Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 63-HĐBT

Hà Nội, ngày 11 tháng 4 năm 1987

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 63 - HĐBT NGÀY 11-4-1987 VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH HOẠT ĐỘNG DU LỊCH VÀ CHẤN CHỈNH TỔ CHỨC QUẢN LÝ CÔNG TÁC DU LỊCH

Từ ngày thành lập đến nay, ngành du lịch đã phấn đấu cải tạo và xây dựng được một số cơ sở vật chất - kỹ thuật, đào tạo được một đội ngũ cán bộ, công nhân viên chuyên ngành, phục vụ tương đối tốt các đoàn khách nước ngoài vào công tác, thăm hữu nghị, tham quan du lịch và khai thác dầu khí ở nước ta. Qua đó, ngành du lịch đã góp phần giới thiệu với khách nước ngoài về đất nước và con người Việt Nam.

Hoạt động du lịch vừa qua cũng đáp ứng được một phần nhu cầu tham quan, giải trí, nghỉ ngơi của nhân dân lao động trong nước, kiều bào ở nước ngoài, góp phần đẩy mạnh giao lưu tình cảm, giáo dục tình thần yêu nước, truyền thống cách mạng của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, hoạt động du lịch của nước ta còn nhiều tồn tại, thiếu sót, tập trung trên một số mặt chính sau đây:

1. Chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, tính chất và tác dụng tổng hợp trên các mặt chính trị, kinh tế, xã hội của hoạt động du lịch, do đó chưa đề ra được một chiến lược phát triển du lịch tương đối lâu dài, động viên khả năng của các ngành các cấp cho việc xây dựng và phát triển du lịch.

2. Cơ sở vật chất - kỹ thuật phục vụ cho hoạt động du lịch còn thiếu thống nhất là ở Thủ đô Hà Nội và ở các trung tâm du lịch nổi tiếng như Hạ Long, Huế... nhiều khách sạn có tiện nghi tương đối đầy đủ không được tổ chức quản lý tốt, để xuống cấp nhanh chóng; nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử có giá trị cao chưa được tu bổ, tôn tạo, bảo dưỡng, điều kiện đi lại chưa được thuận tiện. Nội dung các hoạt động du lịch còn nghèo nàn, chất lượng phục vụ còn thấp, chưa đáp ứng được yêu cầu của khách du lịch, nhất là khách quốc tế. Hiệu quả kinh doanh du lịch thấp.

3. Một số nguyên tắc, thủ tục về xuất nhập cảnh, hải quan, đi lại trong nước, quay phim, chụp ảnh... đang áp dụng đối với khách du lịch còn gò bó, phiền hà, ảnh hưởng đến việc thu hút khách du lịch nước ngoài vào nước ta. Quan hệ phối hợp giữa ngành du lịch với các ngành có liên quan đến hoạt động du lịch như Ngoại giao, Nội vụ, Hải quan, Giao thông vận tải, Hàng không... chưa ăn khớp; nội dung trách nhiệm chưa được quy định cụ thể.

4. Tổ chức bộ máy của ngành du lịch chưa ngang tầm với nhiệm vụ được giao. Chức năng quản lý Nhà nước, quản lý kinh doanh cũng như mối quan hệ giữa Trung ương và địa phương trong ngành du lịch chưa được xác định rõ ràng. Đội ngũ cán bộ trong ngành, nhất là cán bộ quản lý khách sạn, cán bộ nghiên cứu kinh tế, tuyên truyền, hướng dẫn, phục vụ khách du lịch còn thiếu và yếu, số đông chưa qua đào tạo chuyên ngành, trình độ ngoại ngữ, trình độ chính trị, kiến thức kinh tế, văn hoá, xã hội rất hạn chế.

5. Quan hệ hợp tác của ngành du lịch nước ta với các tổ chức du lịch và hàng không nước ngoài, với các tổ chức du lịch của thế giới (OMT), khu vực và hệ thống xã hội chủ nghĩa (Sportuss) chưa được mở rộng, chưa có nội dung thiết thực, cụ thể, nhằm thu hút được nhiều khách du lịch nước ngoài vào Việt Nam.

Để thực hiện tốt phương hướng phát triển du lịch do Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ VI đề ra: "Nhanh chóng khai thác các điều kiện thuận lợi của đất nước để mở rộng du lịch bằng vốn đầu tư trong nước và hợp tác với nước ngoài"; nhằm giới thiệu với khác nước ngoài về đất nước và con người Việt Nam, củng cố tình yêu quê hương, đất nước của đồng bào Việt Nam sống ở nước ngoài, giáo dục truyền thống cách mạng, lòng yêu Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, góp phần tái sản xuất mở rộng sức lao động của nhân dân, tăng nguồn thu cho ngân sách Nhà nước (cả ngoại tệ và tiền Việt Nam), cần phải nhanh chóng khắc phục những tồn tại, thiếu sót trên và thực hiện tốt những điểm sau đây:

1. Tổng cục Du lịch có trách nhiệm soạn thảo chiến lược dài hạn phát triển du lịch, trong đó cần xác định quan điểm mở rộng du lịch phải gắn chặt hiệu quả kinh tế với lợi ích chính trị, văn hoá, an ninh của đất nước. Trong những năm trước mắt (1986 - 1990 và 1991 - 1995), cần có kế hoạch, biện pháp khẩn trương triển khai đón nhận khách du lịch nước ngoài từ các nước xã hội chủ nghĩa, từ các nước Đông, Đông - Nam và Nam Á, các nước Tây Âu, Bắc Mỹ và người Việt Nam định cư ở nước ngoài về thăm Tổ quốc.

Có kế hoạch hợp tác chặt chẽ với hai nước Lào và Cam-pu-chia, sớm hình thành và hoàn chỉnh các tuyến du lịch ba nước Đông Dương, đưa du lịch ba nước Đông Dương cùng phát triển.

Từng bước tạo điều kiện cho công dân Việt Nam đi du lịch ở nước ngoài, trước hết là đến các nước xã hội chủ nghĩa anh em.

Đối với du lịch trong nước, chú ý phát triển du lịch giữa hai miền Nam - Bắc, giữa miền ngược và miền xuôi; ổn định dần các tuyến tham quan có tính giáo dục cao, góp phần giáo dục truyền thống cách mạng của dân tộc cho thế hệ trẻ.

2. Xoá bỏ những chế độ, thể lệ, thủ tục phiền hà đang gò bó, hạn chế hoạt động du lịch. Ban hành kịp thời quy chế liên ngành (Du lịch, Nội vụ, Ngoại giao, Hải quan) về nhập xuất cảnh, thể lệ hải quan và các thủ tục đi lại trong nước; về quay phim, chụp ảnh, tiếp xúc, v.v... tạo điều kiện thuận tiện cho khách, phù hợp với các Công ước, hiến chương du lịch và tập quán du lịch quốc tế, đồng thời vẫn bảo đảm an ninh Tổ quốc.

3. Tích cực xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cho ngành du lịch theo phương châm lấy ngắn nuôi dài, từng bước và có trọng điểm để khắc phục sự mất cân đối về buồng giường, trên các tuyến du lịch, nhất là tại một số nơi có danh tiếng như Hà Nội, Hạ Long, Huế, Nha Trang...

Trước hết phải sử dụng tốt các cơ sở hiện có của ngành du lịch, phục hồi các khách sạn, nhà nghỉ và những cơ sở có đủ tiện nghi chưa được sử dụng hợp lý để kinh doanh du lịch. Từng bước khai thác nhà ở và khả năng nghề nghiệp của cán bộ, nhân dân tạo thêm cơ sở phục vụ khách.

Để có nguồn vốn đầu tư xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật, ngoài vốn tự có và vốn vay Ngân hàng, ngành du lịch được mở rộng quan hệ hợp tác với các Công ty nước ngoài, kể cả hình thức vay vốn ngoại tệ hoặc liên doanh trên cơ sở cùng có lợi. Ngành du lịch được liên doanh, liên kết với các ngành và địa phương hữu quan để phát huy sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp phát triển du lịch.

4. Mở rộng quyền tự chủ về tài chính của ngành và các cơ sở kinh doanh du lịch. Từ nay đến năm 1990, cho phép ngành du lịch kết hối cho ngân sách Nhà nước Trung ương 20% doanh thu ngoại tệ và các khoản thuế hoặc thu quốc doanh (bằng tiền trong nước); phần còn lại ngành du lịch được sử dụng để tái sản xuất mở rộng và trích một tỷ lệ thích đáng để khuyến khích các địa phương và các ngành khác có tham gia phát triển du lịch.

Riêng đối với số kim ngạch thu được qua nguồn vốn vay của Ngân hàng trong nước hoặc hợp tác và vay của nước ngoài thì được phép miễn kết hối cho đến khi ngành du lịch trả xong các khoản nợ đó.

Ngành du lịch được sử dụng một tỷ giá du lịch đối với khách quốc tế và người Việt Nam định cư ở nước ngoài về nước du lịch. Tỷ giá du lịch được điều chỉnh trong mối tương quan với tỷ giá xuất khẩu và tỷ giá kiều hối.

5. Nhanh chóng chấn chỉnh hệ thống quản lý du lịch từ Trung ương đến địa phương và cơ sở theo hướng xoá bỏ tập trung quan liêu bao cấp, chuyển hẳn sáng hạch toán kinh doanh xã hội chủ nghĩa; phân biệt rõ chức năng quản lý Nhà nước của Tổng cục Du lịch với quyền tự chủ kinh doanh của các tổ chức kinh doanh du lịch, nhằm vừa bảo đảm sự quản lý thống nhất của Trung ương về đường lối chính sách, vừa phát huy tính chủ động sáng tạo của cơ sở.

Cụ thể là:

a) Về mặt quản lý Nhà nước:

Củng cố Tổng cục Du lịch để có thể thực hiện tốt hơn nữa vai trò của một cơ quan giúp Hội đồng Bộ trưởng quản lý thống nhất công tác du lịch trong cả nước.

b) Về mặt quản lý kinh doanh:

- Hình thành mười trung tâm du lịch đối ngoại là Hà Nội, Hạ Long, Hải Phòng, Huế, Đà Nẵng, Nha Trang, Đà Lạt, Vũng Tàu - Côn Đảo, Cần Thơ, thành phố Hồ Chí Minh. Tập trung đầu tư để mỗi trung tâm thực sự là một cụm điểm du lịch có sức hấp dẫn, thuận tiện và an toàn. ở mỗi trung tâm, thành lập một Công ty (có thể là Công ty hợp doanh) để huy động nguồn vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật, sức lao động từ các thành phần kinh tế khác nhau, từ các ngành và các đoàn thể quần chúng.

- Thành lập Tổng Công ty Du lịch (đối ngoại) Việt Nam hay Liên hiệp các Công ty Du lịch (đối ngoại ) Việt Nam (Vietnam tourism) trực thuộc Tổng cục Du lịch Việt Nam, bao gồm các Công ty Du lịch ở mười trung tâm nói trên. Tổng Công ty Du lịch (đối ngoại) Việt Nam có nhiệm vụ thống nhất quản lý khách du lịch là người nước ngoài hoặc người Việt Nam định cư ở nước ngoài, từ đầu vào đến đầu ra, và tổ chức cho công dân Việt Nam đi du lịch ở nước ngoài.

- ở những địa phương không phải là trung tâm du lịch, tuỳ điều kiện cụ thể mà có thể thành lập một tổ chức kinh doanh du lịch thích hợp.

- Các công ty du lịch trực thuộc Tổng Công ty du lịch (đối ngoại) Việt Nam, các tổ chức kinh doanh du lịch thuộc địa phương và trung tâm du lịch thanh niên, Trung tâm du lịch Công đoàn có thể trực tiếp ký với nhau những hợp đồng đưa đón khách du lịch. Từ đó hình thành mạng lưới các tổ chức kinh doanh du lịch, bảo đảm đáp ứng yêu cầu du lịch của nhân dân trong nước và của khách du lịch từ nước ngoài vào.

6. Tổng cục Du lịch khẩn trương nghiên cứu xây dựng Điều lệ tổ chức và hoạt động của ngành trình Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành trong quý II năm 1987.

Gấp rút xây dựng chức danh tiêu chuẩn, có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ, công nhân viên, trước mắt là cán bộ quản lý khách sạn, hướng dẫn, nghiên cứu thị trường có phẩm chất chính trị tốt, có ý thức và kiến thức về bảo vệ an ninh, thông thạo về kinh doanh du lịch và dịch vụ khác, có hiểu biết rộng về các lĩnh vực kinh tế, văn hoá, xã hội và giỏi ngoại ngữ.

7. Để bảo đảm sự phát triển du lịch được đồng bộ, đúng phương hướng nhiệm vụ và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ kế hoạch, hàng năm, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng phụ trách kinh tế đối ngoại sẽ chủ trì cuộc họp gồm thủ trưởng các ngành Tổng cục Du lịch, Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Tổng cục Hải quan, Bộ Ngoại thương, Bộ Nội thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Trung ương, Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Hàng không dân dụng để kiểm điểm tình hình thực hiện kế hoạch phát triển du lịch của thời kỳ trước và xác định mục tiêu kế hoạch phát triển du lịch cho thời kỳ tới. Tổng cục Du lịch có trách nhiệm chuẩn bị nội dung cho các cuộc hội nghị này.

Hội đồng Bộ trưởng yêu cầu các đồng chí Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Nhà nước, Thủ trưởng cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm phối hợp, cộng tác chặt chẽ với Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch để triển khai thực hiện tốt Nghị quyết này.

 

 

Võ Văn Kiệt

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 63-HĐBT về việc đẩy mạnh hoạt động du lịch và chấn chỉnh tổ chức quản lý công tác du lịch do Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 63-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 11/04/1987
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Võ Văn Kiệt
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản