Hệ thống pháp luật

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
---------

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số:12/2008/NQ-CP

Hà Nội, ngày 05 tháng 5 năm 2008

NGHỊ QUYẾT

PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 4 NĂM 2008

Ngày 28 tháng 4 năm 2008, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 4, thảo luận và quyết nghị các vấn đề sau đây:

1. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường trình dự thảo Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo ý kiến thẩm tra về dự thảo Chương trình.

Biến đổi khí hậu với sự nóng lên của khí hậu toàn cầu trong thời gian qua và những thập kỷ tới làm nước biển dâng cao đang là mối lo ngại của nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam. Nhận thức được nguy cơ nghiêm trọng của vấn đề này, nước ta đã tích cực tham gia vào các công ước quốc tế có liên quan và đã có nhiều chương trình, việc làm nhằm góp phần hạn chế sự nóng lên của khí hậu toàn cầu. Tuy nhiên để nâng cao năng lực và hiệu quả ứng phó với ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội bền vững và thực hiện những cam kết quốc tế về biến đổi khí hậu, Việt Nam cần có một chương trình khung làm căn cứ xây dựng và lồng ghép các chương trình cụ thể của các Bộ, ngành và địa phương, tạo được sự thống nhất và sức mạnh tổng hợp trong việc ứng phó với biến đổi khí hậu. Nội dung Chương trình cần đánh giá đầy đủ, có căn cứ khoa học về tác động biến đổi của khí hậu theo từng giai đoạn, đề ra các mục tiêu và giải pháp cụ thể để khắc phục hậu quả; đồng thời, Chương trình phải có tính chất mở, định hướng được những giải pháp ứng phó với hậu quả do biến đổi phức tạp của khí hậu gây ra; chú ý công tác tuyên truyền để nhân dân và các nhà đầu tư hiểu đúng và đầy đủ về vấn đề này.

Giao Bộ Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Khoa học và Công nghệ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các Bộ, cơ quan có liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ hoàn chỉnh Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu (chủ yếu là vấn đề nước biển dâng cao), trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8 năm 2008.

2. Chính phủ nghe Bộ Công an trình dự án Pháp lệnh Công an xã; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo ý kiến thẩm tra về dự án Pháp lệnh.

Công an xã là lực lượng nòng cốt trong việc giữ gìn trật tự, an toàn xã hội ở cơ sở, góp phần tích cực vào sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia. Từ năm 1945, Nhà nước đã ban hành nhiều văn bản pháp luật để điều chỉnh, kiện toàn và phát triển lực lượng này. Tuy nhiên, trước yêu cầu của tình hình mới, để xây dựng và nâng cao hiệu quả hoạt động của chính quyền cơ sở, duy trì an ninh, trật tự ở địa bàn cấp xã, việc ban hành Pháp lệnh Công an xã là cần thiết.

Giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ hoàn chỉnh dự án Pháp lệnh. Bộ trưởng Bộ Công an thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội dự án Pháp lệnh này.

3. Chính phủ nghe Đề án thí điểm Chính quyền đô thị thành phố Hồ Chí Minh do Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh trình; nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo tổng hợp ý kiến các thành viên Chính phủ về nội dung Đề án.

Chính phủ thảo luận và thống nhất: Đề án có một số nội dung gắn với Đề án thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân ở huyện, quận, phường và Đề án thí điểm nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã do Bộ Nội vụ chủ trì chuẩn bị. Vì vậy, Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, phối hợp với Bộ Nội vụ tiếp tục hoàn chỉnh Đề án này; Bộ Nộivụ khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ Đề án không tổ chức Hội đồng nhân dân ở huyện, quận, phường và Đề án nhân dân bầu trực tiếp Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã để thực hiện thí điểm trên diện rộng, trong đó có thành phố Hồ Chí Minh.

Giao Bộ Nội vụ, trên cơ sở những kiến nghị của Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, khẩn trương rà soát, báo cáo Chính phủ về những nội dung cần phân cấp cho Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, nếu thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

4. Chính phủ nghe Bộ trưởng Bộ Nội vụ trình dự thảo Tờ trình của Chính phủ về việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội; nghe Bộ trưởng Bộ Xây dựng báo cáo Đề án định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội mở rộng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Chính phủ nhất trí thông qua.

Giao Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Xây dựng hoàn chỉnh Tờ trình của Chính phủ và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội. Bộ trưởng Bộ Nội vụ thừa ủy quyền Thủ tướng Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc mở rộng địa giới hành chính thành phố Hà Nội.

Giao Bộ Xây dựng hoàn chỉnh Đề án định hướng quy hoạch Thủ đô Hà Nội mở rộng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và có trách nhiệm giải trình trước Quốc hội về các vấn đề liên quan đến nội dung quy hoạch; nghiên cứu xây dựng mô hình tổng thể về quy hoạch Thủ đô Hà Nội mở rộng để giới thiệu và trưng cầu ý kiến rộng rãi nhân dân trong dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long-Hà Nội.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, dự thảo báo cáo về định hướng và các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội của Thủ đô Hà Nội khi được mở rộng.

5. Chính phủ nghe tóm tắt các báo cáo về: kết quả giao ban sản xuất, kinh doanh dịch vụ và đầu tư tháng 4 và tình hình kinh tế-xã hội 4 tháng đầu năm 2008 do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình; tình hình kiểm soát kinh tế vĩ mô tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2008 do Bộ Tài chính trình; tình hình dịch tai xanh ở lợn và các biện pháp phòng, chống do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trình; công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ trình; tình hình thực hiện công tác cải cách hành chính tháng 4 năm 2008 do Bộ Nội vụ trình; tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 4 và các quyết nghị của Chính phủ từ phiên họp tháng 3 năm 2008 do Văn phòng Chính phủ trình.

Chính phủ nhất trí thông qua các báo cáo này.

Tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2008 đang có một số chuyển biến tích cực hơn, sản xuất công nghiệp và nông nghiệp mặc dù có nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng, lĩnh vực dịch vụ phát triển khá, các hoạt động du lịch sôi động, đa dạng, xuất khẩu và thu hút đầu tư tiếp tục xu hướng tăng, các khoản thu chủ yếu của ngân sách nhà nước đều đạt so với dự toán, chỉ số giá tiêu dùng có dấu hiệu chững lại, nhân dân tin tưởng hơn vào quyết tâm kiềm chế lạm phát của Chính phủ, các hoạt động xã hội có nhiều tiến bộ, giải quyết việc làm tăng so với cùng kỳ năm 2007, công tác y tế dự phòng được triển khai chặt chẽ, các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức tốt... Đây là kết quả có được từ sự quyết tâm của Chính phủ, các Bộ ngành và địa phương trong việc quán triệt các giải pháp đã đề ra nhằm kiểm soát lạm phát, giữ vững cân đối vĩ mô, ổn định chính trị-xã hội và đời sống nhân dân. Tuy nhiên, trước mắt còn nhiều khó khăn đòi hỏi chúng ta phải vượt qua như: giá cả vẫn còn tăng cao, nhập siêu còn rất lớn, dịch bệnh đối với gia súc, gia cầm và cây trồng chưa được xử lý triệt để, công tác quản lý thị trường chưa tốt, tai nạn giao thông giảm chưa ổn định... Để khắc phục những khó khăn trên, Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành và địa phương tiếp tục triển khai quyết liệt các giải pháp nhằm kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững đã đề ra trong Nghị quyết số 10/2008/NQ-CP của Chính phủ mà trọng tâm là tháo gỡ khó khăn để thúc đẩy sản xuất và tăng xuất khẩu, tiếp tục duy trì chính sách tiền tệ chặt chẽ, phát triển dịch vụ và thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư trong nước và nước ngoài.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính theo chức năng được giao rà soát kỹ để sắp xếp lại vốn đầu tư xây dựng cơ bản, bảo đảm có hiệu quả, thực hiện tiết kiệm 10% các khoản chi tiêu công ở các Bộ, ngành và địa phương; Chính phủ, các Bộ, cơ quan không tổ chức các cuộc họp quy mô toàn quốc, áp dụng các biện pháp triển khai công tác có hiệu quả và tiết kiệm hơn;

- Bộ Công Thương theo dõi chặt chẽ diễn biến giá cả các loại vật tư, hàng hóa, dự báo và đề xuất với Chính phủ các giải pháp xử lý kịp thời; phối hợp với Bộ Công an quản lý chặt chẽ thị trường, xử lý nghiêm các đối tượng buôn lậu, gian lận thương mại và đầu cơ tăng giá;

- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Công Thương rà soát cân đối nguồn để duy trì an ninh lương thực trong nước và bảo đảm chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu gạo năm 2008;

- Bộ Y tế khẩn trương ổn định bộ máy, đưa các tổ chức làm công tác dân số vào hoạt động có hiệu quả, bảo đảm thực hiện được mức tăng dân số theo kế hoạch;

- Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và các địa phương nắm lại tình hình, tổ chức tốt công tác hỗ trợ của Trung ương đến các hộ nghèo, các hộ bị thiên tai, bị thiệt hại về gia súc, gia cầm do dịch bệnh; bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng và công bằng, không để đồng bào bị đói;

- Ủy ban Dân tộc kiểm tra các vấn đề mới nảy sinh đối với đồng bào dân tộc ở vùng sâu, vùng xa, đề xuất để Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giải quyết đồng bộ, kịp thời;

- Bộ Giao thông vận tải và Bộ Công an phối hợp thực hiện các biện pháp quyết liệt nhằm giảm tai nạn giao thông;

- Các Bộ, cơ quan tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; triển khai việc chuẩn bị các đề án trong Chương trình công tác theo đúng tiến độ đề ra./.

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW:
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, TH (7b).

TM. CHÍNH PHỦ
THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 12/2008/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2008 do Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 12/2008/NQ-CP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 05/05/2008
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Nguyễn Tấn Dũng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 265 đến số 266
  • Ngày hiệu lực: Kiểm tra
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản