Hệ thống pháp luật

CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 01/2003/NQ-CP

Hà Nội, ngày 07 tháng 1 năm 2003

NGHỊ QUYẾT

CỦA CHÍNH PHỦ SỐ 01/2003/NQ-CP NGÀY 07 THÁNG 01 NĂM 2003 VỀ PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 12 NĂM 2002

Trong 2 ngày 30 và 31 tháng 12 năm 2002, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 12 năm 2002, bàn và quyết nghị các vấn đề sau:

1. Chính phủ nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trình dự thảo Quy chế làm việc của Chính phủ (sửa đổi).

Thời gian qua, việc thực hiện Quy chế làm việc của Chính phủ ban hành kèm theo Nghị định số 11/1998/NĐ-CP ngày 24/01/1998 đã có tác động tích cực đến toàn bộ hệ thống hành chính nhà nước. Lề lối làm việc của Chính phủ ngày càng đi vào nề nếp, có hiệu quả. Sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ theo chương trình công tác, vừa toàn diện vừa có trọng tâm trọng điểm, xử lý kịp thời linh hoạt các tình huống. Quan hệ phối hợp giữa Chính phủ với các cơ quan Đảng, Quốc hội và các đoàn thể ngày càng được thực hiện có nề nếp hơn.

Tuy nhiên, quá trình thực hiện Quy chế còn bộc lộ một số mặt yếu kém nổi lên cần khắc phục là: trách nhiệm cá nhân chưa rõ ràng, công tác tổ chức thực hiện và kiểm tra việc thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và các quyết định hành chính chưa được tốt, sự phối hợp liên ngành thiếu chặt chẽ, kỷ cương kỷ luật hành chính còn yếu kém, công tác thông tin chưa thông suốt làm hạn chế đáng kể đến hiệu quả chỉ đạo điều hành của Chính phủ. Nhiều quy định của Quy chế hiện hành đã bộc lộ những hạn chế, bất cập, cần được sửa đổi bổ sung cho phù hợp với tình hình mới.

Căn cứ vào mục tiêu, yêu cầu của chương trình cải cách hành chính, để nâng cao hiệu lực, hiệu quả chỉ đạo điều hành của Chính phủ, cần thực hiện một cách mạnh mẽ hơn việc cải tiến lề lối làm việc: phân định rõ trách nhiệm và thẩm quyền của tập thể Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và mỗi thành viên Chính phủ, đề cao trách nhiệm cá nhân; nâng cao chất lượng phiên họp Chính phủ; thực hiện mỗi việc chỉ do một cơ quan chủ trì, chịu trách nhiệm chính; giải quyết tốt mối quan hệ phối hợp liên ngành, tăng cường kỷ cương, kỷ luật hành chính, bảo đảm cho toàn bộ hệ thống hành chính vận hành thông suốt, hiệu quả hơn. Dự thảo Quy chế làm việc mới của Chính phủ đã cơ bản đáp ứng các yêu cầu nói trên.

Chính phủ nhất trí thông qua dự thảo Quy chế làm việc của Chính phủ; giao Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ và các đại biểu dự họp, hoàn chỉnh dự thảo Quy chế, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành.

2. Chính phủ nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo Kiểm điểm công tác chỉ đạo điều hành của Chính phủ năm 2002 và Chương trình công tác năm 2003; nghe Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo tình hình thực hiện kế hoạch tháng 12, cả năm 2002 và một số giải pháp chủ yếu trong quý I năm 2003.

Năm 2002 là năm chuyển giao giữa 2 nhiệm kỳ Chính phủ. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, đất nước ta phải đối mặt với nhiều khó khăn: thị trường vốn và thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, giá hàng hoá thị trường thế giới biến động bất lợi, cạnh tranh quốc tế ngày một gay gắt, thiên tai ở một số vùng gây thiệt hại lớn... Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã bám sát các Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội, phát huy tinh thần đoàn kết, xác định đúng trọng tâm, trọng điểm, kết hợp vai trò của tập thể lãnh đạo với đề cao trách nhiệm cá nhân, theo sát tình hình, tổng kết kinh nghiệm, chỉ đạo nhanh nhạy để thực hiện nhiều cơ chế chính sách và giải pháp mới về phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh - quốc phòng, đạt được những thành quả tích cực và khá toàn diện. Về cơ bản, nhiều chỉ tiêu chủ yếu của nhiệm vụ kế hoạch năm 2002 đạt và vượt kế hoạch đề ra. Tốc độ tăng GDP năm nay đạt 7,04%.

Tuy nhiên, chỉ đạo của Chính phủ còn có mặt chưa đồng bộ, chưa cụ thể về trách nhiệm; khâu tổ chức thực hiện còn yếu, một số việc thiếu kiểm tra, chậm tổng kết rút kinh nghiệm; công tác thông tin báo cáo chưa được tốt.

Năm 2003 là năm rất quan trọng trong kế hoạch 5 năm 2001- 2005, đất nước ta đang đứng trước nhiều thách thức mới. Chính phủ và các ngành, các cấp cần có chương trình, kế hoạch cụ thể, tổ chức thực hiện thắng lợi Nghị quyết của Quốc hội về nhiệm vụ 2003. Kế hoạch cần tập trung vào các giải pháp nhằm: đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giảm chi phí trung gian, nâng cao sức cạnh tranh của từng ngành, từng doanh nghiệp, từng sản phẩm và của cả nền kinh tế; cải thiện môi trường đầu tư, động viên mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển, nâng cao hiệu quả, giảm thất thoát, lãng phí trong đầu tư xây dựng cơ bản; đẩy mạnh cải cách hành chính, tiếp tục chỉnh đốn kỷ cương kỷ luật, điều chỉnh một bước tiền lương tối thiểu và trợ cấp xã hội; đổi mới cơ chế quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động văn hoá xã hội; tăng cường hoạt động đối ngoại và bảo đảm an ninh chính trị; đẩy mạnh phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội, nhất là HIV/AIDS, ma tuý, mại dâm và giảm thiểu tai nạn giao thông...

Chính phủ nhất trí thông qua Báo cáo Kiểm điểm chỉ đạo điều hành năm 2002 và Chương trình công tác năm 2003; giao Văn phòng Chính phủ tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh Báo cáo, trình Thủ tướng Chính phủ trước khi gửi các Bộ, ngành và địa phương để tổ chức thực hiện.

Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, các tỉnh và thành phố trực thuộc trung ương cần chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ ngay từ tháng đầu năm, trước mắt, khẩn trương giao kế hoạch đến các đơn vị cơ sở, xây dựng chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ năm 2003 của đơn vị mình theo Nghị quyết của Quốc hội; đồng thời tập trung phục vụ cho nhân dân đón Tết cổ truyền Quý Mùi vui tươi, an toàn và tiết kiệm; chăm lo sản xuất và đời sống, tăng cường phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội, bảo đảm an toàn giao thông, khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông nhất là trong dịp Tết.

3. Chính phủ nghe Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Thể dục thể thao, Trưởng Ban Tổ chức Seagames 22 báo cáo tình hình chuẩn bị cho Seagames 22 năm 2003.

Tổ chức Seagames 22 vào tháng 12 năm 2003 là cơ hội để chúng ta tạo ấn tượng tốt với bạn bè khu vực và thế giới về đất nước và con người Việt Nam, nâng cao vị thế quốc tế của đất nước, động viên phong trào thể dục thể thao nước nhà. Vì vậy, Chính phủ yêu cầu Uỷ ban Thể dục thể thao, các Bộ: Văn hoá - Thông tin, Xây dựng, Giao thông vận tải, Công an, thủ đô Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các Bộ, ngành, địa phương có liên quan phải phối hợp, tập trung mọi nỗ lực bảo đảm cho Seagames thành công tốt đẹp, trước hết là chuẩn bị tốt các cơ sở vật chất và kỹ thuật phục vụ cho thi đấu, bảo đảm tuyệt đối an ninh trật tự, nhất là an toàn giao thông; chú trọng vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường, tổ chức phục vụ chu đáo, nhiệt tình cho các đoàn đến thi đấu và khách quốc tế đến Việt Nam với chất lượng tốt nhất, thể hiện truyền thống văn hoá, lòng mến khách của nhân dân Việt Nam.

Giao Uỷ ban Thể dục thể thao chủ trì, phối hợp với Ban Chỉ đạo Quốc gia và Ban Tổ chức Seagames 22 và các Bộ ngành, địa phương có liên quan, xây dựng Chỉ thị về tổ chức Seagames 22 trình Thủ tướng Chính phủ ban hành.

4. Chính phủ đã xem xét Báo cáo sơ kết Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá IX) về tiếp tục sắp xếp, đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước và nhiệm vụ, biện pháp thúc đẩy trong năm 2003 do Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp trình.

Năm qua, các ngành các cấp đã có sự chuyển biến mới trong nhận thức, có nhiều cố gắng thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về vấn đề này. Chính phủ đã triển khai sửa đổi, bổ sung nhiều chính sách, giải pháp để sắp xếp, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; tiến hành cổ phần hoá và chuyển đổi sở hữu đối với những doanh nghiệp nhà nước làm ăn thua lỗ kéo dài, doanh nghiệp mà nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn; thí điểm chuyển tổng công ty nhà nước sang hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con và chuyển doanh nghiệp 100% vốn nhà nước thành công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên.

Tuy nhiên, việc sắp xếp, đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước, nhìn chung tiến hành còn chậm, số doanh nghiệp thua lỗ và hiệu quả kinh doanh không cao còn nhiều. Các Bộ, ngành và địa phương qua đợt sơ kết này, cần có bước chuyển biến mạnh hơn trong việc thực hiện những nhiệm vụ và giải pháp đã được xác định trong Chương trình hành động của Chính phủ, nâng cao hiệu quả, tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp nhà nước, hoàn thành thắng lợi mục tiêu đổi mới và phát triển doanh nghiệp nhà nước theo tinh thần Nghị quyết Hội nghị lần thứ 3 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá IX.

Phan Văn Khải

(Đã ký)

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết số 01/2003/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2002 do Chính phủ ban hành

  • Số hiệu: 01/2003/NQ-CP
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 07/01/2003
  • Nơi ban hành: Chính phủ
  • Người ký: Phan Văn Khải
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 8
  • Ngày hiệu lực: 25/02/2003
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản