CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 15/2003/NQ-CP | Hà Nội , ngày 29 tháng 12 năm 2003 |
Trong hai ngày 24 và 25 tháng 12 năm 2003, tại thành phố Hồ Chí Minh, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 12 năm 2003, bàn và quyết nghị các vấn đề sau:
Trong những năm qua, công tác thông tin của nước ta có bước phát triển mạnh mẽ về cả nội dung, hình thức và cơ sở hạ tầng thông tin; đáp ứng nhu cầu nâng cao dân trí và ngày càng có vị trí quan trọng trong đời sống chính trị, xã hội. Thông tin không chỉ là công cụ phục vụ sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, mà còn là diễn đàn của các tầng lớp nhân dân; góp phần mở rộng giao lưu quốc tế, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế; đấu tranh có hiệu quả với các thông tin sai trái, các luận điểm xuyên tạc của các thế lực thù địch. Tuy vậy, đến nay, việc phát triển thông tin ở nước ta vẫn còn trong tình trạng mất cân đối, vừa trùng chéo, trùng lặp về nội dung, vừa phân bố không đều, thiếu hụt ở một số lĩnh vực và địa bàn; tính hai chiều của thông tin chưa được phát huy đầy đủ. Trong chừng mực nhất định, thông tin còn bị tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường; không phù hợp với định hướng tư tưởng chính trị, truyền thống văn hóa của dân tộc, làm lộ bí mật quốc gia. Thông tin cho nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi còn nhiều hạn chế.
Chính phủ xác định, hoạt động thông tin phải đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước và tuân thủ các quy định của pháp luật. Từ nay đến năm 2010, công tác thông tin phải có bước phát triển mạnh, cân đối, có lộ trình cụ thể; phải sắp xếp hợp lý mạng lưới, đồng thời tận dụng hạ tầng công nghệ thông tin hiện có để hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ chính trị; thông tin phải đi trước một bước, gắn chặt và phục vụ cho chiến lược phát triển kinh tế - xã hội với mục tiêu cơ bản là công nghiệp hóa, hiện đại hóa, thúc đẩy hội nhập kinh tế quốc tế. Thông tin phải có tác dụng giáo dục, nhân rộng các gương tốt, việc tốt và tính nhân văn, nhân cách của con người Việt Nam.
Giao Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, tiếp tục hoàn chỉnh Chiến lược Phát triển thông tin theo các yêu cầu trên; đồng thời xây dựng Đề án quy hoạch hệ thống phát thanh và truyền hình, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trình Bộ Chính trị.
Trong những năm gần đây, Chính phủ và các Bộ, ngành đã có nhiều cố gắng trong công tác xây dựng các dự án luật, pháp lệnh trình Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, góp phần quan trọng vào việc phát triển và không ngừng hoàn thiện hệ thống pháp luật của Nhà nước. Tuy vậy, trong giai đoạn hiện nay, đứng trước yêu cầu của việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm hội nhập kinh tế quốc tế, công tác này vẫn cần được tiếp tục cải tiến để đẩy nhanh tiến độ, nâng cao chất lượng và tính đồng bộ của các dự án luật, pháp lệnh. Vì vậy, việc đổi mới quy trình và nâng cao vai trò, trách nhiệm của các Bộ trưởng trong việc soạn thảo, thẩm định, thẩm tra các dự án luật, pháp lệnh; đồng thời tăng cường năng lực của các tổ chức pháp chế và chuyên ngành trực tiếp giúp việc Bộ trưởng trong việc xây dựng các dự án luật, pháp lệnh là rất cần thiết.
Giao Văn phòng Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp và các cơ quan có liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Đề án, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt.
Luật Bảo vệ, Chăm sóc và Giáo dục trẻ em được ban hành từ năm 1991, qua 12 năm triển khai thực hiện, nhiều mục tiêu cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của trẻ em đã được thực hiện tốt; nhận thức về công tác bảo vệ, chăm sóc trẻ em được quán triệt và nâng cao; nhu cầu của trẻ em đã được đáp ứng toàn diện hơn. Tuy nhiên, trước đòi hỏi của thực tiễn và nhằm điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh liên quan đến quyền lợi trẻ em, nhất là trẻ em dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa ... Luật cần được sửa đổi, bổ sung để thể chế hóa đầy đủ Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ IX và phù hợp với đời sống xã hội.
Giao Ủy ban Dân số, Gia đình và Trẻ em chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ và các cơ quan có liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ tiếp tục hoàn chỉnh dự án Luật, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ năm 2003 có nhiều tiến bộ nổi bật, với những chuyển biến tốt, đồng bộ trên hầu hết các mặt công tác. Sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ vừa phát huy được trách nhiệm tập thể, vừa đề cao trách nhiệm cá nhân; bảo đảm đoàn kết, dân chủ và cộng đồng trách nhiệm; điều hành với quyết tâm cao và có hiệu quả.
Tình hình kinh tế - xã hội năm 2003 tiếp tục phát triển theo hướng tích cực, duy trì được mức tăng trưởng khá, tất cả các chỉ tiêu đều đạt và vượt mức kế hoạch đề ra. Sản xuất công nghiệp tăng cao, nông nghiệp phát triển ổn định, thị trường nội địa phát triển mạnh, xuất khẩu và vốn đầu tư phát triển tăng khá cao; thu ngân sách vượt dự toán, hoạt động tiền tệ tiến triển phù hợp với nhu cầu phát triển của nền kinh tế, giá cả ổn định. Hoạt động trong các lĩnh vực xã hội tiếp tục phát triển theo chiều hướng tích cực. Cuộc đấu tranh chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí được chỉ đạo quyết liệt và có chuyển biến tốt. Lòng tin của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước được củng cố; tiếp tục phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc trong công cuộc đổi mới đất nước.
Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại mà Chính phủ cần kiên quyết chỉ đạo để khắc phục, đó là vấn đề kỷ luật, kỷ cương còn lỏng lẻo; tình trạng lãng phí trong đầu tư xây dựng và quản lý đất đai còn nhiều; việc ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh còn chậm.
Phát huy những thành tựu đạt được trong năm 2003, để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2004 mà Quốc hội đề ra, sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ cần tập trung vào nhiệm vụ phát triển kinh tế nhanh, bền vững; phát huy tối đa các nguồn lực để chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao sức cạnh tranh và hiệu quả đầu tư, ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động đẩy nhanh tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế; đổi mới cơ chế quản lý, nâng cao chất lượng các hoạt động giáo dục, y tế, văn hóa, xã hội, xoá đói, giảm nghèo; tạo bước tiến mới trong cải cách hành chính, đề cao kỷ luật, kỷ cương trong bộ máy nhà nước.
Các Bộ, ngành và địa phương cần chủ động cụ thể hóa các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội theo sự chỉ đạo của Chính phủ vào ngành, lĩnh vực, địa bàn mình quản lý; triển khai sớm kế hoạch năm 2004 và tổ chức, chuẩn bị tốt để nhân dân cả nước đón Tết Nguyên đán vui tươi, lành mạnh, tiết kiệm. Trong chỉ đạo thực hiện, cần tận dụng những thời cơ tốt để phấn đấu đạt mức tăng trưởng cao hơn chỉ tiêu đã đề ra, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch năm năm 2001 - 2005.
Phan Văn Khải (Đã ký) |
- 1Nghị quyết số 12/2003/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2003 do Chính phủ ban hành
- 2Nghị quyết số 13/2003/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2003 do Chính phủ ban hành
- 3Nghị quyết số 02/2004/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2004 do Chính phủ ban hành
- 4Nghị quyết 07/2004/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2004 do Chính phủ ban hành
- 1Nghị quyết số 12/2003/NQ-CP về Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2003 do Chính phủ ban hành
- 2Nghị quyết số 13/2003/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2003 do Chính phủ ban hành
- 3Nghị quyết số 02/2004/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 01 năm 2004 do Chính phủ ban hành
- 4Nghị quyết 07/2004/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2004 do Chính phủ ban hành
Nghị quyết số 15/2003/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2003 do Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 15/2003/NQ-CP
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 29/12/2003
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Phan Văn Khải
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 3
- Ngày hiệu lực: 18/01/2004
- Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định