Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
*****

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 52/2007/NQ-CP

Hà Nội, ngày 06 tháng 11 năm 2007

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 10 NĂM 2007

Ngày 03 tháng 11 năm 2007 Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 10 năm 2007, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:

1. Chính phủ nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình dự thảo Quy chế làm việc của Chính phủ.

Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 23/2003/NĐ-CP ngày 12 tháng 3 năm 2003 qua gần 5 năm thực hiện đã phát huy tác dụng tích cực, góp phần cụ thể hoá và hướng dẫn thi hành Luật Tổ chức Chính phủ về những vấn đề tổ chức và hoạt động của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; tăng cường hiệu lực và hiệu quả sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ trong giai đoạn phát triển đất nước với nhiều thành tựu nổi bật. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, cùng với những yêu cầu về đổi mới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Quy chế làm việc hiện hành đã bộc lộ một số điểm hạn chế cần được bổ sung, sửa đổi.

Dự thảo quy chế làm việc mới đã xác định rõ ràng, cụ thể hơn nguyên tắc làm việc, chế độ trách nhiệm, lề lối làm việc, quan hệ công tác và trình tự giải quyết công việc của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trên cơ sở đề cao trách nhiệm của Chính phủ và mỗi thành viên Chính phủ trong việc đổi mới quy trình xây dựng và tổ chức thực hiện Chương trình công tác của Chính phủ và quy trình xử lý công việc thường xuyên của Thủ tướng Chính phủ; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động của Chính phủ...

Về cơ bản, Chính phủ thông qua nội dung của dự thảo Quy chế. Giao Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo quy chế làm việc của Chính phủ; gửi Phiếu lấy ý kiến biểu quyết của các thành viên Chính phủ trước khi trình Thủ tướng xem xét, ký ban hành.

2. Chính phủ nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về một số giải pháp cấp bách xử lý những vướng mắc trong hoạt động đầu tư xây dựng và cải cách một số thủ tục hành chính đối với hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Thời gian qua, công tác triển khai đầu tư, xây dựng còn gặp nhiều khó khăn. Việc thực hiện vốn đầu tư, nhất là các dự án, công trình đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, vốn trái phiếu Chính phủ đạt thấp làm hạn chế tốc độ tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Tình hình trên có nguyên nhân từ việc quản lý đầu tư xây dựng yếu kém, nhưng cũng có nguyên nhân từ hệ thống các quy định pháp luật về đầu tư xây dựng chưa thông thoáng, còn chồng chéo, chưa phù hợp với thực tiễn. Chính phủ nhất trí ban hành Nghị quyết này, nhằm giải quyết dứt điểm những vướng mắc trong hoạt động đầu tư, xây dựng và hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Giao Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết, trình Thủ tướng xem xét, ký ban hành.

3. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về mức khấu trừ lợi nhuận trước thuế để lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ; nghe Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình dự án Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính.

Chính phủ nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về mức khấu trừ lợi nhuận trước thuế để lập Quỹ phát triển khoa học công nghệ. Giao Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ hoàn chỉnh dự thảo Nghị quyết. Bộ trưởng Bộ Tài chính thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết này.

Giao Bộ trưởng Bộ Tư pháp chủ trì phối hợp với Văn phòng Chính Phủ và các cơ quan có liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ hoàn chỉnh dự thảo Pháp lệnh Sửa đổi, bổ sung một số Điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định việc trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

4. Chính phủ nghe các báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2007 do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình; về tình hình thực hiện công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo quý III và công tác phòng, chống tham nhũng tháng 10 năm 2007 do Thanh tra Chính phủ trình; về tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính tháng 10 năm 2007 do Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình.

Tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2007 tiếp tục duy trì xu hướng phát triển. Sản xuất công nghiệp tăng cao hơn mức tăng của cùng kỳ năm trước, xuất khẩu tăng, vốn đầu tư nước ngoài tăng 18,7% so với cùng kỳ năm 2006, giải ngân nguồn vốn ODA đạt 85%, thu ngân sách đạt khá. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá và dịch vụ xã hội tăng cao, lĩnh vực dịch vụ sôi động, các hoạt động xã hội phát triển tích cực và có nhiều đổi mới; công tác phòng, chống dịch bệnh, chăm sóc sức khỏe nhân dân được quan tâm và tổ chức tốt, nhất là ở các vùng bị bão, lũ; công tác cứu trợ thiệt hại do thiên tai được thực hiện khẩn trương và có hiệu quả.

Bên cạnh nhiều kết quả đạt được, tình hình kinh tế - xã hội cũng còn nhiều khó khăn cần được tập trung khắc phục: cơn bão số 5 và mưa lũ ở nhiều nơi gây hậu quả lớn đến sản xuất nông nghiệp và đời sống nhân dân; nhập siêu còn ở mức cao; dịch cúm gia cầm, dịch bệnh tai xanh ở lợn chưa khống chế được triệt để và đang có nguy cơ bùng phát trở lại; giải ngân vốn đầu tư, cả vốn tín dụng và vốn từ trái phiếu Chính phủ đạt thấp...

Để phấn đầu hoàn thành nhiệm vụ kế hoạch năm 2007, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương thường xuyên bám sát diễn biến thực tế, tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết 03/2007/NQ-CP và các văn bản chỉ đạo điều hành cụ thể của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để đẩy mạnh sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh của sản phẩm; tăng năng lực xuất khẩu, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư. Trong công tác quản lý, điều hành giá cả phải tập trung vào các giải pháp đẩy mạnh sản xuất, lưu thông, kiên quyết không để thiếu hụt nguồn hàng; tăng cường chống đầu cơ, buôn lậu; duy trì mức giá cả phù hợp trên nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, không mở rộng và tiến tới chấm đứt việc Nhà nước bù lỗ. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, khẩn trương hoàn thiện các dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ của các Bộ để sớm đi vào hoạt động ổn định; tổ chức tốt công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo; đẩy mạnh việc phòng, chống tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí; thực hành tiết kiệm. Các Bộ, ngành và địa phương cần tiến hành rà soát lại toàn bộ các dự án đã triển khai, các khoản chi tiêu nội bộ, xử lý nghiêm các sai phạm, có biện pháp để không xảy ra các vi phạm, làm thất thoát tài sản Nhà nước.

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì theo dõi và có kế hoạch chủ động trong phòng, chống thiên tai; phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương khẩn trương khắc phục hậu quả lũ lụt, không để dân đói, đặc biệt các vùng bị thiệt hại nặng; phòng chống và dập tắt nhanh chóng các dịch bệnh đối với cây trồng, gia súc, gia cầm.

Bộ Y tế chủ trì kiểm soát chặt chẽ vệ sinh an toàn thực phẩm; khắc phục khẩn trương bệnh tiêu chảy cấp nguy hiểm và các dịch bệnh khác đối với người.

Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an chỉ đạo thực hiện nghiêm các giải pháp cấp bách kiềm chế tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông; phối hợp với các cơ quan liên quan và địa phương tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người dân nâng cao ý thức và tự giác thực hiện.

Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương xây dựng chương trình để có bước đột phá trong đào tạo nguồn nhân lực, trước mắt là đáp ứng nhu cầu của doanh nghiệp, các dự án lớn.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến việc thành lập và hoạt động của doanh nghiệp.

Bộ Tài chính chủ trì việc rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến thuế, hải quan.

Bộ Tư pháp chủ trì rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến dân về hộ khẩu, hộ chiếu, chứng minh thư, việc chứng thực, công chứng.

Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì rà soát các thủ tục hành chính liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà, giao quyền sử dụng đất, thu hồi đất.

Văn phòng Chính phủ chủ trì rà soát các thủ tục trong bộ máy Chính phủ, khẩn trương hoàn chỉnh Quy chế làm việc của Chính phủ; phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các Bộ, ngành liên quan chuẩn bị các báo cáo, tài liệu phục vụ tốt cho Hội nghị của Chính phủ với Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố triển khai kế hoạch và giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2008./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Website Chính phủ,
Người phát ngôn của Thủ tướng Chính phủ,
các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, TH (5b). 310

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 52/2007/NQ-CP về việc phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2007 do Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 52/2007/NQ-CP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 06/11/2007
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 778 đến số 779
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản
File đang được cập nhật