Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 07/2008/NQ-HĐND | Đông Hà, ngày 08 tháng 4 năm 2008 |
NGHỊ QUYẾT
VỀ ĐÀO TẠO NGUỒN NHÂN LỰC (TRỌNG TÂM LÀ ĐÀO TẠO NGHỀ CHO NGƯỜI LAO ĐỘNG) TỈNH QUẢNG TRỊ GIAI ĐOẠN 2007- 2015
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ KHÓA V, KỲ HỌP THỨ 12
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 48/2002/QĐ-TTg ngày 11/4/2002 của Thủ tướng Chính phủ về việc Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới trường dạy nghề giai đoạn 2002- 2010;
Trên cơ sở xem xét Tờ trình số 617/TTr-UBND ngày 20 tháng 3 năm 2008 kèm theo Đề án "Thực hiện Nghị quyết số 07/NQ-TU ngày 20 tháng 4 năm 2007 của Tỉnh ủy về Phát triển nguồn nhân lực, giai đoạn 2007- 2015 (Trọng tâm là công tác đào tạo nghề cho người lao động)" do UBND tỉnh trình; Báo cáo thẩm tra của Ban Văn hóa- Xã hội HĐND tỉnh và ý kiến của đại biểu HĐND tỉnh,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. HĐND tỉnh nhất trí thông qua Đề án "Về đào tạo nguồn nhân lực (Trọng tâm là đào tạo nghề cho người lao động) tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2008- 2015" với những nội dung chính như sau:
1. Mục tiêu chung
- Tăng nhanh số lượng, mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo nghề, ưu tiên cho đào tạo nghề trình độ cao để cung cấp nguồn nhân lực phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đáp ứng sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước;
- Xây dựng đội ngũ người lao động lành nghề với cơ cấu nghề hợp lý, có số lượng, chất lượng phù hợp với cơ cấu phát triển của các ngành kinh tế địa phương trong từng giai đoạn và yêu cầu của thị trường lao động; tạo khả năng và cơ hội cho người lao động được tiếp cận, lựa chọn nghề, học nghề nhất là đối tượng thanh niên, lao động nữ, lao động là người nghèo ở khu vực nông thôn để họ tự mở mang ngành nghề, tạo việc làm tại chỗ hoặc tìm kiếm được việc làm tại các địa phương khác. Cung cấp lao động có tay nghề cao cho các ngành công nghiệp, dịch vụ góp phần đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế;
- Khuyến khích phát triển các cơ sở dạy nghề ngoài công lập, đồng thời bổ sung nhiệm vụ dạy nghề cho các trung tâm đào tạo, tư vấn, hỗ trợ của các tổ chức chính trị- xã hội, xã hội nghề nghiệp để tham gia dạy nghề cho người lao động.
2. Mục tiêu cụ thể
- Đầu tư xây dựng các trường, trung tâm dạy nghề công lập đạt chuẩn về cơ sở vật chất thiết bị và chương trình, giáo trình, phương tiện dạy học; đạt chuẩn về đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Phấn đấu đến năm 2010, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 30- 35% (Tương đương 89.500- 104.400 người), trong đó qua đào tạo nghề đạt 23- 25% (Tương đương 68.600- 74.600 người).
Năm 2015, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 40- 42% (Tương đương 125.400- 131.800 người), trong đó qua đào tạo nghề đạt 30- 35% (Tương đương 94.100- 109.800 người).
- Đầu tư, nâng cấp các trường THNN & PTNT, trường Trung cấp nghề lên hệ cao đẳng; trường Công nhân kỹ thuật và Nghiệp vụ Giao thông vận tải thành trường Trung cấp nghề. Huy động các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tham gia vào công tác dạy nghề xã hội. Nâng dần quy mô tuyển sinh và liên thông đào tạo các nghề thuộc ngành kỹ thuật có trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp nghề để dịch chuyển cơ cấu lao động theo hướng tăng tỷ trọng lao động trong khu vực công nghiệp- xây dựng và khu vực thương mại, dịch vụ, du lịch; giảm tỷ trọng lao động trong khu vực nông, lâm, ngư nghiệp để đáp ứng kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh đề ra trong từng giai đoạn.
3. Kế hoạch đào tạo nghề giai đoạn 2008- 2015
Số TT | Nội dung | 2008- 2015 | 2008- 2010 | 2011- 2015 | |||
Tổng số | Trong đó: Nữ | Tổng số | Trong đó: Nữ | Tổng số | Trong đó: Nữ | ||
| Tổng số lao động được đào tạo nghề | 52.200 | 20.770 | 19.100 | 7.520 | 33.100 | 13.250 |
Trong đó: Lao động nông thôn chia ra: | 31.300 | 14.000 | 10.660 | 4.830 | 20.640 | 9.170 | |
1 | Cao đẳng nghề | 1600 | 320 | 600 | 120 | 1.000 | 200 |
Trong đó: Lao động nông thôn | 960 | 200 | 360 | 80 | 600 | 120 | |
2 | Trung cấp nghề | 13.700 | 3.850 | 5.500 | 1.550 | 8.200 | 2.300 |
Trong đó: Lao động nông thôn | 8.200 | 2.300 | 2.500 | 700 | 5.700 | 1.600 | |
3 | Sơ cấp nghề và dạy nghề thường xuyên | 36.900 | 16.600 | 13.000 | 5.850 | 23.900 | 10.750 |
Trong đó: Lao động nông thôn | 22.140 | 11.500 | 7.800 | 4.050 | 14.340 | 7.450 |
4. Đầu tư phát triển nâng cao chất lượng các cơ sở dạy nghề
- Mở rộng, nâng cấp trường Dạy nghề tổng hợp lên trường Cao đẳng nghề trước năm 2015 với quy mô đào tạo 700 học sinh/năm, thuộc hệ trung học và cao đẳng, 1000 học sinh theo học sơ cấp nghề;
- Nâng cấp trường THNN & PTNT thành trường Cao đẳng Kinh tế- Kỹ thuật trước 2015;
- Nâng cấp trường Công nghiệp kỹ thuật và Nghiệp vụ Giao thông vận tải lên thành trường Trung cấp nghề Giao thông vận tải có quy mô 200 học sinh/năm hệ trung học nghề và 800 học sinh là công nghiệp kỹ thuật lái xe, lái máy thi công công trình và công nhân kỹ thuật cầu đường.
Đưa số cơ sở dạy nghề cần có đến năm 2015 là 20 cơ sở, trong đó:
+ Trường Cao đẳng nghề công lập: 1 trường
+ Trường Trung cấp Giao thông vận tải: 1 trường
+ Trung tâm dạy nghề các huyện, thị xã: 7 trung tâm
+ Trung tâm dạy nghề của Hội Nông dân và Liên minh HTX- DNNQD: 2 trung tâm.
Hợp tác xã- Doanh nghiệp ngoài quốc doanh: 2 trung tâm
+ Trường Cao đẳng và TH công nghiệp tham gia dạy nghề XH: 3 trường
(Trường THNN&PTNT, trường TH Y tế, trường Cao đẳng Sư phạm)
+ Trường THCN tư thục (Mai Lĩnh): 1 trường
+ Trung tâm dạy nghề ngoài công lập: 3 trung tâm
+ Trung tâm dạy nghề của doanh nghiệp: 2 trung tâm
HĐND tỉnh giao UBND tỉnh chỉ đạo, nghiên cứu bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Trung tâm dạy nghề, Trung tâm kỹ thuật hướng nghiệp dạy nghề cấp huyện thành một trung tâm, vừa thực hiện chức năng dạy nghề vừa thực hiện đào tạo hướng nghiệp cho học sinh phổ thông theo hướng giao cho một ngành chủ quản và một ngành phối hợp nhằm giảm bớt đầu mối, tập trung nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo nghề cho người lao động và hướng nghiệp cho học sinh phổ thông.
5. Kế hoạch đầu tư vốn:
Tổng kế hoạch đầu tư vốn cho giai đoạn 2008- 2015: 246,7 tỷ đồng
Trong đó:
- Ngân sách trung ương: 58,2 tỷ đồng
- Ngân sách địa phương: 107,1 tỷ đồng
- Nguồn của đoàn thể: 8,0 tỷ đồng
- Nguồn do cơ sở dạy nghề tự trang trải: 7,4 tỷ đồng
- Nguồn của các cơ sở dạy nghề tư thục: 39,5 tỷ đồng
- Nguồn vận động các doanh nghiệp và xã hội hóa: 6,5 tỷ đồng
- Nguồn viện trợ: 20,0 tỷ đồng
6. Một số giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch:
- Tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự quản lý của các cấp chính quyền đối với đào tạo nguồn nhân lực và dạy nghề cho người lao động;
- Gắn đào tạo nghề với chuyển dịch cơ cấu kinh tế và gắn với thị trường lao động. Chuyển mạnh dạy nghề từ hướng cung sang hướng cầu của thị trường lao động; thực hiện sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở dạy nghề với doanh nghiệp trong quá trình đào tạo;
- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa dạy nghề, khuyến khích các hình thức dạy nghề ngoài công lập, khuyến khích người lao động đi học nghề tại các cơ sở dạy nghề có uy tín trong nước, cấp đủ định mức ngân sách theo quy định của Chính phủ cho công tác đào tạo nghề; huy động các nguồn lực để đầu tư nâng cấp các cơ sở dạy nghề; tiếp tục hoàn thiện nội dung chương trình đào tạo, cơ sở vật chất, trang thiết bị; đổi mới phương pháp đào tạo, nâng cao trình độ năng lực cho đội ngũ giáo viên; kết hợp liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo nghề trong và ngoài nước để không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ công nhân kỹ thuật, lao động có tay nghề cao cho doanh nghiệp, nâng trình độ lao động có tay nghề ngang bằng các tỉnh trong khu vực.
Bổ sung cơ chế, chính sách để huy động các doanh nghiệp và xã hội tham gia vào quá trình đào tạo nghề và phát triển dạy nghề tại doanh nghiệp theo đúng tinh thần Nghị quyết Trung ương 6, khóa X.
- Xây dựng chính sách đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên; chính sách thu hút giáo viên dạy nghề, cán bộ khoa học kỹ thuật bậc cao và chính sách hỗ trợ người học nghề. Điều chỉnh học phí phù hợp với loại hình và ngành nghề đào tạo; vận động thành lập Quỹ hỗ trợ học nghề thông qua vận động tự nguyện từ các tổ chức cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài nước;
- Thực hiện các chính sách ưu đãi theo quy định của Nhà nước để đào tạo nghề cho người lao động dân tộc thiểu số và các đối tượng bảo trợ xã hội;
- Bố trí ngân sách tập trung cho đầu tư xây dựng cơ bản hoàn thành trong giai đoạn 2008- 2010 đối với trường Trung cấp nghề, trường Giao thông vận tải, trường THNN&PTNT; quy hoạch quỹ đất cho phát triển mạng lưới dạy nghề.
Điều 2. HĐND tỉnh giao UBND tỉnh tổ chức thực hiện Nghị quyết; giao Thường trực HĐND, các Ban của HĐND và đại biểu HĐND tỉnh giám sát thực hiện Nghị quyết này.
Nghị quyết này được HĐND tỉnh khóa V, kỳ họp thứ 12 thông qua ngày 08 tháng 4 năm 2008 và có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày thông qua Nghị quyết./.
| CHỦ TỊCH |
Nghị quyết số 07/2008/NQ-HĐND về việc đào tạo nguồn nhân lực (Trọng tâm là đào tạo nghề cho người lao động) tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2008- 2015 do Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Trị ban hành
- Số hiệu: 07/2008/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 08/04/2008
- Nơi ban hành: Tỉnh Quảng Trị
- Người ký: Nguyễn Viết Nên
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 18/04/2008
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra