợp về việc sử dụng vũ lực. Chỉ được cho phép các cán bộ thi hành pháp luật mang súng khi họ đã hoàn thành khóa huấn luyện đặc biệt về sử dụng các loại súng có liên quan.
20. Trong việc tập huấn cho các cán bộ thi hành pháp luật, các chính phủ và các cơ quan thi hành pháp luật phải đặc biệt quan tâm tới việc ban hành những quy định về đạo đức cảnh sát và quyền con người, đặc biệt trong quá trình điều tra, và tới những cách thức không phải sử dụng vũ lực và súng, bao gồm việc giải quyết hòa bình các cuộc xung đột, sự hiểu biết về hành vi của đám đông, và các phương pháp thuyết phục, đàm phán, hòa giải, cũng như các biện pháp kỹ thuật, với mục đích nhằm hạn chế việc sử dụng vũ lực và súng. Các cơ quan thi hành pháp luật cần rà soát các chương trình tập huấn và các thủ tục hành động dựa trên những kinh nghiệm thu được từ các vụ việc đã xảy ra.
21. Các chính phủ và các cơ quan thi hành pháp luật cần đưa ra tư vấn giảm căng thẳng cho các cán bộ thi hành pháp luật có tham gia vào các tình huống sử dụng vũ lực và súng.
CÁC THỦ TỤC BÁO CÁO VÀ KIỂM TRA
22. Các chính phủ và các cơ quan thi hành pháp luật phải xây dựng các thủ tục báo cáo và kiểm tra tất cả các vụ việc liên quan đến các Nguyên tắc số 6 và 11(f). Với những vụ việc được báo cáo theo các nguyên tắc này, các chính phủ và các cơ quan thi hành pháp luật cần bảo đảm rằng phải có một tiến trình kiểm tra có hiệu quả và các cơ quan công tố, hành chính độc lập có thể thực hiện quyền tài phán trong những hoàn cảnh thích hợp. Trong những trường hợp xảy ra chết người hay thương tích nghiêm trọng hoặc có các hậu quả nghiêm trọng khác, cần nhanh chóng gửi một báo cáo chi tiết đến các cơ quan có thẩm quyền chịu trách nhiệm kiểm tra về mặt hành chính và kiểm soát về mặt tư pháp.
23. Những người bị ảnh hưởng bởi việc sử dụng vũ lực và súng hoặc những đại diện pháp lý của họ phải có quyền tiếp cận với một thủ tục tố tụng độc lập, kể cả một thủ tục tố tụng tư pháp. Trong trường hợp những người này bị chết, quy định này sẽ được áp dụng với người sống dựa vào họ.
24. Các chính phủ và các cơ quan thi hành pháp luật phải bảo đảm rằng các quan chức cao cấp phải chịu trách nhiệm nếu họ biết, hoặc cần phải biết là các cán bộ thi hành pháp luật dưới quyền họ đã, đang và tiếp tục sử dụng vũ lực và súng bất hợp pháp, nhưng không thực hiện tất cả các biện pháp cần thiết trong thẩm quyền của mình để ngăn chặn, trấn áp hoặc báo cáo về việc đó.
25. Các chính phủ và các cơ quan thi hành pháp luật phải bảo đảm rằng sẽ không áp dụng bất cứ hình thức kỷ luật hay xử phạt hình sự nào đối với các cán bộ thi hành pháp luật đã từ chối việc thi hành một mệnh lệnh sử dụng vũ lực và súng phù hợp với Bộ quy tắc cư xử của các cán bộ thi hành pháp luật và các nguyên tắc cơ bản này; hoặc với những người báo cáo về hành động sử dụng vũ lực và súng bất hợp pháp của các cán bộ khác;
26. Các cán bộ thi hành pháp luật không được viện dẫn lý do phải tuân thủ các mệnh lệnh của cấp trên để biện hộ cho hành động sử dụng vũ lực và súng của mình mà gây ra chết người hoặc gây thương tích nghiêm trọng, nếu họ đã biết rằng mệnh lệnh đó rõ ràng là trái pháp luật và họ có một lý do hợp lý để từ chối không tuân thủ mệnh lệnh đó. Trong bất kỳ trường hợp nào như vậy, quan chức cấp cao cũng phải chịu trách nhiệm về việc đưa ra các mệnh lệnh trái pháp luật.
[1] Phù hợp với bình luận về điều 1 của Bộ quy tắc ứng xử của các cán bộ thi hành pháp luật, thuật ngữ “các cán bộ thi hành pháp luật” bao gồm tất cả cán bộ pháp luật, được bổ nhiệm hoặc được bầu ra thực hiện quyền lực cảnh sát, đặc biệt là các quyền bắt và giam giữ. Ở những quốc gia mà quyền lực cảnh sát được thi hành bởi các cơ quan quân sự, bất kể có mặc đồng phục hay không, hoặc bởi lực lượng an ninh quốc gia, khái niệm các cán bộ thi hành pháp luật phải bao gồm những cán bộ như vậy.
- 1Quy tắc hành động của Cán bộ thi hành pháp luật 1979
- 2Nguyên tắc về đạo đức y học liên quan đến vai trò của nhân viên y tế, đặc biệt là thầy thuốc, trong việc bảo vệ tù nhân và những người bị giam giữ chống lại sự tra tấn hay đối xử, trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục, 1982
- 3Công văn 5747/VPCP-NC năm 2016 về vụ các đối tượng sử dụng súng giết người đặc biệt nghiêm trọng tại thành phố Phủ lý, tỉnh Hà Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 1Tuyên ngôn quốc tế nhân quyền (1948)
- 2Công ước quốc tế về quyền dân sự và chính trị
- 3Quy tắc hành động của Cán bộ thi hành pháp luật 1979
- 4Nguyên tắc về đạo đức y học liên quan đến vai trò của nhân viên y tế, đặc biệt là thầy thuốc, trong việc bảo vệ tù nhân và những người bị giam giữ chống lại sự tra tấn hay đối xử, trừng phạt tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ nhục, 1982
- 5Công văn 5747/VPCP-NC năm 2016 về vụ các đối tượng sử dụng súng giết người đặc biệt nghiêm trọng tại thành phố Phủ lý, tỉnh Hà Nam do Văn phòng Chính phủ ban hành
Nguyên tắc cơ bản về sử dụng vũ lực và súng của cán bộ thi hành pháp luật, 1990
- Số hiệu: Khongso
- Loại văn bản: Điều ước quốc tế
- Ngày ban hành: 07/09/1990
- Nơi ban hành: Liên hợp quốc
- Người ký: ***
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra