Hệ thống pháp luật

BỘ VĂN HÓA – TỔNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 09-NQ/LT 

Hà Nội, ngày 06 tháng 07 năm 1982

 

NGHỊ QUYẾT  

 

CỦA LIÊN BỘ TỔNG CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM - BỘ VĂN HOÁ SỐ 9-NQ/LT NGÀY 6 THÁNG 7 NĂM 1982 VỀ CÔNG TÁC VĂN HOÁ VĂN NGHỆ TRONG CÔNG NHÂN

 
Quán triệt những nhiệm vụ văn hoá, xã hội trong báo cáo chính trị của Ban chấp hành Trung ương Đảng tại đại hội toàn quốc lần thứ V và Nghị quyết số 36 của Ban bí thư Trung ương Đảng về những nhiệm vụ trước mắt của công tác tư tưởngTổng công đoàn Việt Nam và Bộ Văn hoá đã họp bàn về công tác văn hoá văn nghệ trong công nhân và ra nghị quyết chung như sau:

 

I. VỀ TÌNH HÌNH VÀ NHIỆM VỤ

Mấy năm gần đây, tuy sản xuất và đời sống có nhiều khó khăn, phong trào văn hoá văn nghệ trong công nhân, viên chức vẫn được duy trì, có một số mặt phát triển tương đối tốt, đáp ứng một phần đáng kể nhu cầu văn hoá của công nhân, viên chức. Ở các tỉnh và thành phố phía Nam, phong trào văn nghệ quần chúng phát triển khá mạnh, đã góp phần đấu tranh xoá bỏ tàn dư văn hoá thực dân mới, có tác dụng tập hợp, giáo dục, động viên công nhân, viên chức thi đua lao động sản xuất và tiết kiệm, xây dựng nền văn hoá mới và con người mới. Ởcác tỉnh phía Bắc, phong trào văn hoá, văn nghệ vẫn phát triển lành mạnh.

Nhưng nhìn chung, phong trào chưa toàn diện, chưa liên tục; tính giáo dục , tính chiến đấu, nhất là tính quần chúng chưa cao. Hoạt động câu lạc bộ, thư viện có chiều hướng sút kém. Nhiều nhân tố mới, điển hình tốt không được phát huy. Hoạt động văn hoá nghệ thuật chuyên môn thường tập trung nhiều ở các thành phố, thị xã, chưa chủ động có kế hoạch đi phục vụ công nhân viên chức ở miền núi, vùng biên giới, vùng kinh tế mới, ở các công trường, nông trường, lâm trường là nơi đang có nhiều khó khăn, thiếu thốn cả về đời sống vật chất và đời sống văn hoá.

Để thực hiện nghị quyết Đại hội lần thứ V của Đảng và nhanh chóng khắc phục những thiếu sót trên đây, các cấp công đoàn và ngành văn hoá cần làm cho anh chị em hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng và hoạt động văn hoá nghệ thuật chuyên nghiệp nhận thức đầy đủ và sâu sắc hơn nữa về "trách nhiệm nặng nề của cách mạng tư tưởng văn hoá là tiếp tục cải tạo và xây dựng con người, đề cao người tốt, việc tốt, phê phán cái xấu và không lành mạnh, tạo điều kiện thúc đẩy toàn bộ công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa", "Đưa văn hoá thâm nhập vào cuộc sống hàng ngày của nhân dân. Đặc biệt chú trọng xây dựng đời sống văn hoá ở cơ sở, bảo đảm mỗi nhà máy, công trường, nông trường, lâm trường... mỗi cơ quan, trường học, bệnh viện, cửa hàng... đều có đời sống văn hoá"(1). Mọi hoạt động văn hoá, văn nghệ phải hướng vào việc giáo dục, động viên công nhân, viên chức phát huy tinh thần làm chủ tập thể xã hội chủ nghĩa, nâng cao trình độ văn hoá, khoa học và kỹ thuật, khai thác mọi khả năng tiềm tàng, phấn đấu khắc phục những khó khăn trong sản xuất và đời sống, hoàn thành thắng lợi những chỉ tiêu kinh tế và xã hội do Đại hội lần thứ V của Đảng đề ra, góp phần xây dựng đội ngũ công nhân ngày càng vững mạnh về mọi mặt, đáp ứng nhu cầu văn hoá ngày càng cao của công nhân, viên chức.

II. VỀ HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ VĂN NGHỆ QUẦN CHÚNG
Ở CƠ SỞ

Cần xác định rõ càng nhiều khó khăn càng phải đẩy mạnh các hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng ở cơ sở, không nên chờ đợi hoặc đòi hỏi có đủ điều kiện mới tiến hành. Tổng công đoàn Việt Nam, Bộ Văn hoá và các ngành quản lý cùng chung trách nhiệm chăm lo đời sống văn hoá của người lao động. Phải "Mở rộng hơn nữa phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng, thật sự gắn với phong trào sản xuất, chiến đấu, tạo cơ sở và nguồn nuôi dưỡng không bao giờ cạn cho nền văn hoá mới..."(2).

Để mở rộng hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng ở cơ sở, các cấp công đoàn và ngành văn hoá cần tập trung làm một số việc dưới đây:

1. Phát triển các hoạt động thông tin, cổ động, triển lãm nhằm cổ vũ mạnh mẽ phong trào thi đua lao động sản xuất tiết kiệm, biểu dương người mới, việc mới và kịp thời phê phán các hiện tượng tiêu cực trong sản xuất và đời sống. Kịp thời đấu tranh ngăn chặn các luận điệu phản tuyên truyền, chiến tranh tâm lý của địch.

2. Hướng dẫn, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện thúc đẩy phong trào sáng tác văn hoá, nghệ thuật ngày càng phát triển , chú trọng các loại ca khúc, kịch nói, chèo, cải lương, tấu , văn, thơ, tranh, tượng... làm cho hoạt động văn nghệ quần chúng luôn luôn có nội dung mới, gắn với sản xuất và đời sống, phản ánh được rõ nét cuộc sống và con người ở cơ sở. Hàng năm, phải hướng dẫn nội dung sáng tác và biểu diễn ở cơ sở nhằm giới thiệu những tiết mục mới, những diễn viên giỏi. Trên cơ sở đó chọn lọc và nâng cao chất lượng tiết mục để biểu diễn ở câu lạc bộ tỉnh, thành phố. Khi cần thiết, có thể tổ chức đi biểu diễn trao đổi văn hoá với các địa phương khác.

Việc mở hội diễn các cấp quy định như sau: Cấp cơ sở mỗi năm một lần; cấp huyện, tỉnh, thành phố hai năm một lần; cấp trung ương 5 năm một lần. Tổ chức công đoàn và ngành văn hoá các cấp cần phối hợp chặt chẽ, có kế hoạch hợp lý để tránh việc điều động các đội văn nghệ đi biểu diễn nhiều ngày, nhiều lần, ảnh hưởng tới sản xuất và sinh hoạt của công nhân, viên chức.

3. Củng cố hệ thống thư viện và phòng đọc sách ở cơ sở, các khu tập thể nhằm nâng cao kiến thức mọi mặt cho công nhân, viên chức. Tiếp tục bổ sung sách cho thư viện, chủ yếu là các loại sách chính trị , khoa học kỹ thuật hợp với ngành nghề, văn hoá nghệ thuật và sách phục vụ thiếu niên, nhi đồng. Cần có người quản lý tốt thư viện và tuyên truyền giới thiệu sách.

4. Hướng dẫn, tổ chức giáo dục truyền thống của giai cấp công nhân, chủ yếu là truyền thống của cơ sở. Chú trọng viết lịch sử, sưu tầm hiện vật, tổ chức trưng bày, giới thiệu, v.v... nhằm bồi dưỡng ý thức tự hào giai cấp, giáo dục truyền thống lịch sử và con người qua quá trình phấn đấu và cống hiến của xí nghiệp cho lớp công nhân, viên chức cơ sở tự hào và vinh hạnh kế tiếp nhau phấn đấu không ngừng.

5. Khôi phục lại hoạt động câu lạc bộ cơ sở theo bản quy tắc câu lạc bội xí nghiệp do Tổng công đoàn và Bộ Văn hoá ban hành ngày 18-11-1974, làm cho các câu lạc bộ thực sự thành trung tâm tuyên truyền cổ động, trung tâm hoạt động văn hoá ở cơ sở, xây dựng cuộc sống mới và con người mới. Ở địa phương tiến hành sơ kết hàng năm và tổng kết hai năm một lần. Ở trung ương tổng kết công tác câu lạc bộ 4 năm một lần.

6. Chấn chỉnh tổ chức, cải tiến nội dung, phương thức hoạt động câu lạc bộ tỉnh, thành phố, trước hết phải củng cố các câu lạc bộ lao động Hà Nội, Hải Phòng thành phố Hồ Chí Minh và nhà văn hoá công nhân Quảng Ninh, để trở thành trung tâm giáo dục và hoạt động văn hoá, hướng dẫn nghiệp vụ và phổ biến kinh nghiệm cho các câu lạc bộ cơ sở. Tổng công đoàn Việt Nam và Bộ Văn hoá giúp đỡ Liên hiệp công đoàn Hà nội xây dựng khung cán bộ lãnh đạo, phương hướng tổ chức hoạt động, cách quản lý cung văn hoá lao động Hà nội và chuẩn bị tốt về mọi mặt, nhất là chuẩn bị đội ngũ cán bộ có nghiệp vụ để có thể hoạt động vào cuối năm 1983.

Các câu lạc bộ, nhà văn hoá, cung văn hoá lao động cấp tỉnh, thành phố do công đoàn tổ chức và quản lý, ngành văn hoá có trách nhiệm giúp đỡ và hướng dẫn nghiệp vụ. Liên hiệp công đoàn và Sở, Ty văn hoá bàn bạc thống nhất kế hoạch để phát huy hiệu suất của các câu lạc bộ lao động cấp tỉnh, thành phố.

7. Hướng dẫn phát huy tác dụng của các đội chiếu bóng công đoàn, Bộ Văn hoá và Tổng công đoàn Việt Nam sẽ quy hoạchlại địa bàn hoạt động phục vụ công nhân, viên chức của các đội chiếu bóng quốc doanh và các đội chiếu bóng công đoàn. Ngành chiếu bóng quốc doanh cần quan tâm đúng mức việc phân phối phim hay, cung cấp vật tư, thiết bị cho các đội chiếu bóng công đoàn để phục vụ công nhân, viên chức.

8. Khuyến khích việc xây dựng từng bước cơ sở vật chất cho hoạt động văn hoá như câu lạc bộ, thư viện, phòng truyền thống ở nơi sản xuất, nơi cư trú của công nhân, viên chức. Chú trọng tổ chức đời sống văn hoá ở các vùng tập trung công nhân, viên chức ở các tỉnh miền núi, biên giới. Có kế hoạch hướng dẫn xây dựng khu tập thể văn minh, gia đình văn hoá mới.

9. Để tạo điều kiện cho hoạt động văn hoá, văn nghệ phục vụ công nhân viên chức, những hoạt động văn hoá, văn nghệ do công đoàn các cấp tổ chức được phép thu tiền, lấy thu bù chi. Việc thu chi phải bảo đảm theo quy định của Nhà nước và của Tổng công đoàn Việt Nam.

III. VỀ HOẠT ĐỘNG VĂN HOÁ VĂN NGHỆ CHUYÊN NGHIỆP PHỤC VỤ CÔNG NHÂN VIÊN CHỨC

Các cơ quan ngành văn hoá từ trung ương đến các địa phương phải coi công nhân là đối tượng phục vụ hàng đầu. Phải đưa những thành tựu văn hoá, văn nghệ có chất lượng tốt phục vụ công nhân, giúp đỡ, tạo điều kiện cho phong trào văn hoá, văn nghệ quần chúng của công nhân, viên chức ngày càng phát triển. Đặc biệt chú trọng phục vụ công nhân, viên chức ở các khu công nghiệp tập trung, các nghề nặng nhọc, độc hại, các tỉnh biên giới, các vùng kinh tế mới, các công trường, nông trường, lâm trường.

Cục xuất bản và báo chí, Tổng công ty xuất nhập và phát hành sách báo cần có kế hoạch ưu tiên đưa những sách tốt, những tranh ảnh đẹp đến các cơ sở sản xuất công nghiệp và công nhân. Các thư viện, phòng đọc sách ở các xí nghiệp, cơ quan được ưu tiên mua các loại sách cần thiết. Ngành thư việc Nhà nước giúp đỡ các thư viện, phòng đọc sách ở cơ sở về nghiệp vụ quản lý và phương pháp tuyên truyền giới thiệu sách. Phối hợp với công đoàn tổ chức những đợt đọc sách tập trung, có hướng dẫn. Các lực lượng sáng tác và biểu diến chuyên nghiệp cần đi sâu hơn nữa vào đề tài công nhân. Nội dung các tác phẩm và các tiết mục chú trọng phản ánh và nêu cao được hình tượng người công nhân Việt Nam trong đấu tranh cách mạng, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

Các nhà hát, các đoàn nghệ thuật của trung ương, các tỉnh, thành phố cần có chỉ tiêu cụ thể phục vụ công nhân, nhất là ở địa bàn tập trung đông công nhân, viên chức và cả ở nơi xa xôi, hẻo lánh. Bộ văn hoá và các Sở, Ty văn hoá phối hợp với các cấp công đoàn, các hội văn học nghệ thuật, động viên anh chị em văn nghệ sĩ đi về các cơ sở công nghiệp để sáng tác, biểu diễn, hướng dẫn thẩm mỹ và thị hiếu nghệ thuật lành mạnh cho công nhân, viên chức, coi đó là một nghĩa vụ vẻ vang của người văn nghệ sĩ cách mạng.

Cục điện ảnh và công ty phát hành phim, chiếu bóng, cần chọn những bộ phim truyện hay, nhất là những bộ phim có nội dung giáo dục tốt và các bộ phim thời sự, tài liệu khoa học kỹ thuật mới nhất chiếu cho công nhân. Các rạp chiếu bóng khi chiếu các bộ phim thu hút quá đông người xem, phải có kế hoạch phân phối vé bảo đảm cho công nhân, viên chức được xem. Phối hợp với công đoàn tổ chức tốt những đợt phim đề tài công nghiệp; thống nhất về địa bàn hoạt động, nguồn phim, định lại giá thuê phim cho hợp lý, phù hợp với từng đối tượng, từng vùng; cung cấp vật tư chiếu bóng, nâng cao trình độ nghiệp vụ cho các đội chiếu bóng công đoàn. Hàng năm, ngành văn hoá phối hợp với công đoàn tổ chức chiếu bóng những phim hay nhất, biểu diễn những chương trình văn nghệ tốt nhất dành cho những chiến sĩ thi đua, anh hùng lao động, những công nhân có thành tích hoàn thành vượt mức kế hoạch Nhà nước vào dịp cuối năm.
Nhà văn hoá trung ương và các nhà văn hoá tỉnh, thành phố thông qua tổ chức công đoàn các cấp để hướng dẫn nội dung, phương pháp công tác đối với hệ thống câu lạc bộ và nhà văn hoá lao động, đồng thời bồi dưỡng nâng cao chất lượng nghệ thuật của các đội văn nghệ công nhân. Ngược lại, các nhà văn hoá, câu lạc bộ lao động cần liên hệ mật thiết với các nhà văn hoá trung tâm tỉnh, thành phố

Vụ bảo tồn, bảo tàng có nhiệm vụ đề ra kế hoạch hướng dẫn và giúp đỡ tạo điều kiện cho việc xây dựng các phòng truyền thống cơ sở hoặc nhà lưu niệm, đặc biệt chú trọng hướng dẫn viết lịch sử của cơ sở, trước hết ở những nơi có truyền thống rõ rệt.

Cục văn hoá quần chúng phối hợp với Ban tuyên giáo, Tổng công đoàn Việt Nam nghiên cứu hướng dẫn phong trào xây dựng khu tập thể văn minh, gia đình văn hoá mới, đấu tranh bài trừ tệ mê tín, dị đoan, tập quán lạc hậu, và chống việc lưu hành văn hoá thực dân phản động, đồi truỵ, xây dựng nền văn hoá mới, con người mới

Các Ty, Sở văn hoá hàng năm cần thông báo với liên hiệp công đoàn về chỉ tiêu văn hoá, văn nghệ phục vụ công nhân, viên chức và phương tiện, vật tư văn hoá phân phối cho các cơ sở trong địa phương.

IV. VỀ TỔ CHỨC VÀ CÁN BỘ

 

Việc chăm lo đời sống văn hoá của công nhân, viên chức ở cơ sở đòi hỏi phải có sự phối hợp thống nhất về chủ trương, biện pháp thực hiện của giám đốc xí nghiệp, công đoàn và đoàn thanh niên dưới sự lãnh đạo của đảng uỷ cơ sở. Do đó, mỗi xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường cần thiết phải tổ chức hội đồng văn hoá quần chúng do giám đốc làm trưởng, công đoàn làm phó, đại diện đoàn thành niên và một số thành viên khác gồm những người có nhiệt tình, có năng lực, có điều kiện hoạt động làm uỷ viên. Tổ chức này có nhiệm vụ phối hợp tổ chức hoạt động văn hoá, văn nghệ ở cơ sở theo một chương trình, quy chế làm việc riêng, có tính chất tư vấn, không phải là cơ quan chức năng như các phòng, ban của giám đốc xí nghiệp.

Tổng công đoàn Việt Nam cùng Bộ Văn hoá soát xét lại đội ngũ cán bộ chuyên trách văn hoá quần chúng, khẳng định số cơ sở cần thiết phải có cán bộ chuyên trách để bố trí đủ cán bộ thực sự có nghiệp vụ làm công tác văn hoá quần chúng.

Về vấn đề đào tạo cán bộ

- Trách nhiệm của công đoàn: Tiến hành điều tra tình hình cán bộ chuyên trách và không chuyên trách văn hoá quần chúng ở cơ sở; xây dựng tiêu chuẩn cán bộ, lập quy hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tại các trường công đoàn địa phương và trường cao cấp công đoànViệt Nam để bồi dưỡng nâng cao kiến thức nghiệp vụ cho cán bộ văn hoá quần chúng, cán bộ quản lý các câu lạc bộ, nhà văn hoá công nhân.

- Trách nhiệm của ngành văn hoá: Các trường cao đẳng lý luận nghiệp vụ và đại học của các ngành văn hoá, nghệ thuật hàng năm phải có chỉ tiêu chiêu sinh trong phong trào văn hoá quần chúng; chỉ tiêu phân phối cán bộ cho các cung văn hoá, nhà văn hoá, câu lạc bộ lao động cấp tỉnh, thành phố theo nhu cầu của công đoàn. Giúp đỡ xây dựng nội dung chương trình đào tạo của khoa văn hoá quần chúng thuộc trường cao cấp công đoàn Việt Nam

Các trường văn hoá, nghệ thuật Tây Bắc, Việt Bắc và trường nghiệp vụ văn hoá của Bộ Văn hoá thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm đào tạo các cán bộ quản lý và nghiệp vụ ở trình độ trung học để phân phối cho các xí nghiệp loại lớn từ 1000 công nhân trở lên.

Các trường văn hoá, nghệ thuật thuộc các Sở, Ty văn hoá hàng năm mở các lớp bồi dưỡng ngắn hạn từ 1 đến 3 tháng để bồi dưỡng nghiệp vụ cho các cán bộ nghiệp vụ ở các xí nghiệp, công trường, nông trường, lâm trường địa phương, tiến tới mở các lớp trung cấp nghiệp vụ.

Tại các lới ngắn hạn bồi dưỡng trình độ quản lý và phương pháp công tác do Cục văn hoá quần chúng và nhà văn hoá Trung ương mở hàng năm cần thông báo chiêu sinh và nhận học viên do công đoàn cử đi học.

V. PHẠM VI TRÁCH NHIỆM VÀ QUAN HỆ PHỐI HỢP CÔNG TÁC

 

Việc xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hoá quần chúng ở cơ sở chủ yếu phải dựa vào việc phát huy ý thức tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo, khai thác mọi tiềm năng của địa phương và cơ sở để tổ chức đời sống văn hoá của công nhân, viên chức. Việc tổ chức chỉ đạo các hoạt động văn hoá quần chúng ở cơ sở phải tuân theo nguyên tắc Đảng lãnh đạo, chính quyền chịu trách nhiệm, công đoàn tổ chức và quản lý, đoàn thanh niên làm nòng cốt. Các cơ quan cấp trên cơ sở, gồm các Bộ, các ngành quản lý xí nghiệp, Bộ văn hoá và Tổng công đoàn Việt Nam cũng có trách nhiệm chung về đời sống văn hoá, tinh thần của công nhân, viên chức. Cụ thể là:

Tổ chức công đoàn phối hợp với Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm chủ yếu về tổ chức, hướng dẫn các hoạt động văn hoá, văn nghệ trong công nhân.

Ngành văn hoá có trách nhiệm chủ yếu đưa văn hoá, nghệ thuật chuyên nghiệp đến phục vụ công nhân; đào tạo bồi dưỡng cán bộ văn hoá quần chúng; cung cấp một phần các loại vật tư văn hoá chuyên dùng; hướng dẫn nghiệp vụ và bồi dưỡng nâng cao chất lượng hoạt động văn hoá văn nghệ trong công nhân.

Các Bộ, các ngành chủ quản của xí nghiệp có trách nhiệm chủ yếu trong việc xây dựng cơ sở vật chất cho sinh hoạt văn hoá như nhà câu lạc bộ, phòng đọc sách, nhà truyền thống... tạo điều kiện thuận lợi phát triển mạnh các hoạt động văn hoá, văn nghệ quần chúng ở cơ sở phối hợp với công đoàn, đoàn thanh niên tổ chức tốt đời sống văn hoá của công nhân viên chức. Tổng công đoàn Việt Nam và Bộ Văn hoá cùng nghiên cứu, kiến nghị với Hội đồng bộ trưởng về trách nhiệm của các Bộ, các ngành, các cơ quan quản lý kinh tế, quản lý xí nghiệp, thủ trưởng các cơ quan đối với việc tổ chức chăm lo đời sống văn hoá của công nhân viên chức ở cơ sở.

Liên bộ sẽ có văn bản hướng dẫn thi hành nghị quyết này. Mỗi năm một lần cấp lãnh đạo liên bộ sẽ họp để nhận định tình hình phong trào, kiểm điểm công việc đã làm và đề ra những việc cần làm về công tác văn hoá, văn nghệ trong công nhân.

Các cục, vụ, viện, ngành có liên quanh thuộc Bộ Văn hoá cứ 6 tháng một lần, phối hợp với ban tuyên giáo Tổng công đoàn và các ngành quản lý xí nghiệp để kiểm điểm và bàn về hoạt động văn hoá quần chúng trong công nhân.

Các Ty, Sở văn hoá và liên hiệp công đoàn cứ 6 tháng một lần cùng họp kiểm điểm và bàn công tác văn hoá, văn nghệ trong công nhân ở địa phương.

Tổng công đoàn và Bộ Văn hoá giao cho Cục văn hoá quần chúng và Ban tuyên giáo Tổng công đoàn tổ chức, hướng dẫn và đôn đốc việc thi hành nghị quyết này.

Năm 1982, liên Bộ phối hợp làm một số việc sau đây:

- Tổ chức hội nghị tổng kết công tác câu lạc bộ vào quý II năm 1982;

- Điều tra, nghiên cứu tình hình một số xí nghiệp ở Hà Nội; tổ chức hội nghị chuyên đề bàn về đời sống văn hoá ở cơ sở, xây dựng nếp sống mới, con người mới;

- Hướng dẫn đẩy mạnh cuộc vận động sáng tác các tiết mục văn nghệ đáp ứng yêu cầu giáo dục của tình hình mới, tổ chức hội diễn cơ sở năm 1982, liên hoan văn nghệ ở tỉnh, thành phố và liên hoan văn nghệ công nhân toàn quốc năm 1983, chào mừng Đại hội lần thứ V Công đoàn Việt Nam;
- Tổ chức họp chuyên đề về hoạt động của các đội chiếu bóng công đoàn và cung văn hoá lao động thành phố Hà Nội .

Tổng công đoàn Việt Nam và Bộ Văn hoá mong rằng các cấp công đoàn, các cấp ngành văn hoá và các cán bộ văn hoá hãy cùng nhau nỗ lực thực hiện tốt nghị quyết này với tinh thần chủ động, sáng tạo, hợp tác xã hội chủ nghĩa, góp phần tích cực đưa phong trào văn hoá, văn nghệ và đời sống văn hoá trong công nhân, viên chức có bước phát triển mới.

 

Nguyễn Đức Thuận

(Đã ký)

Nguyễn Văn Hiếu

(Đã ký)

 

HIỆU LỰC VĂN BẢN

Nghị quyết liên bộ số 9-NQ/LT về công tác văn hoá nghệ thuật trong công nhân do Bộ Văn hóa - Tổng Liên Đoàn lao động ban hành

  • Số hiệu: 09-NQ/LT
  • Loại văn bản: Nghị quyết
  • Ngày ban hành: 06/07/1982
  • Nơi ban hành: Bộ Văn hoá, Tổng Công đoàn Việt Nam
  • Người ký: Nguyễn Đức Thuận, Nguyễn Văn Hiếu
  • Ngày công báo: Đang cập nhật
  • Số công báo: Số 14
  • Ngày hiệu lực: 21/07/1982
  • Tình trạng hiệu lực: Chưa xác định
Tải văn bản