Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 297-CP

Hà Nội, ngày 11 tháng 11 năm 1977

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ MỘT CHÍNH SÁCH ĐỐI VỚI TÔN GIÁO

Trong những năm qua, chính quyền các cấp và nhân dân các địa phương đã chấp hành nghiêm chỉnh chính sách tôn giáo của Đảng và Nhà nước. Đồng bào các tôn giáo đoàn kết chặt chẽ cùng toàn dân tích cực tham gia công cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Ngày nay, nước nhà đã hoàn toàn độc lập, thống nhất và đang vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội. Trước tình hình mới, để bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng của nhân dân đồng thời ngăn ngừa những phần tử phản cách mạng, những phần tử xấu lợi dụng tôn giáo, gây trở ngại cho công cuộc xây dựng đất nước, nhất là ở những vùng mới giải phóng, căn cứ vào sắc lệnh số 234-SL ngày 14 tháng 06 năm 1955, Hội đồng Chính phủ quyết định những nguyên tắc và chính sách cụ thể đối với tôn giáo như sau,

I. NHỮNG NGUYÊN TẮC CHUNG 

1. Chính phủ bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do không tín ngưỡng của nhân dân.

2. Các nhà tu hành và tín đồ các tôn giáo đều được hưởng mọi quyền lợi và phải làm mọi nghĩa vụ của người công dân.

3. Các tôn giáo và mọi công dân theo đạo hoặc không theo đạo đều bình đẳng trước pháp luật.

4. Các tôn giáo phải tuân theo Hiến pháp, pháp luật và chủ trương, chính sách, thể lệ của Nhà nước trong mọi lĩnh vực hoạt động của mình.

5. Những kẻ lợi dụng tôn giáo để phá hoại nền độc lập của Tổ quốc, chống lại chế độc xã hội chủ nghĩa, phá hoại khối đoàn kết toàn dân, ngăn cản tín đồ làm nghĩa vụ công dân, chống lại các chính sách và pháp luật của Nhà nước sẽ bị pháp luật nghiêm trị.

II. MỘT SỐ CHÍNH SÁCH CHÍNH SÁCH CỤ THỂ

1. Đối với các hoạt động tôn giáo:

a) Tín đồ và nhà tu hành được hoạt động tôn giáo bình thường ở những nơi thờ cúng, nhưng phải tôn trọng pháp luật của Nhà nước, không gây trở ngại cho việc giữ gìn trật tự trị an, cho sản xuất và sinh hoạt bình thường của tín đồ.

Mỗi công dân được tự do tham gia hoặc không tham gia các hoạt động tôn giáo, không ai có quyền cưỡng ép người khác phải tham gia hoặc không được tham gia các hoạt động đó.

Ngoài những cuộc hành lễ thông thường, những hoạt động tôn giáo sau đây phải xin phép Ủy ban nhân dân xã, huyện hoặc tỉnh, thành phố:

- Những cuộc hành lễ có đông người từ các nơi khác đến dự,

- Những lớp giáo lý,

- Những cuộc hội họp của các tôn giáo như Khóa hạ và Đại hội của Phật giáo: đại hội đồng của Tin lành, cấm phòng linh mục của Thiên chúa giáo, v.v…

b) Những nhà tu hành và những người chuyên hoạt động tôn giáo được tự do giảng đạo tại nơi thờ cúng và trong các cơ quan tôn giáo. Khi truyền bá tôn giáo, ngoài việc giảng giáo lý, các nhà tu hành còn có nhiệm vụ động viên tín đồ làm tốt nghĩa vụ công dân và chấp hình tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước; không được tuyên truyền chống chế độ xã hội chủ nghĩa, chống chính quyền, chống chính sách, pháp luật của Nhà nước, không được tuyên truyền chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo, tuyên truyền mê tín dị đoan.

2. Đối với nơi thờ cúng:

a) Những nơi thờ cúng của các tôn giáo được Nhà nước bảo hộ;

b) Những nơi thờ cúng đã bỏ không từ lâu không có người tu hành hoặc người chuyên trách, không có nhân dân đến lễ bái thì Ủy ban nhân dân cấp cơ sở có trách nhiệm quản lý, khi cần thiết có thể mượn làm trường học, nơi hội họp v.v… nhưng phải giữ gìn chu đáo, không được dùng vào những việc xúc phạm đến tình cảm và tín ngưỡng của nhân dân; những nơi thờ cúng quá hư hỏng chính quyền muốn dỡ đi thì phải được nhân dân đồng tình và Ủy ban nhân dân cấp trên đồng ý.

3. Về việc đào tạo, bổ nhiệm, thuyên chuyển những người chuyên hoạt động tôn giáo:

a) Các tôn giáo được mở trường lớp đào tạo những người chuyên hoạt động tôn giáo của mình. Những người được tuyển chọn để đào tạo phải là những người có tư cách công dân, có tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội. Khi mở trường lớp, các tôn giáo phải xin phép Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc cấp trung ương và tuân theo những quy định sau đây:

- Học sinh được tuyển để đào tạo phải do Ủy ban nhân dân cấp cơ sở nơi quê quán hoặc nơi đang ở, xác nhận là công dân tốt, không vi phạm pháp luật;

- Những người phụ trách giảng dạy trong các trường lớp tôn giáo phải được Ủy ban nhân dân tỉnh hoặc cấp tương đương chấp thuận;

 - Nội dung giảng dạy về tôn giáo không được trái pháp luật, chủ trương, chính sách của Nhà nước ;

- Nếu các trường lớp này có dạy thêm văn hóa thì phải theo chương trình của Bộ Giáo dục nhưng có châm chước. Các Sở, Ty Giáo dục có trách nhiệm xem xét chương trình, nội dung giảng dạy và tổ chức việc phổ biến thời, sự, chính sách cho học sinh.

b) Việc phong chức, bổ nhiệm những người chuyên hoạt động tôn giáo (kể cả những người do tín đồ bầu ra) phải được chính quyền chấp thuận trước. Tùy theo phạm vi hoạt động tôn giáo của những người này trong một xã, huyện tỉnh hoặc thành phố mà Ủy ban nhân dân xã, huyện tỉnh hoặc thành phố chấp thuận. Nếu phạm vi hoạt động tôn giáo bao gồm nhiều tỉnh, thì phải do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

c) Việc thuyên chuyển những người chuyên hoạt động tôn giáo từ nơi này đến nơi khác phải được sự chấp thuận trước của Ủy ban nhân dân nơi đến.

d) Tùy theo sự cần thiết, các nhà tu hành có thể có một số người là tín đồ giúp việc trong hoạt động tôn giáo, những người này phải được Ủy ban nhân dân cấp cơ sở chấp thuận.

4. Về tài liệu và đồ dùng về đạo của các tôn giáo:

Các tổ chức tôn giáo được xuất bản những tài liệu tôn giáo và sản xuất những đồ thờ cúng nhưng phải tuân theo chế độ chung của Nhà nước (chế độ xuất bản, chế độ sản xuất các mặt hàng thủ công nghiệp …). Nếu muốn nhập những thứ ấy từ nước ngoài vào thì phải theo thể lệ của Nhà nước và phải được phép của các cơ quan quản lý (Bộ Văn hóa, Cục hải quan trung ương).

5. Đối với các cơ sở kinh tế, văn hóa, giáo dục, xã hội của các tôn giáo:

a) Đối với những cơ sở kinh tế của tôn giáo kinh doanh theo lối tư bản chủ nghĩa hoặc phong kiến thì Nhà nước sẽ tiến hành việc cải tạo theo chính sách chung hiện hành, có sự chiếu cố đến tôn giáo.

b) Ruộng đất của tôn giáo được để lại sau cải cách ruộng đất có thể giao cho hợp tác xã quản lý; hợp tác xã trả hoa lợi cho nhà thờ, nhà chùa, thánh thất với mức từ 25% đến 30% tổng số thu hoạch của ruộng đất đó.

c) Các cơ sở văn hóa, giáo dục, xã hội của tôn giáo phải tuân theo quy định chung của Nhà nước.

6. Vấn đề quan hệ giữa các tổ chức tôn giáo trong nước với các tổ chức tôn giáo quốc tế và nước ngoài:

a) Các tổ chức tôn giáo hoặc người hoạt động tôn giáo trong nước muốn quan hệ với các tổ chức khác, hoặc với người nước ngoài thì phải tuân theo những quy định của Nhà nước về quan hệ với người nước ngoài.

b) Giáo hội Thiên chúa được quan hệ với Vatican về mặt tôn giáo, nhưng phải tôn trọng chủ quyền quốc gia và pháp luật và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Khi một giáo sĩ Việt Nam được Vatican lựa chọn phong từ chức giám mục trở lên, thì giáo hội thiên chúa phải báo cáo để được sự chấp thuận trước của Chính phủ Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

c) Những tài liệu tôn giáo từ các tổ chức tôn giáo ở nước ngoài gửi cho các tổ chức tôn giáo nếu có điều gì trái pháp luật, chính sách của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì các tổ chức tôn giáo không được phổ biến và thực hiện. 

III. TRÁCH NHIỆM CỦA CHÍNH QUYỀN CÁC CẤP 

Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm phối hợp với Mặt trận và các cơ quan có liên quan tại địa phương, bảo đảm cho nhân dân thực hiện đầy đủ quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do không tín ngưỡng của mình:

- Tuyên truyền, giải thích, phổ biến rộng rãi cho nhân dân, cho các tín đồ và nhà tu hành, cho cán bộ các cấp, nhất là ở cấp cơ sở, tinh thần và nội dung của các văn bản của Nhà nước về việc bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng và không tín ngưỡng của nhân dân;

- Giúp đỡ tạo điều kiện cho các tín đồ và nhà tu hành trong việc thực hiện quyền tự do ấy;

- Ngăn cấm những việc lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để kích động quần chúng chống lại chính quyền, chống lại chế độ làm trái pháp luật của Nhà nước, ngăn cấm những kẻ có những hành vi xâm phạm đến quyền tự do tín ngưỡng và quyền tự do không tín ngưỡng của nhân dân.

Ban tôn giáo Phủ thủ tướng có trách nhiệm hướng dẫn các tôn giáo thi hành và xem xét, đôn đốc việc thực hiện của các cấp chính quyền.

 

T.M. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ




Phạm Văn Đồng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 297-CP về một chính sách đối với tôn giáo do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 297-CP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 11/11/1977
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Văn Đồng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 20
  • Ngày hiệu lực: 26/11/1977
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản