Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
Nếu bạn là thành viên. Vui lòng ĐĂNG NHẬP để tiếp tục.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 372/2024/NQ-HĐND | Lâm Đồng, ngày 10 tháng 12 năm 2024 |
NGHỊ QUYẾT
QUYẾT ĐỊNH MỨC ĐẦU TƯ, HỖ TRỢ ĐẦU TƯ CỤ THỂ THỰC HIỆN MỘT SỐ CHÍNH SÁCH ĐẦU TƯ TRONG LÂM NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LÂM ĐỒNG
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
KHÓA X KỲ HỌP THỨ 21
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Lâm nghiệp ngày 15 tháng 11 năm 2017;
Căn cứ Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Lâm nghiệp; Nghị định số 91/2024/NĐ-CP ngày 18 tháng 7 năm 2024 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 156/2018/NĐ-CP ngày 16 tháng 11 năm 2018 của Chính phủ;
Căn cứ Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp;
Xét Tờ trình số 10374/TTr-UBND ngày 27 tháng 11 năm 2024 của Ủy ban nhân dân tỉnh về dự thảo Nghị quyết quyết định mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư cụ thể thực hiện một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng; Báo cáo thẩm tra số 260/BC-KTNS ngày 06 tháng 12 năm 2024 của Ban Kinh tế - Ngân sách Hội đồng nhân dân tỉnh; ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Nghị quyết quyết định mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư cụ thể thực hiện một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng theo quy định tại khoản 3 Điều 27 Nghị định số 58/2024/NĐ-CP ngày 24 tháng 5 năm 2024 của Chính phủ về một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Cơ quan nhà nước, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư có liên quan đến hoạt động bảo vệ, phát triển rừng thuộc đối tượng được quy định tại các Điều 5, 6, 7, 9, 10, 11, 12, 13, 14, 16, 19, 21, 22 và 23 Nghị định số 58/2024/NĐ-CP.
Điều 3. Mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư cụ thể thực hiện một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
1. Mức cấp kinh phí bảo vệ rừng đặc dụng
a) Ban quản lý rừng đặc dụng, Ban quản lý rừng phòng hộ được Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng 150.000 đồng/ha/năm, kinh phí bảo vệ rừng đối với xã khu vực II, III 180.000 đồng/ha/năm trên tổng diện tích rừng đặc dụng được giao, ngoài kinh phí sự nghiệp thường xuyên cho các hoạt động của bộ máy ban quản lý rừng.
b) Cộng đồng dân cư; các đối tượng theo quy định tại các khoản 2, 3, 4 Điều 8 Luật Lâm nghiệp được Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng 500.000 đồng/ha/năm, kinh phí bảo vệ rừng đối với xã khu vực II, III 600.000 đồng/ha/năm trên tổng diện tích rừng được giao.
c) Chi phí lập hồ sơ lần đầu về bảo vệ rừng cho cộng đồng dân cư 50.000 đồng/ha; kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu bảo vệ rừng là 7% trên tổng kinh phí chi cho bảo vệ rừng hằng năm.
2. Mức cấp kinh phí thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trong bổ sung thuộc quy hoạch rừng đặc dụng.
a) Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên: Mức kinh phí 1.000.000 đồng/ha/năm trong thời gian 06 năm.
b) Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung: Mức kinh phí 2.000.000 đồng/ha/năm trong 3 năm đầu và 1.000.000 đồng/ha/năm cho 3 năm tiếp theo.
c) Chi phí lập hồ sơ lần đầu cho khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên 50.000 đồng/ha; chi phí lập hồ sơ thiết kế, dự toán khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung được xác định bằng dự toán được duyệt; kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung là 7% trên tổng kinh phí chi cho khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung hằng năm.
3. Mức đầu tư trồng rừng, nuôi dưỡng rừng tự nhiên, làm giàu rừng đặc dụng: Mức đầu tư theo định mức kinh tế kỹ thuật, thiết kế, dự toán công trình lâm sinh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
4. Mức cấp kinh phí bảo vệ rừng phòng hộ.
a) Ban quản lý rừng phòng hộ được Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng 500.000 đồng/ha/năm, đối với diện tích rừng tại các xã khu vực II, III 600.000 đồng/ha/năm trên tổng diện tích rừng phòng hộ được giao, ngoài kinh phí sự nghiệp thường xuyên cho các hoạt động của bộ máy ban quản lý rừng.
b) Ban quản lý rừng đặc dụng được Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng 150.000 đồng/ha/năm, kinh phí bảo vệ rừng đối với xã khu vực II, III 180.000 đồng/ha/năm trên tổng diện tích rừng phòng hộ được giao, ngoài kinh phí sự nghiệp thường xuyên cho các hoạt động của bộ máy ban quản lý rừng.
c) Doanh nghiệp nhà nước; hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; các đối tượng khác theo quy định tại khoản 3, khoản 4 Điều 8 Luật Lâm nghiệp được Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng 500.000 đồng/ha/năm, kinh phí bảo vệ rừng đối với xã khu vực II, III là 600.000 đồng/ha/năm trên tổng diện tích rừng phòng hộ được giao.
d) Ủy ban nhân dân cấp xã đang quản lý diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê được Nhà nước cấp kinh phí quản lý bảo vệ rừng 150.000 đồng/ha/năm, kinh phí bảo vệ rừng đối với xã khu vực II, III là 180.000 đồng/ha/năm trên tổng diện tích rừng phòng hộ được giao.
đ) Chi phí lập hồ sơ lần đầu về bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư là 50.000 đồng/ha; kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu bảo vệ rừng là 7% trên tổng kinh phí chi cho bảo vệ rừng hàng năm.
5. Mức cấp kinh phí thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung thuộc quy hoạch rừng phòng hộ: Mức cấp kinh phí thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị quyết này.
6. Mức đầu tư trồng rừng, nuôi dưỡng rừng tự nhiên, làm giàu rừng phòng hộ: Mức đầu tư theo định mức kinh tế kỹ thuật, thiết kế, dự toán công trình lâm sinh được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
7. Mức hỗ trợ kinh phí bảo vệ rừng sản xuất là rừng tự nhiên trong thời gian đóng cửa rừng.
a) Ban quản lý rừng đặc dụng; Ban quản lý rừng phòng hộ; Ủy ban nhân dân cấp xã đang quản lý diện tích rừng chưa giao, chưa cho thuê được Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng 150.000 đồng/ha/năm, kinh phí bảo vệ rừng đối với xã khu vực II, III 180.000 đồng/ha/năm trên tổng diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên được giao.
b) Doanh nghiệp nhà nước được Nhà nước giao rừng sản xuất là rừng tự nhiên trước ngày 01 tháng 01 năm 2019; hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư; các đối tượng khác theo quy định tại khoản 2, khoản 3 Điều 8 Luật Lâm nghiệp được Nhà nước cấp kinh phí bảo vệ rừng 500.000 đồng/ha/năm, kinh phí bảo vệ rừng đối với xã khu vực II, III 600.000 đồng/ha/năm trên tổng diện tích rừng sản xuất là rừng tự nhiên được giao.
c) Chi phí lập hồ sơ lần đầu về bảo vệ rừng cho hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư 50.000 đồng/ha; kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu bảo vệ rừng là 7% trên tổng kinh phí chi cho bảo vệ rừng hằng năm.
8. Mức hỗ trợ thực hiện khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung thuộc quy hoạch rừng sản xuất là rừng tự nhiên 8.000.000 đồng/ha. Chi phí lập hồ sơ thiết kế, dự toán khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung được xác định bằng dự toán được duyệt; kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung là 7% trên tổng kinh phí chi cho khoanh nuôi xúc tiến tái sinh tự nhiên có trồng bổ sung hằng năm.
9. Mức hỗ trợ đầu tư trồng rừng sản xuất và phát triển lâm sản ngoài gỗ.
a) Hỗ trợ một lần 15.000.000 đồng/ha/chu kỳ để mua cây giống, vật tư, phân bón đối với trồng cây lấy gỗ, cây lâm sản ngoài gỗ theo chu kỳ kinh doanh của loài cây trồng.
b) Hỗ trợ chi phí cho công tác khuyến lâm: 500.000 đồng/ha/04 năm (01 năm trồng và 03 năm chăm sóc).
c) Hỗ trợ một lần chi phí khảo sát, thiết kế; chi phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu theo dự toán được duyệt.
10. Mức hỗ trợ kinh phí xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững. Hỗ trợ một lần xây dựng phương án quản lý rừng bền vững và cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững 400.000 đồng/ha đối với rừng trồng sản xuất. Hỗ trợ sau đầu tư.
11. Mức khoán bảo vệ rừng.
a) Mức kinh phí khoán bảo vệ rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên từ ngân sách nhà nước 500.000 đồng/ha/năm, đối với diện tích rừng thuộc các xã khu vực II, III 600.000 đồng/ha/năm.
b) Chi phí lập hồ sơ lần đầu cho khoán bảo vệ rừng là 50.000 đồng/ha; kinh phí quản lý, kiểm tra, nghiệm thu bảo vệ rừng là 7% trên tổng kinh phí chi cho bảo vệ rừng hằng năm.
12. Mức trợ cấp gạo bảo vệ và phát triển rừng. Theo quy định tại khoản 2 Điều 21 Nghị định số 58/2024/NĐ-CP.
13. Mức hỗ trợ đầu tư cơ sở sản xuất giống cây trồng lâm nghiệp.
a) Hỗ trợ 50% tổng mức đầu tư đối với một dự án hoặc công trình: Xây dựng rừng giống, vườn giống, vườn cây lâm nghiệp đầu dòng; xây dựng trung tâm sản xuất giống cây rừng chất lượng cao; xây dựng vườn ươm giống theo mức quy định tại các điểm b, c và d khoản này.
b) Tối đa 55.000.000 đồng/ha đối với xây dựng rừng giống trồng mới có diện tích từ 2,0 ha trở lên, vườn giống trồng mới có diện tích từ 1,0 ha trở lên; tối đa 25.000.000 đồng/ha đối với xây dựng rừng giống chuyển hóa có diện tích từ 1,0 ha trở lên, vườn cây lâm nghiệp đầu dòng có diện tích từ 500 m2 trở lên.
c) Tối đa 5.000.000.000 đồng đối với một dự án hoặc công trình xây dựng trung tâm sản xuất giống cây rừng chất lượng cao có quy mô sản xuất tối thiểu 01 triệu cây/năm.
d) Tối đa 300.000.000 đồng đối với một dự án hoặc công trình xây dựng mới vườn ươm giống cây lâm nghiệp bằng phương pháp nuôi cấy mô với diện tích đất xây dựng vườn ươm tối thiểu 0,5 ha.
14. Mức hỗ trợ trồng cây phân tán: Mức hỗ trợ 15.000.000 đồng/ha trồng cây phân tán (quy đổi 1.000 cây/ha) để hỗ trợ mua cây giống, phân bón và chi phí một phần nhân công trồng, chăm sóc; tổ chức các hoạt động quản lý, kiểm tra, giám sát thực hiện trồng cây phân tán.
Điều 4. Tổ chức thực hiện
1. Giao Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh, các Ban Hội đồng nhân dân tỉnh, các Tổ đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc thực hiện Nghị quyết theo quy định của pháp luật.
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Lâm Đồng Khóa X Kỳ họp thứ 21 thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2024 và có hiệu lực từ ngày 20 tháng 12 năm 2024./.
| CHỦ TỊCH |
Nghị quyết định 372/2024/NQ-HĐND quyết định mức đầu tư, hỗ trợ đầu tư cụ thể thực hiện một số chính sách đầu tư trong lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng
- Số hiệu: 372/2024/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 10/12/2024
- Nơi ban hành: Tỉnh Lâm Đồng
- Người ký: Phạm Thị Phúc
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra