- 1Luật Thống kê 2003
- 2Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam
- 3Hiến pháp 2013
- 4Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 do Chính phủ ban hành
- 5Luật Công chứng 2014
CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 89/NQ-CP | Hà Nội, ngày 05 tháng 12 năm 2014 |
NGHỊ QUYẾT
PHIÊN HỌP CHÍNH PHỦ THƯỜNG KỲ THÁNG 11 NĂM 2014
CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Nghị định số 08/2012/NĐ-CP ngày 16 tháng 02 năm 2012 của Chính phủ ban hành Quy chế làm việc của Chính phủ;
Trên cơ sở thảo luận của các thành viên Chính phủ và kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp tháng 11 năm 2014, tổ chức ngày 01 tháng 12 năm 2014,
QUYẾT NGHỊ:
1. Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng năm 2014; tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014
Chính phủ thống nhất đánh giá: Tình hình kinh tế - xã hội tháng 11 và 11 tháng tiếp tục đạt kết quả tích cực trên các lĩnh vực. Kinh tế vĩ mô ổn định tốt hơn, lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng tăng ở mức thấp. Tăng trưởng tín dụng tiếp tục cải thiện; tỷ giá, thị trường ngoại hối ổn định. Xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng cao, trong đó xuất khẩu khu vực doanh nghiệp trong nước có tốc độ tăng cao hơn so với cùng kỳ. Sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo tăng cao. Sản xuất nông nghiệp đạt kết quả khá. Khách quốc tế đến Việt Nam tiếp tục tăng. Tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tăng cao. Giải ngân vốn ODA, vốn vay ưu đãi và vốn FDI thực hiện đạt khá. Tiến độ thu ngân sách nhà nước đạt cao và cơ bản hoàn thành kế hoạch đề ra. Hoạt động sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu khởi sắc. Nhiều vụ buôn lậu, gian lận thương mại, buôn bán trái phép ma túy đã được bắt giữ. Các lĩnh vực lao động, việc làm, y tế, thể thao, văn hóa... được quan tâm chỉ đạo. Các chính sách an sinh xã hội và phúc lợi xã hội được bảo đảm thực hiện. Công tác cải cách hành chính tiếp tục được đẩy mạnh. An ninh quốc phòng được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Công tác đối ngoại đạt nhiều kết quả quan trọng.
Bên cạnh những kết quả tích cực, tình hình kinh tế - xã hội còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn như: tình trạng buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại vẫn còn nhiều, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, làm méo mó thị trường; đời sống nhân dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng bị thiên tai còn nhiều khó khăn; các tệ nạn xã hội, tội phạm, tình hình cháy nổ, tình trạng cháy rừng và chặt phá rừng còn diễn ra phức tạp. Mặt khác, tình hình kinh tế thế giới và khu vực có nhiều bất ổn, giá dầu thô thế giới giảm mạnh và được dự báo tiếp tục xu hướng giảm từ nay đến cuối năm 2015 sẽ tác động tới phát triển kinh tế của nước ta.
Để hoàn thành các chỉ tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra năm 2014 với kết quả cao nhất, tạo tiền đề cho việc thực hiện các mục tiêu của năm 2015, Chính phủ yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tiếp tục tập trung thực hiện quyết liệt, đồng bộ, có hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra theo Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 02 tháng 01 năm 2014 và các Nghị quyết của phiên họp Chính phủ thường kỳ, khẩn trương triển khai thực hiện Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 8 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2015, trong đó tập trung thực hiện các nhiệm vụ chủ yếu sau:
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, phù hợp với các cân đối vĩ mô của nền kinh tế; nghiên cứu, xem xét tiếp tục điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay trung và dài hạn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng. Bảo đảm dự trữ ngoại tệ, đáp ứng kịp thời nhu cầu về ngoại tệ trong dịp cuối năm. Khẩn trương nghiên cứu, trình Chính phủ dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 53/2013/NĐ-CP ngày 18 tháng 5 năm 2013 để đổi mới cơ chế tài chính và nâng cao năng lực cho Công ty quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC). Kiên quyết tái cơ cấu hệ thống ngân hàng theo đúng quy định của pháp luật, bảo đảm công khai và minh bạch.
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư đôn đốc đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân các nguồn vốn đầu tư phát triển kế hoạch năm 2014, trong đó tiếp tục đẩy nhanh tiến độ giải ngân các dự án ODA, vốn vay ưu đãi và vốn FDI, phấn đấu hoàn thành kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ theo kế hoạch đề ra. Tăng cường thực hiện hiệu quả các giải pháp huy động mọi nguồn lực, khuyến khích đầu tư xã hội, góp phần tăng tổng cầu cho nền kinh tế. Đánh giá kết quả tình hình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình mục tiêu giai đoạn 2011-2015 và đề xuất số lượng Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016-2020, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
- Bộ Tài chính tập trung chỉ đạo công tác thu ngân sách nhà nước, phấn đấu vượt dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2014; đồng thời, nghiên cứu, tính toán phương án bảo đảm nguồn thu và cân đối ngân sách năm 2015 trong trường hợp giá dầu thô tiếp tục giảm; thực hiện đồng bộ các biện pháp chống thất thu thuế; xử lý nghiêm và công khai các hành vi trốn thuế, gian lận, chiếm đoạt thuế. Quản lý chặt chẽ, tiết kiệm chi ngân sách nhà nước, hạn chế tối đa việc bổ sung ngoài kế hoạch dự toán; công khai tình hình sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước chi cho đi công tác nước ngoài của các Bộ, cơ quan, địa phương. Tăng cường chỉ đạo công tác quản lý giá, thuế, phí, đặc biệt đối với những hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán. Phối hợp tích cực trong việc thực hiện công tác phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng kém chất lượng.
- Bộ Công Thương chỉ đạo đẩy mạnh tăng năng suất và chất lượng các sản phẩm có giá trị gia tăng cao, có giá trị kim ngạch xuất khẩu cao; bảo đảm cân đối cung - cầu hàng hóa, nhất là các mặt hàng thiết yếu phục vụ nhu cầu tiêu dùng cuối năm, không để xảy ra tình trạng khan hiếm hàng hóa và tăng giá đột biến; tăng cường kiểm tra chất lượng, hóa đơn chứng từ, nguồn gốc xuất xứ đối với hàng hóa; chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường xử lý nghiêm hành vi buôn bán hàng lậu, hàng giả, hàng không có xuất xứ rõ ràng; tích cực triển khai chương trình phát triển thị trường nội địa. Nghiên cứu, điều chỉnh kế hoạch khai thác dầu thô, bảo đảm hiệu quả kinh tế trong tình hình giá dầu thô giảm. Chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính xây dựng phương án điều chỉnh giá điện và giá khí trong bao tiêu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2014.
- Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương chủ động triển khai các phương án phòng, chống lụt, bão, hạn chế thiệt hại do thiên tai; tăng cường công tác nắm tình hình, kiểm tra phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan xây dựng dự thảo Nghị định của Chính phủ về chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài vào nông nghiệp, nông thôn. Chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan đề xuất việc thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp; rà soát, đẩy mạnh thực hiện chủ trương tái cơ cấu ngành lâm nghiệp gắn với giảm nghèo vùng đồng bào vùng dân tộc, miền núi.
- Bộ Giao thông vận tải tiếp tục thực hiện đồng bộ, quyết liệt các giải pháp đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, tập trung đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình giao thông trọng điểm; phối hợp với Bộ Công an, các địa phương chỉ đạo quyết liệt công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông, nhất là trong dịp lễ, Tết; triển khai các phương án bảo đảm phương tiện vận tải đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết. Phát động phong trào trong toàn ngành không vận chuyển hàng lậu, hàng cấm.
- Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt các chính sách lao động, việc làm, bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, nhất là chính sách đối với người có công với cách mạng và thân nhân người có công; tiếp tục triển khai việc giải quyết hồ sơ tồn đọng đối với người có công với cách mạng; tăng cường chỉ đạo thanh tra chuyên ngành kiểm tra, xử lý nghiêm các vi phạm pháp luật trong lĩnh vực người có công.
- Bộ Y tế chỉ đạo tăng cường công tác y tế dự phòng; tập trung triển khai thực hiện các giải pháp giảm tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối; phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan và các địa phương đẩy mạnh kiểm tra, thanh tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở chế biến, sản xuất, kinh doanh, nhất là trước và trong dịp Tết Nguyên đán.
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có kế hoạch, giải pháp cụ thể quản lý các hoạt động văn hóa, dịch vụ văn hóa, lễ hội; tôn vinh các giá trị đạo đức, văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc; chỉ đạo đẩy mạnh công tác xúc tiến, quảng bá, thúc đẩy các hoạt động du lịch; bảo đảm an ninh trật tự, vệ sinh môi trường, nếp sống văn minh tại các lễ hội, khu du lịch.
- Bộ Nội vụ và các Bộ, ngành, địa phương quán triệt thực hiện nghiêm chủ trương của Chính phủ không tăng thêm biên chế công chức, viên chức năm 2015, kể cả thành lập thêm tổ chức mới hoặc giao bổ sung nhiệm vụ mới (trừ trường hợp được cấp có thẩm quyền lập thêm trường học, bệnh viện, mà không tự cân đối được biên chế, Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp Bộ Giáo dục - Đào tạo, Bộ Y tế thẩm định trình Thủ tướng Chính phủ xem xét); chỉ tuyển dụng mới không quá 50% số biên chế nghỉ hưu và tinh giản, 50% còn lại trừ vào chỉ tiêu biên chế được cấp có thẩm quyền giao năm 2015. Chủ động phối hợp, đôn đốc các Bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh xây dựng Đề án xác định vị trí việc làm, tiêu chuẩn chức danh ngạch công chức chuyên ngành, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp để kịp thời ban hành đồng bộ, thống nhất. Khẩn trương đôn đốc các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thẩm định các hồ sơ đã được xác lập đề nghị phong tặng, truy tặng danh hiệu vinh dự Nhà nước "Bà mẹ Việt Nam anh hùng", tổng hợp trình Thủ tướng Chính phủ trong tháng 12 năm 2014.
- Bộ Công an chỉ đạo triển khai quyết liệt công tác đấu tranh, trấn áp tội phạm; phòng chống và kiểm soát ma túy; phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn kịp thời hoạt động gây mất trật tự an ninh, an toàn xã hội. Tăng cường kiểm tra công tác phòng chống cháy, nổ, nhất là tại các thành phố lớn, các khu tập trung đông dân cư. Phối hợp với các địa phương tuyên truyền, phổ biến, giáo dục, nâng cao ý thức tham gia giao thông của người dân, chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo đảm an toàn giao thông, kiên quyết giảm tai nạn giao thông trên cả ba tiêu chí. Tập trung điều tra, xử lý các đường dây buôn lậu, sản xuất hàng giả, các đầu nậu...
- Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan thông tấn báo chí thông tin kịp thời, chính xác các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, các giải pháp chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Các Bộ, cơ quan, địa phương chủ động cung cấp thông tin, giải trình đầy đủ, kịp thời những vấn đề dư luận quan tâm để tạo sự đồng thuận trong xã hội.
- Các Bộ, cơ quan, địa phương khẩn trương xây dựng các giải pháp chủ yếu điều hành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách nhà nước năm 2015 của các cấp, các ngành và địa phương mình; hoàn thiện báo cáo Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016-2020; triển khai xây dựng Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2016-2020.
- Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ tập trung chỉ đạo triển khai các Nghị quyết của Quốc hội khóa XIII kỳ họp thứ 8; giải quyết kiến nghị của cử tri, nghiêm túc thực hiện các nội dung đã cam kết trước Quốc hội; tập trung chỉ đạo xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các Luật, Pháp lệnh đã được Quốc hội thông qua, bảo đảm tiến độ, chất lượng và khả thi.
- Các Bộ, cơ quan, địa phương chỉ đạo triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ cải cách hành chính theo hướng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho Nhân dân và doanh nghiệp; đồng thời chấn chỉnh khâu tổ chức thực hiện, xử lý nghiêm khắc tình trạng cán bộ, công chức lợi dụng vị trí công việc gây phiền hà, sách nhiễu đối với Nhân dân và doanh nghiệp; thực hành tiết kiệm, hạn chế tối đa việc đi công tác nước ngoài bằng ngân sách nhà nước; chống lãng phí, chống buôn lậu, gian lận thương mại trên địa bàn; khẩn trương đề xuất danh mục các dữ liệu cơ bản liên quan đến người dân trong phạm vi quản lý nhà nước của cơ quan mình và gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để phục vụ việc xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê tổng hợp về dân số của Chính phủ.
2. Về việc hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần vào dịp nghỉ lễ, Tết năm 2015 đối với cán bộ, công chức, viên chức
Chính phủ thống nhất với đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc hoán đổi ngày nghỉ hằng tuần vào dịp nghỉ lễ, Tết năm 2015 đối với cán bộ, công chức, viên chức như sau:
- Thời gian nghỉ Tết Dương lịch: 04 ngày, từ ngày 01 đến hết ngày 4 tháng 01 năm 2015; đi làm bù vào ngày thứ Bảy 27 tháng 12 năm 2014.
- Thời gian nghỉ Tết Âm lịch: 09 ngày, từ ngày 15 đến hết ngày 23 tháng 02 năm 2015 (tức là từ ngày 27 tháng Chạp năm Giáp Ngọ đến hết ngày mùng 05 tháng Giêng năm Ất Mùi); đi làm bù vào ngày thứ Bảy 14 tháng 02 năm 2015.
- Thời gian nghỉ lễ Giỗ tổ Hùng Vương, Ngày chiến thắng 30 tháng 4 và Ngày quốc tế Lao động mùng 01 tháng 5: 06 ngày, từ ngày 28 tháng 4 đến hết ngày 03 tháng 5 năm 2015; đi làm bù vào ngày thứ Bảy 25 tháng 4 năm 2015.
Các cơ quan, đơn vị thực hiện lịch nghỉ như trên phải bố trí cán bộ, công chức, viên chức trực trong những ngày nghỉ để giải quyết công việc liên tục, phục vụ tốt nhu cầu của Nhân dân và tổ chức; quán triệt ngày làm bù phải làm việc nghiêm túc, hiệu quả.
Các cơ quan, đơn vị không thực hiện nghỉ cố định thứ Bảy và Chủ nhật hằng tuần, căn cứ vào chương trình, kế hoạch cụ thể của cơ quan, đơn vị để bố trí lịch nghỉ phù hợp, đúng pháp luật.
Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội thông báo cụ thể phương án hoán đổi ngày nghỉ, ngày đi làm bù các dịp nghỉ lễ, Tết năm 2015 của cán bộ, công chức, viên chức; thông tin tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng.
3. Về dự thảo Nghị quyết của Chính phủ tăng cường chỉ đạo công tác phòng, chống, kiểm soát và cai nghiện ma túy trong tình hình mới
Chính phủ nhất trí thông qua dự thảo Nghị quyết và giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, cơ quan, địa phương liên quan, hoàn thiện Nghị quyết, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành trong tháng 12 năm 2014.
4. Về định hướng xây dựng Luật ban hành quyết định hành chính
Dự án Luật ban hành quyết định hành chính là một dự án quan trọng, phức tạp, có phạm vi điều chỉnh rộng, liên quan đến quan hệ giữa cơ quan nhà nước với công dân trong việc thực thi pháp luật trên các lĩnh vực quản lý nhà nước. Việc nghiên cứu, soạn thảo dự án Luật này cần quán triệt các quan điểm: Thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng và các quy định của Hiến pháp năm 2013 về xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền cơ bản của công dân; tạo cơ chế kiểm soát việc ban hành quyết định hành chính nhằm bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, hợp lý, tính khả thi của quyết định hành chính; tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước trong việc ban hành và thực thi quyết định hành chính.
Việc xây dựng dự án Luật này phải hướng đến mục tiêu xác lập khuôn khổ pháp lý chung, thống nhất các trình tự, thủ tục, bảo đảm sự rõ ràng, minh bạch cho hoạt động của các cơ quan hành chính nhà nước phù hợp với yêu cầu cải cách hành chính theo hướng xây dựng nền hành chính trong sạch, hiệu lực, hiệu quả, có tính chuyên nghiệp cao; bảo đảm sự công bằng, công khai, góp phần tạo môi trường pháp lý lành mạnh, thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, nghiên cứu, soạn thảo dự án Luật bảo đảm chất lượng, khả thi và đúng tiến độ.
5. Về dự án Luật thống kê (sửa đổi)
Chính phủ cơ bản thống nhất với nội dung của dự án Luật thống kê (sửa đổi) do Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình. Theo đó, Tổng cục Thống kê quyết định, chịu trách nhiệm công bố Hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia, số liệu thống kê của quốc gia nhằm tăng cường tính độc lập, chịu trách nhiệm của cơ quan thống kê, bảo đảm chỉ tiêu thống kê, số liệu thống kê có độ chính xác cao, sát thực tế và phù hợp thông lệ quốc tế, phục vụ có hiệu quả công tác hoạch định, điều hành chính sách của Chính phủ.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Bộ Tư pháp, Văn phòng Chính phủ, các cơ quan liên quan, tiếp thu ý kiến các thành viên Chính phủ, chỉnh lý, hoàn thiện dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ quyết định trước khi trình Quốc hội dự án Luật này.
6. Về dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật công chứng
Chính phủ thống nhất với nội dung của dự thảo Nghị định do Bộ Tư pháp trình, trong đó cần lưu ý việc chuyển đổi Phòng công chứng thành Văn phòng công chứng phải bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của những người đang làm việc trong Phòng công chứng và phù hợp với điều kiện thực tiễn của từng địa phương.
Đối với việc thành lập Hiệp hội công chứng Việt Nam, cần thực hiện theo nguyên tắc tự quản, tự chịu trách nhiệm cả về cơ sở vật chất và biên chế.
Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Văn phòng Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu ý kiến thành viên Chính phủ, hoàn chỉnh dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật công chứng, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành./
Nơi nhận: | TM. CHÍNH PHỦ |
- 1Nghị quyết 64/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2014
- 2Nghị quyết 74/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2014
- 3Nghị quyết 79/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2014
- 4Nghị quyết 101/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2014 do Chính phủ ban hành
- 5Nghị quyết 04/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2015
- 6Nghị quyết 05/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2015
- 7Nghị quyết 33/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2015 do Chính phủ ban hành
- 1Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 2Luật Thống kê 2003
- 3Nghị định 08/2012/NĐ-CP về Quy chế làm việc của Chính phủ
- 4Nghị định 53/2013/NĐ-CP về thành lập, tổ chức và hoạt động của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam
- 5Hiến pháp 2013
- 6Nghị quyết 01/NQ-CP về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2014 do Chính phủ ban hành
- 7Luật Công chứng 2014
- 8Nghị quyết 64/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 8 năm 2014
- 9Nghị quyết 74/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9 năm 2014
- 10Nghị quyết 79/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10 năm 2014
- 11Nghị quyết 101/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 12 năm 2014 do Chính phủ ban hành
- 12Nghị quyết 04/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 1 năm 2015
- 13Nghị quyết 05/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 02 năm 2015
- 14Nghị quyết 33/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 năm 2015 do Chính phủ ban hành
Nghị quyết 89/NQ-CP về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2014
- Số hiệu: 89/NQ-CP
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 05/12/2014
- Nơi ban hành: Chính phủ
- Người ký: Nguyễn Tấn Bền
- Ngày công báo: 18/12/2014
- Số công báo: Từ số 1065 đến số 1066
- Ngày hiệu lực: 05/12/2014
- Tình trạng hiệu lực: Còn hiệu lực