Hệ thống pháp luật

QUỐC HỘI
-----

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
-------

Số: 71/2006/NQ-QH11

Hà Nội, ngày 29 tháng 11 năm 2006

NGHỊ QUYẾT

PHÊ CHUẨN NGHỊ ĐỊNH THƯ GIA NHẬP HIỆP ĐỊNH THÀNH LẬP TỔ CHỨC THƯƠNG MẠI THẾ GIỚI (WTO) CỦA NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Điều 84 của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, kỳ họp thứ 10;
Căn cứ vào Luật ký, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế;
Theo đề nghị của Chủ tịch nước tại Tờ trình Quốc hội số 05 TTr/CTN ngày 16 tháng 11 năm 2006 về việc phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam;
Sau khi xem xét Tờ trình Quốc hội số 155/TTr-CP ngày 22 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra số 2410/UBĐN ngày 27 tháng 11 năm 2006 của Uỷ ban đối ngoại của Quốc hội và trên cơ sở ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ

1. Phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam được ký ngày 07 tháng 11 năm 2006 tại Giơ-ne-vơ, Thuỵ Sĩ (sau đây gọi là Nghị định thư).

2. Áp dụng trực tiếp các cam kết của Việt Nam được ghi tại Phụ lục đính kèm Nghị quyết này và các cam kết khác của Việt Nam với Tổ chức thương mại thế giới được quy định đủ rõ, chi tiết trong Nghị định thư, các Phụ lục đính kèm và Báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới.

Trong trường hợp quy định của pháp luật Việt Nam không phù hợp với quy định của Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới, Nghị định thư và các tài liệu đính kèm thì áp dụng quy định của Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới, Nghị định thư và các tài liệu đính kèm.

3. Chính phủ, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm:

a) Rà soát các cam kết của Việt Nam với Tổ chức thương mại thế giới được quy định đủ rõ, chi tiết trong Nghị định thư, các Phụ lục đính kèm và Báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới, nhưng chưa được ghi trong Phụ lục đính kèm Nghị quyết này để áp dụng trực tiếp và báo cáo Uỷ ban thường vụ Quốc hội;

b) Rà soát các văn bản quy phạm pháp luật để trình Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền phù hợp với cam kết của Việt Nam với Tổ chức thương mại thế giới;

c) Trên cơ sở đánh giá những cơ hội và thách thức, thuận lợi và khó khăn, những tác động của việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới xây dựng chương trình, kế hoạch hành động cụ thể và tổ chức triển khai thực hiện các cam kết của Việt Nam với Tổ chức thương mại thế giới, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, đẩy mạnh hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới.

4. Chính phủ tiến hành các thủ tục đối ngoại về việc phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

5. Chính phủ phối hợp với Uỷ ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và chỉ đạo các cơ quan, tổ chức hữu quan ở trung ương và địa phương thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền để tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động của nhân dân cả nước cũng như đồng bào ta ở nước ngoài về việc Việt Nam gia nhập Tổ chức thương mại thế giới.

6. Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội, các đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 10 thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006.

CHỦ TỊCH QUỐC HỘI




Nguyễn Phú Trọng


PHỤ LỤC

NỘI DUNG ÁP DỤNG TRỰC TIẾP CÁC CAM KẾT CỦA VIỆT NAM
(Kèm theo Nghị quyết số 71 /2006/QH11 của Quốc hội ngày 29 tháng 11 năm 2006)

TT

Tên văn bản

Cam kết WTO

Nội dung áp dụng

1.

Luật số 60/2005/QH11 Luật doanh nghiệp

Các điều 51, 52, 103, 104

Đoạn 503 và Đoạn 504 trong Báo cáo của Ban công tác về việc Việt Nam gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức thương mại thế giới (sau đây gọi là Ban công tác)

Công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần được quyền quy định trong Điều lệ công ty các nội dung sau:

1. Số đại diện cần thiết để tổ chức cuộc họp và hình thức thông qua quyết định của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông;

2. Các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông;

3. Tỉ lệ đa số phiếu cần thiết (kể cả tỷ lệ đa số 51%) để thông qua các quyết định của Hội đồng thành viên, Đại hội đồng cổ đông.

2.

Luật số 65/2006/QH11 Luật luật sư

Điều 69 khoản 1

Cam kết về dịch vụ pháp lý trong Biểu cam kết về thương mại dịch vụ

Tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam dưới các hình thức sau đây:

a) Chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài (sau đây gọi là chi nhánh);

b) Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài, công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh, công ty luật hợp danh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam (sau đây gọi chung là công ty luật nước ngoài).

Điều 70

Cam kết về dịch vụ pháp lý trong Biểu cam kết về thương mại dịch vụ

Chi nhánh, công ty luật nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được thực hiện tư vấn pháp luật và các dịch vụ pháp lý khác, không được cử luật sư nước ngoài và luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước Toà án Việt Nam hoặc thực hiện các dịch vụ về giấy tờ pháp lý và công chứng liên quan tới pháp luật Việt Nam, được cử luật sư Việt Nam trong tổ chức hành nghề của mình tư vấn pháp luật Việt Nam.

Điều 72 khoản 1

Cam kết về dịch vụ pháp lý trong Biểu cam kết về thương mại dịch vụ

Công ty luật trách nhiệm hữu hạn một trăm phần trăm vốn nước ngoài là tổ chức hành nghề luật sư do một hoặc nhiều tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài thành lập tại Việt Nam.

Công ty luật trách nhiệm hữu hạn dưới hình thức liên doanh là tổ chức hành nghề luật sư liên doanh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và tổ chức hành nghề luật sư Việt Nam.

Công ty luật hợp danh là tổ chức hành nghề luật sư hợp danh giữa tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài và công ty luật hợp danh Việt Nam.

Điều 76

Cam kết về dịch vụ pháp lý trong Biểu cam kết về thương mại dịch vụ

Luật sư nước ngoài hành nghề tại Việt Nam được tư vấn pháp luật nước ngoài và pháp luật quốc tế, được thực hiện các dịch vụ pháp lý khác liên quan đến pháp luật nước ngoài, được tư vấn pháp luật Việt Nam trong trường hợp có bằng cử nhân luật của Việt Nam và đáp ứng đầy đủ các yêu cầu tương tự như đối với một luật sư Việt Nam, không được tham gia tố tụng với tư cách là người đại diện, người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự trước Toà án Việt Nam.

3.

Luật số 24/2000/QH10 Luật kinh doanh bảo hiểm

Điều 9 khoản 2

Cam kết về dịch vụ bảo hiểm trong Biểu cam kết về thương mại dịch vụ

Doanh nghiệp bảo hiểm không phải tái bảo hiểm một phần trách nhiệm đã nhận bảo hiểm cho doanh nghiệp kinh doanh tái bảo hiểm trong nước trong trường hợp tái bảo hiểm cho các doanh nghiệp bảo hiểm ở nước ngoài

4.

Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 và Luật số 02/2002/QH11 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Các cam kết về minh bạch hoá trong Báo cáo của Ban công tác

Khoản 2 Điều 3 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 02/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Đoạn 509 và Đoạn 519 trong Báo cáo của Ban công tác

Trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, cơ quan, tổ chức hữu quan tạo điều kiện để các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia góp ý kiến vào dự thảo văn bản quy phạm pháp luật; tổ chức lấy ý kiến của các đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản. Cơ quan chủ trì soạn thảo phải đăng dự thảo văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Uỷ ban thường vụ Quốc hội và Chính phủ trên Trang tin điện tử của Chính phủ và dành thời gian không ít hơn 60 ngày, kể từ ngày đăng dự thảo để các cơ quan, tổ chức, cá nhân góp ý vào dự thảo.

Khoản 1 Điều 10 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 02/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật.

Điều 75 Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 1996 được sửa đổi, bổ sung bởi Luật số 02/2002/QH11 ngày 16 tháng 12 năm 2002 sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Các đoạn 507, 508, 509, 519 trong Báo cáo của Ban công tác.

Các đoạn 507, 508, 509, 519 trong Báo cáo của Ban công tác

Văn bản quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước ở trung ương phải được đăng Công báo, đồng thời đăng trên Trang tin điện tử của Chính phủ và có thể được đưa tin trên các phương tiện thông tin đại chúng, trừ trường hợp văn bản có nội dung thuộc bí mật nhà nước.

1. Cơ quan ban hành văn bản quy phạm pháp luật phải quy định rõ thời điểm có hiệu lực của văn bản ngay tại văn bản đó.

2. Việc quy định thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật phải bảo đảm hợp lý nhằm tạo điều kiện cho việc chuẩn bị thi hành văn bản của các cơ quan, tổ chức, đối tượng chịu sự tác động trực tiếp của văn bản.

3. Thời điểm có hiệu lực của văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan nhà nước

Ở trung ương ban hành không được sớm hơn 15 ngày kể từ ngày đăng Công báo, trừ trường hợp khẩn cấp.

5.

Luật số 50/2005/QH11 Luật sở hữu trí tuệ

Điều 26 và Điều 33

Đoạn 397 trong Báo cáo của Ban công tác

Tổ chức phát sóng sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố để thực hiện chương trình phát sóng không phải xin phép nhưng phải trả tiền nhuận bút, thù lao cho chủ sở hữu quyền tác giả, quyền liên quan.

6.

Luật số 62/2006/QH11 Luật điện ảnh

Điều 30

Cam kết về bãi bỏ hạn chế định lượng nhập khẩu (từ Đoạn 200 đến Đoạn 227) trong Báo cáo của Ban công tác.

Không hạn chế số lượng phim được nhập khẩu.

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 71/2006/NQ-QH11 về việc phê chuẩn nghị định thư gia nhập hiệp định thành lập tổ chức thương mại thế giới (WTO) của nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam (bổ sung phụ lục) do Quốc Hội ban hành

  • Số hiệu: 71/2006/NQ-QH11
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 29/11/2006
  • Nơi ban hành: Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Phú Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 43 đến số 44
  • Ngày hiệu lực: 11/01/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực
Tải văn bản