Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 92/NQ-HĐND | Đồng Nai, ngày 18 tháng 9 năm 2013 |
VỀ GIÁM SÁT VÀ THỰC HIỆN KIẾN NGHỊ SAU GIÁM SÁT CỦA HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN CÁC CẤP TỈNH ĐỒNG NAI
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI
KHÓA VIII - KỲ HỌP THỨ 8
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03/12/2004;
Căn cứ Nghị Quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 ngày 02/4/2005 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Quy chế hoạt động của HĐND các cấp;
Sau khi xem xét Tờ trình số 569/TTr-HĐND ngày 16/9/2013 của Thường trực HĐND tỉnh về giám sát và thực hiện kiến nghị sau giám sát, ý kiến thảo luận của các đại biểu HĐND tỉnh tại tổ và tại kỳ họp,
QUYẾT NGHỊ:
Điều 1. Đối tượng áp dụng, phạm vi điều chỉnh
1. Đối tượng áp dụng: Nghị quyết này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giám sát, thực hiện kiến nghị sau giám sát của HĐND, Thường HĐND, các Ban HĐND, các Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
2. Phạm vi điều chỉnh: Nghị quyết này thực hiện trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.
Điều 2. Đánh giá thực trạng về hoạt động giám sát và thực hiện kiến nghị giám sát
1. Kết quả đạt được
a) Về hoạt động giám sát:
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Thường trực HĐND, Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã tổ chức hoạt động giám sát cơ bản đúng theo chương trình đề ra. Hoạt động giám sát cơ bản tuân thủ quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 16/11/2003 và Quy chế hoạt động của HĐND các cấp do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành, Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh Đồng Nai khóa VIII nhiệm kỳ 2011 - 2016 và Quy chế hoạt động của HĐND của các địa phương.
Trong giám sát, Thường trực HĐND, các Ban HĐND, Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn đã linh hoạt lựa chọn hình thức giám sát phù hợp. Thành phần đoàn giám sát có sự tham gia của các cơ quan, đơn vị có liên quan đến nội dung giám sát để thuận lợi cho hoạt động giám sát và mời đại diện Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam (UBMTTQVN) tham gia để giám sát hoạt động của HĐND. UBMTTQVN các cấp trên địa bàn đã phối hợp chặt chẽ với các tổ chức HĐND theo đúng quy chế phối hợp; đại biểu UBMTTQVN các cấp đã phát huy vai trò, trách nhiệm của UBMTTQVN trong hoạt động giám sát HĐND.
Công tác giám sát được thực hiện cơ bản tốt từ chuẩn bị đến kết luận và theo dõi kiến nghị sau giám sát. Hình thức và thời gian giám sát hợp lý. Nội dung giám sát phù hợp với quy định của pháp luật và tình hình thực tế trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh hàng năm, có chú trọng đến ý kiến cử tri và những vấn đề bức xúc trong xã hội. Thực hiện tốt việc phối hợp lựa chọn nội dung, thời gian giám sát giữa các cấp và các tổ chức của HĐND trên địa bàn.
HĐND các cấp cơ bản thực hiện đầy đủ hình thức giám sát theo quy định của pháp luật. Trong thực hiện đã chú trọng việc đổi mới phương thức giám sát, nhất là việc chất vấn, trả lời chất vấn tại kỳ họp. Các ý kiến được chất vấn tại kỳ họp phần lớn là những nội dung bức xúc, được cử tri quan tâm.
b) Về thực hiện kiến nghị sau giám sát:
Kiến nghị của HĐND các cấp đều nhận được sự đồng tình của UBND các cấp trên địa bàn. Phần lớn các kiến nghị đã được tổ chức thực hiện. Việc theo dõi thực hiện kiến nghị được các tổ chức HĐND các cấp trên địa bàn rà soát và có ý kiến với các cơ quan, đơn vị thực hiện. Kết quả thực hiện các kiến nghị của HĐND đã góp phần quan trọng trong tăng cường công tác quản lý nhà nước trên địa bàn; hỗ trợ UBND các cấp có thêm biện pháp để thực hiện hoàn thành chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh đề ra hằng năm và giai đoạn.
2. Tồn tại, hạn chế, nguyên nhân hạn chế
a) Về hoạt động giám sát:
- Trong việc ban hành chương trình giám sát: Việc quyết định chương trình giám sát năm của HĐND các cấp trên địa bàn chưa được thực hiện bằng nghị quyết của HĐND theo quy định của Quy chế hoạt động của HĐND các cấp; chưa thành lập đoàn giám giám sát của HĐND. Việc xem xét, quyết định chương trình giám sát năm, quý của Thường trực HĐND cấp huyện, Thường trực HĐND cấp xã và một số ban HĐND các cấp trên địa bàn chưa thực hiện đúng quy trình quy định. Một số tổ chức HĐND xây dựng chương trình giám sát năm chưa xác định trọng tâm, trọng điểm.
- Trong hoạt động giám sát:
+ Các cơ quan, đơn vị, địa phương chịu sự giám sát thường gửi báo cáo đến đoàn giám sát chậm thời gian quy định. Một số cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát báo cáo chưa đầy đủ theo đề cương yêu cầu; nội dung kiến nghị với đoàn giám sát mang tính chung chung.
+ Khi thành lập đoàn giám sát, thành viên đoàn được cơ cấu đại diện cơ quan, đơn vị có liên quan đến nội dung giám sát nhưng đa số các cơ quan, đơn vị cử chuyên viên tham gia (có trường hợp chuyên viên không nắm được chuyên môn) nên gây khó khăn cho đoàn giám sát trong quá trình giám sát. Thành viên đoàn giám sát thường không tham dự đủ 100%.
+ Chưa thực hiện toàn diện các hình thức giám sát như: Thường trực HĐND chưa tổ chức xem xét báo cáo kết quả giám sát của Ban HĐND; một số Ban HĐND chưa thực hiện cử thành viên đến các tổ chức hữu quan để xem xét, xác minh về vấn đề quan tâm; việc giám sát thông qua hình thức xem xét ban hành văn bản quy phạm pháp luật của các cơ quan, địa phương chưa thường xuyên.
+ Đôi lúc còn xảy ra tình trạng bị trùng thời gian và nội dung giám sát ở một đơn vị, địa phương. Một số cuộc giám sát chưa tuân thủ đầy đủ quy trình giám sát.
+ Một số tổ chức HĐND ở cấp xã có biểu hiện lúng túng về phương pháp giám sát, chất lượng giám sát đạt thấp; có sự nhầm lẫn giữa giám sát HĐND với giám sát cộng đồng. Giám sát thông qua hình thức chất vấn, trải lời chất vấn ở cấp xã chưa nhiều, đa dạng và phong phú.
- Kết luận giám sát: Một số kết luận giám sát nội dung sơ sài, đơn giản, nhất là ở cấp xã; nội dung kiến nghị mang tính chung chung, thiếu tính khả thi.
- Tính pháp lý trong hoạt động giám sát: Hoạt động giám sát của Tổ đại biểu HĐND và Ban HĐND cấp xã chưa được pháp luật quy định cụ thể. Pháp luật chưa quy định thời gian chấp hành và báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị giám sát đối với các cơ quan, đơn vị; chưa có chế tài áp dụng khi tổ chức, cá nhân chậm thực hiện kiến nghị giám sát.
b) Về thực hiện kiến nghị sau giám sát:
Việc theo dõi thực hiện kiến nghị giám sát chưa được quan tâm đúng mức; các tổ chức của HĐND các cấp trên địa bàn có thực hiện theo dõi thực hiện kiến nghị nhưng chỉ dừng lại ở mức 06 tháng một lần rà soát; một số tổ chức HĐND chưa theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị. Việc phối hợp thông tin chưa được thực hiện thường xuyên; thực hiện kiến nghị chậm, nhất là đối với các doanh nghiệp.
c) Hạn chế nêu trên xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó có những nguyên nhân chủ yếu sau:
- Hệ thống pháp luật quy định về hoạt động giám sát và việc chấp hành kiến nghị giám sát chưa đầy đủ, nhất là chế tài áp dụng khi các cơ quan, đơn vị chậm thực hiện kiến nghị.
- Một số cán bộ, công chức và đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn hiểu chưa đầy đủ quy định về hoạt động giám sát và trách nhiệm theo dõi thực hiện kiến nghị sau giám sát.
- Mặc dù đã được Thường trực HĐND tỉnh quan tâm tổ chức nhiều lớp tập huấn, trao đổi kinh nghiệm nhưng do tỷ lệ đại biểu HĐND các cấp mới tham gia nhiệm kỳ đầu nhiều nên ở thời gian đầu của nhiệm kỳ còn thiếu kinh nghiệm về giám sát.
- Nội dung giám sát rộng, bao trùm các lĩnh vực nhưng nhân sự tham mưu, giúp việc cho các tổ chức HĐND trên địa bàn năng lực chưa đáp ứng được yêu cầu.
- Một số đại biểu HĐND chưa thật sự tâm huyết, chưa xác định trách nhiệm giám sát trước cử tri; năng lực trên một số lĩnh vực còn yếu; kiêm nhiệm nhiều công tác khác nhau nên chưa thật sự quan tâm đến hoạt động giám sát.
Điều 3. Giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của HĐND trong thời gian tới
1. Về hoạt động giám sát
a) Việc quyết định chương trình giám sát: HĐND, Thường trực HĐND, các Ban HĐND thực hiện đúng quy trình, thời gian xem xét, quyết định chương trình giám sát năm, quý theo quy định tại Quy chế hoạt động của HĐND các cấp. Khi xây dựng chương trình, nội dung giám sát, các tổ chức của HĐND phối hợp với UBMTTQVN cùng cấp để tham gia ý kiến. Kịp thời điều chỉnh, bổ sung vào chương trình giám sát đối với những vấn đề cử tri đặc biệt quan tâm phản ánh, có bức xúc. Riêng các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và Ban HĐND cấp xã thực hiện quyết định chương trình giám sát theo hướng dẫn của Thường trực HĐND cùng cấp.
b) Nội dung giám sát: Tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, trọng điểm được xác định trong nghị quyết của HĐND và ý kiến bức xúc của cử tri trên địa bàn.
c) Hình thức giám sát: Mở rộng hơn nữa về hình thức giám sát theo quy định của Quy chế hoạt động HĐND, cụ thể:
- HĐND các cấp tiến hành tổ chức giám sát thông qua hình thức thành lập đoàn giám sát hàng năm; thực hiện tốt hình thức lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do HĐND bầu; tăng cường hoạt động giám sát thông qua hình thức xem xét việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND, của các cơ quan, đơn vị, địa phương; đổi mới hình thức giám sát thông qua chất vấn tại kỳ họp và giữa hai kỳ họp, trong đó nội dung chất vấn chú trọng đến việc giải quyết, xử lý các vấn đề trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn và các vấn đề phát sinh, bức xúc của cử tri. Theo dõi chặt chẽ kết quả chất vấn và trả lời chất vấn.
- Các Ban HĐND tăng cường chất lượng giám sát thông qua hình thức tổ chức đoàn giám sát; cử thành viên ban tham gia kiểm tra, xác minh kết quả thực hiện nhiệm vụ mà ban quan tâm, coi trọng chất lượng hoạt động giám sát. Trong thẩm tra tập trung vào các vấn đề liên quan đến giải pháp thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh trên địa bàn và giải pháp xử lý các vấn đề phát sinh, bức xúc của cử tri.
- Tổ đại biểu HĐND và đại biểu HĐND: Tăng cường chất lượng giám sát thông qua hình thức tổ chức đoàn giám sát của Thường trực HĐND. Nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề bức xúc của cử tri và những vấn đề gặp khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị trên địa bàn. Đại biểu HĐND thực hiện nhiệm vụ giám sát qua xem xét, thảo luận báo cáo, đề án, tờ trình của UBND, cơ quan chuyên môn thuộc UBND và tham gia các cuộc giám sát của các tổ chức HĐND khi được mời hoặc được phân công.
d) Số lượng cuộc giám sát cần được xem xét, quyết định tương ứng với khả năng tổ chức thực hiện và có điều kiện nâng cao chất lượng, hiệu quả giám sát, tránh trường hợp tổ chức nhiều cuộc giám sát nhưng hiệu quả giám sát đạt thấp.
đ) Phương thức giám sát: Tổ chức HĐND các cấp trên địa bàn linh hoạt lựa chọn phương thức giám sát trên cơ sở áp dụng đầy đủ quy định về giám sát và phù hợp với tình hình thực tế. Trong giám sát kết hợp với khảo sát thực tế để có thêm cơ sở đánh giá, kết luận. Thời lượng bố trí cho các việc trong hoạt động giám sát hợp lý, đủ thời gian cho thành viên đoàn giám sát phát biểu và đối tượng chịu sự giám sát giải trình. Người chủ trì cuộc giám sát phải nghiên cứu, tìm hiểu quy định của pháp luật để nâng cao kỹ năng hoạt động giám sát, kết luận giám sát đảm bảo tính thuyết phục, có phân tích, đánh giá về nội dung giám sát chặt chẽ, rõ ràng, tạo sự đồng thuận của cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát.
e) Kết luận giám sát: Tuân thủ quy định của pháp luật để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát khách quan, trung thực; kết luận giám sát đánh giá những kết quả đạt được, những mặt tồn tại, hạn chế và kiến nghị. Nội dung kiến nghị phải cụ thể, khả thi, tránh kiến nghị chung chung. Quy định thời gian cơ quan, đơn vị thông báo kết quả thực hiện kiến nghị về tổ chức HĐND có kiến nghị.
2. Về thực hiện kiến nghị sau giám sát
a) Các tổ chức HĐND trên địa bàn tổ chức theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị ngay sau khi có kết luận giám sát. Việc theo dõi kết quả thực hiện kiến nghị đảm bảo đầy đủ, kịp thời nhắc nhở thực hiện. Kết quả thực hiện kiến nghị phải được đánh giá hiệu quả.
b) Các tổ chức, cá nhân nêu cao tinh thần trách nhiệm, phối hợp tổ chức triển khai thực hiện các kiến nghị sau giám sát và kịp thời báo cáo kết quả thực hiện về cơ quan HĐND có kiến nghị.
3. Một số giải pháp khác
a) Ban hành Nghị quyết HĐND để tăng tính pháp lý trong triển khai thực hiện.
b) Tái giám sát đối với một số cơ quan, đơn vị thường xuyên chậm thực hiện kiến nghị đối với các nội dung mà cử tri, đại biểu quan tâm và những vấn đề trọng tâm trong phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của địa phương nhưng phải đảm bảo tổ chức tái giám sát không dàn trải.
c) Nâng cao kỹ năng hoạt động giám sát cho đại biểu HĐND các cấp trên địa bàn thông qua hình thức bồi dưỡng, tập huấn, hội thảo.
d) Duy trì, nâng cao chất lượng hội nghị giao ban giữa Thường trực HĐND, các Ban HĐND tỉnh với Thường trực HĐND, các Ban HĐND cấp huyện; giữa Thường trực HĐND, các Ban HĐND cấp huyện với Thường trực HĐND, các Ban HĐND cấp xã để thông tin, trao đổi về hoạt động giám sát.
đ) Tăng cường công tác tuyên truyền về hoạt động giám sát của HĐND, công khai kết quả giám sát để cử tri và nhân dân biết phối hợp với các tổ chức HĐND, tạo ra sự cộng hưởng dư luận xã hội trong hoạt động giám sát của HĐND.
1. Thường trực HĐND tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết này và báo cáo kết quả tại các kỳ họp của HĐND cuối hàng năm. Kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội có nghị quyết về hoạt động giám sát của HĐND các cấp; trong đó quan tâm đến việc xác định giá trị của kết luận giám sát và chế tài áp dụng khi các tổ chức, cá nhân chậm thực hiện kiến nghị.
2. Thường trực HĐND tỉnh, các Ban HĐND tỉnh, các Tổ đại biểu HĐND tỉnh và các đại biểu HĐND tỉnh thực hiện và giám sát việc thực hiện Nghị quyết này đối với các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh.
3. UBND tỉnh: Tăng cường hoạt động quản lý nhà nước, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và UBND các cấp trên địa bàn nghiêm túc triển khai thực hiện các kiến nghị giám sát của các tổ chức HĐND. Chỉ đạo chính quyền các cấp, các tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động giám sát của HĐND các cấp trên địa bàn thực hiện báo cáo phục vụ hoạt động giám sát theo quy định của pháp luật, nhất là trong việc chuẩn bị báo cáo, đề án, tờ trình trình kỳ họp HĐND. Kịp thời báo cáo kết quả thực hiện kiến nghị về tổ chức HĐND có kiến nghị.
4. Đề nghị Ủy ban Mặt trận tổ quốc Việt Nam tỉnh, các tổ chức thành viên chỉ đạo ngành dọc vận động các tổ chức, cá nhân và nhân dân cùng giám sát việc thực hiện Nghị quyết này; phản ánh kịp thời tâm tư nguyện vọng, kiến nghị của nhân dân đến cơ quan chức năng theo đúng quy định pháp luật.
5. Các cơ quan tư pháp (TAND, Viện KSND) tỉnh: Chỉ đạo cơ quan, đơn vị thuộc hệ thống ngành trên địa bàn tỉnh thực hiện kịp thời, đầy đủ các báo cáo, tài liệu phục vụ cho tổ chức HĐND giám sát, thông tin kết quả thực hiện kiến nghị giám sát theo quy định.
Nghị quyết này có hiệu lực kể từ ngày HĐND tỉnh thông qua.
Nghị quyết này được HĐND tỉnh Đồng Nai khóa VIII, kỳ họp thứ 8 thông qua ngày 18/9/2013./.
| CHỦ TỊCH |
- 1Nghị quyết số 03/2005/NQ-HĐ về việc giải quyết các yêu cầu, kiến nghị của cử tri và trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp thứ 4 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội do Thành Phố Hà Nội ban hành
- 2Nghị quyết 45/2012/NQ-HĐND về Chương trình kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình năm 2013
- 3Nghị quyết 16/2012/NQ-HĐND về chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang năm 2013
- 4Nghị quyết 37/2012/NQ-HĐND về chương trình hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2012 do tỉnh Kiên Giang ban hành
- 5Nghị quyết 14/2012/NQ-HĐND thông qua các báo cáo kết quả giám sát và các kiến nghị qua giám sát của các cơ quan thuộc Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định
- 6Nghị quyết 99/NQ-HĐND về thành lập đoàn giám sát “Việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai năm 2016, 2017”
- 1Nghị quyết số 03/2005/NQ-HĐ về việc giải quyết các yêu cầu, kiến nghị của cử tri và trả lời chất vấn của đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp thứ 4 của Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội do Thành Phố Hà Nội ban hành
- 2Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 3Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 4Nghị quyết số 753/2005/NQ-UBTVQH11 về việc ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng nhân dân do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- 5Nghị quyết 45/2012/NQ-HĐND về Chương trình kiểm tra, giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Hòa Bình năm 2013
- 6Nghị quyết 16/2012/NQ-HĐND về chương trình giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh An Giang năm 2013
- 7Nghị quyết 37/2012/NQ-HĐND về chương trình hoạt động giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh năm 2012 do tỉnh Kiên Giang ban hành
- 8Nghị quyết 14/2012/NQ-HĐND thông qua các báo cáo kết quả giám sát và các kiến nghị qua giám sát của các cơ quan thuộc Hội đồng nhân dân tỉnh Bình Định
- 9Nghị quyết 99/NQ-HĐND về thành lập đoàn giám sát “Việc thực hiện các kiến nghị sau giám sát của Hội đồng nhân dân tỉnh Gia Lai năm 2016, 2017”
Nghị quyết 92/NQ-HĐND năm 2013 giám sát và thực hiện kiến nghị sau giám sát của hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Đồng Nai
- Số hiệu: 92/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 18/09/2013
- Nơi ban hành: Tỉnh Đồng Nai
- Người ký: Trần Văn Tư
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 18/09/2013
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra