Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 34/2005/NQ-HĐND

TP. Hồ Chí Minh, ngày 22 tháng 12 năm 2005 


NGHỊ QUYẾT

VỀ NHIỆM VỤ KINH TẾ-XÃ HỘI NĂM 2006

HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH KHÓA VII, KỲ HỌP THỨ 6
(Từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 12 năm 2005)

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Sau khi xem xét các báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân và các cơ quan hữu quan; thông báo của Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và ý kiến của các vị Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố
;

QUYẾT NGHỊ:

Nhất trí với các báo cáo của Thường trực Hội đồng nhân dân và các Ban của Hội đồng nhân dân thành phố.

Nhất trí với các báo cáo của Ủy ban nhân dân và các cơ quan hữu quan về đánh giá tình hình kinh tế - xã hội, an ninh chính trị trật tự an toàn xã hội trên địa bàn thành phố năm 2005; nhiệm vụ và định hướng, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội năm 2006.

Hội đồng nhân dân thành phố nhấn mạnh một số vấn đề như sau:

I. ĐÁNH GIÁ TÌNH HÌNH THỰC HIỆN NHIỆM VỤ KẾ HOẠCH NĂM 2005:

- Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GDP) đạt 12,2% (kế hoạch 12% trở lên);

- Kim ngạch xuất khẩu không tính dầu thô tăng 17% (kế hoạch tăng 17% trở lên);

- Tổng vốn đầu tư phát triển đạt 54.480 tỷ đồng (kế hoạch 53.000 tỷ đồng);

- Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt 58.850,32 tỷ đồng (kế hoạch 54.354 tỷ đồng), trong đó thu nội địa đạt 32.150,32 tỷ đồng (kế hoạch 30.414 tỷ đồng);

- Tổng chi ngân sách địa phương 18.660 tỷ đồng (kế hoạch 12.253 tỷ đồng);

- Giải quyết việc làm cho 230.000 lao động (kế hoạch 230.000), trong đó tạo 90.000 việc làm mới (kế hoạch 90.000), giảm thất nghiệp còn 5,9% (kế hoạch còn 6%);

- Số lượt người sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng đạt 254 triệu lượt người (kế hoạch 200 triệu lượt người).

Tình hình kinh tế - xã hội trong năm qua có những khó khăn nhất định, nhưng các cấp, các ngành, mặt trận và các đoàn thể, các tổ chức, các doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân luôn phấn đấu nỗ lực khắc phục khó khăn, góp phần thúc đẩy kinh tế phát triển; văn hóa, xã hội có chuyển biến khá, tiếp tục giữ vững an ninh chính trị và trật tư an toàn xã hội. Phần lớn các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều đạt và vượt kế hoạch theo Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố.

Tuy nhiên tình hình vẫn còn nhiều khó khăn, phức tạp. Tốc độ tăng trưởng giá trị tăng thêm của các ngành công nghiệp chưa đạt yêu cầu, sức cạnh tranh còn thấp. Mặc dù Hội đồng nhân dân thành phố chọn Năm 2005 là Năm chống lãng phí thực hành tiết kiệm nhưng tình trạng thất thoát, lãng phí, hiệu quả sử dụng ngân sách, đất đai, tài sản công, thời gian lao động chưa khắc phục được nhiều. Trật tự, kỷ cương xã hội còn nhiều bất cập; công tác cải cách hành chính chưa đem lại hiệu quả như mong muốn; khiếu nại về giải tỏa đền bù, tái định cư không giảm; tệ nạn xã hội, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường tuy có giảm, có được khắc phục nhưng vẫn còn là những vấn đề bức xúc cần phải tập trung giải quyết.

II. MỤC TIÊU VÀ CÁC CHỈ TIÊU CHỦ YẾU CỦA NĂM 2006:

1. Mục tiêu:

Năm 2006 là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2006-2010, sự chuyển biến và kết quả năm 2006 sẽ tạo cơ sở thực hiện thắng lợi kế hoạch 5 năm.

Mục tiêu phấn đấu năm 2006 là tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế gắn liền với chất lượng tăng trưởng; hỗ trợ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, triển khai mạnh mẽ ứng dụng công nghệ thông tin trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự xã hội; nâng cao chất lượng sống của nhân dân thành phố, đẩy mạnh xã hội hóa huy động mọi nguồn lực để phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, thể dục thể thao; giải quyết tốt các vấn đề xã hội. Tập trung cải cách hành chính, nâng cao năng lực và hiệu quả quản lý nhà nước, Năm 2006 là Năm cải cách hành chính.

2. Các chỉ tiêu chủ yếu:

- Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng từ 12% trở lên;

Tổng kim ngạch xuất khẩu không tính dầu thô tăng 17%;

Tổng nguồn vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên 62.000 tỷ đồng;

- Thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 67.254 tỷ đồng, trong đó thu nội địa 35.954 tỷ đồng; chi ngân sách địa phương 14.819,814 tỷ đồng;

- Giảm tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí mới (dưới 6 triệu đồng/người/năm) còn dưới 6,8%;

- Giải quyết việc làm cho 230.000 lao động, trong đó tạo 100.000 việc làm mới, giảm tỷ lệ thất nghiệp còn 5,79%;

- Tỷ lệ hộ dân được cung cấp nước sạch từ hệ thống cấp nước thành phố đạt 86,5%;

- Số lượt người sử dụng phương tiện giao thông vận tải hành khách công cộng đạt 300 triệu lượt người.

III. NHIỆM VỤ VÀ CÁC GIẢI PHÁP CHÍNH:

1. Tiếp tục thực hiện chuyển đổi mạnh cơ cấu kinh tế hợp lý gắn liền với chất lượng tăng trưởng. Tạo môi trường kinh doanh tốt cho các doanh nghiệp. Thực hiện chính sách ưu đãi đầu tư cho các ngành công nghiệp trọng điểm và các doanh nghiệp có sản phẩm cạnh tranh và giá trị tăng cao, tăng tỷ trọng ngành dịch vụ trọng điểm với chất lượng cao hơn trong GDP.

2. Tạo điều kiện thuận lợi, huy động các nguồn lực xã hội tham gia xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội. Đào tạo, khai thác, sử dụng và phát huy có hiệu quả tri thức của các chuyên gia và các nhà khoa học đang làm việc tại thành phố. Tiếp tục thực hiện và thực hiện mạnh hơn xã hội hóa giáo dục, văn hóa, y tế, thể dục thể thao, dạy nghề, giải quyết việc làm.

3. Tăng cường hợp tác kinh tế đối với các tỉnh thành trong nước, phối hợp toàn diện với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, nhất là các tỉnh giáp ranh để vừa đảm bảo định hướng phát triển kinh tế vừa đảm bảo môi trường và an sinh xã hội.

4. Nhanh chóng sơ kết phân cấp quy hoạch để có biện pháp đẩy nhanh việc hoàn thành công tác quy hoạch chi tiết ở các quận huyện, xóa quy hoạch treo; tổ chức quản lý tốt quy hoạch xây dựng và kiến trúc cảnh quan đô thị trên địa bàn thành phố.

5. Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, xây dựng các mô hình và thiết chế văn hóa ở các đơn vị, các địa phương phường xã, quận huyện, đáp ứng nhu cầu văn hóa tinh thần cho người dân thành phố, qua đó nâng cao chất lượng các mô hình văn hóa, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, hình thành ý thức mọi người dân thành phố có trách nhiệm tham gia xây dựng độ thị văn minh, hiện đại.

6. Tiếp tục có biện pháp tích cực, hiệu quả triển khai thực hiện Luật Phòng chống tham nhũng, Luật chống lãng phí, thực hành tiết kiệm.

7. Ủy ban nhân dân thành phố xây dựng chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện nhiệm vụ: Năm cải cách hành chính. Tạo sự đột phá trong cải cách hành chính để tạo điều kiện, môi trường phát huy tiềm lực và huy động các thành phần kinh tế, các tổ chức, cá nhân tham gia đầu tư xây dựng và phát triển thành phố. Giảm thủ tục còn cản trở, phiền hà; có biện pháp tích cực, cụ thể trong cải cách hành chính đáp ứng yêu cầu của nhân dân, đồng thời nâng cao năng lực và hiệu quả của công tác quản lý hành chính Nhà nước.

8. Giao Ủy ban nhân dân thành phố sơ kết công tác bồi thường, tái định cư; đánh giá việc thực hiện chủ trương quan tâm chăm lo cuộc sống của dân sau di dời, đề xuất chủ trương, giải pháp trình Hội đồng nhân dân thành phố kỳ họp gần nhất.

9. Về các tờ trình của Ủy ban nhân dân thành phố được Hội đồng nhân dân thành phố xem xét, đồng ý thông qua:

9.1. Tờ trình số 5478/TT-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2005 về mức thu phí tham quan địa đạo Củ Chi, thời gian thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2006. Việc thu phí cần miễn giảm đối với diện chính sách, học sinh, sinh viên, người tàn tật.

9.2. Tờ trình số 6611/TT-UBND ngày 17 tháng 10 năm 2005 về mức thu phí trông giữ xe đạp, xe máy, ô tô và phí tạm dừng, đỗ ô tô, thời gian thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2006.

9.3. Tờ trình số 6742/TT-UBND ngày 20 tháng 10 năm 2005 về mức hỗ trợ cho người triệt sản và người vận động, thời gian thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2006.

9.4. Tờ trình số 7646/TT-UBND ngày 20 tháng 11 năm 2005 về việc chấm dứt thu phí giao thông.

9.5. Tờ trình số 7789/TT-UBND ngày 01 tháng 12 năm 2005 về việc tính lại thời gian chuyển giao quyền thu phí giao thông trên 2 tuyến đường Điện Biên Phủ và Hùng vương nối dài (đường Kinh Dương Vương hiện nay).

9.6. Tờ trình số 8070/TT-UBND ngày 12 tháng 12 năm 2005 về việc xây dựng bảng giá các loại đất trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh công bố ngày 01 tháng 01 năm 2006.

9.7. Tờ trình số 8113/TT-UBND ngày 14 tháng 12 năm 2005 về thành lập Ban Thi đua Khen thưởng thành phố. Giao Ủy ban nhân dân thành phố tổ chức bộ máy theo nguyên tắc tinh gọn và hiệu quả.

9.8. Tờ trình số 8165/TT-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2005 về kế hoạch biên chế hành chính sự nghiệp năm 2006 đối với các sở ngành, quận huyện. Giao Ủy ban nhân dân thành phố kiểm tra thường xuyên việc thực hiện kế hoạch, giao Thủ trưởng các đơn vị chịu trách nhiệm tuyển dụng, bố trí biên chế hợp lý, tinh gọn và hiệu quả.

9.9. Tờ trình số 8220/TT-UBND ngày 16 tháng 12 năm 2005 về đầu tư xây dựng cơ bản nguồn vốn ngân sách. Lưu ý Ủy ban nhân dân thành phố, trong quá trình tổ chức thực hiện phải thường xuyên kiểm tra, kịp thời tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn; không để xảy ra thất thoát, tiêu cực hoặc chậm trễ vì thủ tục, thi công kéo dài gây lãng phí và trở ngại cho việc sinh hoạt, đi lại của nhân dân. Thời gian tới cần tập trung nguồn vốn ngân sách vào việc xây dựng hạ tầng kỹ thuật, tạo điều kiện thuận lợi thu hút đầu tư và đáp ứng các nhu cầu bức xúc của nhân dân.

9.10. Tờ trình số 8297/TT-UBND ngày 19 tháng 12 năm 2005 về thành lập Tổ cán sự xã hội tình nguyện, kinh phí hoạt động và chế độ phụ cấp cho các thành viên, thời gian thực hiện từ ngày 01 tháng 01 năm 2006. Giao Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo, tùy tình hình thực tế của địa phương triển khai việc thành lập Tổ cán sự xã hội tình nguyện có số lượng thành viên hợp lý và hiệu quả.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN:

Giao Ủy ban nhân dân thành phố chỉ đạo, điều hành các Sở ngành, các cấp chính quyền thực hiện Nghị quyết này với kết quả cao nhất.

Thường trực, các Ban của Hội đồng nhân dân, các tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố giám sát việc thực hiện Nghị quyết.

Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các thành viên, các tổ chức xã hội động viên các tầng lớp nhân dân thành phố thực hiện Nghị quyết của Hội đồng nhân dân thành phố và phản ánh kịp thời tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của người dân đến các cơ quan.

Hội đồng nhân dân thành phố kêu gọi đồng bào, cán bộ, chiến sĩ thành phố nêu cao tinh thần khắc phục khó khăn, đoàn kết quyết tâm thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội năm 2006.

Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân thành phố Hồ Chí Minh khóa VII, kỳ họp thứ 6 (từ ngày 20 đến ngày 22 tháng 12 năm 2005) thông qua ngày 22 tháng 12 năm 2005./.


Nơi nhận:

- Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Văn phòng Quốc hội;
- Văn phòng Chủ tịch nước; Văn phòng Chính phủ;
- Các Ủy ban của Quốc hội: KT và NS, PL, CVĐXH;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Các Bộ: Nội vụ, Tài chính, Xây dựng, Y tế, Công an, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Ủy ban TDTT;
- Thường trực Thành ủy, Thường trực HĐND TP;
- Ủy ban nhân dân TP; Ban TT Ủy ban MTTQ Việt Nam TP;
- Thường trực Đoàn Đại biểu Quốc hội;
- Vụ: CTĐB của Ủy ban TVQH, Quốc hội phía Nam;
- Đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố;
- Thủ trưởng các Sơ-Ban-Ngành thành phố;
- Thường trực HĐND và Chủ tịch UBND quận huyện;
- Văn phòng Thành ủy;
- VPHĐ-UB: VPVP, các Tổ NCTH;
- Lưu: HCUB-THHĐ.

CHỦ TỊCH



 
Phạm Phương Thảo

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 34/2005/NQ-HĐND về nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2006 do Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí MInh ban hành

  • Số hiệu: 34/2005/NQ-HĐND
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 22/12/2005
  • Nơi ban hành: Thành phố Hồ Chí Minh
  • Người ký: Phạm Phương Thảo
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Đang cập nhật
  • Ngày hiệu lực: 01/01/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản