Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 14/2000/NQ-CP | Hà Nội, ngày 05 tháng 10 năm 2000 |
NGHỊ QUYẾT
PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 9 NĂM 2000.
CHÍNH PHỦ
Trong 2 ngày 02 và 03 tháng 10 năm 2000, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 9 năm 2000, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:
1. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng ban phòng, chống lụt bão Trung ương báo cáo tình hình đối phó với trận lũ lụt lớn ở đồng bằng sông Cửu Long.
Lũ lớn vùng thượng nguồn lưu vực sông Mê Kông từ đầu tháng 7 đã gây ra trận lũ lụt nghiêm trọng ở đồng bầng sông Cửu Long. Mặc dù lãnh đạo Đảng, Chính phủ đã kịp thời chỉ đạo các ngành, các cấp và nhân dân thực hiện những biện pháp đối phó đem lại nhiều kết quả, nhưng do lũ lớn về sớm, gây ngập sâu trên diện rộng và kéo dài nên đã làm tổn thất nặng nề đến sản xuất, kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội và đời sống của trên 10 triệu dân vùng đồng bằng sông Cửu Long. Chính phủ bày tỏ sự đồng cảm sâu sắc với các gia đình đã mất mát người thân, bị thiệt hại nặng nề về tài sản. Chính phủ biểu dương các ngành, các địa phương và lực lượng vũ trang đã chỉ đạo tích cực, sát sao, cùng nhân dân chống chọi với lũ; hoan nghênh các đoàn thể xã hội, các tổ chức quốc tế cùng toàn thể đồng bào trong và ngoài nước đã ủng hộ, giúp đỡ nhân dân đồng bầng sông Cửu Long trong thời điểm khó khăn hiện nay:
Tình hình lũ lụt còn đang diễn biến phức tạp và có thể kéo dài, đặc biệt là những hậu quả để lại sau khi nước rút. Chính phủ kêu gọi đồng bào cả nước phát huy hơn nữa tình thân ái, đoàn kết, giúp đỡ nhân dân vùng bị nạn vượt qua cơn hiểm nghèo; yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương vùng bị lũ lụt tổ chức và huy động tối đa mọi lực lượng để cứu trợ đồng bào bị nạn, hạn chế tổn thất về người và tài sản đến mức thấp nhất, không để xảy ra dịch bệnh; làm tốt công tác trị an, nhanh chóng ổn định cuộc sống của nhân dân, khôi phục các công trình hạ tầng và bắt tay vào sản xuất ngay sau khi nước rút.
Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước, Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành có liên quan, xây dựng Nghị quyết của Chính phủ về các giải pháp khắc phục hậu quả và chính sách đối với đồng bào đồng bằng sông Cửu Long bị thiệt hại do lũ lụt, trình
Thủ tướng Chính phủ ban hành để sớm triển khai thực hiện.
Nghị quyết phải thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ nhằm ổn định đời sống và sản xuất của nhân dân; giành thắng lợi lớn trong vụ Đông Xuân năm 2001, thông qua các giải pháp về khôi phục kết cấu hạ tầng, tiêu thụ hàng hóa và chính sách hỗ trợ về giống, vốn, giãn nợ, khoanh nợ, miễn thuế, giảm thuế.... Đồng thời tổng kết kinh nghiệm từ đợt lũ này, đề ra những giải pháp cơ bản về cơ cấu kinh tế, về quy hoạch thủy lợi, về xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng điểm, cụm, tuyến dân cư phù hợp với vùng đống bằng sông Cửu Long để nhân dân có cuộc sống ngày càng ổn định, văn minh, có kinh tế phát triển bền vững.
2. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo kế hoạch phát triển kinh tế xã hội năm 2001; nghe Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2000 và dự toán ngân sách nhà nước năm 2001.
Ngay từ đầu năm 2000, Chính phủ đã triển khai và chỉ đạo thực hiện nhiều giải pháp, cơ chế, chính sách thúc đẩy nền kinh tế vượt qua những khó khăn, thách thức để hoàn thành và hoàn thành vượt mức nhiệm vụ kế hoạch đã đề ra. Đến nay, qua đánh giá tình hình thực hiện 9 tháng và ước 3 tháng còn lại, nhìn chung, các chỉ tiêu chủ yếu của kế hoạch nhà nước năm 2000 đều đạt và vượt; vốn đầu tư, năng lực sản xuất và năng lực kết cấu hạ tầng kinh tế xã hội tăng lên đáng kể; công cuộc đổi mới kinh tế xã hội tiếp tục có nhiều chuyển biến, thể chế kinh tế thị trường được hoàn thiện hơn; tình hình chính trị, xã hội tiếp tục ổn định, trình độ dân trí được nâng lên.
Tuy nhiên, nền kinh tế còn nhiều tồn tại yếu kém cần ra sức khắc phục. Cải cách hành chính triển khai còn chậm. Những bức xúc về xã hội còn lớn...
Năm 2001 có vị trí rất quan trọng, là năm mở đầu kế hoạch 5 năm đầu tiên của thiên niên kỷ mới, năm đầu thực hiện các nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ IX. Thành tựu đạt được của năm 2001 có ý nghĩa lớn, tạo đà cho việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế đất nước 2001 - 2010.
Vì vậy, mục tiêu đề ra cho năm 2001 là phải phát triển kinh tế với tốc độ cao và bền vững hơn năm 2000; đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào sản xuất, đầu tư mạnh hơn để cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao hiệu quả và năng lực cạnh tranh trong điều kiện hội nhập kinh tế quốc tế, tăng chất lượng nguồn lao động và tỷ lệ lao động được đào tạo nghề; giải quyết có hiệu quả các vấn đề xã hội bức xúc, chú trọng vấn đề việc làm, xóa đói giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe nhân dân và phòng, chống các tệ nạn xã hội; cải thiện cơ bản đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; ổn định chính trị, xã hội; tiếp chủ động mở rộng quan hệ đối ngoại; củng cố an ninh, quốc phòng.
Giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, rà soát lại mục tiêu, giải pháp thể hiện nhiệm vụ kế hoạch năm 2001, hoàn chỉnh các Báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ
xem xét, quyết định trình Quốc hội.
3. Chính phủ đã xem xét Đề án phổ cập giáo dục trung học cơ sở do Bộ Giáo dục và Đào tạo trình.
Mục tiêu phổ cập giáo dục tiểu học và chống mù chữ do Đảng và Nhà nước đề ra từ 10 năm qua đã được hoàn thành, góp phần tích cực vào việc nâng cao dân trí. Để đào tạo nguồn nhân lực có năng lực, chất lượng cao cho xã hội cần phải xây dựng được nền tảng học vấn cơ bản của trung học cơ sở, trang bị cho thế hệ trẻ vốn kiến thức về các lĩnh vực khoa học tự nhiên, xã hội và kỹ thuật làm cơ sở để phát triển và hoàn thiện nhân cách. Vì vậy, sau khi hoàn thành phổ cập giáo dục tiểu học, cần triển khai ngay chương trình phổ cập trung học cơ sở để phát huy kết quả phổ cập tiểu học đã đạt được, tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kể từ năm học 2000 - 2001, phổ cập giáo dục phổ thông trung học cơ sở trên phạm vi cả nước cần được coi là một nhiệm vụ công tác trọng tâm của ngành giáo dục.
Giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ và các cơ quan liên quan, hoàn chỉnh Đề án trên, trình xin ý kiến Uỷ ban Thường vụ Quốc hội.
4. Chính phủ đã xem xét Báo cáo Quy hoạch tái định cư công trình thủy điện Sơn La do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình.
Thủy điện Sơn La là công trình thủy điện lớn nhất của nước ta. Khi đi vào hoạt động, công trình sẽ đáp ứng được nguồn năng lượng quan trọng cho công cuộc xây dựng và kiến thiết đất nước, song công trình này đòi hỏi phải di dân, tái định cư với quy mô khá lớn. Đây là vấn đề lớn, liên quan đến sản xuất và đời sống cũng như phong tục tập quán của nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc. Báo cáo quy hoạch tái định cư cần thể hiện cụ thể hơn về phương án đền bù, kế hoạch tiến hành di dời dân và tái định cư, bảo đảm cho người dân tái định cư có cuộc sống tốt hơn nơi ở cũ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ, môi trường, phát triển sản xuất và hòa nhập với cộng đồng.
Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Dân tộc và Miền núi, Văn phòng Chính phủ và các địa phương có liên quan tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ hoàn chỉnh Báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét để quyết định việc xin ý kiến Quốc hội.
5. Chính phủ đã xem xét dự án Pháp lệnh Bảo vệ và kiểm dịch thực vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình; Dự án Pháp lệnh Quảng cáo do Bộ Văn hóa - Thông tin trình.
Giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Văn hóa - Thông tin chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh lại hai dự án trên, trình Thủ tuông Chính phủ xem
xét, quyết định trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội.
6. Chính phủ đã xem xét Báo cáo Một số vấn đề trong công tác chỉ đạo điều hành và tình hình thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ quý 3 và 9 tháng đầu năm 2000 do Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình.
Nhìn chung, Chính phủ đã có nhiều cố gắng trong hoạt động chỉ đạo điều hành 9 tháng đầu năm, thể hiện được trách nhiệm và quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội tập trung vào những nhiệm vụ chủ yếu nhằm phát triển kinh tế, xã hội của đất nước; có nhiều cơ chế, chính sách mới, đáp ứng được tốt hơn yêu cầu của nhân dân và doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số mặt trong công tác tổ chức thực hiện, kỷ cương, kỷ luật hành chính vẫn cần được tiếp tục tăng cường.
Giao Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến của các thành viên Chính phủ hoàn chỉnh bản Báo cáo trên, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét trước khi gửi các Bộ, ngành và địa phương./.
CHÍNH PHỦ |
- 1Nghị quyết số 08/2000/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2000 do Chính phủ ban hành
- 2Nghị Quyết số 13/2000/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2000 do Chính phủ ban hành
- 3Nghị quyết số 17/2000/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2000 do Chính phủ ban hành
- 4Nghị quyết số 18/2000/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2000 do Chính phủ ban hành
- 1Nghị quyết số 08/2000/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5 năm 2000 do Chính phủ ban hành
- 2Nghị Quyết số 13/2000/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2000 do Chính phủ ban hành
- 3Nghị quyết số 17/2000/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2000 do Chính phủ ban hành
- 4Nghị quyết số 18/2000/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2000 do Chính phủ ban hành
Nghị quyết số 14/2000/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2000 do Chính phủ ban hành
- Số hiệu: 14/2000/NQ-CP
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 05/10/2000
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Số 41
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra