Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 43/2003/NQ-HĐ

TP. Hồ Chí Minh, ngày 25 tháng 07 năm 2003 

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ KINH TẾ- XÃ HỘI VÀ THU- CHI NGÂN SÁCH 6 THÁNG CUỐI NĂM 2003

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân (sửa đổi) ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Sau khi xem xét báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân, ủy ban nhân dân thành thành phố, các cơ quan hữu quan về kết quả thực hiện nhiệm vụ 6 tháng đầu năm và các giải pháp chủ yếu 6 tháng cuối năm 2003, phát biểu của Chủ tịch ủy ban mặt trận tổ quốc Việt Nam thành phố Hồ Chí Minh, báo cáo thẩm định của Ban Kinh tế-Ngân sách, Ban Văn hóa Xã hội, Ban Pháp chế- Hội đồng nhân dân thành phố và ý kiến của các đại biểu;
Kỳ họp lần thứ 12 Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khóa VI đ­­ược tổ chức từ ngày 22 đến ngày 25 tháng 7 năm 2003
;

QUYẾT NGHỊ

Nhất trí thông qua báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân thành phố về hoạt động của Hội đồng nhân dân trong 6 tháng đầu năm và chương trình công tác 6 tháng cuối năm 2003,

Tán thành báo cáo của ủy ban nhân dân thành phố và các cơ quan hữu quan về đánh giá tình hình thực hiện kế hoạch kinh tế xã hội, thu chi ngân sách 6 tháng đầu năm và các giải pháp chủ yếu thực hiện nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2003.

I. KẾT QUẢ THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KINH TẾ XÃ HỘI VÀ THU CHI NGÂN SÁCH 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2003:

Về kinh tế, tuy còn nhiều khó khăn và do tác động bất lợi của tình hình thế giới như chiến tranh Iraq, dịch SARS, biến động của một số mặt hàng trên thị trường đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của thành phố. Nhưng với sự nổ lực của các ngành, các cấp và các doanh nghiệp, kinh tế thành phố đã đạt được kết quả khả quan, nhiều chỉ tiêu chủ yếu đạt cao hơn so với cùng kỳ như công nghiệp tăng 15,5%, nông nghiệp tăng 14,7%, kim ngạch xuất khẩu tăng 20,1%, vốn đầu tư phát triển đã có chuyển biến tích cực, trong đó vốn ngoài ngân sách tăng khá. Thu và chi ngân sách đảm bảo được yêu cầu thường xuyên và phát triển.

Tuy nhiên, nhìn chung tình hình kinh tế thành phố vẫn chưa khẳng định được vị trí và phát huy tiềm lực của mình để phát triển bền vững. Tốc độ tăng trưởng tuy khá và liên tục nhưng một số chỉ tiêu so với tốc độ tăng trưởng cả nước thì còn thấp như công nghiệp tăng 15,5%/ 15,7%, xuất khẩu tăng 20,1%/ 32%, dịch vụ thương mại đạt 6,2%/ 9,5%. Riêng tổng sản phẩm nội địa (GDP) mới đạt 9,5%/11% so chỉ tiêu Nghị quyết đầu năm của Hội đồng nhân dân thành phố. Việc thực hiện các chương trình mục tiêu phát triển 16 ngành kinh tế chủ lực của thành phố chưa mạnh, dẫn đến chuyển dịch cơ cấu kinh tế chậm. Tình hình văn hóa, trật tự an toàn xã hội, nhất là về mặt quản lý nhà nước có chuyển biến khá tốt nhưng còn nhiều diễn biến phức tạp. Nạn ùn tắc giao thông, tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tội phạm có giảm nhưng chưa nhiều; quản lý Nhà nước còn những bất cập, nhiều lĩnh vực xử lý có kiên quyết hơn nhưng cũng chỉ là giải pháp tình thế.

Để thực hiện tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ kinh tế- xã hội năm 2003, các cấp, các ngành phải nổ lực cao hơn nữa. Từ những tồn tại cũ và những khó khăn mới đòi hỏi thành phố cần phải có những chủ trương, biện pháp giải quyết đồng bộ trước mắt cũng như về lâu dài, đặc biệt là nâng cao tính hiệu quả trong hoạt động của các cơ quan quản lý, điều hành.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP 6 THÁNG CUỐI NĂM 2003:

Thống nhất các giải pháp chủ yếu nêu trong báo cáo của ủy ban nhân dân thành phố để tiếp tục thực hiện Nghị quyết tại kỳ họp đầu năm 2003, Hội đồng nhân dân thành phố nhấn mạnh các vấn đề như sau:

1. Về kinh tế và thu chi ngân sách:

- Rà soát và thúc đẩy nhanh các kế hoạch chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đặc biệt chương trình hội nhập kinh tế, xúc tiến thương mại, tạo môi trường thuận lợi cho các nhà đầu tư sản xuất kinh doanh, tăng mạnh sức cạnh tranh đối với thị trường nội địa và quốc tế. Đẩy nhanh lĩnh vực dịch vụ, nâng tỷ trọng dịch vụ cao cấp. Thực hiện tốt kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực, lao động có trình độ kỹ thuật đáp ứng yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

- Trong nông nghiệp, ngoài chương trình 2 cây, 2 con cần chú ý phát triển phong phú, đa dạng các cây, con. Trong đó có các sản phẩm sinh vật cảnh phục vụ cho trong nước và xuất khẩu. Triển khai nhanh Trung tâm cây, con giống chất lượng cao; phát triển nông nghiệp, nông thôn gắn với du lịch sinh thái.

- Tập trung hơn nữa công tác di dời các cơ sở gây ô nhiễm, đảm bảo tối thiểu 30% trên 260 doanh nghiệp phải di dời trong năm 2003, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp ở lại khắc phục ô nhiễm. Tăng cường các biện pháp hiệu quả cho việc ngăn ngừa các đơn vị gây ô nhiễm mới.

- Rà soát và điều chỉnh qui hoạch đối với các dự án không còn phù hợp, không có khả năng triển khai để đầu tư tập trung hơn các công trình còn lại, các công trình mới phục vụ cho sự phát triển cũng như giải quyết những nhu cầu bức thiết của nhân dân thành phố. Có biện pháp quản lý, kiểm tra các dự án, công trình đã được phê duyệt. Kiên quyết thu hồi đất đã giao cho các tổ chức quá thời gian quy định nhưng không đưa vào sử dụng hoặc sử dụng không đúng mục đích. Xây dựng quỹ đất để tạo vốn và phục vụ cho sự phát triển kinh tế- văn hóa – xã hội của thành phố.

- Quản lý chặt chẽ nhà, xưởng thuộc sở hữu Nhà nước. Chấn chỉnh việc định giá và bán đấu giá tài sản Nhà nước. ủy ban nhân dân thành phố có biện pháp ngăn ngừa những tiêu cực và xử lý nghiêm các vi phạm vừa qua.

- Nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động Nhà nước trong lĩnh vực quản lý đô thị, nhất là quy hoạch, quản lý quy hoạch; quản lý xây dựng và kiến trúc; quản lý vệ sinh môi trường; quản lý giao thông…Tiếp tục xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trật tự đô thị, vệ sinh môi trường. Giao ủy ban nhân dân thành phố có biện pháp giải quyết, tạo điều kiện cho người dân thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình, nếu cố tình vi phạm thì kiên quyết xử lý. Đồng thời, xử lý nghiêm đối với cán bộ- công chức Nhà nước thiếu trách nhiệm hoặc vi phạm. Về quy hoạch phải có quy trình chặt chẽ, giao trách nhiệm cho tổ chức, cá nhân rõ ràng.

- Đầu tư và huy động các nguồn vốn tốt hơn cho việc cấp nước thành phố, đảm bảo tăng lượng nước sạch cho nhân dân. Có biện pháp hiệu quả hơn nữa nhằm làm giảm thất thoát nước. Ngành giao thông công chánh cần rà soát lại hệ thống thoát nước thành phố và có kế hoạch thực hiện việc giảm 50% điểm ngập nước như Nghị quyết Hội đồng nhân dân thành phố đặt ra. Trong đó, phải xử lý nghiêm và buộc đơn vị vi phạm khắc phục hậu quả lấn chiếm làm thu hẹp dòng sông, kênh, rạch.

- Tiếp tục thực hiện cải cách hành chính theo hướng phục vụ đắc lực cho sản xuất kinh doanh, tạo môi trường đầu tư hấp dẫn và giải quyết công việc nhanh, thuận lợi cho công dân. Hoàn thành việc tách quản lý Nhà nước và sản xuất kinh doanh ở một số sở, ngành.

- ủy ban nhân dân thành phố tăng cường các biện pháp điều hành ngân sách hiệu quả hơn. Cần sơ kết việc sử dụng ngân sách trong thời gian qua, tăng cường công tác kiểm tra, đảm bảo đúng quy trình quy định. Nâng cao hơn nữa công tác thẩm định đầu tư, giám sát nhằm đảm bảo đầu tư hợp lý cho yêu cầu phát triển bền vững của thành phố. Thực hiện có hiệu quả chống tham nhũng, chống lãng phí, thực hành tiết kiệm, không chi sai quy định. Về dự kiến ngân sách Nhà nước năm 2004, giao Ban Kinh tế-Ngân sách chủ động trong quá trình chuẩn bị, làm việc của ủy ban nhân dân thành phố với các ban, ngành Trung ương và trình Hội đồng nhân dân thành phố trong kỳ họp đầu năm 2004.

2.Về văn hóa - xã hội:

Nâng cao chất lượng và hiệu quả phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa cơ sở (hộ gia đình,khu dân cư, nơi công cộng, cơ quan …). Thực hiện tốt năm trật tự, kỷ cương- nếp sống văn minh đô thị. ủy ban nhân dân thành phố sớm ban hành quy chế quản lý dân nhập cư. Tập trung giải quyết các vấn đề về người ăn xin, các tệ nạn xã hội và xã hội hóa thực hiện đề án quản lý dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện. Tấn công mạnh và xử lý nghiêm đối với bọn tội phạm tàng trữ; mua bán, tổ chức sử dụng ma túy; chuyển hóa, làm trong sạch địa bàn.

Tập trung thực hiện chương trình nhà ở phục vụ tái định cư, người có thu nhập thấp, nhà lưu trú cho công nhân và ký túc xá sinh viên.

Tổ chức thành công SEA Games tại thành phố. Tận dụng thời cơ khai thác toàn diện, có hiệu quả về trình độ tổ chức, về thành tích thi đấu, về quảng bá du lịch, kinh tế, văn hóa… của thành phố.

3. Về trật tự an toàn xã hội:

Tiếp tục giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội. Có biện pháp tích cực và hiệu quả hơn trong việc chống đua xe trái phép, giải quyết tai nạn giao thông, tội phạm hình sự. Giải quyết dứt điểm các trường hợp bắt giam từ năm 2001 trở về trước chưa được xét xử hoặc đã xét xử nhưng bị hủy án để điều tra bổ sung. Nâng cao tỷ lệ khám phá, xử lý án hình sự, chất lượng và tỷ lệ giải quyết án dân sự, hôn nhân và gia đình, làm tốt công tác thi hành án dân sự. Tăng cường chất lượng và hiệu quả công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân; tổ chức thực hiện các quyết định đã có hiệu lực pháp luật và giải quyết nhanh các kiến nghị bức xúc, chính đáng của cử tri. Đẩy mạnh công tác cải cách tư pháp; xem xét giải quyết các kiến nghị của cơ quan tư pháp; kiện toàn tổ chức, bổ sung nhân sự; nâng cao trình độ và phẩm chất đạo đức cho đội ngũ cán bộ- công chức của ngành.

4. Về các tờ trình của ủy ban nhân dân thành phố và ý kiến thẩm định của các ban Hội đồng nhân dân

- Chấp thuận về mức chi, đối tượng chi như tờ trình số 3228/UB-VX ngày 14 / 7/ 2003 của ủy ban nhân dân thành phố và chi hỗ trợ thêm tiền ăn, tiền thuốc cho một số đối tượng ở các trung tâm xã hội như kiến nghị của Ban Văn hóa xã hội. áp dụng từ ngày 1 / 8 / 2003.

- Giao ủy ban nhân dân thành phố xem xét việc điều tiết nguồn thu để thực hiện tăng luơng mới cho ngành giáo dục- đào tạo và ngành y tế thành phố, phụ cấp trực cho ngành y tế.

- Hội đồng nhân dân thành phố nhất trí về nguyên tắc với đề nghị của ủy ban nhân dân thành phố đã ghi trong tờ trình số 3372/UB-TM ngày 21 / 7 / 2003 về quyết định nguồn thu và nhiệm vụ chi cho từng cấp ngân sách ở địa phương. Giao Ban Kinh tế-Ngân sách chuẩn bị ý kiến để báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố trong kỳ họp đầu năm 2004.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Hội đồng nhân dân thành phố giao ủy ban nhân dân thành phố căn cứ vào Nghị quyết và nghiên cứu các ý kiến thảo luận trong kỳ họp để có kế hoạch cụ thể, giải pháp đồng bộ, tổ chức triển khai và chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ kinh tế xã hội năm 2003.

Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban Hội đồng nhân dân và các tổ đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố phối hợp hoạt động, tăng cường giám sát, kiểm tra trong quá trình thực hiện nghị quyết.

Đề nghị ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt nam thành phố và các tổ chức thành viên làm tốt vai trò giám sát và tuyên truyền giáo dục, động viên các tầng lớp nhân dân, cán bộ- chiến sĩ tích cực tham gia góp phần thực hiện các chỉ tiêu kinh tế- xã hội 6 tháng cuối năm 2003.

 


Nơi nhận:

- UB Th­ường vụ Quốc hội
- VP Quốc hội
- VP Chủ tịch nư­ớc
- VP Chính phủ
- Bộ Nội vụ.
- Đoàn Đại biểu Quốc hội TP
- Th­ường trực Thành ủy
- Thư­ờng trực HĐND TP
- Thư­ờng trực UBND TP
- Thường trực UB MTTQ TP
- Đại biểu HĐND TP
- VP Thành ủy
- VP HĐND- UBND TP
- Liên đoàn lao động TP, Thành đoàn TP
- Hội Nông dân TP, Hội Phụ nữ TP.
- Hội Cựu chiến binh TP, Hội Nhà báo, Hội Luật gia,
LH Hội KHKT, Hiệp Hội Công th­ơng.
- Thủ tr­ưởng các sở-ban- ngành TP
- Chủ tịch HĐND và UBND quận -huyện
- Các báo, đài TP và TW đóng tại TP
- Lư­u HC
- Lư­u TH-HĐ (14b)

TM HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH

 



Võ Văn Cương

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 43/2003/NQ-HĐ về nhiệm vụ kinh tế - xã hội và thu - chi ngân sách 6 tháng cuối năm 2003 do Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh ban hành

  • Số hiệu: 43/2003/NQ-HĐ
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 25/07/2003
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Võ Văn Cương
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 04/08/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản