Hệ thống pháp luật

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
******

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
*******

Số: 229-CP

Hà Nội, ngày 15 tháng 09 năm 1978

 

NGHỊ QUYẾT

VỀ VIỆC ĐẨY MẠNH SẢN XUẤT MÀU TRONG HAI NĂM 1979 - 1980

Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai của Ban Chấp hành trung ương Đảng đã nêu rõ: “đồng thời với việc ra sức thâm canh, tăng năng suất, tăng vụ và mở rộng diện tích lúa ở những nơi có điều kiện, cần phải tập trung chỉ đạo để tăng nhanh diện tích, năng suất và sản lượng màu ở tất cả các vùng, tổ chức tốt việc chế biến màu, đưa màu vào cơ cấu lương thực chính của người, tăng nguồn thức ăn cho chăn nuôi”.

Thực tiễn của việc sản xuất màu trong 2 năm qua đã chứng minh chủ trương nói trên là hoàn toàn đúng đắn. Ở những địa phương làm đúng như Bình Trị Thiên, Nghĩa Bình, Quảng Nam – Đà Nẵng, Phú Khánh, Đắc Lắc, Gia Lai – Kon Tum, v.v… từ  chỗ thiếu lương thực nghiêm trọng đã đi đến tự giải quyết được lương thực, ổn định được đời sống của nhân dân trong địa phương, làm tốt nghĩa vụ lương thực đối với Nhà nước, phát triển được chăn nuôi, tạo điều kiện thuận lợi cho việc phát triển kinh tế, văn hóa và củng cố quốc phòng…

Mặc dầu ở nhiều nơi khác, việc phát triển màu chưa được chú ý đúng mức, tính chung cả nước, mấy năm gần đây sản lượng màu vẫn tăng đều ổn định hơn sản lượng lúa, tỷ trọng màu trong sản lượng lương thực năm 1975 chiếm 10,2% năm 1978 đã tăng lên 17,3%. Năm 1977 so với năm 1975 sắn tăng hơn hai lần, ngô tăng gần hai lần, khoai tây tăng gần ba lần, cao lương cũng đang phát triển.

Coi trọng việc phát triển màu là phù hợp với thực tế khách quan ở nước ta, một nước mà dân số tăng nhanh, lương thực chưa đủ ăn, trong khi đó diện tích có thể làm lúa nước lại thiếu điều kiện mở rộng nhiều và diện tích đất đai có thể trồng màu còn lớn, có nhiều thuận lợi để phát triển nhanh.

Trong thời gian trước mắt, một mặt, cần phải cố gắng đẩy mạnh xây dựng thủy lợi để mở rộng diện tích và thâm canh lúa nước; mặt khác, cần phải ra sức phát triển màu để cùng với lúa nước bảo đảm giải quyết lương thực cho người, thức ăn cho chăn nuôi và có thêm thóc, thêm màu để xuất khẩu. Đây là những việc làm cấp bách, bất kỳ trong tình hình nào cũng phải bảo đảm thực hiện cho được để đạt mục tiêu kế hoạch quan trọng ghi trong nghị quyết Đại hội IV của Đảng: năm 1980, phải đạt 21 triệu tấn lương thực quy ra thóc. Trong đó, phải phấn đấu đạt từ 14 triệu tấn đến 14,5 triệu tấn thóc; 6,5 triệu đến 7 triệu tấn còn lại phải được thực hiện bằng màu quy ra thóc.

Đi đôi với đẩy mạnh sản xuất, cần phải bảo đảm vững chắc việc cân đối lương thực trong tay Nhà nước để đáp ứng các nhu cầu về phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng và duy trì mọi hoạt động bình thường của đời sống xã hội. Muốn vậy ít nhất đến năm 1980, phải bảo đảm số lương thực trong tay Nhà nước đạt 5 triệu tấn, gồm 3 triệu tấn thóc và 2 triệu tấn màu quy ra thóc. Có đạt được các mục tiêu sản xuất và huy động lương thực trên đây, thì nền kinh tế mới vượt qua được một số khó khăn gay gắt.

Hiện nay, trong tình hình khó khăn về lương thực đang chi phối nhiều mặt của nền kinh tế quốc dân, nhiệm vụ đẩy mạnh sản xuất màu để chủ động về lương thực là một khâu trọng yếu mà chúng ta phải nắm để thực hiện cho kỳ được.

Các ngành, các cấp phải thể hiện tinh thần tập trung cao độ lực lượng của cả nước thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển nông nghiệp toàn diện, đẩy mạnh sản xuất lương thực trong hai năm 1979 – 1980, trong đó việc phát triển màu có vị trí quan trọng đặc biệt. Phải có những cách làm sáng tạo, khắc phục tư tưởng rụt rè, bảo thủ, sợ khó, phát động quần chúng quyết tâm thực hiện.

I. NHIỆM VỤ SẢN XUẤT  MÀU TRONG HAI NĂM 1979 - 1980

Đến năm 1980, bên cạnh mục tiêu về sản lượng lúa, phải đạt cho được sản lượng màu từ 6,5 đến 7 triệu tấn quy ra thóc, trong đó Nhà nước phải thu mua được khoảng 2 triệu tấn.

Để tạo ra bước phát triển vượt bậc trong sản xuất màu, phải ra sức thâm canh trên đất màu hiện có, đẩy mạnh tăng vụ đồng thời đẩy mạnh phục hóa, khai hoang, mở thêm diện tích trồng màu ở tất cả các vùng, các sơ sở sản xuất nông nghiệp. Mở rộng diện tích vụ đông ở đồng bằng và trung du Bắc bộ để tăng nhanh sản xuất khoai tây, khoai lang, ngô, v.v…; nhanh chóng mở rộng diện tích vụ đông trên đất trồng một vụ lúa ở đồng bằng sông Cửu Long để trồng cao lương, khoai lang, ngô, v.v…; các tỉnh ở khu 4 và khu 5 cũ phải đẩy mạnh hơn nữa phong trào sản xuất màu; các tỉnh ở miền núi Bắc bộ cần đặc biệt chú ý đẩy mạnh sản xuất màu để sớm xây dựng cơ sở hậu cần tại chỗ về lương thực, đáp ứng yêu cầu của tình hình mới; nhanh chóng xây dựng những vùng trồng màu tập trung lớn ở miền đông Nam bộ và Tây Nguyên.

Sản lượng màu của các vùng miền núi và trung du Bắc bộ, đồng bằng sông Hồng, khu 4 cũ, khu 5 cũ, đồng bằng sông Cửu Long phải đạt 5 triệu tấn quy ra thóc. Riêng ở miền đông Nam bộ và Tây Nguyên, phải tổ chức sản xuất màu tập trung lớn đạt gần 1 triệu tấn và trong nhân dân cố gắng đạt trên 1 triệu tấn quy ra thóc.

Tỉnh nào, huyện nào cũng phải phát động và tổ chức phong trào toàn dân thực hiện khẩu hiệu “tấc đất tấc vàng”, đẩy mạnh trồng màu ở mọi vùng, mọi nơi trong cả nước, bao gồm các loại cây màu có bột: sắn, ngô, cao lương, khoai lang, khoai tây và các cây có bột khác như dong riềng, khoai nước, mì mạch, kê, v.v…, nhằm góp phần giải quyết nhu cầu tại chỗ về lương thực của từng huyện, từng tỉnh.

Đi đôi với kế hoạch sản xuất, thu hoạch màu, phải có ngay kế hoạch chế biến, vận chuyển, lưu thông, tiêu thụ màu, phát triển công nghiệp chế biến màu, phát triển chăn nuôi, nâng cao nhanh hiệu quả kinh tế toàn diện của sản xuất màu ở tất cả các vùng.

Để đẩy mạnh sản xuất màu theo yêu cầu trên, các tỉnh, các huyện phải tổ chức lực lượng, có chương trình, kế hoạch, có sự phân công hợp tác để giải quyết một cách đồng bộ các vấn đề có liên quan như quy hoạch, thiết kế, tăng vụ, khai hoang, bảo vệ đất, bảo vệ môi trường, thâm canh, luân canh, chăn nuôi, giống, phân bón, công cụ lao động, tổ chức chế biến, tiêu thụ, v.v…

Theo kinh nghiệm trong mấy năm qua, phải giải quyết bằng được hai vấn đề sau đây:

1. Tập trung giải quyết các khó khăn về thu hoạch, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ màu.

Các tỉnh, huyện phải cung cấp đủ công cụ cho cơ sở để thu hoạch màu. Đến mùa thu hoạch màu, tùy theo điều kiện cụ thể, các tỉnh, huyện được phép tập trung lao động ở địa phương kể cả huy động cán bộ, công nhân, viên chức, học sinh, nhân dân lao động phi nông nghiệp tham gia việc thu hoạch màu, nhưng phải tổ chức và chỉ đạo chặt chẽ.

Trong việc chế biến màu, phải chế biến tại chỗ là chính (nếu chưa chế biến kịp thành sản phẩm tinh, thì chủ yếu là chế biến thành sản phẩm thô như sắn lát, sắn đuôi, khoai lát, bột thô v.v…); dùng công cụ cải tiến và thủ công là chính, do hợp tác xã và nhân dân làm là chính. Bộ Nông nghiệp chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn việc sơ chế màu trong nhân dân. Bộ Lương thực và thực phẩm lo chỉ đạo việc chế biến thành tinh bột và sản phẩm khác. Bộ Cơ khí và luyện kim có trách nhiệm chỉ đạo hướng dẫn các xí nghiệp cơ khí chế tạo công cụ, máy móc chế biến màu. Cần có kế hoạch cung cấp công cụ và phương tiện chế biến cho các cơ sở, cung cấp thêm vật liệu để làm sân phơi, nhà kho, bao bì, bảo đảm màu được làm khô và bảo quản tốt.

Cần tổ chức việc tiêu thụ màu ngay tại địa phương, đưa màu vào cân đối lương thực, cân đối thức ăn cho chăn nuôi tại địa phương là chính. Trừ khoai tây có thể cung cấp dưới dạng tươi thay một phần lương thực cho nhân khẩu phi nông nghiệp, nói chung đối với các loại màu khác, khi dùng để cung cấp theo tiêu chuẩn định lượng, cần phải sơ chế hoặc tinh chế để bảo đảm chất lượng phục vụ tốt cho người tiêu dùng.

Bộ Lương thực và thực phẩm, Bộ Nội thương và Bộ Nông nghiệp có trách nhiệm hướng dẫn kỹ thuật, giúp đỡ phương tiện cho các đơn vị cơ sở, cho nhân dân để tự chế biến màu thành những món ăn thông dụng hàng ngày, tạo thành tập quán dùng màu trong bữa ăn ở tất cả các vùng, kể cả thành thị và khu công nghiệp.

Cải tiến việc thu mua màu với mạng lưới thu mua rộng khắp, thuận tiện cho người sản xuất, nhất là ở vùng núi, giao thông vận tải có khó khăn.

2. Ban hành các chính sách khuyến khích sản xuất chế biến, tiêu thụ màu.

Bộ Nông nghiệp chủ động bàn bạc với các ngành có liên quan và các ngành này phải tích cực tham gia theo chức năng của mình để từ nay đến cuối năm 1978, có thể ban hành một số văn bản của Chính phủ, những văn bản của ngành hoặc liên ngành quy định cụ thể những chính sách khuyến khích sản xuất màu đối với các khâu sản xuất, lưu thông, phân phối, làm nghĩa vụ, thu mua, tiêu thụ, v.v… có liên quan đến từng loại màu.

Về giá cả thu mua, phải có những quy định bổ sung thích hợp đối với từng loại màu, từng thời vụ, từng địa phương để bảo đảm vừa phát triển được sản xuất màu, vừa ổn định được giá cả ở địa phương.

II. XÂY DỰNG NHỮNG VÙNG CHUYÊN CANH MÀU TẬP TRUNG QUY MÔ LỚN CỦA NHÀ NƯỚC

Nghị quyết Hội nghị lần thứ hai của Ban Chấp hành trung ương Đảng đã đề ra: “Hình thành những vùng chuyên canh màu trong từng huyện, từng tỉnh và những vùng chuyên canh màu tập trung trên quy mô lớn của cả nước.

Bên cạnh việc phát động phong trào trồng màu rộng khắp trong nhân dân ở tất cả các vùng, cần ra sức phấn đấu tổ chức những vùng chuyên canh màu. Trong 2 năm tới, Bộ Nông nghiệp phải có kế hoạch tổ chức nhanh chóng những vùng chuyên canh màu tập trung quy mô lớn, trong đó chú trọng xây dựng vùng chuyên canh màu ở đông Nam bộ và Tây Nguyên. Cố gắng phấn đấu đưa quy mô của hai vùng màu nói trên lên khoảng 20 vạn hécta. Đó là những vùng chuyên canh màu đã được quy hoạch, có phương hướng sản xuất và tổ chức quản lý ổn định, dựa chủ yếu vào các nông trường quân đội và nông trường quốc doanh đã hình thành. Tại các vùng chuyên canh màu, phải tổ chức quản lý tốt, có biện pháp bảo vệ đất, chống xói mòn, thực hiện thâm canh ngay từ đầu và thâm canh ngày càng cao, từng bước cơ giới hóa để tăng nhanh năng suất lao động, kết hợp chặt chẽ giữa trồng trọt và chăn nuôi, giữa sản xuất và chế biến, bảo đảm cho Nhà nước nắm trong tay một khối lượng lương thực hàng hóa lớn và chắc chắn.

Bộ Nông nghiệp kết hợp chặt chẽ với Tổng cục xây dựng kinh tế của quân đội bàn bạc với các ngành, các tỉnh có liên quan, đề ra các biện pháp cụ thể, phân công trách nhiệm rõ ràng, bảo đảm các công việc được triển khai một cách mau lẹ và có kết quả.

Việc xây dựng vùng chuyên canh màu tập trung trên quy mô lớn có nhiều khó khăn, phức tạp, đòi hỏi phải giải quyết hàng loạt vấn đề cụ thể với sự cố gắng cao của các ngành, các cấp. Trước mắt, phải làm gấp mấy việc sau đây.

1. Bộ Nông nghiệp, Tổng cục xây dựng kinh tế của quân đội và các địa phương phải khẩn trương hoàn thành quy hoạch và thiết kế.

Trên cơ sở quy hoạch vùng, cần cụ thể hóa quy hoạch tổ chức sản xuất, làm nhiệm vụ thiết kế các nông trường, các hợp tác xã được xây dựng mới và mở rộng, khẩn trương làm thiết kế kỹ thuật (trước hết là thiết kế khai hoang) để kịp bắt đầu tiến hành công tác giải phóng mặt bằng từ quý IV năm 1978, chuẩn bị tốt việc triển khai sản xuất trong vụ đông xuân 1978 – 1979.

2. Tập trung lực lượng khai hoang: Kết hợp việc khai hoang bằng máy với lao động thủ công. Tổ chức phối hợp giữa các lực lượng khai hoang để sử dụng tốt các máy móc, thiết bị của ngành nông nghiệp và của quân đội, bảo đảm hoạt động của máy có hiệu quả tốt nhất. Về lực lượng lao động, phải dựa vào lao động tại chỗ của địa phương, kết hợp với việc huy động từ nơi khác đến và phải tổ chức quản lý chặt chẽ.

Ngành cơ khí (trung ương và địa phương), kể cả cơ khí quốc phòng cần tận dụng năng lực của mình để sản xuất thêm nông cụ và phụ tùng máy nông nghiệp, giúp cho các cơ sở sản xuất nông nghiệp sửa chữa máy móc kịp thời và có đủ công cụ sản xuất.

Đặc biệt coi trọng việc nhập phụ tùng và thiết bị sửa chữa để phục hồi số máy bị hư hỏng, triệt để phát huy lực lượng và công suất của các máy móc và công cụ. Dành số máy mới nhập về để phân phối cho vùng trồng màu tập trung. Nhập tiếp số máy còn lại ghi trong kế hoạch 5 năm để phục vụ kịp yêu cầu mở mang các vùng màu.

3. Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật: Triệt để tận dụng các cơ sở vật chất – kỹ thuật đã được xây dựng trong vùng, tiếp tục xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật đồng bộ và ngày càng mạnh cho các vùng này. Cố gắng cung ứng thêm máy móc, thiết bị sản xuất, chế biến, vận chuyển; cung ứng thuốc trừ sâu, giống cây trồng, giống phân xanh, giống gia súc, từng bước giải quyết yêu cầu về thủy lợi, xây dựng sân phơi, nhà kho, nhà sấy, đường sá, cầu cống, v.v…

4. Kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân kỹ thuật: Tăng cường thêm cán bộ quản lý, cán bộ kỹ thuật, công nhân kỹ thuật, bảo đảm tổ chức bộ máy của các cơ sở sản xuất được kiện toàn nhanh chóng, với số lượng và chất lượng cán bộ, công nhân tương xứng với nhiệm vụ được giao, có đủ trình độ phát huy tốt mọi khả năng tiềm tàng của từng cơ sở.

Theo tinh thần trên đây, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước, Bộ Lương thực và thực phẩm, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Cơ khí và luyện kim, các ngành tài chính, ngân hàng, v.v… tùy theo chức năng và nhiệm vụ của mình, cùng với Bộ Nông nghiệp, Tổng cục xây dựng kinh tế của quân đội và Ủy ban nhân dân các địa phương có liên quan bàn bạc, giải quyết những vấn đề cụ thể để nhanh chóng xây dựng những vùng màu tập trung quy mô lớn.

Để thực hiện chủ trương trên đây, Bộ Nông nghiệp phải chủ động phối hợp với Ủy ban Kế hoạch Nhà nước và các ngành có liên quan nghiên cứu, đề ra các biện pháp cụ thể và phải thể hiện các biện pháp ấy vào kế hoạch Nhà nước để có những căn cứ và điều kiện thực hiện.

Trong việc nghiên cứu, xây dựng các biện pháp để thực hiện chủ trương đẩy mạnh sản xuất màu, cần chú trọng:

1. Xác định rõ chủ trương về kỹ thuật thịch hợp cho từng vùng (cơ cấu cây trồng, biện pháp khai hoang và trồng trọt, chế biến, v.v…).

2. Vạch ra các bước đi cụ thể cho từng năm, từng vụ sản xuất để thực hiện mục tiêu một cách vững chắc và tích cực.

3. Xây dựng cân đối về các mặt, cân đối trong Bộ Nông nghiệp, trong Tổng cục xây dựng kinh tế của quân đội, cân đối giữa các ngành (giữa ngành nông nghiệp với các ngành thủy lợi, lương thực và thực phẩm, cơ khí, xây dựng, giao thông vận tải, thương nghiệp…). Phải ứng dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật (trong cơ cấu về giống, giống con, trong kỹ thuật canh tác, trong việc bảo vệ đất chống xói mòn, trong việc sơ chế và tinh chế màu…), nghiên cứu ý kiến của các ngành, các cấp, từ đó đề ra các biện pháp cụ thể và có hiệu lực, xây dựng các cân đối vững chắc, tích cực và ghi vào kế hoạch Nhà nước.

Thời gian từ nay đến hết năm 1980 chỉ còn chưa đầy hai năm rưỡi, nhưng lại phải hoàn thành một khối lượng công việc rất to lớn để thu hoạch một khối lượng lương thực lớn. Để đạt được các mục tiêu đã đề ra, các ngành, các cấp phải hết sức tranh thủ thời gian, bắt đầu ngay từ cuối quý III năm 1978, phải ra sức phát huy tinh thần làm chủ tập thể của nhân dân và công nhân, viên chức, phát động một phong trào thi đua thật sôi nổi, rộng lớn trên mặt trận sản xuất lúa và màu, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện.

Các ngành, các cấp, các đoàn thể quần chúng có trách nhiệm cùng Bộ Nông nghiệp và Ủy ban Kế hoạch Nhà nước bàn bạc, giải quyết các vấn đề cụ thể, tập trung lực lượng cán bộ và tiềm lực của ngành mình, địa phương mình để phục vụ cho việc thực hiện Nghị quyết này.

 

 

TM. HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
KT. THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
PHÓ THỦ TƯỚNG




Lê Thanh Nghị

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 229-CP về việc đẩy mạnh sản xuất màu trong hai năm 1979-1980 do Hội đồng Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 229-CP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 15/09/1978
  • Nơi ban hành: Hội đồng Chính phủ
  • Người ký: Lê Thanh Nghị
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 17
  • Ngày hiệu lực: 30/09/1978
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản