QUỐC HỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 65/2006/NQ-QH11 | Hà Nội, ngày 29 tháng 06 năm 2006 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ VIỆC THI HÀNH LUẬT LUẬT SƯ
QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ vào Hiến ph nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/QH10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khóa X, kỳ họp thứ 10;
QUYẾT NGHỊ:
1. Luật luật sư được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006, có hiệu lực từ ngày 01 tháng 01 năm 2007.
2. Chính phủ tổ chức việc rà soát những văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Pháp lệnh luật sư năm 2001 để huỷ bỏ, ban hành văn bản mới để thi hành Luật này.
3. Kể từ ngày Luật luật sư có hiệu lực thì:
a) Người đã được cấp Chứng chỉ hành nghề luật sư theo quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001 được tiếp tục hành nghề luật sư theo quy định của Luật này;
b) Người đang là luật sư tập sự theo quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001 được tiếp tục tập sự hành nghề luật sư theo quy định của Luật này; thời gian đã tập sự hành nghề luật sư được tính vào thời gian tập sự hành nghề luật sư theo quy định của Luật này và Thẻ luật sư tập sự không còn giá trị;
c) Thẻ luật sư do Đoàn luật sư cấp theo quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001 có giá trị cho đến khi được đổi thẻ mới; tổ chức luật sư toàn quốc hướng dẫn việc đổi Thẻ luật sư;
d) Trong thời hạn sáu tháng, văn phòng luật sư, công ty luật hợp danh đã được cấp Giấy đăng ký hoạt động theo quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001 phải thực hiện thủ tục chuyển đổi thành văn phòng luật sư, công ty luật hợp danh theo quy định của Luật này.
Bộ Tư pháp hướng dẫn việc chuyển đổi đối với các văn phòng luật sư, công ty luật hợp danh đã được cấp Giấy đăng ký hoạt động theo quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001;
đ) Trong thời hạn sáu tháng, cá nhân, tổ chức đang kinh doanh dịch vụ pháp lý theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 1999 mà tiếp tục kinh doanh dịch vụ pháp lý thì phải có đủ các điều kiện hành nghề luật sư và phải chuyển đổi hình thức tổ chức hành nghề theo quy định của Luật này; nếu không chuyển đổi thì phải chấm dứt hoạt động.
Bộ Tư pháp hướng dẫn việc chuyển đổi đối với cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ pháp lý theo quy định của Luật doanh nghiệp năm 1999;
e) Luật sư nước ngoài đã được cấp Giấy phép hành nghề tại Việt Nam; chi nhánh của tổ chức hành nghề luật sư nước ngoài, công ty luật nước ngoài, công ty luật hợp danh nước ngoài và Việt Nam đã được cấp Giấy phép thành lập theo quy định của Nghị định 87/2003/NĐ-CP ngày 22 tháng 7 năm 2003 của Chính phủ về hành nghề của tổ chức luật sư nước ngoài, luật sư nước ngoài tại Việt Nam được tiếp tục hành nghề theo quy định của Luật này;
g) Đoàn luật sư được thành lập theo quy định của Pháp lệnh luật sư năm 2001 không phải làm thủ tục xin phép thành lập lại;
h) Trong thời gian tổ chức luật sư toàn quốc chưa được thành lập, việc kiểm tra kết quả tập sự hành nghề luật sư do Bộ Tư pháp tổ chức thực hiện, việc cấp Thẻ luật sư do Đoàn luật sư thực hiện.
4. Chính phủ quy định cụ thể việc hỗ trợ kinh phí từ ngân sách nhà nước đối với các tỉnh miền núi đặc biệt khó khăn để phát triển đội ngũ luật sư và bảo đảm hoạt động của Đoàn luật sư.
Nghị quyết này đã được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 9 thông qua ngày 29 tháng 6 năm 2006.
CHỦ TỊCH QUỐC HỘI |
Nghị quyết số 65/2006/NQ-QH11 về việc thi hành luật luật sư do Quốc hội ban hành
- Số hiệu: 65/2006/NQ-QH11
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 29/06/2006
- Nơi ban hành: Quốc hội
- Người ký: Nguyễn Phú Trọng
- Ngày công báo: 05/11/2006
- Số công báo: Từ số 5 đến số 6
- Ngày hiệu lực: 12/07/2006
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực