Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 31-HĐBT

Hà Nội, ngày 22 tháng 2 năm 1982

 

NGHỊ QUYẾT

CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 31-HĐBT NGÀY 22 THÁNG 2 NĂM 1982 VỀ PHÁT TRIỂN NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP CÁC TỈNH TÂY NGUYÊN TRONG THỜI GIAN 1981-1985.

Tây Nguyên là vùng chiến lược có vị trí rất quan trọng về kinh tế, chính trị và quốc phòng của đất nước . Với khoảng 1.6 triệu hécta đất nông nghiệp phì nhiêu, và khoảng 3.3 triệu hécta đất lâm nghiệp và rừng có trữ lượng gỗ và lâm sản, đặc sản rất phong phú, Tây Nguyên có khả năng phát triển nhanh và toàn diện về nông nghiệp, lâm nghiệp và công nghiệp, trước hết là công nghiệp chế biến nông - lâm sản với khối lượng lớn, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Dưới sự lãnh đạo của Trung ương Đảng và Chính phủ, cùng với sự chi viện của các ngành ở Trung ương , trong những năm qua, Đảng bộ , chính quyền, nhân dân các dân tộc , bộ đội, cán bộ, công nhân viên ở Tây Nguyên đã có những cố gắng to lớn trong việc xây dựng và củng cố chính quyền cách mạng, truy quét Fulrô và các tổ chức phản động, định canh, định cư tiếp nhận thêm lao động đến xây dựng vùng kinh tế mới, phục hoá, khai hoang, làm thuỷ lợi , phát triển lương thực và thực phẩm , khôi phục và mở rộng cây công nghiệp, phát triển chăn nuôi, khai thác lâm sản, phát triển công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp, đẩy mạnh xuất khẩu, phân phối lưu thông, xây dựng một bước cơ sở vật chất kỹ thuật,xây dựng quan hệ sản xuất mới, phát triển sự nghiệp văn hoá, y tế, giáo dục, ổn định một bước đời sống nhân dân, làm biến đổi rõ rệt bộ mặt của Tây Nguyên về chính trị, kinh tế , văn hoá và xã hội. Nổi bật nhất là Tây Nguyên trước kia là một vùng thiếu ăn nay đã bước đầu giải quyết có kết quả vấn đè lương thực.

Tuy nhiên, do phương hướng đầu tư chưa rõ, cơ cấu cây trồng và vật nuôi chưa hợp lý, nhân lực và cơ sở vật chất kỹ thuật tuy được tăng cường nhưng không đồng bộ, một số chính sách kinh tế chưa phù hợp, cán bộ thiếu, trình độ yếu và việc chỉ đạo của các ngành, các địa phương chưa sát và kịp thời nên việc phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp còn bị hạn chế, các thế mạnh về cây công nghiệp, nghề rừng chưa được phát huy. Đặc biệt là rừng bị tàn phá nghiêm trọng, đất đai bị xói mòn, năng suất cây trồng chưa cao và có xu hướng giảm sút.

Để khai thác có hiệu qủa tiềm lực kinh tế của Tây Nguyên, nhằm phục vụ tốt đời sống nhân dân, phục vụ tốt cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu, tăng cường an ninh chính trị và quốc phòng, góp phần xứng đáng vào sự nghiệp cách mạng chung của cả nước. Hội đồng Bộ trưởng quyết định thực hiện những nhiệm vụ kinh tế quan trọng sau đây.

I. VỀ PHƯƠNG HƯỚNG, NHIỆM VỤ PHÁT TRIỂN KINH TẾ NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP Ở TÂY NGUYÊN

Phát huy quyền làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa của nhân dân các dân tộc, quân đội, cán bộ và công nhân viên ở Tây nguyên cùng với cố gắng chung của cả nước, phát huy tiềm năng đất, rừng, lao động và các cơ sở vật chất - kỹ thuật, tiến hành đồng thời ba cuộc cách mạng, đẩy mạnh phát triển nông nghiệp toàn diện và lâm nghiệp trên cơ sở nông - lâm kết hợp, phát triển công nghiệp, trước hết là công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp chế biến nông - lâm sản, làm cho các tỉnh Tây Nguyên nhanh chóng có cơ cấu nông - lâm - công nghiệp, từng bước đi lên sản xuất lớn xã hôi chủ nghĩa, nhằm thực hiện thắng lợi bốn mục tiêu chủ yếu:

- Ổn định và từng bước cải thiện đời sống nhân dân.

- Từng bước xây dựng cơ sở vật chất - kỹ thuật cần thiết để phát triển kinh tế toàn diện.

- Củng cố an ninh chính trị và quốc phòng.

- Cải tạo và hoàn thiện quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa.

Căn cứ vào phương hướng, mục tiêu chung trên đây, trong 5 năm 1981-1985 cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ chủ yếu sau đây:

1. Về nông nghiệp:

- Về lương thực thực phẩm, phải đẩy mạnh sản xuất lương thực bao gồm cả lúamàu, để đảm bảo giải quyết vững chắc nhu cầu lương thực tại địa phương cho người (kể cả nhân khẩu sẽ chuyển đến xây dựng kinh tế mới và lực lượng vũ trang), thức ăn gia súc và có dự trữ. Phấn đấu đến năm 1985 đạt từ 65 đến 70 vạn tấn lương thực, trong đó Gia Lai - KonTum 30 đến 32 vạn tấn, Đắc Lắc 21 - 25 vạn tấn, Lâm Đồng 14 - 15 vạn tấn. Trong lương thực, màu ít nhất chiến tỷ lệ 50 %. Để thực hiện chỉ tiêu trên, phải thâm canh lúa (cả lúa nước và lúa gieo) và mở thêm diện tích lúa nước, đẩy mạnh sản xuất ngô, khoai lang, sắn với diện tích hợp lý và các loại cây lấy củ, lấy hạt khác... Đẩy mạnh sản xuất các loại rau, quả, đỗ đậu để cải tiến cơ cấu bữa ăn của nhân dân. Củng cố vùng rau Đà Lạt để sản xuất rau cung cấp cho thành phố Hồ Chí Minh, đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo và sản xuất giống cung cấp cho Nhà nước.

- Về cây công nghiệp, lâu dài phải chú ý thế mạnh về cây công nghiệp dài ngày, nhưng trước mắt phải đặc biệt chú ý phát triển mạnh các loại cây công nghiệp ngắn ngày để xuất khẩu và tiêu dùng.

Đối với cây công nghiệp dài ngày, tập trung làm cây cà-phê, chè và dâu tằm. Về cà-phê, quốc doanh làm một phần, còn khuyến khích mạnh hợp tác xã, tập đoàn sản xuất, và hộ gia đình trồng bán sản phẩm cho Nhà nước. Phải thâm canh tốt diện tích cà-phê hiện có, đồng thời, phải bảo đảm trồng mới khoảng 2,6 vạn hécta cà-phê hợp tác với các nước. Về chè, vừa thâm canh, vừa mở thêm diện tích vùng tập trung để bảo đảm đủ nguyên liệu cho các nhà máy; phát triển mạnh trồng chè trong nhân dân. Mở rộng vùng dâu tằm tập trung ở Bảo Lộc (Lâm Đồng), đồng thời, phát triển mạnh phong trào nhân dân sản xuất tơ tằm (tằm dâu, tằm sắn, tằm thầu dầu), trồng bông và cây có sợi khác để góp phần giải quyết nhu cầu mặc. Thâm canh khai thác tốt diện tích cao-su hiện có và kết hợp trồng rừng với trồng cao-su.

Đối với cây công nghiệp ngắn ngày, đẩy mạnh sản xuất lạc, đậu tương, vừng, đậu đen, thầu dầu, thuốc lá... để xuất khẩu và tiêu dùng; phát triển trồng mía để làm đường. Phát triển cây dược liệu để xuất khẩu và tự giải quyết nhu cầu về thuốc.

- Phát triển mạnh chăn nuôi gia súc, gia cầm, cá, ong.... trong cả ba khu vực gia đình, tập thể và quốc doanh. Đặc biệt, đẩy mạnh chăn nuôi bò. Củng cố và phát triển bò sữa ở Lâm Đồng, nghiên cứu mở rộng dần việc nuôi trâu bò sữa ở Tây Nguyên.

2. Về lâm nghiệp:

Trước hết, tập trung bảo vệ, quản lý tốt rừng tự nhiên hiện có, đặc biệt là rừng đầu nguồn, rừng thông, rừng đặc sản. Kiên quyết chấm dứt nạn cháy rừng và tệ phá rừng,đốt nương bừa bãi, tệ khai thác rừng không có quy hoạch, kế hoạch và không theo đúng quy trình kỹ thuật. Đồng thời, đẩy mạnh trồng rừng, tu bổ, tái sinh và khoanh núi nuôi rừng. Bảo vệ, trồng mới rừng thông, có kế hoạh khai thác và chế biến gỗ thông, nhựa thông. Quản lý, khai thác tốt cây đặc sản có dầu, tinh dầu và nhựa; bảo vệ các loài chim, thú quý, hiếm. Thực hiện tốt việc giao đất rừng cho tập thể và gia đình trồng và quản lý kinh doanh. Phát động phong trào và gây thành tập quán nhân dân, cơ quan, trường học, đơn vị bộ đội trồng rừng, trồng cây; hướng dẫn nhân dân xây dựng vườn cây gia đình, gắn với kế hoạch định canh, định cư của đồng bào dân tộc.

Khai thác và chế biến tốt gỗ và các lâm sản phục vụ sản xuất, xây dựng và xuất khẩu theo đúng quy hoạch, kế hoạch, quy trình kỹ thuật và cân đối với vận xuất, vận chuyển và tái sinh, tu bổ rừng. Chú ý tận thu cành ngọn, nguyên liệu cho công nghiệp giấy, củi đốt cho nhân dân.

Thực hiện tốt phương thức sản xuất lâm - nông kết hợp.

3. Về hàng tiêu dùng:

Dựa vào ưu thế nguyên liệu, vật liệu và bằng các hình thức quốc doanh, tập thể và gia đình, từng địa phương phải có kế hoạch đẩy mạnh sản xuất, chế biến nông - lâm sản để cố gắng tự giải quyết đến mức cao nhất nhu cầu về hàng tiêu dùng, nhất là nhu cầu ăn, mặc, ở, học hành, chữa bệnh, phát triển văn hoá nghệ thuật của nhân dân. Trước hết, tập trung chế biến màu làm lương thực, chế biến thực phẩm, sản xuất các loại đồ dùng bằng gỗ, song, mây, tre, lá, vật liệu xây dựng, đồ dùng giảng dạy và học tập. Các ngành Trung ương phải giúp đỡ địa phương về kỹ thuật, thiết bị, cán bộ để sản xuất hàng tiêu dùng, đồng thời, từng địa phương cần tăng cường quan hệ hợp tác sản xuất với các địa phương khác, nhất là các tỉnh duyên hải Trung bộ và thành phố Hồ Chí Minh để đáp ứng nhu cầu về hàng hoá tiêu dùng ngày càng tăng của nhân dân. Những mặt hàng không thuộc diện Trung ương quản lý, địa phương có quyền quyết định kế hoạch sản xuất, giá cả, tổ chức phân phối tại địa phương hoặc trao đổi với địa phương khác.

4. Về xuất khẩu:

Phấn đấu tăng nhanh giá trị hàng xuất khẩu. Vừa tập trung nguồn hàng xuất khẩu cho Trung ương, vừa đẩy mạnh xuất khẩu địa phương để phục vụ phát triển kinh tế địa phương.

Về lâu dài, sản phẩm xuất khẩu chủ lực ở Tây Nguyên là cà phê, các loại đặc sản, dược liệu và các loại sản phẩm chế biến từ nông, lâm sản. Trước mắt, phải tập trung làm tốt các mặt hàng đã có cà phê, chè, gỗ, dầu, nhựa thông, hàng thủ công mỹ nghệ.... và phát triển thật mạnh cây ngắn ngày xuất khẩu như lạc, đậu tương, đậu đen, ớt, thầu dầu... Phải chú ý giải quyết tốt chính sách thu mua và các yêu cầu về chế biến, bao gói, vận chuyển.

II. CÁC CHỦ TRƯƠNG BIỆN PHÁP LỚN

1. Tăng cường lao động cho Tây Nguyên:

Tây Nguyên là một địa bàn trọng điểm để thực hiện phân bố lại lao động của cả nước. Cùng với việc sử dụng tốt lao động hiện có, kể cả lực lượng vũ trang, cần phải chuẩn bị để tiếp nhận từ 15 đến 20 vạn lao động (khoảng 35 - 40 vạn nhân khẩu) từ các tỉnh khác đến. Phần lớn lao động đưa đến cần được bố trí vào khu vực sản xuất tập thể, một bộ phận bố trí vào nông trường, lâm trường, xí nghiệp quốc doanh. Cần chủ động phát huy mọi khả năng kỹ thuật và nghề nghiệp của số lao động miền xuôi lên, nhất là trong việc thâm canh nông nghiệp, chế biến lương thực, thực phẩm và nông-lâm sản, xây dựng, dịch vụ, phát triển ngành nghề ở hợp tác xã v.v....

Tỉnh đưa lao động đến cần tăng cường cho tỉnh nhận lao động các cán bộ cấp tỉnh,cấp huyện và cơ sở. Lao động đi xây dựng kinh tế tập thể cần có cơ cấu thích hợp, có cán bộ, đảng viên, đoàn viên, cán bộ kỹ thuật, nghiệp vụ, y tế, văn hoá, giáo dục, thợ thủ công, người làm dịch vụ... và tạo điều kiện cho đồng bào mang theo trâu, bò, nông cụ, cây con giống....

Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và các Bộ phải phối hợp chặt chẽ và cùng với địa phương giải quyết đồng bộ, kịp thời các yêu cầu đưa, đón lao động, bảo đảm cho đồng bào sớm ổn định sản xuất và đời sống.

2. Hoàn thành việc định canh, định cư:

Trong 5 năm 1981 - 1985, phải bảo đảm đầu tư vốn để tiếp tục củng cố cơ sở định canh, định cư cũ và hoàn thành cơ bản việc định canh, định cư khoảng 20 vạn nhân khẩu còn lại. Phải gắn định canh định cư với xây dựng quan hệ sản xuất mới và tổ chức lại sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp. Kết hợp vốn đầu tư của Nhà nước với sự đóng góp của dân để tạo cho đồng bào có ruộng, có vườn, nhà ở và các công trình phúc lợi khác nhằm sớm ổn định sản xuất và đời sống.

Tuỳ tình hình cụ thể, có thể tiếp thu số dân du canh du cư vào nông trường, lâm trường, công trường hoặc tổ chức lại thành bản làng, thành đơn vị kinh tế tập thể thích hợp. Phải phát huy sở trường của đồng bào dân tộc vào việc kinh doanh khai thác nghề rừng, trồng cây công nghiệp và đặc sản xuất khẩu v.v...

Thực hiện tốt đoàn kết dân tộc, đoàn kết kinh thượng. Các cấp uỷ Đảng và chính quyền địa phương có trách nhiệm hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào đến khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới, bộ đội làm kinh tế, các đơn vị quốc doanh nông nghiệp, lâm nghiệp, công trường, trường học,.... hiểu và tôn trọng phong tục, tập quán của đồng bào địa phương và thiết thực giúp đỡ họ phát triển kinh tế, văn hoá, cải thiện đời sống. Đối với những việc có quan hệ đến đồng bào dân tộc đều phải bàn bạc nhất trí với đồng bào, tránh đụng chạm đến quyền lợi, phong tục tập quán của các dân tộc.

3. Về thuỷ lợi, cải tạo và chống xói mòn đất đai:

Cần kết hợp chặt chẽ và áp dụng một cách toàn diện các biện pháp chống xói mòn và bảo vệ môi trường từ việc trồng rừng, giữ nước, giữ ẩm đến việc làm thuỷ lợi, tưới nước hợp lý, cải tiến kỹ thuật canh tác, áp dụng các biện pháp nông học phù hợp với đất đai, khí hậu, cây trồng, kết hợp thuỷ lợi với thuỷ điện,v.v....

Riêng về công trình tưới và giữ nước phải kết hợp xây dựng đồng ruộng với việc hoàn chỉnh các công trình còn dở dang để đưa vào khai thác, trước hết là các công trình phục vụ sản xuất lương thực, thực phẩm và tưới cà-phê. Đi đôi với Nhà nước đầu tư, cần phát động phong trào nhân dân làm thuỷ lợi nhỏ và vừa bao gồm ao, hồ, đập, bờ rãnh giữ nước, kết hợp xây dựng đồng ruộng, chống xói mòn đất đai, để thâm canh và mở rộng diện tích lúa nước, tưới và giữ ẩm cho cây công nghiệp và hoa màu. Đẩy mạnh thăm dò, khảo sát (kể cả nguồn nước ngầm) để có tài liệu nghiên cứu phương án xây dựng công trình lớn khi có điều kiện. Chú trọng giải quyết nước sinh hoạt cho các vùng thiếu nước.

4. Giao thông vận tải, thông tin liên lạc:

Phải có kế hoạch tăng cường giao thông vận tải, thông tin liên lạc ở Tây Nguyên để phục vụ phát triển kinh tế, văn hoá, kết hợp kinh tế với quốc phòng.

Trước hết, phải củng cố tốt các tuyến đường quốc lộ và đường liên tỉnh, nhất là phải sửa sớm đường 14 để bảo đảm vận chuyển nhanh chóng vật tư, hàng hoá phục vụ sản xuất, đời sống và đi lại của nhân dân. Củng cố tốt các kho, bãi, trạm trung chuyển hàng hoá cho Tây Nguyên. Tổ chức tốt liên vận đường sắt, đường thuỷ, đường bộ, có kế hoạch bảo đảm yêu cầu vận chuyển đồng bào lên Tây Nguyên xây dựng vùng kinh tế mới và vận chuyển gỗ về xuôi. Tăng thêm phương tiện vận tải và giúp các tỉnh sửa chữa, bảo dưỡng và sử dụng tốt phương tiện vận tải, phát triển phương tiện vận tải thô sơ, cải tiến như xe ngựa, trâu, bò kéo, voi.... Địa phương cần có biện pháp sử dụng hợp lý phương tiện vận tải cơ giới trên địa bàn tỉnh (kể cả phương tiện Trung ương và quân đội), nhất là có chế độ vận chuyển hai chiều để phục vụ vận chuyển hàng hoá và phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân.

Củng cố và phát triển mạng lưới thông tin, liên lạc và bưu điện để bảo đảm sự lãnh đạo, chỉ đạo thông suốt, kịp thời từ Trung ương đến cơ sở và phục vụ nhân dân, bộ đội, cán bộ, công nhân viên.

5. Điện và công cụ:

Từng bước giải quyết điện, năng lượng phục vụ sản xuất và đời sống. Trước hết, tăng cường các tổ máy phát điện độc lập cho các cơ sở công nghiệp, chế biến nông - lâm sản, các huyện trọng điểm. Xúc tiến chuẩn bị để xây dựng nhà máy thuỷ điện Dray Linh và các trạm thuỷ điện vừa và nhỏ vừa và nhỏ. Tiến hành khảo sát, thiết kế nhà máy thuỷ điện Ia Ly để xây dựng sau năm 1985.

Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước và Bộ Cơ khí và luyện kim cần giúp đỡ các tỉnh xây dựng các cơ sở sản xuất để địa phương tự đáp ứng đủ công cụ thường, công cụ cải tiến và phục hồi, sửa chữa xe máy. Tận dụng nguyên liệu tại địa phương, tại buôn làng, nhất là gỗ, đồng thời Nhà nước cung cấp một số nguyên liệu cần thiết (chủ yếu là sắt, thép) để sản xuất, sửa chữa công cụ cho phù hợp với tập quán sử dụng của nhân dân.

6. Đẩy mạnh điều tra cơ bản, quy hoạch thiết kế, tăng cường công tác khoa học - kỹ thuật:

Tiếp tục điều tra cơ bản tài nguyên, kinh tế, xã hội để làm cơ sở xây dựng các quy hoạch phát triển kinh tế, văn hoá. Điều tra cơ bản và lập quy hoạch nông nghiệp, lâm nghiệp phải đi trước một bước. Quy hoạch nông nghiệp, lâm nghiệp phải toàn diện, đồng bộ, gắn nông nghiệp, lâm nghiệp với công nghiệp. Trước hết, phải làm ngay quy hoạch phát triển các khu vực chuyên canh cây công nghiệp, các vùng lâm nghiệp, đặc sản hợp tác với các nước, các địa bàn tiếp nhận lao động đến xây dựng vùng kinh tế mới.

Các ngành ở Trung ương phải giúp địa phương xây dựng quy hoạch ngành ở địa phương. Quy hoạch ngành ở địa phương phải hướng trọng tâm vào phục vụ nông - lâm nghiệp phù hợp với quy hoạch chung của ngành và quy hoạch phát triển kinh tế, văn hoá của cả nước.

Về công tác khoa học - kỹ thuật ở Tây Nguyên cần tập trung giải quyết các yêu cầu về bảo vệ, phát triển tài nguyên rừng và khai thác rừng hơp lý; chống xói mòn và cải tạo đất; cơ cấu cây trồng, thâm canh tăng năng suất cây trồng, phát triển chăn nuôi, nhất là phát triển bò, chú ý các biện pháp về giống, phân bón, phòng trừ dịch bệnh và sâu hại.... Cần tổng kết kinh nghiệm của nhân dân địa phương, đẩy mạnh công tác thực nghiệm, phổ biến và ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, gắn công tác nghiên cứu khoa học - kỹ thuật với giải quyết các vấn đề đặt ra trong kế hoạch phát triển kinh tế - văn hoá.

7. Xây dựng và củng cố quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa:

Hoàn thành hợp tác hoá nông nghiệp với hình thức hợp tác xã quy mô nhỏ và vừa hoặc tập đoàn sản xuất, phù hợp với trình độ quản lý, điều kiện địa lý, xã hội và tính chất sản xuất của từng vùng, từng loại sản phẩm. Phương hướng sản xuất của các đơn vị kinh tế tập thể phải thể hiện yêu cầu phát triển nông nghiệp toàn diện và kết hợp nông nghiệp với lâm nghiệp. Gắn cải tạo, xây dựng, củng cố quan hệ sản xuất với tổ chức lại sản xuất, tăng cường quản lý với định canh, định cư, xây dựng vùng kinh tế mới. Thực hiện khoán sản phẩm đến người lao động trong các cơ sở sản xuất kinh doanh. Chú ý khuyến khích phát triển kinh tế phụ gia đình. Vùng núi cao chưa định canh định cư thì có thể chưa thực hiện hợp tác hoá.

Củng cố và tăng cường quản lý các nông trường, lâm trường, cơ sở kinh tế quân đội, các cơ sở công nghiệp, thương nghiệp, vận tải.... Bảo đảm vốn, vật tư, lao động, phương tiện, hàng hoá phục vụ đời sống, nhà ở, bệnh xá, trường học cho các đơn vị kinh tế quốc doanh để có điều kiện hoàn thành nhiệm vụ sản xuất, kinh doanh và phát huy vai trò nòng cốt về kinh tế, kỹ thuật và góp phần củng cố an ninh, quốc phòng trong vùng.

8. Về quân đội làm kinh tế:

Quân đội làm kinh tế ở Tây Nguyên chủ yếu là làm nhiệm vụ xây dựng cơ bản về giao thông, thuỷ lợi, trồng rừng, tạo địa bàn cho khai hoang xây dựng vùng kinh tế mới, xây dựng cơ sở công nghiệp, nhà ở....

Các vùng chuyên canh nông nghiệp, lâm nghiệp hiện do quân đội phụ trách sẽ giao lại cho các Bộ quản lý kinh tế đảm nhiệm. Bộ Quốc phòng cùng các Bộ quản lý kinh tế nghiên cứu giải quyết vấn đề này một cách có hiệu quả để phát huy được sức mạnh của quân đội trong việc xây dựng kinh tế và bảo vệ an ninh, quốc phòng, đồng thời thống nhất việc quản lý sản xuất vào các ngành kinh tế.

9. Xây dựng huyện, củng cố tốt cơ sở, tăng cường cấp tỉnh:

Tích cực xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện. Về lâu dài, xây dựng huyện ở Tây Nguyên theo hướng xây dựng cơ cấu nông - lâm - công nghiệp phù hợp với cơ cấu và quy hoạch kinh tế chung của từng tỉnh. Trước mắt, phải tập trung làm tốt sản xuất nông nghiệp kết hợp chặt chẽ với lâm nghiệp để bảo đảm nhu cầu về ăn, mặc, hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu; phát triển mạnh tiểu công nghiệp, thủ công nghiệp; từng bước phát triển công nghiệp địa phương, nhằm trước hết phục vụ sản xuất và chế biến nông - lâm sản, sản xuất công cụ, vật liệu xây dựng, sửa chữa máy móc thiết bị, sản xuất hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu. Từng huyện phải rà soát lại quy hoạch, bố trí cơ cấu sản xuất hợp lý, trên cơ sở đó tổ chức lại sản xuất, thực hiện phân bố lại lao động và tiếp thu thêm lao động mới...; tăng cường và củng cố bộ máy quản lý. Phải gắn liền việc xây dựng huyện với củng cố vững mạnh cấp xã, buôn làng, coi đó là nhiệm vụ quan trọng để xây dựng huyện và tăng cường cấp huyện. Các tỉnh phải có kế hoạch bồi dưỡng, đào tạo, tăng cường cán bộ cho huyện và cơ sở; tăng cường chỉ đạo, giúp đỡ huyện và cơ sở đủ sức lãnh đạo và quản lý kinh tế, phát triển văn hoá và củng cố an ninh, quốc phòng.

Các ty, ban, ngành cấp tỉnh phải được củng cố đủ năng lực làm tham mưu cho tỉnh lãnh đạo và quản lý các mặt kinh tế và đời sống trong tỉnh.

Các đoàn thể nhân dân dưới sự lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, phải cùng chính quyền các cấp làm tốt công tác chính trị tư tưởng, tổ chức phong trào quần chúng đẩy mạnh sản xuất, xây dựng tốt cuộc sống mới.

Các Bộ, ngành ở Trung ương phải tăng cường cho các tỉnh, huyện Tây Nguyên các loại cán bộ chuyên môn, kỹ thuật nghiệp vụ, quản lý,chỉ đạo....

10. Tăng cường công tác an ninh chính trị:

Cần quán triệt các chỉ thị của Trung ương kiên quyết và căn bản quét sạch bọn Fulrô và bọn phản động bằng kết hợp các biện pháp chính trị, kinh tế, quân sự. Các ngành, các địa phương, các đơn vị được phân công nhiệm vụ này phải tập trung sức làm tốt để củng cố vững chắc an ninh chính trị ở địa bàn của mình và trong toàn vùng.

11. Chăm lo đời sống văn hoá, giáo dục, y tế, xã hội:

Phải chăm lo tốt đời sống nhân dân, bộ đội, cán bộ, công nhân viên ở Tây Nguyên, đặc biệt là chăm lo đời sống về các mặt của đồng bào thượng. Phải đẩy mạnh thu mua nắm nguồn hàng tại địa phương và đưa hàng hoá từ Trung ương về kịp thời để phục vụ đời sống nhân dân.

Tăng cường công tác chăm sóc sức khoẻ của nhân dân, chú trọng phong trào vệ sinh phòng bệnh, tích cực phòng chống bệnh sốt rét và các dịch bệnh khác. Mở rộng mạng lưới hộ sinh, quản lý thai sản, khám bệnh cho trẻ em. Phát triển việc dùng dược liệu địa phương để phòng và chữa bệnh. Củng cố và tăng cường các bệnh viện, trạm y tế về cơ sở vật chất, cán bộ, phương tiện kỹ thuật.

Đẩy mạnh phong trào giáo dục phổ thông, bổ túc văn hoá, thanh toán nạn mù chữ trong đồng bào các dân tộc; phát triển các trường phổ thông nội trú từ cấp II trở lên, các trường vừa học vừa làm, các lớp bồi dưỡng, các trường trung học, nghiệp vụ, công nhân kỹ thuật. Cải tiến nội dung, chương trình phương pháp giảng dạy, tiêu chuẩn tuyển sinh cho phù hợp với hoàn cảnh của Tây Nguyên.

Phát triển phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng và thông tin cổ động. Tăng cường cơ sở vật chất và phương tiện cho công tác văn hoá, văn nghệ như hệ thống truyền thanh, nhà văn hoá, hiệu sách, thư viện, các đội chiếu bóng và đội thông tin lưu động, các đoàn văn công, nâng cao chất lượng phát hành sách, báo v.v... nhằm thiết thực phục vụ tốt các mục tiêu về kinh tế, chính trị và xã hội.

III. CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN

Sự nghiệp xây dựng kinh tế phát triển văn hóa ở Tây nguyên là nhiệm vụ chung của các ngành và địa phương. Vì vây, các ngành Trung ương phải có trách nhiệm đầy đủ trong việc xây dựng Tây Nguyên, kế hoạch hàng năm của ngành phải thể hiện bằng chỉ tiêu kế hoạch, cân đối vật chất cụ thể; thường xuyên đi xuống địa phương, đi sát cơ sở và tăng cường hợp tác với nhau để giải quyết có hiệu quả, thiết thực, kịp thời các yêu cầu của các tỉnh Tây Nguyên.

Để phù hợp với tình hình Tây Nguyên, cùng với việc thực hiện tốt các chính sách đã ban hành, các ngành cần nghiên cứu và trình Hội đồng Bộ trưởng giải quyết kịp thời các chính sách về kinh tế, xã hội đối với Tây Nguyên, như chính sách đào tạo cán bộ, công nhân người dân tộc; chế độ phụ cấp khu vực, thâm niên đối với cán bộ, công nhân viên công tác ở Tây nguyên; các vấn đề về nhà ở, chữa bệnh, học tập, phân công phân cấp quản lý giữa Trung ương với địa phương, giữa kinh tế Nhà nước với kinh tế tập thể v.v....

Uỷ ban nhân dân các tỉnh có trách nhiệm phối hợp với các ngành ở Trung ương, tổ chức, chỉ đạo, động viên nhân dân, cán bộ, bộ đội ở địa phương phấn đấu thực hiện tốt Nghị quyết này và báo cáo hàng tháng tình hình thực hiện lên Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng.

 

 

Tố Hữu

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 31-HĐBT về việc phát triển nông nghiệp, lâm nghiệp các tỉnh Tây Nguyên trong thời gian 1981-1985 do Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng ban hành

  • Số hiệu: 31-HĐBT
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 22/02/1982
  • Nơi ban hành: Hội đồng Bộ trưởng
  • Người ký: Tố Hữu
  • Ngày công báo: 28/02/1982
  • Số công báo: Số 4
  • Ngày hiệu lực: 09/03/1982
  • Ngày hết hiệu lực: 04/07/1991
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản