Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 280-CP

Hà Nội, ngày 12 tháng 10 năm 1977 

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT, ĐẨY MẠNH XUẤT KHẨU VÌ SỰ NGHIỆP CÔNG NGHIỆP HÓA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

I.

Đại hội lần thứ IV của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã quyết định đường lối chung về cách mạng xã hội chủ nghĩa và đường lối xây dựng kinh tế trong giai đoạn mới, mà công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa là nhiệm vụ trung tâm trong suốt thời kỳ quá độ. Sau khi đã vạch rõ nhiệm vụ của kế hoạch 5 năm 1976-1980 là “tập trung cao độ lực lượng của cả nước, của các ngành, các cấp, tạo ra một bước phát triển vượt bậc về nông nghiệp; ra sức đẩy mạnh lâm nghiệp, ngư nghiệp, phát triển công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm…, nghị quyết Đại hội đã đề ra nhiệm vụ phải tăng nhanh nguồn hàng xuất khẩu, trước hết là sản phẩm nông nghiệp và công nghiệp nhẹ; mở rộng quan hệ kinh tế với nước ngoài”.

Hội nghị lần thứ hai của Ban chấp hành trung ương Đảng bàn về nông nghiệp cũng quy định rõ ba nhiệm vụ của nông nghiệp là:

- Bảo đảm lương thực, thực phẩm cho xã hội;

- Bảo đảm nguyên liệu nông sản cho công nghiệp;

- Tạo nguồn hàng xuất khẩu.

Những nhiệm vụ phát triển kinh tế to lớn và cấp bách nói trên đặt ra yêu cầu phân bố lại lao động trong cả nước, tổ chức lại sản xuất, xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật của chủ nghĩa xã hội, trang bị lại cho các ngành kinh tế nhằm phấn đấu hoàn thành về cơ bản quá trình đưa nền kinh tế nước ta từ sản xuất nhỏ lên sản xuất lớn xã hội chủ nghĩa trong khoảng hai mươi năm. Từ đó, nhu cầu nhập khẩu thiết bị, vật tư, nhiên liệu, nguyên liệu rất lớn, ngay trong kế hoạch 5 năm 1976-1980 và còn tăng hơn nữa trong các kế hoạch sau, khi chúng ta đi vào xây dựng nền kinh tế quốc dân trên quy mô lớn. Mặc dù được sự giúp đỡ của các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước bạn và các tổ chức quốc tế, công cuộc xây dựng lại đất nước và thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nước nhà chỉ có thể giải quyết bằng con đường dựa vào sức mình là chính, ra sức phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu.

Cho đến nay xuất khẩu của nước ta còn quá nhỏ. Kim ngạch xuất khẩu chỉ mới bằng 30% kim ngạch nhập khẩu. Hàng xuất khẩu rất manh mún, số lượng từng loại rất ít, phẩm chất nói chung kém, nguồn hàng không ổn định. Ngoài than đá, ta chưa tạo được mặt hàng nào có số lượng lớn và giá trị cao xứng đáng là hàng chủ lực đáp ứng yêu cầu khách hàng trên thị trường thế giới. Cơ cấu hàng xuất khẩu của ta chưa phản ánh đúng tiềm năng kinh tế của đất nước và cũng chưa phù hợp với yêu cầu và xu hướng phát triển của thị trường thế giới.

II.

Đứng trước tình hình và nhiệm vụ mới, công tác xuất khẩu của ta phải được chuyển biến nhanh chóng và rất cơ bản.

Nghị quyết Đại hội lần thứ IV của Đảng Cộng Sản Việt Nam đã vạch rõ: “Tăng nhanh xuất khẩu bằng cách phát huy khả năng lớn của nông nghiệp, lâm nghiệp nhiệt đới, tận dụng khả năng của công nghiệp nhẹ, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp; đẩy mạnh khai thác một số hải sản và khoáng sản có trữ lượng khá, tiến tới xuất khẩu một số mặt hàng công nghiệp nặng”.

Cả nước phải phấn đấu tăng nhanh tốc độ xuất khẩu hàng năm nhằm đáp ứng với mức ngày càng cao yêu cầu của nhập khẩu, nhanh chóng giảm nhập siêu để sau một thời gian không dài có thể thăng bằng xuất nhập. Trước hết phấn đấu tích cực để đến năm 1985 tổng trị giá xuất khẩu bảo đảm nhập khẩu máy lẻ, phụ tùng, nguyên liệu, nhiên liệu và những hàng tiêu dùng thiết yếu.

Để đạt được mục tiêu chung đó, phải rấp rút quy hoạch và có kế hoạch phát triển sản xuất tập trung, có khối lượng lớn, tạo nguồn hàng xuất khẩu phù hợp với xu hướng phát triển của thị trường thế giới. Trong điều kiện hiện nay phải ra sức phát huy khả năng sẵn có của mọi ngành kinh tế đã và đang tham gia xuất khẩu, mở rộng và cải tiến sản xuất, tăng mạnh thêm số lượng, nâng cao chất lượng hàng hóa xuất khẩu; đồng thời phải tích cực đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất mới theo quy mô lớn và kỹ thuật hiện đại tạo nên những mặt hàng xuất khẩu chủ lực có giá trị cao, có vị trí xứng đáng trên thị trường quốc tế; chú trọng đẩy mạnh các loại hàng xuất khẩu quan trọng sau đây:

1. Về nông sản:

Với 50 vạn hécta đã được trung ương Đảng quyết định dành cho xuất khẩu trong kế hoạch này, Bộ Nông nghiệp và các Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố phải nhanh chóng quy vùng sản xuất, kết hợp việc đẩy mạnh sản xuất các loại nông sản ngắn ngày với việc gấp rút bố trí kế hoạch sản xuất các nông sản dài ngày, tạo nên những vùng chuyên canh sản xuất lớn về nhiều loại sản phẩm, mỗi loại có hàng vạn đến hàng chục vạn tấn với phẩm chất đồng đều, đạt tiêu chuẩn của thị trường thế giới. Trước hết đi đôi với việc bảo đảm lương thực cho nhu cầu xã hội, phải ra sức phát triển: lạc, vừng, đậu tương và các loại đậu khác, dứa, chuối, đay, cói, tơ tằm, thầu dầu, thuốc lá, các cây tinh dầu là những loại cây khắp nơi nhân dân đã quen trồng. Đồng thời dựa trên những nông trường sẵn có của trung ương và địa phương cũng như nông trường của quân đội, những vùng đất đỏ đã được điều tra và quy hoạch, những vùng kinh tế mới… xúc tiến ngay việc mở rộng và phát triển các diện tích trồng các cây cam, bưởi, chanh, chè, cà-phê, ca-cao, hồ tiêu, cao-su, trẩu, sở, lai, cọ dầu…Cần có kế hoạch mở rộng diện tích gieo trồng vụ đông xuân và xem xét những vùng có đất đai thích hợp để trồng các loại rau xuất khẩu, tập trung vào mấy loại như cải bắp hoa, cà chua, dưa chuột, hành tây, tỏi; chú ý phát triển các loại nấm và mộc nhĩ là những mặt hàng dễ sản xuất và có giá trị cao. Cần khoanh vùng phát triển gia súc xuất khẩu (lợn, bò và gia cầm), tích cực cải tạo giống, giải quyết vấn đề chuồng trại, thức ăn và biện pháp miễn dịch.

Ngành nông nghiệp cần chủ động chuẩn bị để trên cơ sở những kết quả đã đạt được trong kế hoạch 5 năm 1976-1980 này, phải cố gắng trong một thời gian ngắn tiếp theo, đưa diện tích các loại cây trồng để xuất khẩu lên 1 triệu hécta; trong bước thứ hai này chú ý nhiều vào cây dài ngày và những cây có giá trị kinh tế cao.

Phấn đấu theo phương hướng trên, toàn bộ nông sản xuất khẩu đến năm 1980-1981 phải bảo đảm được yêu cầu nhập phân bón, xăng dầu, thuốc trừ sâu và phụ tùng cho các máy nông nghiệp và đến năm 1985 phải bảo đảm cân đối được nhu cầu nhập khẩu cho toàn bộ nông nghiệp.

2. Về lâm sản.

Đi đôi với việc bảo đảm nhu cầu trong nước, phải tổ chức khai thác và chế biến tốt các loại lâm sản có khối lượng xuất khẩu lớn, mặt khác dựa trên phân vùng nông nghiệp và lâm nghiệp, phải bảo vệ rừng và xúc tiến trồng các loại cây có hiệu quả kinh tế cao như cây làm giấy và bột sợi… Phải sớm có kế hoạch khai thác hợp lý những dải rừng có nhiều gỗ quý ở miền Nam như lát hoa, thông trắng, gỗ dầu, gỗ có màu sắc đặc biệt, những lâm sản nhiệt đới như quế, hồi, sa nhân, thảo quả, ba kích, cánh kiến trắng và đỏ; phải phát triển trồng và khai thác các cây dược liệu phong phú của ta, tạo ra một nguồn hàng xuất khẩu có giá trị lớn. Phải xây dựng công nghiệp chế biến gỗ, gỗ xẻ, gỗ dán, gỗ lạng, gỗ ép, ván sàn thành phẩm, đồ gỗ gia dụng để tăng giá trị xuất khẩu của gỗ; phải phát triển công nghiệp chưng cất các loại tinh dầu, dầu thông, dầu tùng tiêu, chất chát thuộc da; tận dụng khả năng mây, tre, trúc, nứa, lá cọ, lá buông rất lớn của ta để làm hàng xuất khẩu. Phải tích cực phấn đấu để toàn bộ lâm sản xuất khẩu đến cuối kế hoạch này (1976-1980) đầu kế hoạch sau chẳng những bảo đảm được toàn bộ yêu cầu nhập khẩu của ngành lâm nghiệp mà còn có thêm nguồn tích lũy ngoại tệ để góp phần trang bị cho các ngành kinh tế khác.

3. Về hải sản

Cùng với việc phát triển nhanh các cơ sở đánh bắt, bảo quản và chế biến hải sản, cần phải tổ chức nuôi trên quy mô lớn và theo phương pháp tiên tiến các loại tôm, cá nước lợ, ngọc trai, đồi mồi… Với hơn 3000 cây số bờ biển và với những điều kiện thiên nhiên vô cùng thuận lợi, ngành hải sản phải sớm trở thành một ngành sản xuất những loại hàng xuất khẩu chủ lực, chẳng những bảo đảm nhập khẩu đủ các phương tiện đánh bắt, bảo quản, chế biến và nghiên cứu khoa học để hiện đại hóa ngành mình, mà còn phải tăng tích lũy ngoại tệ của Nhà nước để phát triển nền kinh tế quốc dân.

4. Về sản phẩm công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm.

Cần tận dụng và nâng cao năng lực sản xuất của các cơ sở sẵn có để đẩy mạnh việc gia công xuất khẩu, đồng thời gấp rút xây dựng thêm một số cơ sở mới, hiện đại, có khả năng sản xuất những mặt hàng phẩm chất tốt, đạt tiêu chuẩn kỹ thuật cao, giá thành hạ, có sức cạnh tranh để giữ vững thị trường; chú trọng ngành may mặc; giày dép, cao su, đồ dùng thể dục thể thao, lắp ráp dụng cụ và thiết bị điện tử.

Về công nghiệp thực phẩm cần phát triển rau quả đông lạnh, công nghiệp nước quả, đồ hộp xuất khẩu (dứa, cam, bưởi, đu đủ, cà chua, dưa chuột, nấm, thịt gà, thỏ…).

Tích cực phấn đấu để hàng công nghiệp nhẹ và công nghiệp thực phẩm xuất khẩu đến năm 1980-1981 đủ bảo đảm nhập nguyên liệu và phụ tùng cho ngành mình, và đến năm 1985 tích lũy ngoại tệ có vốn dùng để từng bước đổi mới trang bị.

5. Về sản phẩm tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp.

Phát huy khả năng lao động dồi dào và bàn tay khéo léo của nhân dân: cần khôi phục các nghề truyền thống dựa vào nguyên liệu trong nước là chủ yếu, đồng thời phát triển có tính toán hiệu quả kinh tế những nghề sử dụng nguyên liệu nhập khẩu, chú ý cả các mặt hàng thông thường và mỹ nghệ phẩm: mây tre đan, mành trúc, thảm đay, thảm cói, thảm ngô, thảm len, hàng thêu, đồ khảm, đồ chạm, gốm, sứ, sơn mài, đồ sừng, ngà voi, đồi mồi, đồ bạc v.v…

Nhà nước giúp đỡ các cơ sở sản xuất tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp tổ chức lại sản xuất, chú ý nâng cao trình độ kỹ thuật và mỹ thuật, nắm vững yêu cầu của thị trường và nhạy cảm với thị hiếu của người mua để ngày càng tăng được khối lượng và mặt hàng xuất khẩu, tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập quốc dân và góp phần tăng tích lũy cho Nhà nước.

6. Về sản phẩm công nghiệp nặng

Trong những năm tới, cần khẩn trương điều tra, khảo sát và tập trung vốn đầu tư khai thác một số tài nguyên có trữ lượng khá và giá trị cao, vừa đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa tạo ra nguồn hàng xuất khẩu có sức hấp dẫn thị trường nước ngoài, làm đòn bẩy để nhập khẩu những thiết bị hiện đại và nguyên liệu khó nhập nhằm xây dựng những ngành công nghiệp then chốt của ta.

Phải phát triển nhanh các cơ sở sản xuất than, dầu mỏ, a-luy-min, chì, kẽm, apatit, phân lân kép, axit phốt – phô rích.

Sản phẩm cơ khí là những mặt hàng đòi hỏi trình độ kỹ thuật cao mà công nghiệp của ta còn đang ở bước đầu xây dựng, nhưng cũng phải cố gắng đi vào sản xuất để xuất khẩu, trước hết là xuất khẩu những sản phẩm cơ khí tiêu dùng và phụ kiện, linh kiện máy rồi dần dần tiến lên xuất khẩu thiết bị.

Trên đây là những phương hướng phát triển sản xuất các mặt hàng xuất khẩu. Những phương hướng đó phải được quán triệt trong kế hoạch dài hạn phát triển nền kinh tế quốc dân cũng như trong kế hoạch hàng năm, đồng thời phải được quán triệt trong quy hoạch cũng như trong kế hoạch sản xuất của mỗi ngành, mỗi địa phương, mỗi đơn vị cơ sở, kể cả trong quy hoạch và kế hoạch của các lực lượng bộ đội làm kinh tế.

III.

Để thực hiện phương hướng và mục tiêu xuất khẩu nói trên, Hội đồng Chính phủ đề ra một số chủ trương, chính sách và biện pháp cụ thể sau đây:

1. Chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất tạo nguồn hàng xuất khẩu

Sản phẩm xuất khẩu là một bộ phận của tổng sản phẩm xã hội, yêu cầu về phẩm chất lại cao hơn sản phẩm tiêu dùng trong nước; vì vậy đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu chẳng những phải có một vị trí thích đáng trong chính sách và kế hoạch đầu tư phát triển kinh tế quốc dân của Nhà nước và của từng ngành, từng địa phương, mà còn phải chú ý đầy đủ đến đặc thù của hàng hóa xuất khẩu.

Trong điều kiện hiện nay, để tăng nhanh khối lượng và nâng cao chất lượng hàng xuất khẩu nhằm tranh thủ thị trường, một mặt phải đầu tư vào các cơ sở sản xuất sẵn có bằng cách hoàn chỉnh dây chuyền sản xuất, hoặc đổi mới thiết bị ở các khâu quyết định công suất và chất lượng sản phẩm; mặt khác phải có kế hoạch đầu tư xây dựng các cơ sở mới, trang bị những thiết bị và kỹ thuật hiện đại nhất.

Cùng với việc đầu tư trực tiếp vào sản xuất, phải đầu tư vào các khâu bao bì đóng gói, bảo quản, bốc xếp, vận tải… để bảo đảm cả quá trình sản xuất và xuất khẩu.

Khi xét duyệt kế hoạch đầu tư, nên chú trọng một cách thích đáng và tạo điều kiện thuận lợi nhất đối với các công trình sẽ sản xuất hàng xuất khẩu hoặc trực tiếp phục vụ đẩy mạnh xuất khẩu.

Ngân hàng Nhà nước cần mở rộng tín dụng với điều kiện thuận lợi kể cả cho vay ngoại tệ, để khuyến khích các xí nghiệp, các nông trường, các hợp tác xã phát triển sản xuất hàng xuất khẩu.

- Trong sản xuất nông sản xuất khẩu trên cơ sở hướng đầu tư chung của nông nghiệp Nhà nước sẽ đặc biệt chú trọng đầu tư vào khâu tổ chức sản xuất giống cây và con; bảo đảm thủy lợi và cung cấp phân bón cho cây trồng; sản xuất và cung ứng thức ăn tổng hợp tiêu chuẩn cho gia súc.

- Trong sản xuất thủy sản xuất khẩu, Nhà nước cần đầu tư không những để trang bị các phương tiện đánh bắt mà còn phải chú ý xây dựng các cơ sở hậu cần, các cơ sở chế biến và bảo quản. Về việc nuôi tôm theo phương pháp hiện đại, có thể nghiên cứu vấn đề hợp tác với nước ngoài để đạt hiệu quả cao.

- Trong sản xuất lâm sản xuất khẩu, Nhà nước chú trọng đầu tư vào khâu vận tải và chế biến, trước mắt là chế biến gỗ dán, gỗ ép, gỗ lạng, ván sàn thành phẩm, đồ gỗ xuất khẩu.

- Trong sản xuất tiểu thủ công xuất khẩu, chú trọng giúp đỡ các cơ sở trong việc giải quyết khâu khai thác và sơ chế nguyên liệu, cung ứng vật tư kỹ thuật, xây dựng và mở rộng sản xuất, trang bị kỹ thuật, mở lớp dạy nghề, đào tạo cán bộ quản lý,…

- Trong sản xuất hàng tiêu dùng và thực phẩm xuất khẩu chú trọng đầu tư trang bị kỹ thuật hiện đạo và đồng bộ dây chuyền cho các ngành sợi, vải, may mặc, da, cao su, giày dép, gốm sứ, thủy tinh; cho công nghiệp bao bì; cho công nghiệp đông lạnh, nước quả, đồ hộp.

- Trong việc khai thác tài nguyên để xuất khẩu, cần tranh thủ thiết bị hiện đại trong vấn đề hợp tác với các nước anh em trên tinh thần quốc tế xã hội chủ nghĩa hoặc hợp tác với các nước khác trên nguyên tắc bình đẳng, đôi bên cùng có lợi.

Đi đôi với việc đầu tư để cải tạo và mở rộng các cơ sở sản xuất sẵn có hoặc để xây dựng những cơ sở sản xuất mới cần phải tăng cường quản lý tốt các cơ sở đó để tăng nguồn thu ngoại tệ trả nợ nước ngoài và góp phần phát triển nhanh chóng các ngành kinh tế quốc dân.

2. Phát triển ngành nghề, tạo thêm việc làm ở nông thôn và thành thị tận dụng mọi lực lượng lao động để làm hàng xuất khẩu

Ưu thế lớn nhất của ta là có nguồn lao động dồi dào. Cần có kế hoạch và biện pháp sử dụng mọi lực lượng lao động vào việc phát triển hàng xuất khẩu, và qua việc tổ chức sản xuất hàng xuất khẩu mà thúc đẩy sự phân công lao động xã hội và nâng cao kỹ năng lao động.

- Về sử dụng lao động ở nông thôn :

Qua việc quy hoạch các vùng chuyên canh hay mở rộng tăng vụ sản xuất hàng xuất khẩu, cần giao việc phân loại và sơ chế nông sản (kể cả đóng gói bao bì) cho hợp tác xã, hướng dẫn các cơ sở làm tốt các công việc này; cần quy hoạch hợp lý việc phát triển các nghề thủ công dựa trên nguồn nguyên liệu nông sản (thảm đay, cói, xơ dừa, hàng mây tre, song, lá, buông…) nhằm thực hiện phân công lao động tại chỗ. Đối với các vùng kinh tế mới, kế hoạch điều động lao động tới cần được gắn liền với việc xác định ngay phương hướng sản xuất và tăng cường bộ khung lãnh đạo. Đi đôi với những chủ trương và biện pháp nói trên phải bảo đảm cung cấp lương thực theo đúng chính sách của Nhà nước đã quy định đối với từng vùng, từng đối tượng. Giải quyết tốt vấn đề nói trên là nhằm thúc đẩy một phong trào sản xuất hàng xuất khẩu mạnh mẽ trong nông nghiệp và thủ công nghiệp ở nông thôn.

- Về sử dụng lao động ở thành thị:

Phải phát triển những ngành nghề thích hợp, tận dụng lao động có kỹ thuật, có trình độ văn hóa để sản xuất những mặt hàng như đồ điện, sản phẩm cơ khí, lắp ráp điện tử, đồ da, mạy mặc, thảm len, hàng thêu, sơn mài, đồi mồi, gốm sứ. Phải đặc biệt chú ý tổ chức dạy nghề, đào tạo lớp thợ trẻ, đồng thời bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng cho thợ cũ nhằm cải tiến kỹ thuật, nâng cao phẩm chất hàng hóa. Nhà nước sẽ đài thọ cho các lớp đào tạo và bồi dưỡng này; có chính sách ưu đãi đối với nghệ nhân, sử dụng họ vào việc truyền lại kỹ năng cho thợ mới và đào luyện thợ giỏi. Các ngành công nghiệp, các xí nghiệp quốc doanh cần hướng dẫn kỹ thuật cho các hợp tác xã tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp. Liên hiệp hợp tác xã, các trường đại học, viện nghiên cứu cần đi sát các cơ sở để giúp cải tiến quản lý, sáng tác đề tài, tạo mẫu hàng mới v.v…

3. Chính sách tiêu dùng trong nước và xuất khẩu

Đường lối phát triển kinh tế của Đảng và Nhà nước ta là nhằm không ngừng nâng cao đời sống nhân dân. Nhưng trong thời kỳ thực hiện công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nước nhà, khi mà sản phẩm xã hội làm ra chưa dồi dào, lại phải tập trung sức xây dựng công nghiệp, thì thường có mâu thuẫn giữa như cầu trong nước và nhu cầu xuất khẩu. Cần giải quyết vấn đề này một cách đúng đắn.

Chính sách tiêu dùng trong nước và xuất khẩu trước hết phải được thể hiện trong kế hoạch Nhà nước theo tinh thần ưu tiên dành cho nhu cầu trong nước những hàng thiết yếu đối với sản xuất và đời sống nhân dân (lương thực, thịt lợn, cá, đường, vải, giấy, thuốc chữa bệnh, hàng tiêu dùng thông thường), đồng thời tiết kiệm tiêu dùng những loại hàng có giá trị trên thị trường thế giới mà đời sống không đòi hỏi cấp bách (lạc, đậu, chè, cà-phê, tôm, mực, thịt bò, nước quả, đồ hộp, và các hàng công nghiệp phẩm chất cao…) để xuất khẩu.

Cần phổ biến rộng rãi chính sách nói trên để cán bộ và nhân dân có ý thức quán triệt trong đời sống hàng ngày. Trường hợp gặp mâu thuẫn giữa tiêu dùng trong nước và xuất khẩu cần xem xét cụ thể để giải quyết theo tinh thần trong nước cố gắng chịu đựng khó khăn để bảo đảm thực hiện nghiêm chỉnh những cam kết với nước ngoài và giữ tín nhiệm quốc tế.

4. Chính sách giá thu mua hàng xuất khẩu

Giá thu mua hàng xuất khẩu thuộc hệ thống giá cả chung trong nước, do đó phải theo chính sách và nguyên tắc quản lý giá cả chung của Nhà nước. Các sản phẩm cùng tiêu chuẩn và phẩm chất như nhau thì giá ngang nhau. Hàng xuất khẩu thường đòi hỏi tiêu chuẩn và phẩm chất cao hơn, hình dáng, mẫu mã đẹp hơn, bao bì đóng gói kỹ hơn nên khi định giá cần có chênh lệch hợp lý để khuyến khích sản xuất. Đối với những hàng mới sản xuất lần đầu để xuất khẩu mà giá thành cao hơn giá bán thì Nhà nước có thể trợ giá trong một vài vụ nhất định. Các ngành phải cải tiến kỹ thuật, nâng cao phẩm chất, hạ giá thành, làm cho hàng xuất khẩu của ta dần dần tranh thủ được thị trường một cách vững chắc.

Hàng xuất khẩu cũng phải đóng thuế theo các chế độ thuế như hàng nội địa. Nhưng khi xuất ra nước ngoài thì không đánh thuế xuất khẩu. Các địa phương không được tự ý đặt ra các khoản thu đối với hàng xuất khẩu để tăng thu cho ngân sách địa phương.

Nghiêm cấm các hành động của mọi ngành và địa phương tự tiện đẩy giá thu mua và giá bán lên cao, chỉ cốt mua và bán cho được hàng, không theo những quy định giá cả chung của Nhà nước, không xét đến tác hại đối với nền kinh tế, quốc dân. Các cơ quan kinh doanh ngoại thương phải tính toán kỹ hiệu quả kinh tế trong khi kinh doanh hàng xuất khẩu, phải phấn đấu hạ phí lưu thông cả khâu trong nước và ngoài nước.

Đầu năm kế hoạch, Bộ Ngoại thương cùng với Bộ Tài chính xem xét ngân sách đối với hàng xuất khẩu. Trường hợp có mặt hàng lỗ quá đáng thì không nên xuất khẩu nữa. Trường hợp có mặt hàng phải bù đến 30% trở lên so với giá thành xuất khẩu, Bộ Ngoại thương phải báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét và quyết định.

Các ngành sản xuất và lưu thông phải tiết kiệm triệt để và giảm bớt các khâu trung gian để hạ giá thành. Ngành giao thông phải phấn đấu hạ giá cước. Ngành ngoại thương phải nâng cao trình độ nghiệp vụ ở mọi khâu để bảo đảm cho hàng bán ra nước ngoài không bị mất giá.

Phải hết sức phấn đấu giảm phí lưu thông nhằm khuyến khích sản xuất và xuất khẩu, đồng thời phải tìm cách nhập với giá có lợi nhất những thiết bị và phụ tùng nguyên liệu, kịp thời đẩy mạnh sản xuất, nâng cao phẩm chất hàng hóa nói chung và nhất là hàng xuất khẩu nói riêng để giảm mức bù lỗ thấp nhất cho Nhà nước.

5. Chính sách thưởng hoàn thành hoặc hoàn thành vượt mức kế hoạch xuất khẩu.

Cần nghiên cứu sửa đổi hoặc bổ sung Quyết định số 151-CP ngày 01-7-1974 của Hội đồng Chính phủ về thưởng xuất khẩu cho thích hợp với yêu cầu trong hoàn cảnh mới:

- Thưởng bằng tiền trong nước hoặc bằng hiện vật cho các cơ sở sản xuất hoàn thành kế hoạch xuất khẩu, kể cả những cơ sở đã tạo ra nguồn nguyên liệu cho sản xuất để xuất khẩu.

- Cho phép các ngành, các địa phương được sử dụng số ngoại tệ thu được do thực hiện vượt mức kế hoạch xuất khẩu để nhập ngoài kế hoạch những thiết bị, vật tư cần thiết nhằm mở rộng cơ sở sản xuất hoặc xây dựng thêm cơ sở sản xuất theo nghị quyết của Hội nghị Ban chấp hành trung ương lần thứ II.

- Trên nguyên tắc không làm ảnh hưởng đến các mặt hàng sản xuất theo chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước và phải hoàn thành kế hoạch xuất khẩu, cho phép Bộ Ngoại thương bàn bạc với các ngành, các địa phương, các xí nghiệp ký kết với các Tổng công ty xuất nhập khẩu những mặt hàng chưa ghi trong chỉ tiêu kế hoạch Nhà nước (khi có yêu cầu của thị trường bên ngoài) để tận dụng mọi khả năng tiềm tàng tăng nguồn hàng xuất khẩu. Bộ Ngoại thương phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về những mặt hàng này và báo cáo cho Thủ tướng Chính phủ và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước biết. Số ngoại tệ thu được cũng dùng vào mục đính như trên.

6. Quỹ ngoại tệ giải quyết những biến động bất thường trong sản xuất hàng xuất khẩu.

Trong điều kiện kinh tế của ta hiện nay, sản xuất thường gặp những biến động bất thường do mất cân đối trong nền kinh tế gây ra. Để ứng phó kịp thời, nhằm bảo đảm thực hiện những hợp đồng đã ký kết với nước người cũng như để tranh thủ những thị trường mới (hay khách hàng mới) tranh thủ thời cơ có lợi nhất cần thành lập một quỹ dự trữ ngoại tệ bằng khoảng 5% giá trị xuất khẩu hàng năm để nhập khẩn cấp những vật tư, thiết bị phụ tùng nhằm đáp ứng yêu cầu của các ngành và các đơn vị sản xuất hàng xuất khẩu. Quỹ này do Bộ trưởng Bộ Ngoại thương quản lý và được chi cho những yêu cầu nói trên. Bộ trưởng Bộ Ngoại thương có trách nhiệm bảo đảm thu lại số ngoại tệ cao hơn số đã chi ra để tăng thêm nguồn thu ngoại tệ cho Nhà nước.

7. Cải tiến công tác kế hoạch hóa xuất khẩu cho phù hợp với tình hình kinh tế của ta.

Xuất khẩu là sự trao đổi buôn bán với nước ngoài, dù với Nhà nước hay tư nhân, cũng là sự cam kết quốc tế phải thực hiện nghiêm túc. Do đó chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu phải vững chắc và có tính pháp lệnh.

Ủy ban Kế hoạch Nhà nước khi đề ra và tổng hợp kế hoạch xuất khẩu phải xem xét cân đối mọi mặt cho các ngành, các địa phương, các xí nghiệp: cân đối giữa chỉ tiêu sản xuất với chỉ tiêu nguyên liệu, vật tư (kể cả nguyên liệu làm bao bì), chỉ tiêu lao động; cân đối giữa khối lượng hàng xuất khẩu với phương tiện vận tải, kho tàng, khả năng bốc xếp tại cảng… Phải đề cao tính pháp lệnh của kế hoạch xuất khẩu (sản xuất và giao hàng cho ngoại thương) và đòi hỏi các ngành phải nghiêm túc thực hiện; năm trước không làm đủ thì phải chuyển sang năm sau kiên quyết có kế hoạch phấn đấu bù và bảo đảm thực hiện trong kế hoạch mới.

Kế hoạch xuất khẩu phải có tính pháp lệnh cao, nhưng đồng thời cũng phải mềm dẻo, vì khả năng tiềm tàng trong nền kinh tế của ta còn nhiều, ngay cả trong các ngành kinh tế quốc doanh cũng chưa được phát huy hết; mặt khác kế hoạch cũng chưa dự kiến đầy đủ các yêu cầu của thị trường nước ngoài, nhất là thị trường tư bản, cho nên có loại hàng chỉ nên ghi kim ngạch mà chưa nên ghi chỉ tiêu cụ thể; ngành ngoại thương sẽ tiếp xúc với thị trường để xác định cụ thể hoặc bổ sung trong quá trình thực hiện. Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Ngân hàng Nhà nước và các ngành khác cần tạo điều kiện và giúp ngoại thương trong việc thực hiện nhiệm vụ này.

8. Cải tiến tổ chức và quan hệ giữa các ngành, các cấp trong sản xuất tạo nguồn hàng xuất khẩu

Sản xuất tạo ra nguồn hàng xuất khẩu trước hết là trách nhiệm của các ngành quản lý sản xuất, các địa phương, các cơ sở sản xuất.

Các ngành quản lý sản xuất, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương cần có bộ phận chuyên trách giúp nghiên cứu và đôn đốc thực hiện kế hoạch sản xuất và giao hàng xuất khẩu; phải phân công một đồng chí phụ trách công tác xuất khẩu.

Ở các tỉnh, thành phố có thể lập một tổ chức kinh doanh hàng xuất khẩu làm nhiệm vụ thu mua, bao bì, bảo quản và giao nhận hàng xuất khẩu.

Ở cấp huyện, tùy theo nguồn hàng xuất khẩu nhiều hay ít, sản xuất phân tán hay tập trung mà tổ chức các trạm thu mua, hoạt động thường xuyên hay theo thời vụ.

Cần chấn chỉnh lại tổ chức thu mua, có sự phân công và phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, bảo đảm mỗi mặt hàng chỉ có một tổ chức thu mua và phân phối cho các ngành theo kế hoạch Nhà nước, trước hết chọn hàng tốt, đủ tiêu chuẩn giao xuất khẩu. Phải nghiên cứu cải tiến tổ chức thu mua, nhất là ở cấp huyện, nơi trực tiếp với hợp tác xã, sao cho việc thu mua một loại hàng và cung ứng vật tư sản xuất cho loại hàng ấy, đều tập trung vào một tổ chức, thông qua hợp đồng kinh tế hai chiều để bảo đảm kế hoạch được thực hiện như các chỉ tiêu đã định.

Đặc biệt cần phân công lại giữa nội thương và ngoại thương theo nguyên tắc loại hàng chuyên xuất hoặc phần lớn dành để xuất khẩu thì do ngoại thương trực tiếp thu mua; loại hàng phần lớn dành cho tiêu dùng trong nước thì do nội thương thu mua, nhưng chọn loại tốt, đủ tiêu chuẩn giao cho xuất khẩu. Cần giúp đỡ một số tỉnh hoặc thành phố tổ chức và quản lý các cơ sở cung ứng dịch vụ cho tàu biển và máy bay nước ngoài bảo đảm phát triển xuất khẩu tại chỗ theo sự hướng dẫn của Bộ Ngoại thương. Cần có kế hoạch phát triển nhanh ngành du lịch để tăng nguồn thu ngoại tệ; phải nghiên cứu tổ chức và phương thức quản lý của ngành du lịch nhằm phát huy hiệu quả và ảnh hưởng tốt của hoạt động du lịch.

Ngành ngoại thương phải nghiên cứu sắp xếp tổ chức cho có hiệu lực, nâng cao trình độ cán bộ ngoại thương về hiểu biết kinh tế, nghiệp vụ, kỹ thuật, luật pháp, ngoại ngữ. Cán bộ ngoại thương phải nắm vũng đường lối phát triển kinh tế đối ngoại của Đảng, hiểu biết khả năng và nhu cầu trong nước, hiểu biết thị trường nước ngoài để mở rộng xuất khẩu và nhập khẩu.

Tùy theo yêu cầu, ngành ngoại thương có thể cử cán bộ trực tiếp đến các cơ sở sản xuất thuộc các ngành, các địa phương quản lý để hướng dẫn và đôn đốc việc thực hiện kế hoạch sản xuất và giao hàng xuất khẩu.

Các ngành tổng hợp có quan hệ đến sản xuất và lưu thông phải cải tiến nghiệp vụ quản lý, soát loại các chế độ, chính sách, phát huy tác dụng tích cực trong việc phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu. Đặc biệt ngành giao thông vận tải phải ra sức phát triển và cải tiến công tác vận tải, giải quyết tốt việc vận tải trong nước và bốc dỡ ở cảng để phục vụ đắc lực và kịp thời công tác xuất nhập khẩu của Nhà nước.

9. Tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục.

Các ngành, các cấp phải làm cho mọi người, từ cán bộ, công nhân viên các cơ sở sản xuất, các cơ quan Nhà nước, đến các đoàn thể quần chúng và các xã viên các hợp tác xã, nhận thức được tính chất và vị trí quan trọng của xuất khẩu đối với sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, thấy rõ trách nhiệm của mình trong sản xuất, tiết kiệm tiêu dùng, dành nhiều hàng và hàng tốt để đẩy mạnh xuất khẩu.

Giáo dục tinh thần tự lực cánh sinh, ý thức tự hào dân tộc cho nhân dân nói chung, trước hết là cho cán bộ và công nhân trong các ngành sản xuất, cho xã viên các hợp tác xã nông nghiệp, tiểu công nghiệp và thủ công nghiệp để mọi người ra sức phấn đấu làm ra nhiều hàng xuất khẩu có chất lượng tốt, tạo ra nhiều mặt hàng mới, giao hàng đúng kế hoạch, thi hàng đúng đắn các cam kết với nước ngoài. Kiên quyết chống các tư tưởng ỷ lại vào nhập khẩu, dễ làm khó bỏ, làm dối, làm ẩu chỉ vì lợi riêng để ảnh hưởng đến phẩm chất hàng hóa, đến kế hoạch xuất khẩu, đến sự tín nhiệm ngoại thương trên thị trường thế giới.

Cần kết hợp chương trình tuyên truyền giáo dục của các đoàn thể với việc tuyên truyền ý thức đối với xuất khẩu. Vận dụng tốt các phương tiện báo chí, đài phát thanh, vô tuyến truyền hình trong việc tuyên truyền, giáo dục ý thức đối với xuất khẩu.

Ngành ngoại thương phải biết mở rộng tuyên truyền với các mặt hàng và sản phẩm của ta bằng nhiều hình thức (quảng cáo, cửa hàng, dự hội chợ v.v… ) trên thị trường thế giới.

10. Tăng cường sự chỉ đạo và lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Phát triển sản xuất tạo nguồn hàng đẩy mạnh xuất khẩu là một nhiệm vụ to lớn cực kỳ quan trọng để xây dựng cơ sở vật chất và kỹ thuật và cải thiện đời sống nhân dân trong quá trình công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa nước nhà nên đòi hỏi phải có sự lãnh đạo và chỉ đạo tập trung và có hiệu lực của Đảng và Nhà nước. Các cấp ủy Đảng và chính quyền các cấp phải coi công tác sản xuất hàng xuất khẩu là một trong những nhiệm vụ quan trọng, phải quan tâm thường xuyên, thể hiện không những trong phương hướng của ngành, địa phương mà còn phải chỉ đạo cụ thể, năng kiểm tra, đôn đốc thực hiện cho được các chỉ tiêu kế hoạch hàng năm và chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để mỗi năm đều tăng xuất khẩu trong kế hoạch 5 năm.

Các ngành, các cấp phải đề cao tinh thần trách nhiệm trước Đảng, Chính phủ và nhân dân, kịp thời đề đạt với trung ương Đảng và Chính phủ những chính sách, biện pháp để thực hiện cho được phương hướng và mục tiêu đẩy mạnh xuất khẩu trong thời gian tới.

Vì sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa đưa nước nhà tiến lên một nền sản xuất lớn có công nghiệp và nông nghiệp hiện đại, văn hóa và khoa học tiên tiến, quốc phòng vững mạnh, phải đẩy mạnh xuất khẩu. Muốn đẩy mạnh xuất khẩu phải phát triển sản xuất, tạo nguồn hàng với khối lượng lớn, tập trung và phẩm chất tốt. Đó là một trong những vấn đề có tầm quan trọng bậc nhất trong hoạt động kinh tế nước ta hiện nay.

Toàn thể cán bộ và nhân dân, các ngành và các địa phương hãy đi sát phong trào sản xuất, ra sức cải tiến tổ chức và quản lý sản xuất phát huy khí thế cách mạng tiến công, nhanh chóng tạo nên bước chuyển biến mới trong sản xuất và xuất khẩu, tranh thủ thời cơ thuận lợi đưa xuất khẩu nước ta tăng nhanh, tương xứng với khả năng của nền kinh tế và với vị trí chính trị của nước ta trên trường quốc tế.

 

TM.  HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

PHÓ THỦ TƯỚNG

 

 

 

 

Phạm Hùng

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 280-CP về phát triển sản xuất, đẩy mạnh xuất khẩu vì sự nghiệp công nghiệp hóa xã hội chủ nghĩa do Hội đồng Chính phủ ban hành.

  • Số hiệu: 280-CP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 12/10/1977
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Phạm Hùng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 9
  • Ngày hiệu lực: 27/10/1977
  • Ngày hết hiệu lực: 04/07/1991
  • Tình trạng hiệu lực: Hết hiệu lực
Tải văn bản