Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 90/NQ-HĐND | Long An, ngày 10 tháng 12 năm 2022 |
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;
Căn cứ Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân ngày 20 tháng 11 năm 2015;
Thực hiện Nghị quyết số 109/NQ-HĐND ngày 09 tháng 12 năm 2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh về thành lập Đoàn giám sát về “công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực tư pháp trên địa bàn tỉnh Long An”;
Xét Tờ trình số 1084/TTr-HĐND, ngày 06 tháng 12 năm 2022 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh về việc đề nghị ban hành Nghị quyết về kết quả giám sát chuyên đề công tác phòng, chống tham nhũng tiêu cực trong lĩnh vực tư pháp trên địa bàn tỉnh Long An, Báo cáo thẩm tra số 1091/BC-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2022 và ý kiến thảo luận của đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh tại kỳ họp.
QUYẾT NGHỊ
1. Kết quả thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực tư pháp trên địa bàn tỉnh
1.1. Thời gian qua các quy định của pháp luật về PCTN, TC được lãnh đạo cơ quan tư pháp thực hiện có hiệu quả. Các Nghị quyết, Chỉ thị của Trung ương, của Tỉnh ủy, Kế hoạch của UBND tỉnh về công tác PCTN, TC được triển khai đến toàn thể cán bộ, công chức (CBCC) với nhiều hình thức phong phú, phù hợp với từng đối tượng, điều kiện của từng đơn vị (thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, sinh hoạt của các đảng bộ, chi bộ cơ sở, sinh hoạt đoàn thể, bản tin nội bộ, qua sinh hoạt chào cờ hàng tuần..góp phần nâng cao nhận thức của CBCC đối với công tác đấu tranh PCTN, TC, góp phần giữ gìn kỷ luật, kỷ cương trong cơ quan, đơn vị.
1.2. Việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện công tác PCTN, TC được các cơ quan tư pháp quan tâm, trong đó, việc kiểm tra, giám sát được chú trọng nhằm phát hiện và xử lý tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành và trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; đồng thời đề xuất, kiến nghị với cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, ban hành mới những chính sách, pháp luật phù hợp với thực tiễn để nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác PCTN, TC.
1.3. Kết quả công tác PCTN, TC trong nội bộ ngành, cơ quan đơn vị và kết quả điều tra, truy tố, xét xử và thu hồi tài sản tham nhũng của các cơ quan tư pháp giai đoạn từ ngày 01/01/2016 đến ngày 30/6/2022: Đã phát hiện 02 cán bộ có hành vi tham nhũng[1]. Qua giải quyết đơn tố cáo của công dân, Công an tỉnh phát hiện, xử lý 01 vụ cán bộ Công an huyện có hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực đã kỷ luật bằng hình thức giáng cấp bậc hàm từ Thiếu úy xuống Thượng sỹ. Bên cạnh đó, liên đới trách nhiệm của người đứng đầu và lãnh đạo, chỉ huy phụ trách, Công an tỉnh xử lý kỷ luật 04 trường hợp. Qua thanh tra, kiểm tra, xử lý tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố đã phát hiện tổng cộng 30 vụ[2]. Công an tỉnh thụ lý điều tra 30 vụ/37 bị can, trong đó: Truy tố 26 vụ/ 33 bị can, đã tiến hành xét xử: 22 vụ/29 bị cáo, tiếp tục điều tra 03 vụ/ 03 bị can, đình chỉ 01 vụ/01 bị can.
Quá trình xử lý các vụ án về tham nhũng, tiêu cực đã được các cơ quan tư pháp tập trung phối hợp tốt với các ngành đôn đốc, đẩy nhanh việc thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt, chủ động tuyên truyền đối tượng phạm tội chủ động giao nộp tài sản tham nhũng nhằm khắc phục hậu quả. Kết quả tổng giá trị tài sản được thu hồi trong quá trình điều tra các vụ án tham nhũng: 17.829.362.549 đồng/19.614.273.149 đồng; kết quả tổ chức thi hành án thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế: 5.159.420.000 đồng/11.213.228.000 đồng.
1.4. Hàng năm, các cơ quan tư pháp đều xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện việc chuyển đổi vị trí công tác của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, đơn vị phục vụ PCTN, TC đảm bảo khách quan đúng đối tượng, lộ trình và thời gian thích hợp, không làm xáo trộn công tác cán bộ, công chức luân chuyển, chuyển đổi luôn có tâm lý vững vàng thích ứng tốt với công việc. Trong 6 năm: Thi hành án hai cấp chuyển đổi 151 trường hợp, Viện kiểm sát hai cấp chuyển đổi 10 trường hợp, Tòa án hai cấp điều động, chuyển đổi 118 trường hợp, Công an ba cấp luân chuyển, chuyển đổi 686 trường hợp; Thanh tra tỉnh trong 3 năm chuyển đổi 02 trường hợp.
1.5. Việc thực hiện cải cách hành chính, ứng dụng khoa học, công nghệ nhằm hạn chế tham nhũng, tiêu cực được các cơ quan tư pháp quan tâm triển khai, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, công nghệ vào các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ và từng bước phát huy hiệu quả, góp phần giải quyết công việc nhanh chóng, chính xác, được quần chúng nhân dân đồng tình, ủng hộ. Theo đó, Tòa án nhân dân tỉnh thực hiện mô hình tổ hành chính tư pháp theo một cửa, Công an tỉnh, Cục thi hành án áp dụng cơ chế một cửa, một cửa liên thông, Viện kiểm sát xây dựng và tổ chức thực hiện số hóa hồ sơ vụ án, Thanh tra tỉnh triển khai nhiều giải pháp để nâng cao hiệu quả về cải cách hành chính.
1.6 Việc thanh tra, kiểm tra trong nội bộ được thực hiện thường xuyên, qua đó góp phần siết chặt kỷ luật, kỷ cương trong Đảng và bộ máy Nhà nước; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đồng bộ giữa kỷ luật Đảng với kỷ luật Nhà nước đối với cán bộ, đảng viên, công chức vi phạm.
2. Những tồn tại, hạn chế trong công tác PCTN, TC trong các cơ quan tư pháp
Bên cạnh kết quả đạt được, công tác PCTN, TC trong lĩnh vực tư pháp trên địa bàn tỉnh thời gian qua còn một số tồn tại và hạn chế như sau
2.1. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, công vụ cán bộ, công chức vẫn còn một số sai sót về chuyên môn có dư luận tiêu cực[3]; việc theo dõi, chỉ đạo tổ chức thực hiện ý kiến của cử tri, của Thường trực HĐND tỉnh có một số vụ việc hiệu quả chưa cao, chưa thật sự tạo được sự tin tưởng của người dân (các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản, tín dụng đen.. .)[4].
2.2. Công tác tiếp nhận, xử lý các tố giác, tin báo tội phạm của một số cơ quan đơn vị còn chậm, trễ hạn[5]; có đơn vị việc xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo còn hạn chế[6]; tỷ lệ thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt do tội phạm tham nhũng gây ra đạt thấp[7]; công tác kiểm tra, thanh tra để chủ động phát hiện tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ ngành đối với một số vụ việc có dư luận chưa kịp thời, sâu sát[8].
2.3. Công tác phối hợp giữa các cơ quan tư pháp với các cơ quan quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn tỉnh trong quá trình xử lý, giải quyết một số vụ việc chưa chặt chẽ, hiệu quả chưa cao, ảnh hưởng đến quá trình thực hiện nhiệm vụ của các cơ quan tư pháp[9].
3. Nguyên nhân của những tồn tại và hạn chế
3.1. Nguyên nhân khách quan:
Tội phạm tham nhũng với thủ đoạn ngày càng tinh vi, phức tạp, khó phát hiện. Đa số người thực hiện hành vi tham nhũng là những người có chức vụ, quyền hạn, có trình độ chuyên môn, quan hệ rộng nên ảnh hưởng đến công tác điều tra.
Một số lĩnh vực chưa có giám định viên tư pháp (đầu tư, quy hoạch kiến trúc...), gây khó khăn cho các cơ quan khi cần trưng cầu giám định trong các lĩnh vực trên.
Cơ sở vật chất, trang thiết bị, kinh phí phục vụ công tác xét xử còn hạn chế, chưa đáp ứng tốt yêu cầu, nhất là yêu cầu của công tác xét xử tội phạm liên quan đến kinh tế, tham nhũng.
- Thiếu nhân sự theo biên chế được giao trong khi công việc phát sinh nhiều (trong ngành Tòa án, Viện kiểm sát).
3.2. Nguyên nhân chủ quan:
Vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát đối với cán bộ cấp dưới; công tác kiểm tra, theo dõi việc thực hiện nhiệm vụ được giao chưa chặt chẽ, hệ thống.
Cơ chế phối hợp giữa các cơ quan ngành tư pháp chưa thật sự hiệu quả, làm ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết vụ việc.
Một bộ phận cán bộ, công chức thiếu tu dưỡng, rèn luyện, lợi dụng kẽ hở trong cơ chế, chính sách để thực hiện hành vi tham nhũng; lợi dụng nhiệm vụ được giao để vụ lợi.
4. Trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan
4.1. Đối với Viện kiểm sát nhân dân tỉnh: Chịu trách nhiệm liên quan đến tồn tại, hạn chế để xảy ra vụ khiếu nại, tố cáo liên quan đến gia đình của cán bộ Viện kiểm sát tỉnh trong cho vay lãi nặng, chiếm đoạt Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại huyện Thủ Thừa và trách nhiệm trong kiểm tra, giám sát về chuyên môn nghiệp vụ đối với cơ quan kiểm sát cấp dưới liên quan đến vụ việc tố giác hành vi vi phạm pháp luật tại huyện Thạnh Hoá, huyện Đức Hoà (đã đề cập trong thông báo kết luận của Đoàn giám sát).
4.2. Đối với Tòa án nhân dân tỉnh: Chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát đối với Tòa án cấp huyện, chưa kịp thời khắc phục thiếu sót trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của cấp dưới, gây dư luận không tốt và làm ảnh hưởng quyền lợi chính đáng của người dân.
4.3. Đối với Công an tỉnh: Chịu trách nhiệm trong việc kiểm tra, chỉ đạo, xem xét xử lý một số vụ việc thuộc lĩnh vực kinh tế, thiếu toàn diện, sâu sát, kịp thời, để xảy ra dư luận tiêu cực (cụ thể, Vụ bà Nguyễn Thị Thông- huyện Đức Hoà; vụ Hợp tác xã Thanh Phú- huyện Thạnh Hoá; các vụ tố cáo lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong hoạt động tín dụng đen, giao dịch bất động sản tại Đức Hoà...).
4.4. Đối với Cục Thi hành án dân sự tỉnh: Chịu trách nhiệm trong giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo của công dân chưa đúng quy định pháp luật và chịu trách nhiệm trong thu hồi tài sản các vụ án tham nhũng, kinh tế, tiêu cực đạt tỷ lệ thấp.
1. Đối với Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Long An: Kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ quy định cụ thể về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn (cần có hướng dẫn cụ thể đối với trường hợp người có hành vi tham nhũng bị phát hiện nhưng tài sản do người thân đứng tên, không giải trình rõ được nguồn gốc; có biện pháp cụ thể để thu hồi, thi hành án nộp ngân sách Nhà nước trong các vụ án tham nhũng). Có ý kiến đối với Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao về các kiến nghị mà Đoàn giám sát đã nêu trong Báo cáo số 1071/BC-HĐND ngày 02 tháng 12 năm 2022 của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh.
2. Đối với Ban Chỉ đạo PCTN, TC tỉnh: Chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, thanh tra đối với một số tổ chức, cá nhân có dư luận, phản ánh của cử tri, qua kết quả giám sát của các cơ quan dân cử, MTTQ, đoàn thể liên quan đến các sai sót do lỗi chủ quan trong quá điều tra, truy tố, xét xử.
3. Đối với UBND tỉnh và các Cơ quan tư pháp
Khẩn trương tổ chức thực hiện các giải pháp phù hợp để tháo gỡ, khắc phục những tồn tại và hạn chế, bất cập trong quản lý nhà nước về công tác PCTN, TC trong lĩnh vực tư pháp trên địa bàn tỉnh, đồng thời nghiên cứu, đề ra biện pháp cụ thể để giải quyết những nội dung đã nêu tại Báo cáo và các kết luận của Đoàn giám sát Hội đồng nhân dân tỉnh đề nghị đối với từng đơn vị được giám sát.
Rà soát, kiểm tra quá trình xử lý các vụ việc cụ thể do Đoàn giám sát nêu để rút kinh nghiệm và có giải pháp khắc phục, kiện toàn cơ chế theo dõi, chỉ đạo xử lý các vụ phức tạp liên quan đến lợi ích của nhiều người hoặc liên quan đến nhiều cơ quan, địa phương.
Phối hợp các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện có hiệu quả việc thu hồi tài sản sau tham nhũng, đặc biệt là thu lợi bất chính từ các hành vi vi phạm pháp luật. Tăng cường kiểm tra về chuyên môn, nghiệp vụ, nâng cao đạo đức, thi hành công vụ của Viện kiểm sát nhân dân hai cấp trên địa bàn tỉnh, kịp thời giải quyết các vụ việc dư luận xã hội, cơ quan dân cử đề nghị để thông tin kịp thời cho cử tri.
1. Công an tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Tòa án nhân dân tỉnh, Cục Thi hành án dân sự tỉnh và các cơ quan liên quan tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc có hiệu quả nghị quyết này, báo cáo Hội đồng nhân dân tỉnh vào kỳ hợp lệ giữa năm và cuối năm 2023 và theo yêu cầu của Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh.
2. Thường trực Hội đồng nhân dân, các Ban của Hội đồng nhân dân, Tổ đại biểu và đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh giám sát việc triển khai thực hiện nghị quyết.
3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh phối hợp giám sát việc thực hiện nghị quyết; chủ động kiến nghị đến Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh về các vấn đề có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trên địa bàn tỉnh để giải quyết theo thẩm quyền
Nghị quyết này đã được Hội đồng nhân dân tỉnh Long An khóa X, kỳ họp thứ 8 (kỳ họp lệ cuối năm 2022), thông qua ngày 10 tháng 12 năm 2022 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất thông qua./.
| CHỦ TỊCH |
[1] Công an tỉnh đã phát hiện, xử lý 01 vụ cán bộ Công an huyện có hành vi giả mạo chữ ký của thủ trưởng đơn vị, đã thi hành kỷ luật bằng hình thức “Tước danh hiệu CAND” và vụ việc đã được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tiến hành điều tra theo quy định của pháp luật và 01 trường hợp công chức Kiểm sát tiếp công dân không đúng quy định, đơn vị đã chấn chỉnh
[2] Thanh tra phát hiện 10 vụ, Công an xử lý tin báo tố giác tội phạm và kiến nghị khởi tố phát hiện 20 vụ.
[3] Vụ bà Nguyễn Thị Thông: bị ông Mai Văn Diên giả chữ ký ông Lý Thiếu Nhi để làm hồ sơ cớ mất, xin được cấp lại giấy CNQSDĐ và bà Nguyễn Thị Thông đã bị chiếm đất trái pháp luật nhưng đối tượng có liên quan không bị khởi tố theo quy định; Vụ Hợp tác xã Thạnh Phú có hành vi gian dối, mua bán hàng giả nhưng không bị khởi tố...
[4] Công an huyện Thạnh Hóa liên quan đến Vụ Hợp tác xã Thạnh Phú do ông Võ Văn Tiếp làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Giám đốc, cùng con gái là bà Võ Thu Mộng có hành vi gian dối, mua bán hàng giả; Công an huyện Đức Hòa liên quan đến “Tín dụng đen” vụ của bà Nguyễn Thị Cẩm Tú, địa chỉ: Ấp Bình Tiền 1, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa, Long An; ông Lê Văn Hải, địa chỉ: Ấp Nhơn Hòa 1, xã Đức Hòa Thượng, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.
[5] Công an, VKSND... huyện Thủ Thừa trong việc giải quyết vụ ông Nguyễn Văn Hùng tố giác bà Phùng Thị Cẩm Khanh - Cán bộ VKSND tỉnh cùng chồng là ông Nguyễn Thanh Tùng có hành vi cho vay lãi nặng; ngụy tạo chứng cứ để chiếm đoạt tài sản; Công an tỉnh trong việc xử lý vụ việc liên quan đến Công ty Đất Xanh, Hưng Thịnh- Cát Tường...
[6] Cục Thi hành án dân sự tỉnh quá trình giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo chưa đảm bảo trình tự thủ tục, chưa đảm bảo thời gian quy định.
[7] Tổng số tiền phải thi hành là: số tiền 4.584.985.000 đồng, trong đó: Thi hành xong số tiền 1.038.711.000 đồng (chiếm tỷ lệ 22,65%); Đang thi hành: số tiền 6.856.000 đồng (chiếm tỷ lệ 0,15%); Chưa có điều kiện thi hành: số tiền 3.539.418.000 đồng (chiếm tỷ lệ 77,2%).
[8] Công an tỉnh liên quan đến vụ việc của bà Nguyễn Thị Thông phản ánh thửa đất số 1046, tờ bản đồ số 7-1, diện tích 200m2, loại đất ONT, tọa lạc tại ấp Bình Tiền 1, xã Đức Hòa Hạ, huyện Đức Hòa do bà đứng tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã bị người lạ ngang nhiên vào xây cất nhà và kinh doanh buôn bán... kiến nghị cơ quan chức năng xem xét, giải quyết; Viện kiểm sát nhân dân liên quan đến đơn của Ông Nguyễn Văn Hùng tố giác bà Phùng Thị Cẩm Khanh, ông Nguyễn Thanh Tùng có hành vi cho vay lãi nặng; ngụy tạo chứng cứ để chiếm đoạt tài sản...
[9] Công an tỉnh và Sở Tài nguyên - Môi trường liên quan đến vụ việc của bà Lê Thị Đẹp tố cáo bà Diệp Thị Hiếu, Giám đốc Công ty TNHH khai thác khoáng sản Kim Cương có hành vi vi phạm Điều 227 Bộ luật hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 và các vụ việc liên quan đến khai thác hầm đất; các vấn đề liên quan đến giám định viên tư pháp các ngành; việc cung cấp chứng cứ của Văn phòng đăng ký đất đai cấp huyện đối với ngành tòa án; Công an và Viện kiểm sát liên quan đến các vụ việc “tín dụng đen”...
- 1Kế hoạch 153/KH-UBND năm 2023 thực hiện đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 do thành phố Hà Nội ban hành
- 2Quyết định 1065/QĐ-UBND năm 2023 về Bộ chỉ số và Tài liệu hướng dẫn đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị khác trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng năm 2022
- 3Kế hoạch 720/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 168/NQ-CP về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 do tỉnh Đắk Nông ban hành
- 1Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 2Bộ luật hình sự 2015
- 3Luật hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân 2015
- 4Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 5Kế hoạch 153/KH-UBND năm 2023 thực hiện đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng năm 2022 do thành phố Hà Nội ban hành
- 6Quyết định 1065/QĐ-UBND năm 2023 về Bộ chỉ số và Tài liệu hướng dẫn đánh giá công tác phòng, chống tham nhũng các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các quận, huyện và các cơ quan, đơn vị khác trực thuộc Ủy ban nhân dân thành phố Đà Nẵng năm 2022
- 7Kế hoạch 720/KH-UBND năm 2023 thực hiện Nghị quyết 168/NQ-CP về Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đến năm 2030 do tỉnh Đắk Nông ban hành
Nghị quyết 90/NQ-HĐND năm 2022 về kết quả giám sát chuyên đề về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong lĩnh vực tư pháp trên địa bàn tỉnh Long An
- Số hiệu: 90/NQ-HĐND
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 10/12/2022
- Nơi ban hành: Tỉnh Long An
- Người ký: Nguyễn Văn Được
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: 10/12/2022
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra