Để sử dụng toàn bộ tiện ích nâng cao của Hệ Thống Pháp Luật vui lòng lựa chọn và đăng ký gói cước.
ỦY BAN THƯỜNG VỤ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Nghị quyết số: 886/NQ-UBTVQH12 | Hà Nội, ngày 10 tháng 02 năm 2010 |
NGHỊ QUYẾT
THÀNH LẬP ĐOÀN GIÁM SÁT “VIỆC THỰC HIỆN CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH TRONG MỘT SỐ LĨNH VỰC LIÊN QUAN TRỰC TIẾP ĐẾN CÔNG DÂN VÀ DOANH NGHIỆP THEO CHƯƠNG TRÌNH TỔNG THỂ CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH NHÀ NƯỚC GIAI ĐOẠN 2001 - 2010”
ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI
NƯỚC CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Căn cứ Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết số 51/2001/QH10;
Căn cứ Luật hoạt động giám sát của Quốc hội;
Căn cứ Nghị quyết số 39/2009/QH12 ngày 12 tháng 11 năm 2009 của Quốc hội về Chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2010;
Căn cứ Kế hoạch số 304/UBTVQH12 ngày 30 tháng 11 năm 2009 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về triển khai thực hiện Chương trình giám sát của Quốc hội và Ủy ban thường vụ Quốc hội năm 2010,
QUYẾT NGHỊ
Điều 1.
1. Thành lập Đoàn giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội để giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong một số lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp nhằm đánh giá việc chấp hành pháp luật về thủ tục hành chính trong các lĩnh vực này theo Kế hoạch giám sát được ban hành kèm theo Nghị quyết này (có danh sách thành viên kèm theo).
2. Đoàn giám sát có trách nhiệm thực hiện Kế hoạch giám sát, lập Đề cương giám sát, thành lập các Đoàn công tác; báo cáo kết quả giám sát với Ủy ban thường vụ Quốc hội sau khi kết thúc hoạt động giám sát; giúp Ủy ban thường vụ Quốc hội chuẩn bị báo cáo kết quả giám sát, dự thảo nghị quyết của Quốc hội để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10 năm 2010).
3. Đoàn giám sát mời đại diện một số cơ quan, tổ chức ở trung ương, một số chuyên gia của các cơ quan hữu quan, đại diện Đoàn đại biểu Quốc hội địa phương nơi Đoàn đến làm việc tham gia các hoạt động của Đoàn giám sát.
4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Đoàn giám sát thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của Luật hoạt động giám sát của Quốc hội.
Điều 2.
Giao Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương căn cứ vào Kế hoạch giám sát và Đề cương giám sát của Đoàn giám sát tiến hành giám sát việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính ở địa phương và gửi báo cáo kết quả giám sát cho Đoàn giám sát.
Điều 3.
1. Giao đồng chí Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng Đoàn giám sát, có trách nhiệm tổ chức, chỉ đạo hoạt động của Đoàn giám sát.
2. Các đồng chí Phó Trưởng Đoàn giám sát có trách nhiệm giúp đồng chí Trưởng Đoàn giám sát tổ chức hoạt động của Đoàn giám sát.
3. Thường trực Ủy ban pháp luật của Quốc hội có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan giúp Đoàn giám sát làm đầu mối tiếp nhận báo cáo, tài liệu do các địa phương, cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi cho Đoàn giám sát.
4. Đoàn giám sát được sử dụng dấu của Ủy ban thường vụ Quốc hội trong các hoạt động giám sát của Đoàn.
5. Văn phòng Quốc hội có trách nhiệm tổ chức phục vụ hoạt động của Đoàn giám sát.
Điều 4.
Đoàn giám sát, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Văn phòng Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, cơ quan, tổ chức ở trung ương và địa phương có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Nghị quyết này.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN THƯỜNG VỤ QUỐC HỘI |
Nghị quyết 886/NQ-UBTVQH12 năm 2010 thành lập đoàn giám sát “việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến công dân và doanh nghiệp theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001 - 2010” do Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành
- Số hiệu: 886/NQ-UBTVQH12
- Loại văn bản: Nghị quyết
- Ngày ban hành: 10/02/2010
- Nơi ban hành: Uỷ ban Thường vụ Quốc hội
- Người ký: Nguyễn Phú Trọng
- Ngày công báo: Đang cập nhật
- Số công báo: Dữ liệu đang cập nhật
- Ngày hiệu lực: Kiểm tra
- Tình trạng hiệu lực: Kiểm tra