Hệ thống pháp luật

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1126/2007/NQ-UBTVQH11

Hà Nội, ngày 21 tháng 06 năm 2007

NGHỊ QUYẾT

QUY ĐỊNH VỀ HẠN MỨC NHẬN CHUYỂN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP CỦA HỘ GIA ĐÌNH, CÁ NHÂN ĐỂ SỬ DỤNG VÀO MỤC ĐÍCH NÔNG NGHIỆP

UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI NƯỚC CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Căn cứ vào Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung theo Nghị quyết số 51/2001/NQ10 ngày 25 tháng 12 năm 2001 của Quốc hội khoá X, Kỳ họp thứ 10;
Căn cứ vào khoản 3 Điều 71 của Luật Đất đai ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Theo đề nghị của Chính phủ và ý kiến của Uỷ ban Kinh tế và Ngân sách của Quốc hội;

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1.

1. Quy định hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nông nghiệp dưới các hình thức nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất, xử lý nợ theo thoả thuận trong hợp đồng thế chấp, bảo lãnh bằng quyền sử dụng đất đối với đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng, đất nuôi trồng thuỷ sản và đất làm muối.

2. Đất nông nghiệp khác, đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng, đất rừng sản xuất là rừng tự nhiên không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết này.

Điều 2.

Hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng, đất nuôi trồng thuỷ sản và đất làm muối của mỗi hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nông nghiệp được quy định như sau:

1. Đất trồng cây hàng năm, đất nuôi trồng thuỷ sản và đất làm muối:

a) Không quá sáu (06) ha đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long;

b) Không quá bốn (04) ha đối với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương còn lại.

2. Đất trồng cây lâu năm:

a) Không quá hai mươi (20) ha đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng;

b) Không quá năm mươi (50) ha đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

3. Đất rừng sản xuất là rừng trồng:

a) Không quá năm mươi (50) ha đối với các xã, phường, thị trấn ở đồng bằng;

b) Không quá một trăm (100) ha đối với các xã, phường, thị trấn ở trung du, miền núi.

4. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp trên địa bàn nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thì tổng diện tích được nhận chuyển quyền trong hạn mức đối với mỗi loại đất (đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng, đất nuôi trồng thuỷ sản và đất làm muối) bằng hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất cao nhất.

5. Trường hợp hộ gia đình, cá nhân nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp bao gồm nhiều loại đất (đất trồng cây hàng năm, đất trồng cây lâu năm, đất rừng sản xuất là rừng trồng, đất nuôi trồng thuỷ sản và đất làm muối) thì hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghịêp của hộ gia đình, cá nhân đó được xác định theo từng loại đất quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

Điều 3. Hộ gia đình, cá nhân đã sử dụng đất nông nghiệp vượt hạn mức nhận chuyển quyền quy định tại Điều 2 của Nghị quyết này mà hợp đồng hoặc văn bản chuyển quyền sử dụng đất đã được công chứng, chứng thực từ trước ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành thì phần diện tích đất vượt hạn mức được tiếp tục sử dụng như đối với trường hợp đất nông nghiệp trong hạn mức nhận chuyển quyền.

Điều 4.

1. Nghị quyết này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 7 năm 2007.

2. Chính phủ có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.

TM. UỶ BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
CHỦ TỊCH




Nguyễn Phú Trọng

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 1126/2007/NQ-UBTVQH11 về hạn mức nhận chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân để sử dụng vào mục đích nông nghiệp do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành.

  • Số hiệu: 1126/2007/NQ-UBTVQH11
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 21/06/2007
  • Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
  • Người ký: Nguyễn Phú Trọng
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 442 đến số 443
  • Ngày hiệu lực: 01/07/2007
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản