Hệ thống pháp luật

BAN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAMTÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO BỘ NỘI VỤ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 05/2005/NQLT-TANDTC-BNV-UBTWMTTQVN

Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2005 

 

NGHỊ QUYẾT LIÊN TỊCH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI THẨM TÒA ÁN NHÂN DÂN TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO - BỘ NỘI VỤ - BAN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶT TRẬN TỔ QUỐC VIỆT NAM

Căn cứ vào Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật;
Căn cứ vào Luật tổ chức Tòa án nhân dân;
Căn cứ vào Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
Căn cứ vào Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ vào Pháp lệnh Thẩm phán và Hội thẩm Tòa án nhân dân
,

QUYẾT NGHỊ:

Điều 1. Ban hành kèm theo Nghị quyết này Quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội thẩm Tòa án nhân dân.

Điều 2. Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Chánh án Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh; Đoàn hội thẩm, Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Đoàn Hội thẩm, Hội thẩm Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.

Điều 3. Nghị quyết này có hiệu lực sau mười lăm ngày, kể từ ngày đăng Công báo.

 

TM. BAN THƯỜNG TRỰC ỦY BAN TRUNG ƯƠNG MẶTTRẬNTỔ QUỐC VIỆT NAM
PHÓ CHỦ TỊCH
 
 
 

Đỗ Duy Thường

KT. BỘ TRƯỞNG BỘ NỘI VỤ
THỨ TRƯỞNG
 
 

 
 

Nguyễn Trọng Điều
 

KT. CHÁNH ÁN
TÒA ÁN NHÂN DÂN TỐI CAO
PHÓ CHÁNH ÁN
 
 
 


Trần Văn Tú
 
 

QUY CHẾ

VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI THẨM TÒA ÁN NHÂN DÂN
(Ban hành kèm theo nghị quyết số 05/2005/NQLT-TANDTC-BNV-UBTWMTTQVN ngày 05 tháng 12 năm 2005 của Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Nội vụ - Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam)

 Chương 1

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Quy chế này quy định về Hội thẩm Tòa án nhân dân (sau đây gọi chung là Hội thẩm), Đoàn Hội thẩm, hoạt động của Hội thẩm, trách nhiệm của Tòa án nhân dân, cơ quan, tổ chức trong việc quản lý, hỗ trợ Hội thẩm và Đoàn Hội thẩm.

Điều 2. Hội thẩm được quy định trong Quy chế này là Hội thẩm Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Hội thẩm Tòa án nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

Điều 3. Khi xét xử, Hội thẩm ngang quyền với Thẩm phán; độc lập và chỉ tuân theo pháp luật; thực hiện các quyền hạn và nhiệm vụ của mình theo quy định của pháp luật tố tụng và các văn bản pháp luật liên quan.

Điều 4. Chánh án Tòa án nhân dân nơi có Hội thẩm được bầu làm nhiệm vụ xem xét, thực hiện việc quản lý Hội thẩm và Đoàn Hội thẩm theo quy định của Quy chế này.

Điều 5. Hội đồng nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp thực hiện quyền giám sát hoạt động của Hội thẩm và Đoàn Hội thẩm; theo chức năng, nhiệm vụ của mình, tạo điều kiện cần thiết để Hội thẩm và Đoàn Hội thẩm hoàn thành nhiệm vụ xét xử.

Chương 2

HỘI THẨM

 Điều 6.

 1. Hội thẩm là người được bầu theo quy định của pháp luật để làm nhiệm vụ xét xử những vụ án thuộc thẩm quyền của Tòa án;

 2. Hội thẩm có nhiệm vụ bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa; bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; baảo vệ tài sản của Nhà nước, của tập thể; bảo vệ tính mạng, tài sản, tự do, danh sự và nhân phẩn của công dân.

Điều 7. Tiêu chuẩn của Hội thẩm được quy định như sau:

 1. Là công dân Việt Nam trung thành với Tổ quốc và Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, có phẩm chất đạo đức tốt, liêm khiết và trung thực, có tinh thần kiên quyết bảo vệ pháp chế xã hội chủ nghĩa, kiên quyết đấu tranh bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Cụ thể là:

 a) Không có bất kỳ hành vi nào gây nguy hại cho độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, nền quốc phòng toàn dân, chế độ xã hội chủ nghĩa và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam;

 b) Chấp hành nghiệm chỉnh Hiến pháp và pháp luật, các chủ trương của Đảng và chính sách của Nhà nước, có cuộc sống lành mạnh và tôn trọng các quy tắc sinh hoạt cộng đồng;

 c) Kiên quyết đấu tranh với những hành vi có hại đến Đảng, đến Tổ quốc và nhân dân;

 d) Tôn trọng nhân dân, tận tụy phục vụ nhân dân, liên hệ chặt chẽ với nhân dân, lắng nghe ý kiến và chịu sự giám sát của nhân dân; kiên quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí và mọi biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền;

 đ) Có tinh thần đấu tranh tự phê bình và phê bình, bảo vệ công lý;

 e) Chưa bao giờ bị kết án (kể cả trường hợp đã được xóa án tích);

 2. Có kiến thức pháp lý;

 3. Có sức khỏe về thể chất và tinh thần để hoàn thành nhiệm vụ được giao; có năng lực hành vi dân sự đầy đủ;

 4. Những người đang công tác tại các cơ quan Tòa án, Viện Kiểm sát, Điều tra, Thi hành án và luật sư thì không giới thiệu để bầu làm Hội thẩm Tòa án nhân dân.

 Điều 8.

 1. Hội thẩm được cấp trang phục, Giấy chứng minh Hội thẩm để làm nhiệm vụ xét xử;

 2. Khi làm nhiệm vụ xét xử, Hội thẩm được hưởng phụ cấp theo quy định của pháp luật;

 3. Hội thẩm được bỗi dưỡng về nghiệp vụ, tham gia hội nghị tổng kết công tác xét xử của Tòa án;

 4. Hội thẩm là cán bộ, công chức thì thời gian làm nhiệm vụ Hội thẩm được tính vào thời gian làm việc ở cơ quan đơn vị;

 5. Hội thẩm có thành tích xuất sắc được khen thưởng theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.

 Điều 9.

 1. Trong một năm mà Hội thẩm không được Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp phân công làm nhiệm vụ xét xử thì có quyền yêu cầu Chánh án Tòa án nhân dân cho biết lý do;

 2. Hội thẩm có quyền liên hệ với cơ quan nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận, các tổ chức xã hội khác, tổ chức kinh tế, đơn vị vũ trang nhân dân và công dân để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình;

 3. Trong thời gian làm nhiệm vụ theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp, Hội thẩm có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức nơi Hội thẩm đang công tác không được điều động, phân công mình làm việc khác, trừ trường hợp đặc biệt.

 Điều 10. Hội thẩm thực hiện những nhiệm vụ sau đây:

 1. Tham gia xét xử theo sự phân công của Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp mà không được từ chối, trừ trường hợp có lý do chính đáng hoặc do pháp luật tố tụng quy định;

 2. Tham gia đầy đủ các lớp bồi dưỡng về nghiệp vụ do Tòa án tổ chức; tự học tập để nâng cao kiến thức pháp luật và nghiệp vụ xét xử;

 3. Tham gia tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tham gia công tác hòa giải ở cơ sở;

 4. Chấp hành nội quy và quy chế của cơ quan Tòa án;

 5. Mặc trang phục theo quy định khi làm nhiệm vụ xét xử;

 6. Giữ bí mật nhà nước và bí mật công tác theo quy định của pháp luật;

 Điều 11.

 1. Hội thẩm chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ của mình; nếu có hành vi vi phạm pháp luật thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật bãi nhiệm hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật;

 2. Hội thẩm trong khi thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của mình mà gây thiệt hại thì Tòa án nơi Hội thẩm đó thực hiện nhiệm vụ xét xử phải có trách nhiệm bồi thường và Hội thẩm đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho Tòa án theo quy định của pháp luật.

 Điều 12.

 1. Hội thẩm có trách nhiệm báo cáo về việc thực hiện nhiệm vụ của mình với Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp hoặc Trưởng đoàn Đoàn Hội thẩm khi có yêu cầu;

 2. Khi có sự thay đổi nơi cư trú hoặc nơi công tác thì Hội thẩm thông báo cho Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn Đoàn Hội thẩm hoặc Chánh án Tòa án cùng cấp biết.

 Điều 13.

 1. Hội thẩm có thể được miễn nhiệm vì lý do sức khỏe hoặc lý do khác;

 2. Hội thẩm bị bãi nhiệm khi có vi phạm về phẩm chất đạo đức hoặc có hành vi vi phạm pháp luật không còn xứng đáng làm Hội thẩm

 Điều 14. Hội đồng nhân dân quyết định việc miễn nhiệm, bãi nhiệm đối với Hội thẩm theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp sau khi thống nhất với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp.

Chương 3

ĐOÀN HỘI THẨM

Điều 15.

1. Đoàn Hội thẩm là hình thức tổ chức tự quản của Hội thẩm ở Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Tòa án nhân dân tỉnh huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh chịu sự quản lý của Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp theo Quy chế này;

2. Đoàn Hội thẩm có trách nhiệm báo cáo, kiến nghị với Chánh án Tòa án nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cùng cấp về hoạt động của Hội thẩm, Đoàn Hội thẩm.

Điều 16. Đoàn Hội thẩm có các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Tham gia ý kiến với Tòa án về việc nâng cao chất lượng công tác của Hội thẩm;

2. Thảo luận, nhận xét và đánh giá về công tác của Hội thẩm và công tác xét xử của Tòa án khi được yêu cầu;

3. Thảo luận, tham gia ý kiến vào báo cáo tổng kết công tác xét xử của Tòa án;

4. Thảo luận, tham gia ý kiến đối với các trường hợp khen thưởng, kỷ luật Hội thẩm;

5. Thảo luận, tham gia ý kiến đối với dự thảo các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác có liên quan đến Hội thẩm và hoạt động xét xử của Tòa án;

6. Giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ xét xử, nâng cao trình độ nghiệp vụ, giữ gìn phẩm chất đạo đức của người Hội thẩm; giúp đỡ, động viên nhau trong cuộc sống khi Hội thẩm hoặc gia đình Hội thẩm gặp khó khăn, hoạn nạn.

 Điều 17.

1. Đoàn Hội thẩm có Trưởng đoàn, các Phó Trưởng đoàn và các thành viên;

 2. Số lượng Phó Trưởng đoàn Hội thẩm do Chánh án Tòa án nhân dân quyết định sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;

 3. Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn Đoàn Hội thẩm được bầu ra trong số các Hội thẩm tại phiên họp toàn thể của Đoàn Hội thẩm.

Điều 18.

 1. Hội thẩm có kinh nghiệp làm công tác xét xử, có uy tín, có điều kiện về thời gian làm việc vụ thì có thể được bầu làm Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn Đoàn Hội thẩm;

2. Thủ tục bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn Đoàn Hội thẩm:

 a) Sau khi Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu ra Hội thẩm, Chánh án Tòa án nhân dân chủ trì, phối hợp với Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức hội nghị đoàn thể Hội thẩm của cấp mình để các Hội thẩm bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn Đoàn hội thẩm;

 b) Việc bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn Đoàn Hội thẩm thực hiện bằng hình thức giơ tay hoặc bỏ phiếu kín do hội nghị toàn thể Hội thẩm quyết định. Người được bầu làm Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn Đoàn Hội thẩm là người được trên 50% tổng số Hội thẩm tham dự hội nghị tán thành;

 3. Sau khi hội nghị toàn thể Hội thẩm bầu ra Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn Đoàn Hội thẩm thì Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp ra quyết định công nhận kết quả bầu Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn Đoàn Hội thẩm;

 4. Nhiệm kỳ của Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn Hội thẩm theo nhiệm kỳ của Hội thẩm;

 5. Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn Đoàn Hội thẩm có thể được miễn nhiệm vì lý do sức khỏe, do hoàn cảnh gia đình và các lý do khác hoặc có thể bị bãi nhiệm khi không hoàn thành nhiệm vụ. Chánh án Tòa án, sau khi thống nhất với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp, triệu tập phiên họp toàn thể Hội thẩm để quyết định việc miễn nhiệm hoặc bãi nhiệm Trưởng đoàn hoặc Phó Trưởng đoàn và bầu Trưởng đoàn hoặc Phó Trưởng đoàn khác thay thế theo quy định tại khoản 2 của Điều này.

 Điều 19.

 1. Trưởng đoàn Đoàn Hội thẩm có nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

 a) Triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Đoàn Hội thẩm;

 b) Giữ mối liên hệ và đại diện cho các Hội thẩm trong các quan hệ công tác với Tòa án, Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp;

 c) Giúp Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp trong việc quản lý Hội thẩm; nhận xét, đánh giá chất lượng công tác của Hội thẩm;

 d) Giúp Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp trong việc tổng kết công tác hàng năm của Hội thẩm và Đoàn Hội thẩm;

 đ) Tham gia ý kiến vào báo cáo tổng kết công tác xét xử của Tòa án;

 e) Đề đạt ý kiến, kiến nghị của các Hội thẩm về các vấn đề có liên quan đến việc tổ chức công tác xét xử của Tòa án và việc thực hiện các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, chế độ đối với Hội thẩm;

 g) Để đạt ý kiến, kiến nghị của Đoàn Hội thẩm về việc khen thưởng, kỷ luật đối với Hội thẩm;

 h) Tổ chức hội nghị Đoàn Hội thẩm để góp ý kiến vào dự thảo các văn bản pháp luật có liên quan đến Hội thẩm và Đoàn Hội thẩm;

 2. Phó Trưởng đoàn Đoàn Hội thẩm giúp Trưởng đoàn làm nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng đoàn và chịu trách nhiệm trước Trưởng đoàn về việc thực hiện nhiệm vụ được phân công.

 Điều 20. Sáu tháng một lần, Trưởng đoàn Đoàn Hội thẩm tổ chức cuộc họp của Đoàn Hội thẩm hoặc giải quyết các vấn đề khác có liên quan và gửi báo cáo cho Chánh án Tòa án nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp. Khi cần thiết, Trưởng đoàn Đoàn Hội thẩm có thể triệu tập họp Đoàn Hội thẩm đột xuất.

Chương 4

HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI THẨM

 Điều 21. Khi được phân công làm nhiệm vụ xét xử, trong thời hạn ít nhất 7 ngày làm việc trước khi mở phiên tòa, Thẩm phán được phân công làm chủ tọa phiên tòa có trách nhiệm gửi giấy mời Hội thẩm đến trụ sổ Tòa án để nghiên cứu hồ sơ8 vụ án và trao đổi các vấn đề cần thiết về nghiệp vụ xét xử đối với vụ án đó.

 Điều 22. Trong trường hợp có lý do chính đáng để từ chối việc tham gia xét xử thì trong thời hạn ít nhất 7 ngày làm việc trước khi mở phiên tòa, Hội thẩm phải có văn bản nêu rõ lý do từ chối xét xử và gửi cho Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp để xem xét, cử Hội thẩm khác tham gia xét xử.

 Điều 23.

 1. Hội thẩm có quyền phản ánh với Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp hoặc Trưởng đoàn Đoàn Hội thẩm về các vấn đề có liên quan đến việc giải quyết, xét xử vụ án, nếu phát hiện có hành vi vi phạm pháp luật trong quá trình giải quyết, xét xử vụ án đó;

 2. Hội thẩm có quyền phát biểu trực tiếp tại các cuộc họp hoặc bằng văn bản đóng góp ý kiến với Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp nhằm nâng cao chất lượng hoạt động của Hội thẩm.

 Điều 24. Hội thẩm không được làm những việc sau đây:

 1. Tư vấn cho bị can, báo cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác làm cho việc giải quyết vụ án hoặc những việc khác không đúng quy định của pháp luật;

 2. Can thiệp trái pháp luật vào việc giải quyết vụ án hoặc lợi dụng ảnh hưởng của mình tác động đến người có trách nhiệm giải quyết vụ án;

 3. Đem hồ sơ vụ án hoặc tài liệu trong hồ sơ vụ án ra khỏi cơ quan Tòa án;

 4. Tiếp bị can, bị cáo, đương sự hoặc người tham gia tố tụng khác trong vụ án mà mình được phân công tham gia xét xử ngoài nơi quy định.

Chương 5

TRÁCH NHIỆM CỦA TÒA ÁN, CƠ QUAN, TỔ CHỨC TRONG VIỆC QUẢN LÝ, HỖ TRỢ HỘI THẨM VÀ ĐOÀN HỘI THẨM

 Điều 25.

 1. Chánh án Tòa án nhân dân phối hợp chặt chẽ với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp trong việc chuẩn bị nhân sự và giới thiệu bầu Hội thẩm theo hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

 2. Chánh án Tòa án nhân dân có trách nhiệm thông báo cho cơ quan, tổ chức nơi Hội thẩm công tác về việc phân công Hội thẩm; dự kiến thời gian làm nhiệm vụ của Hội thẩm và đề nghị các cơ quan, tổ chức đó không điều động hoặc phân công Hội thẩm làm việc khác trong thời gian đó.

 Điều 26.

 1. Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ cho Hội thẩm Tòa án cấp mình và cấp dưới;

 2. Chánh án Tòa án nhân dân thực hiện chế độ, chính sách đối với Hội thẩm cùng cấp; phối hợp với Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp tiến hành việc khen thưởng, kỷ luật và kiểm tra công tác đối với Hội thẩm theo quy định của pháp luật và hướng dẫn của Tòa án nhân dân tối cao;

 3. Hàng tháng, Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp thông báo lịch xét xử cho Trưởng đoàn Đoàn Hội thẩm biết;

 4. Các quyết định hoặc văn bản đề nghị về việc khen thưởng, kỷ luật và các kết luận về kiểm tra công tác đối với Hội thẩm được gửi cho Thường trực Hội đồng nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để phối hợp quản lý Hội thẩm.

 Điều 27.

 1. Mỗi năm một lần và khi kết thúc nhiệm kỳ Hội thẩm, Chánh án Tòa án nhân dân có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp tổ chức việc tổng kết công tác Hội thẩm; Khi cần thiết, Chánh án Tòa án nhân dân có thể triệu tập họp Đoàn Hội thẩm đột xuất;

 2. Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh có trách nhiệm tổng hợp và báo cáo tổng kết nhiệm kỳ công tác Hội thẩm ở địa phương mình cho Tòa án nhân dân tối cao và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 Điều 28.

 1. Chánh án Tòa án nhân dân chịu trách nhiệm giải quyết khiếu nại, tố cáo có liên quan đến công tác xét xử của Hội thẩm cùng cấp theo quy định của pháp luật;

 2. Trong trường hợp cần thiết hoặc đối với khiếu nại, tố cáo có nội dung phức tạp thì Chánh án Tòa án nhân dân báo cáo Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp để giải quyết khiếu nại, tố cáo đó;

 3. Các kết luận xác minh, quyết định của Chánh án Tòa án nhân dân về việc giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với Hội thẩm phải được gửi cho Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Hội đồng nhân dân và Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cùng cấp để theo dõi, giám sát và phối hợp quản lý Hội thẩm.

 4. Đối với các khiếu nại, tố cáo khác không liên quan đến công tác xét xử của Hội thẩm, thì Chánh án Tòa án nhân dân có thể chuyển cho cơ quan, tổ chức có thẩm quyền để xem xét, giải quyết theo quy định của pháp luật.

 Điều 29. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam địa phương thực hiện việc giám sát, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để Hội thẩm hoàn thành nhiệm vụ.

 Điều 30.

 1. Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân địa phương có trách nhiệm tạo điều kiện và hỗ trợ phương tiện làm việc, kinh phí cho các hoạt động của Hội thẩm và Đoàn Hội thẩm theo đề nghị của Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp;

 2. Phương tiện làm việc, kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động của Hội thẩm, Đoàn Hội thẩm do Chánh án Tòa án nhân dân cùng cấp quản lý. Việc sử dụng phương tiện làm việc, kinh phí hỗ trợ cho các hoạt động của Hội thẩm, Đoàn Hội thẩm được thực hiện theo quy định của pháp luật.

 Điều 31. Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có vướng mắc cần được giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung, thì đề nghị phản ánh về Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Nội vụ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam để trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình có sự giải thích hoặc hướng dẫn bổ sung kịp thời.

 

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết liên tịch số 05/2005/NQLT-TANDTC-BNV-UBTWMTTQVN về việc ban hành quy chế về tổ chức và hoạt động của Hội thẩm Tòa án nhân dân do Tòa án nhân dân tối cao - Bộ Nội vụ - Ban thường trực ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ban hành

  • Số hiệu: 05/2005/NQLT-TANDTC-BNV-UBTWMTTQVN
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 05/12/2005
  • Nơi ban hành: Bộ Nội vụ, Tòa án nhân dân tối cao, Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
  • Người ký: Đỗ Duy Thường, Nguyễn Trọng Điều, Trần Văn Tú
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Từ số 26 đến số 27
  • Ngày hiệu lực: 05/01/2006
  • Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra
Tải văn bản